Trùm mật thám Phát xít Đức được chôn chung với các nạn nhân Do Thái

Thứ Sáu, 30/06/2017, 19:20
Một nguồn tin gây chấn động cộng đồng Do Thái quốc tế trong những ngày vừa qua, khi nhật báo Bild bán chạy nhất nước Đức đăng tải nguồn tin, rằng trùm mật thám của đế chế đệ tam đã được chôn trong một nấm mồ chung dành cho người Do Thái.

Theo giáo sư Johannes Tuchel, giảng viên Khoa Chính trị và Xã hội thuộc Trường đại học Tổng hợp Berlin, đồng thời là Giám đốc hệ thống đài tưởng niệm lực lượng kháng chiến quân thời Thế chiến II trên toàn nước Đức, thì viên sếp của Cơ quan Mật vụ phát xít Đức (Gestapo) Heinrich Muller thực ra không "sống sót" như thiên hạ vẫn đồn thổi lâu nay, mà đã thiệt mang ngay sau khi Thế chiến II kết thúc trong tháng 8-1945, rồi được chôn tại khu nghĩa địa của người Do Thái gần một sân bay quân sự dã chiến thuộc ngoại vi thủ đô Berlin, nay là khu tưởng niệm các nhạn nhân của sự diệt chủng (Holocaust) dưới thời Đức quốc xã.

GS J. Tuchel khẳng định điều mình khám phá hoàn toàn đúng sự thật.

Cụ thể trong quá trình sưu tầm tài liệu phục vụ cho công trình nghiên cứu khoa học về nạn Holocaust hủy diệt sắc dân Do Thái, do trùm phát xít Adolf Hitler và thuộc hạ của hắn thực hiện triệt để trên đất Đức cũng như các vùng lãnh thổ châu Âu bị chiếm đóng trong Thế chiến II, giáo sư J. Tuchel đã tiếp cận được hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Tình báo Tây Đức (BND). Theo đó, vào khoảng giữa tháng 8-1945 xác chết của H. Muller được phát hiện hết sức tình cờ tại một khu vực do quân Đồng minh kiểm soát ở Tây Berlin.

Thi thể của tên trùm Gestapo vẫn mặc quân phục tướng Hiến binh phát xít (SS), còn trong túi áo bên ngực trái là giấy tờ kèm ảnh sĩ quan quốc xã minh chứng nhân thân của hắn. Sự việc đã được báo cáo lên cấp chỉ huy quân Đồng minh trong vùng, rồi nhóm binh sĩ thực hiện việc quy tập xác chết vương vãi nhận được lệnh cứ tiến hành theo quy định chung, nghĩa là thi thể tìm được ở đâu thì đem chôn tại nghĩa trang gần đó.

"Có thể do tình hình hỗn độn sau khi tiếng súng vừa chấm dứt, nên người ta phải vội vàng chôn cất những người đã thiệt mạng để đề phòng dịch bệnh bùng phát - giáo sư J. Tuchel nhận định - trớ trêu thay một kẻ đã từng tham gia Hội nghị Wannsee trong năm 1942, khởi xướng kế hoạch diệt chủng Holocaust của bè lũ quốc xã lại được chôn cùng với các nạn nhân của hắn".

Bản tin đăng trên web của nhật báo Bild.

"Nhưng đáng tiếc là số hồ sơ về H. Muller đã bị thất lạc trong quá trình BND chuyển trụ sở từ Bonn về Berlin sau khi nước Đức tái thống nhất, do vậy tuy đã hết thời gian bảo mật nhưng BND vẫn không thể công bố tài liệu lưu trữ về H. Muller vì thiếu hồ sơ đầy đủ", Giáo sư J. Tuchel cho biết. Đồng thời ông cũng giải thích rõ là khu tưởng niệm các nạn nhân Do Thái chính là nghĩa trang của người Đức gốc Do Thái trước Thế chiến II, bị bè lũ quốc xã san phẳng sau khi lên tiếm quyền rồi dồn các hài cốt thành một nấm mồ chung.

Còn lịch sử chính thức về Thế chiến II ghi nhận H. Muller là nhân vật cao cấp duy nhất của đế chế đệ tam không bị bắt giữ, cũng như chưa được xác nhận còn sống hay đã chết nên trường hợp này được liệt vào dạng là một trong những điều bí ẩn nhất của thế kỷ XX. Do vậy suốt 7 thập niên qua vẫn âm ỉ tin đồn về số phận của trùm mật vụ khét tiếng này. Song song tồn tại các giả thuyết khác nhau rằng H. Muller đã kịp đào tẩu sang Nam Phi hoặc Nam Mỹ trước khi chiến tranh chấm dứt.

Thậm chí có người còn tin là hắn đã cùng trùm phát xít Hitler trốn bằng tàu ngầm lên Bắc Cực ẩn náu "chờ thời"; hay đổi danh xưng trở thành Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Stasi H. Mueller của Đông Đức(?!)...

Chứng minh thư sĩ quan SS của H. Muller.

Riêng trường hợp một thuộc cấp trực tiếp của H. Muller là viên trung tá SS Adolf Eichmann, kẻ từng được mệnh danh là "kiến trúc sư của Holocaust" đã đào thoát sang Argentina sống dưới một cái tên giả, rồi bị Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) phát hiện và bắt giữ trong năm 1960.

Tới năm 1962 A. Eichmann bị Tòa án Israel kết án treo cổ về tội ác chống lại loài người, cũng là trường hợp hy hữu lĩnh án tử hình bằng hình thức treo cổ trong lịch sử tư pháp dân sự ở Israel.

Kim Dung (tổng hợp)
.
.