Tranh cãi xung quanh vụ “điệp viên” Paul Whelan
Quá khứ không trong sạch
Năm nay 49 tuổi (sinh năm 1970), Paul Whelan hiện tại mang đến 4 quốc tịch gồm Canada, Mỹ, Anh và Ireland. Bởi ông ta sinh ra tại Ottawa, Canada, có bố mẹ là người Anh và Ireland, nhưng lớn lên và học hành tại bang Michigan, Mỹ. Vì vậy, trong vụ việc ông ta bị bắt giữ tại Nga, không chỉ giới chức Mỹ mà cả Canada và Anh cũng đều lên tiếng bênh vực cho công dân mình.
Theo lời gia đình, Paul Whelan không có vợ con, sống cuộc sống không cố định, khi thì ở Ontario, Canada, lúc thì ở Mỹ, hoặc nay đây mai đó. Paul Whelan từng đi lính thủy quân lục chiến, tham chiến tại Iraq, sau khi xuất ngũ làm việc cho một công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ an ninh.
Công dân Mỹ Paul Whelan. |
Theo hồ sơ lưu trữ tại Mỹ và Canada, Whelan từng là một sĩ quan cảnh sát tại thành phố Chelsea, bang Michigan trong giai đoạn từ năm 1988 đến năm 2000, đồng thời cũng từng làm việc cho Sở Cảnh sát quận Washtenaw, bang Michigan. Năm 2001, Whelan bỏ sở cảnh sát để làm việc cho công ty Kelly Services có trụ sở tại thành phố Troy, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn an ninh, cung cấp vệ sĩ, và tư vấn giải pháp về nhân sự lao động cho doanh nghiệp. Tại công ty này, Whelan là một trong những giám đốc cao cấp chuyên về mảng điều tra và an ninh toàn cầu.
Để gia nhập quân ngũ, Whelan xin nghỉ phép để phục vụ quân đội trong 5 năm (2003-2008) tại công ty Kelly Servies. Hồ sơ quân chủng thủy quân lục chiến Mỹ công bố hôm 7-1-2019 cho biết Whelan gia nhập lực lượng Quân dự bị thủy quân lục chiến vào tháng 5-1994 và được thăng hàm Thượng sĩ vào tháng 12-2004. Tuy là quân nhân dự bị, nhưng công việc của Whelan chủ yếu là làm thư ký và quản trị văn phòng. Ông ta từng được triển khai tham chiến tại Iraq trong các năm 2004 và 2006.
Tuy nhiên, trong thời gian tại ngũ, Whelan từng vi phạm pháp luật và bị tòa án quân sự kết tội trộm cắp và đưa ra xét xử vào tháng 1-2008. Theo cáo trạng, Whelan đã lấy trộm chi phiếu và sử dụng số sổ bảo hiểm xã hội của người khác để trục lợi. Với hành vi trộm cắp vặt này, Whelan bị trục xuất ra khỏi quân ngũ vào tháng 12-2008. Trước đó, theo hồ sơ Tòa án quận Novi, Whelan cũng từng có dính líu đến một vụ quỵt tiền thuê phòng trọ. Năm 2011, Whelan lại bị kiện cáo vì vay nợ không trả, với số tiền lên đến hàng nghìn USD.
Sau khi bị trục xuất, Whelan trở lại với công việc tại công ty Kelly Services. Đến năm 2017, ông ta chuyển sang làm việc cho công ty BorgWarner. Công việc của Whelan tại công ty này là giám sát, đảm bảo an ninh cho các tòa nhà, cơ sở do công ty và người của công ty làm chủ sở hữu. Đến thời điểm bị bắt vào cuối năm 2018, Whelan giữ chức giám đốc cao cấp phụ trách mảng điều tra an ninh của BorgWarner.
Trong thời gian tham chiến tại Iraq, Whelan tham gia vào một nhóm quân nhân có tên gọi là Lamplighters Club bao gồm những người có cùng sở thích hút xì-gà. Đồng thời, ông ta cũng tham gia một chương trình có tên gọi là “Chương trình Nghỉ phép phục hồi sức khỏe”.
Chương trình này cho phép các quân nhân triển khai tại Iraq từ một năm trở lên được nghỉ phép 15 ngày để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe như mong muốn. Mọi chi phí cho việc đi lại trong kỳ nghỉ phép do quân đội đài thọ. Hầu hết các quân nhân đều chọn trở về quê thăm gia đình trong kỳ nghỉ phép 15 ngày này, nhưng một số người lại đi đến những nơi khác để giải trí. Whelan không có gia đình vợ con nên ông ta không về nhà, mà dành thời gian 15 ngày phép đó để đến Nga. Đây có thể được xem là cột mốc đầu tiên Whelan đặt chân đến Nga, và dường như ông ta đã có một kế hoạch nào đó đối với nước Nga.
Quan tâm đến nước Nga…
Các thông tin về hoạt động đáng ngờ của Whelan tại nhiều địa phương khác nhau ở Nga đã được báo chí Nga và quốc tế đăng tải. Cụ thể, theo các tài liệu công bố trên tờ Detroit Free Press, trong nhiều năm liền kể từ năm 2004, Whelan đã dành thời gian lui tới nước Nga nhiều lần, đi đến nhiều nơi trên khắp đất nước Nga để tìm người kết bạn, xây dựng các mối quan hệ “bạn bè”. Giai đoạn đầu, các mối quan hệ được Whelan xây dựng từ những cuộc gặp tình cờ trong các quán rượu, nhà hàng ăn uống.
Công dân Nga Maria Butina bị Mỹ bắt với tội gián điệp. |
Đến giai đoạn sau này, khi Internet phát triển vượt bậc, mạng xã hội ra đời thì các mối quan hệ chủ yếu hình thành qua mạng xã hội Facebook hoặc mạng xã hội của riêng người Nga có tên gọi là Vkontakte. Ấn tượng Whelan tạo nên trong mắt những người bạn Nga là ông là một “người Mỹ tử tế”, quan tâm đến nước Nga và muốn kết bạn với người Nga. Một số người kết bạn với Whelan cho biết, họ gặp ông ta trên mạng Internet từ năm 2006, và ngay sau đó trở thành bạn bè, cùng nhau trau dồi ngoại ngữ (tiếng Anh và Nga).
Bên cạnh đó, Whelan cũng có những hoạt động khác khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi. Chẳng hạn, nhân dịp lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Trump đầu năm 2017, trên mạng xã hội Vkontakte, Whelan đã đăng hình ảnh kèm dòng bình luận “Chúa phù hộ Tổng thống Trump”. Trước đó, Whelan đã nhiều lần đưa hình ảnh mặc áo phông lưu niệm của câu lạc bộ bóng đá Spartak Moscow lên mạng xã hội Vkontakte để thu hút “những người bạn Nga”.
Tháng 3-2014, đúng dịp bán đảo Crimea quay trở về với nước Nga, Whelan đưa câu bình luận về bán đảo Alaska (xưa kia thuộc Nga) khiến mọi người giật mình. Tháng 8 cùng năm, một hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy Whelan tham dự một hội nghị về an ninh do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức.
Thông tin trên báo chí cho biết Paul Whelan bị bắt tại Moscow vào ngày 28-12-2018 và hiện đang được giam giữ tại Trung tâm giam giữ phạm nhân Lefortovo ở Moscow. Gia đình Whelan ở Canada thông báo, ông ta bị bắt khi đang thực hiện chuyến “thăm” nước Nga 2 tuần, nhân tiện giúp một người bạn tổ chức đám cưới ở Moscow. Whelan bị cơ quan tình báo đối nội FSB của Nga cáo buộc tội gián điệp và không đưa ra chi tiết gì thêm.
Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, có lẽ Whelan bị bắt do những hoạt động của ông ta tại nước Nga thời gian gần đây đã tạo nên những manh mối đáng ngờ gây chú ý cho an ninh Nga, đến mức FSB phải quan tâm theo dõi.
…và những dấu hiệu đáng ngờ
Phân tích kỹ, giới chuyên môn chỉ ra rằng Whelan đã có các hoạt động thu thập bạn bè, xây dựng các mối quan hệ thông qua mạng xã hội rất đáng ngờ. Hầu hết các mối quan hệ đó là nam giới, nhiều người có ít nhất mối liên hệ nào đó với quân đội Nga. Đồng thời, ông ta đã dùng những thông tin thiếu chính xác về bản thân để giới thiệu khi kết bạn trên mạng xã hội Nga. Theo cơ quan điều tra, cho đến thời điểm bị bắt, Whelan đã kết bạn 58 người, trong đó 54 người là đàn ông.
Mạng xã hội VKontakte của Nga, nơi Whelan đã kết bạn với hàng chục người Nga. |
Nhiều người trong số này từng đi học các trường đại học có liên quan chuyên ngành quân sự, hàng không dân dụng hay kỹ thuật, công nghệ. Một số người có cùng sở thích về thể thao, súng đạn. Các nhân chứng từng kết bạn với Whelan cho biết, sau khi kết bạn ít lâu thì Whelan hẹn gặp trực tiếp. Năm 2008, một số người trong nhóm kết bạn với Whelan đã đi gặp ông ta.
Việc Whelan bị bắt và cáo buộc tội làm gián điệp đang gây nên làn sóng ngoại giao ở phương Tây. Các cơ quan và quan chức ngoại giao Mỹ, Anh, Canada đã liên tục đến nhà giam Lefortovo và được tạo điều kiện để gặp mặt Whelan. Bộ Ngoại giao các nước này cũng liên tục tạo sức ép với hy vọng Nga “xem xét lại” việc bắt giữ Whelan.
Một cuộc tranh cãi xung quanh vụ việc này cũng đang diễn ra. Gia đình Whelan đương nhiên luôn khẳng định ông ta vô tội. Một người bạn quen biết với Whelan qua mạng xã hội Vkontakte cho rằng vụ bắt người có thể là một sự nhầm lẫn, không tin Whelan là điệp viên. Theo anh này, một điệp viên không hành động lộ liễu như vậy. Anh này khoe Whelan đã cho anh ta địa chỉ nơi ở và trao đổi thiệp Giáng sinh. Như vậy, chắc hẳn anh ta không phải là điệp viên?
Cựu sĩ quan tình báo CIA John Sipher cũng bày tỏ nghi ngờ việc Whelan là điệp viên. Sipher cho rằng, lý lịch không tốt trong thời gian tham gia quân ngũ của Whelan là rào cản lớn khiến các cơ quan tình báo không đời nào chịu tuyển dụng ông ta. Những người khác thì cho rằng CIA sẽ không đời nào sử dụng người không có vỏ bọc ngoại giao bảo vệ để đưa vào hoạt động ở Nga, vì rủi ro và nguy cơ bị bắt là rất cao. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa Whelan không thể và không phải là điệp viên.
Theo truyền thông Nga, ngoài những hoạt động đáng ngờ nêu trên, Whelan còn có những cuộc hẹn bí mật khiến cho tình báo Nga nghi ngờ rằng ông ta chính là gián điệp của CIA và đang thực thi một nhiệm vụ nào đó trên đất Nga. Theo hãng tin Rosbalt của Nga, Whelan bị an ninh Nga ập vào bắt giữ tại một phòng nghỉ trong khách sạn cao cấp Metropol ở Moscow.
Ông này bị bắt quả tang khi đang hẹn gặp một công dân Nga và người này đang trao cho ông ta một thiết bị lưu trữ di động USB bên trong chứa một “danh sách tất cả nhân viên tại một cơ quan an ninh mật”. Hiện cuộc điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của Whelan đang được FSB tiến hành khẩn trương. Theo pháp luật chống gián điệp của Nga, nếu có đủ chứng cứ buộc tội, Whelan có thể sẽ phải ngồi tù tại Nga đến 20 năm.
Vụ việc bắt giữ Whelan xảy ra không lâu (khoảng 6 tháng) sau khi nữ công dân Nga Maria Butina bị FBI của Mỹ bắt giữ cũng với cáo buộc gián điệp. Sau thời gian điều tra, thẩm vấn và xét hỏi tại tòa án, ngày 13-12-2018, phía Mỹ thông báo bà Butina đã đồng ý nhận tội gián điệp theo một thỏa thuận nhận tội tại tòa án. Từ đó, dư luận phương Tây đồn ầm lên rằng, việc an ninh Nga bắt giữ Whelan là nhằm mục đích trao đổi điệp viên, cụ thể là Whelan có thể được sử dụng như một quân cờ thay thế nhằm trao đổi với bà Butina.
Tuy nhiên, luận điệu này ngay lập tức đã bị phía Nga bác bỏ. Truyền thông Nga ngày 5-1 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng hãy còn quá sớm để nói đến việc trao đổi điệp viên giữa Whelan và Butina, do trên thực tế Whelan vẫn đang bị điều tra và chưa chính thức kết tội.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phát biểu trên truyền thông rằng sẽ không có chuyện nước Nga bắt công dân Mỹ, Anh để trao đổi điệp viên, bởi không có cơ sở nào để xác định bà Butina hiện đang bị giam giữ tại Mỹ làm gián điệp cho tình báo Nga. Điều này đã từng được Điện Kremlin khẳng định sau khi có thông tin bà Butina bị bắt tại Mỹ.