Tình báo kinh tế - Cuộc chiến sôi động trên toàn cầu

Thứ Năm, 04/10/2018, 15:44
Hoạt động tình báo kinh tế đã phát triển rộng khắp trên thế giới từ vài thập niên gần đây. Theo đó, những công nghệ mới hoàn toàn có thể nhanh chóng rơi vào tay kẻ khác ngay sau khi được phát minh ra.

Dù các thủ đoạn khai thác thông tin hay biện pháp bảo vệ chống lấy cắp có thể thay đổi theo thời gian, nhưng nỗi khao khát nhanh chóng hưởng lợi từ công sức của người khác vẫn không bao giờ mất đi, mà ngược lại càng mạnh mẽ hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Vậy hoạt động tình báo kinh tế đã thay đổi như thế nào trong thời đại ngày nay?

Trung Quốc từng là một trong những nạn nhân đầu tiên của tình báo kinh tế với việc bị phương Tây lấy trộm bí quyết sản xuất đồ gốm sứ.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hiện đang kéo theo một loạt các quốc gia trên khắp thế giới vào vòng xoáy của nó, được bắt đầu với những lời buộc tội của Tổng thống Donald Trump nhằm vào Bắc Kinh. Trong đó đáng chú ý có nhắc tới tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ khiến cho nước Mỹ phải hứng chịu “những tổn thất kinh tế khổng lồ mà không ai có thể hình dung”.

Mới trước đó chừng một năm, một ủy ban điều tra đặc biệt của Chính phủ Mỹ đã nêu lên con số thiệt hại ước tính từ 225 cho đến 600 tỉ đôla mỗi năm. Phần lớn số này đều xuất phát từ Trung Quốc, nơi tuồn vào Mỹ tới 87% tổng số hàng nhái vi phạm bản quyền (riêng Hồng Công là 35%).

Theo các tác giả báo cáo, người Mỹ đã phải trả tiền cho các sản phẩm phi pháp được sản xuất bằng những công nghệ do chính họ sáng chế ra. Trong khi các công ty địa phương không nhận được một xu nào từ những phát minh này. Đó là chưa kể tới việc Mỹ đang phải đối đầu với nhiều cuộc tấn công mạng, không những chỉ để lấy cắp thông tin kinh tế giá trị mà còn phá hoại hoạt động của nhiều hệ thống thông tin quan trọng.

Từ gốm cho tới súng máy

Lịch sử của hoạt động tình báo kinh tế có khởi điểm từ thế kỷ XVIII (nếu như không tính đến nhân vật Prometheus trong thần thoại Hy Lạp, người được các nhà sử học gọi là gián điệp đầu tiên vì đã đánh cắp ngọn lửa của thần Zeus để trao cho nhân loại). Nạn nhân đầu tiên của tình báo kinh tế lại chính là Trung Quốc. Những nghệ nhân địa phương Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với kỹ thuật sản xuất gốm sứ, về sau đã bị tu sĩ người Pháp Francois Xavier d'Entrecolles lấy được và cung cấp bí quyết cho một số nước châu Âu.

Nhưng nước Anh vào thời gian đó mới thực sự là đối tượng hàng đầu của tình báo kinh tế. Các chuyên gia trên hòn đảo này đã biết cách nấu sắt bằng cách sử dụng than cốc thay cho than củi, sản xuất len nguyên liệu v.v… nhưng đáng kể nhất vẫn là những nghệ nhân sản xuất đồng hồ và may mặc. Những bí mật của họ được nhiều gián điệp giả danh là khách du lịch nhòm ngó.

Người Pháp có được thành công nhất trong những nỗ lực này với thủ đoạn lôi kéo các nghệ nhân Anh rời khỏi đất nước mình với những khoản đãi ngộ hào phóng. Nguy cơ này đã khiến cho London phải vội vàng thông qua một loạt các điều luật cấm công nhân xuất cảnh qua eo biển Manche. Những kẻ vi phạm theo đó có thể bị tịch thu toàn bộ nhà cửa, tài sản chưa kể phải nhận án tù khi quay trở về.

Nhân vật đáng chú ý nhất trong cuộc chiến tình báo kinh tế với Anh lại chính là John Walker, một công dân của chính đảo quốc này. Từ thời trẻ, Walker đã tham gia vào việc kinh doanh hàng dệt, nhưng do có dính líu tới một số âm mưu chính trị nên buộc phải chạy sang Pháp.

Loại máy bay siêu âm Concord.

Tại đây, ông ta đã thuyết phục được Chính phủ Pháp về nhu cầu khai thác bí mật về chiếc máy kéo sợi, đang giúp cho người Anh có thể sản xuất được vải với chi phí rẻ hơn nhiều. Cũng chính vào thời điểm đó, nhà phát minh James Hargreaves đã sáng chế ra chiếc máy kéo sợi Jenny nổi tiếng hiệu quả, có thể giúp giảm bớt số nhân công xuống 5 lần. Walker không gặp nhiều khó khăn trong việc bí mật chuyển một mẫu máy kéo sợi này cùng với nhóm thợ thành thạo trong thao tác máy qua cảng London để sang Pháp.

Dưới sự bảo trợ của Walker, nước Pháp xuất hiện một trung tâm dệt may mới tại Rouen với một loạt nhà máy được xây dựng (một trong số đó thuộc sở hữu của thương gia này). Nhờ công lao của Walker, người dân Pháp đã có được những sản phẩm may mặc với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Chính phủ Pháp cũng không quên ơn ông: Walker được phong danh hiệu quý tộc, trở thành một nhân vật có ảnh hưởng và còn kết bạn với đại sứ Mỹ Benjamin Franklin.

Ngay từ thế kỷ XIX, nhà tư bản công nghiệp Đức Alfred Krupp sau khi có được công nghệ đúc thép của người Anh (để có được bí quyết trên, ông ta đã đóng giả công nhân vào làm việc tại nhà máy thép trong nhiều tháng) đã rất quan tâm không chỉ đến lợi nhuận sản xuất, mà còn cả đến việc bảo vệ các bí mật của mình.

Với mục đích này, ông ta đã thuê một số nhân viên đặc biệt chuyên theo dõi các công nhân trong những nhà máy của mình, cũng như các mối quan hệ của họ với thế giới bên ngoài. “Trong nhà máy cần có những kẻ mật báo thứ hai để kiểm soát những người thứ nhất, cũng như những kẻ thứ ba để giám sát người thứ hai” – Krupp giải thích về biện pháp giám sát lẫn nhau của mình như vậy.

Mối lo ngại của một ông trùm tư bản như Krupp không phải là thừa. Mỗi một thương gia tầm cỡ vào thời điểm đó đều có trong tay của mình ít nhất một vài mật thám như vậy. Với môi trường cạnh tranh gay gắt khi đó, mục tiêu của các gián điệp kinh tế không chỉ nhằm lấy cắp bí mật của đối thủ, mà còn bằng mọi cách có thể gây tổn hại cho họ. Một trường hợp minh chứng điển hình nhất từng xảy ra tại Italy, trong buổi lễ giới thiệu loại súng máy nổi tiếng của nhà sáng chế người Anh Hiram Maxim.

Đại diện hãng sản xuất vũ khí Nordenfeldt của Thụy Điển là Basil Zaharoff, sau khi hiểu rằng sản phẩm của mình khó có thể cạnh tranh, bèn tìm cách tung tin đồn về sự kém tin cậy của loại súng trên. Đáp trả tin đồn trên, Maxim tự tin ra lệnh thả khẩu súng máy của mình xuống nước trong một ngày đêm. Ngày hôm sau khi kéo lên, khẩu súng gặp trục trặc liên tục khi bắn biểu diễn. Nguyên nhân hóa ra là Zaharoff đã thuê thợ lặn xuống cưa đầu kim hỏa của súng. Uy tín của súng máy Maxim bị tổn hại nghiêm trọng sau âm mưu phá hoại này.

Thành công của tình báo Đông Âu

Đến thế kỷ XX, nước Mỹ trở thành một trung tâm hoạt động của tình báo kinh tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có cả Liên Xô. Để sử dụng cho mục đích này, Moscow sử dụng Công ty Amtorg có trụ sở tại New York chuyên mua sắm các hàng hóa Mỹ có nhu cầu thiết yếu đối với Liên Xô. Các nhân viên của công ty này đồng thời cũng rất tích cực hoạt động tình báo, trong đó chủ yếu là tình báo kinh tế.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai cùng sự kiện chia đôi nước Đức, Liên Xô còn nhận được sự phối hợp giúp đỡ rất hiệu quả từ Cơ quan tình báo Đông Đức STASI. Từ giữa những năm 1950 và cho tới năm 1966, cơ quan này đã triển khai chiến dịch có mật danh “Brunhilda” với sự tham gia của nhiều điệp viên trong phe XHCN. Chiến dịch còn lôi kéo được sự tham gia của nhà hóa học Thụy Sĩ Jean Paul Super, người còn hoạt động bí mật cho cơ quan tình báo Bỉ.

Theo lời khai của nhân vật này trước tòa sau khi bị bắt, các điệp viên Liên Xô - Đức trong khuôn khổ chiến dịch trên đã lấy cắp được các bản vẽ của loại máy bay siêu thanh Concord và những dữ liệu quan trọng của Hãng Kodak. Nhờ đó, Liên Xô đã chế tạo ra phiên bản máy bay TU-144 gần như giống hệt chiếc Concord.

Nhân đà thành công, Moscow thông qua một công dân Đức có tên Richard Muller đã gây dựng tại châu Âu cả một đế chế kinh doanh có tên CTC, trong đó bao gồm gần 20 công ty lớn nhỏ chuyên kinh doanh mua những công nghệ và trang bị quan trọng cho Liên Xô, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực vi điện tử.

Đến những năm 1980, mặt trận tình báo kinh tế trở nên đặc biệt sôi động với sự tham gia của nhiều “tay chơi” mới như Pháp và các quốc gia châu Á. Như Hãng Apple suốt một thời gian dài phải tranh đấu với các công ty Đài Loan chuyên nhái các sản phẩm máy tính của họ và tung ra thị trường với giá rẻ gấp 3 lần.

Còn phải kể đến một loạt vụ khác: Hãng Groupe Bull của Pháp (chuyên sản xuất máy tính và các thiết bị điện tử) bị nghi ngờ lấy trộm công nghệ của IBM, Hãng Volkswagen lấy trộm của Opel (cũng là hãng đầu tiên nhận tội và trả tiền bồi hoàn), General Motorssao chép bí mật của Ford v.v… Điều đáng chú ý là hoạt động tình báo kinh tế trong một thời gian dài vẫn được coi là hoàn toàn hợp pháp tại nhiều quốc gia. Ngay như Mỹ mãi tới năm 1996 mới ban hành một đạo luật ngăn cấm chuyện này.

Đa dạng thủ đoạn khai thác

Vào thời đại ngày nay, những ranh giới của tình báo công nghiệp đã được xóa nhòa nhanh chóng với xu hướng thu thập thông tin cần thiết từ các nguồn mở, trong đó có cả việc mua lại những mẫu sản phẩm chế tạo sẵn. Điều này dẫn tới việc nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác nhau – từ ôtô cho tới điện thoại – khó có thể xác định được sự khác biệt, khiến cho các cơ quan trọng tài phán xử cũng rất khó tìm ra bằng chứng vi phạm.

Có nhiều phương pháp khác nhau nhưng hoàn toàn hợp pháp để có thể nhận được những công nghệ quý giá – chẳng hạn như mua ngay cả người sở hữu chúng. Nói đơn giản hơn đó là việc thâu tóm các nhà khởi nghiệp (startup) có triển vọng.

Năm 2017, nhà khổng lồ Google đã sử dụng chiến thuật này khi mua lại Công ty AIMatter của Belarus, khi đó đang sở hữu công nghệ xử lý video trên điện thoại di động. Nhưng các thương gia Trung Quốc mới là những kẻ thâu tóm đáng nể - chỉ trong vòng có 10 năm gần đây họ đã mua hàng loạt cổ phần lớn tại 670 công ty khác nhau trên khắp châu Âu.

Ngay tại Mỹ vào năm 2005, Trung Quốc đã thu hút sự chú ý đặc biệt với việc Tập đoàn Lenovo mua lại phân khúc sản xuất máy tính của ông lớn IBM. Thương vụ này đã gây rất nhiều tranh cãi, khi các nghị sĩ và quan chức Mỹ lo ngại Bắc Kinh sẽ có được những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Dù các biện pháp kiểm tra rà soát được Chính phủ Mỹ triển khai kéo dài trong suốt nhiều tháng, nhưng thương vụ cuối cùng vẫn được phê chuẩn.

Chưa hết, chỉ 10 năm sau, Lenovo lại thâu tóm tiếp bộ phận sản xuất máy chủ của IBM. Nhờ thương vụ trên, Lenovo đúng 10 năm sau đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về sản xuất máy tính cá nhân với thị phần 20% và doanh thu tăng gấp 13 lần đạt 39 tỉ USD.

Người Trung Quốc còn có một phương pháp đáng chú ý nữa để có thể lấy được những thông tin cần thiết. Chính sách của quốc gia này ngày càng cởi mở hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên theo quy định tại địa phương, các hãng công nghệ chỉ có thể đặt chân vào thị trường nội địa tại đây qua việc thành lập xí nghiệp liên doanh với một đối tác tại Trung Quốc.

Những xí nghiệp này buộc phải cam kết chuyển giao cho chính quyền những kết quả nghiên cứu tiên tiến của mình. Nhiều công ty nước ngoài đã buộc phải chấp nhận chuyện này do không thể cưỡng lại mong muốn tiếp cận một thị trường tiêu thụ khổng lồ tại Trung Quốc. Đã có một số đối tác nộp đơn kiện về chuyện này lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhưng cũng chẳng có kết quả gì.

Ngay từ những năm 1980, Bắc Kinh đã triển khai cái gọi là “Chương trình 863” của chính phủ với việc thành lập các trung tâm chuyên nghiên cứu những công nghệ của nước ngoài. Các kỹ sư Trung Quốc không sao chép một cách mù quáng công nghệ của người khác mà nghiên cứu kỹ bí quyết hay các thiết kế, đồng thời cử các sinh viên xuất sắc của mình đi thực tập tại những nơi phát minh ra công nghệ trên.

Còn phải kể tới một thủ đoạn đang trở nên rất phổ biến nữa, nhất vào thời điểm thế giới đang bước vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Mỗi năm gần đây đều ghi nhận hàng chục cuộc tấn công của các hacker được khẳng định có nguồn gốc từ Trung Quốc nhằm vào các công ty công nghệ cao của Mỹ nhằm lấy cắp các bí mật kinh tế, khoa học quan trọng.

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.