Từ anh hùng trở thành kẻ phản quốc

Thứ Sáu, 15/12/2006, 15:00

Nửa đầu thế kỷ XX, ở Pháp, Nguyên soái Petain có một vai trò vô cùng đặc biệt. Ông đã trở nên nổi tiếng qua trận huyết chiến Verdun với quân Đức trong Đại chiến thế giới thứ I. Thế nhưng đến Thế chiến thứ II, ông lại có tư tưởng đầu hàng, chủ động chạy theo Hitler, trở thành nhà lãnh đạo bù nhìn khét tiếng của Pháp.

Henry Phillipe Petain sinh ngày 29/4/1856, trong một gia đình nông dân nghèo khó ở phía bắc nước Pháp. Năm 1871, nước Pháp thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh Pháp - Phổ, cảm giác nhục nhã bao trùm khắp đất nước này, chính điều đó đã khiến chàng trai Petain trẻ tuổi lập chí trở thành một quân nhân.

Năm 1875, Petain thi đậu vào Trường quân sự Saint-Cyr. Với ý chí quật cường và niềm tin mãnh liệt, sau khi tốt nghiệp Petain đã nhanh chóng thể hiện được bản thân và được đề bạt làm huấn luyện viên trong trường bắn súng quốc gia. Thế nhưng, Petain lại ra sức ủng hộ chiến lược phòng thủ, trong khi đó tư tưởng của người Pháp thiên về tấn công, thế nên ông mãi không được trọng dụng.

Đại chiến thế giới thứ I nổ ra đã mang lại cơ hội để ông thể hiện tài thao lược của bản thân. Năm 1916, trong chiến dịch Verdun, Petain đã đề ra khẩu hiệu phòng ngự nổi tiếng: “Không cho bọn chúng qua”. Ông đã dẫn đầu lực lượng quân đội Pháp kiên cường chiến đấu suốt mấy tháng liền và đã ngăn cản thành công quân Đức tấn công vào Pháp. Cuộc chiến bảo vệ thành Verdun đã chứng minh tư tưởng chiến lược phòng ngự của Petain, và qua đó cái tên của ông đã được nhắc tới như “Vị cứu tinh của nước Pháp”, đồng thời ông được đề bạt lên làm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp.

Ngày 19/11/1918, với những chiến công xuất sắc trong cuộc chiến bảo vệ nước Pháp, Petain được phong quân hàm Nguyên soái quân đội. Trong khoảng thời gian hòa bình giữa hai cuộc đại chiến thế giới, Petain từng giữ chức Tổng giám Lục quân Pháp và đưa quân đi trấn áp cuộc khởi nghĩa đòi độc lập ở Monaco năm 1925. Năm 1934, Petain được đề bạt lên làm Bộ trưởng Lục quân Pháp. Trong thời gian này, ông sai lầm về đường lối quân sự khi ra sức chạy theo đường lối chiến lược phòng ngự tiêu cực, rồi lập nên Phòng tuyến Rest.

Tháng 5/1940, quân Đức tràn vào nước Pháp, lúc này Petain đang làm Đại sứ Pháp tại Tây Ban Nha được triệu hồi khẩn cấp về nước, vào ngày 16/6. Cùng năm, ông được đưa lên làm Thủ tướng nội các lâm thời Pháp. Cả nước Pháp đặt hết hy vọng vào vị cứu tinh trong chiến dịch Verdun có thể cứu nước Pháp một lần nữa. Thế nhưng, chỉ ngay ngày thứ 2 sau khi nhậm chức, Petain đã đề xuất yêu cầu đình chiến với quân Đức thông qua Đại sứ Tây Ban Nha tại Pháp.

Ngày 25/6, được sự ủy quyền của Petain, đại diện phía Pháp là tướng Charles Hengcige đã ký kết hiệp định đình chiến với Nguyên soái Keitel của Đức, địa điểm lại được chọn ở khu rừng rậm Compiegne - đông bắc nước Pháp trong một toa tàu mà quân đội Đức đã ký hiệp định đầu hàng khi Đại chiến thế giới thứ I kết thúc. Điều kiện của Đức đưa ra là Pháp ép phải nhượng lại 1/3 lãnh thổ bao gồm cả Paris cho Đức; mỗi ngày Chính phủ Pháp phải trả 300 triệu frăng tiền phí đóng quân cho quân Đức; Không quân, Lục quân Pháp không được vượt quá 100.000 người; Chính phủ Pháp phải giữ chính sách nhất quán với Đức trên các mặt chính trị, quân sự và ngoại giao.

Sau khi ký kết “Hiệp định đình chiến”, Petain thành lập chính quyền bù nhìn thân Hitler, và nhậm chức Quốc trưởng chính phủ thân Hitler, đi theo đường lối chính trị độc tài. Ngày 24/10, Petain đến thị trấn Montova cách thủ đô Paris hơn 100 km để thăm Hitler. 6 giờ tối cùng ngày, dưới sự hộ tống của Tư lệnh quân đội Đức Keitel, Petain tới nơi nghỉ ngơi của Hitler. Vừa tới nơi, Hitler liền đưa tay ra bắt tay Petain, nói: “Ngài có đồng ý làm việc cùng chúng tôi không?”. Rồi Hitler đề xuất với Petain rằng, nếu như Pháp tham gia vào cuộc chiến chống nước Anh, thì có thể duy trì được quân đội ở Bắc Phi như Hiệp định đình chiến đã quy định; đảm bảo Pháp vẫn có thể giữ lại được các vùng đất thuộc địa của mình. Với lời mời mọc quá hấp dẫn, Petain lập tức đồng ý.--PageBreak--

6 ngày sau, Petain công khai phát biểu trước công chúng rằng, nước Pháp sẽ “hợp tác” toàn diện với phát xít Đức. Sau đó, chính quyền thân Hitler cho ban bố Luật chống lại người Do Thái, tiến hành bắt giữ trên 85% người Do Thái trong nước Pháp, và cưỡng ép 76.000 người Do Thái đến trại tập trung ở Ba Lan. Thế nhưng, Petain cũng không hoàn toàn muốn trở thành kẻ bù nhìn dưới trướng Hitler, trong cuộc chiến chống Anh - Mỹ và trấn áp phong trào chống đối, ông ta vẫn giữ thái độ “nửa vời” với nước Đức. Điều này đã khiến cho Hitler vô cùng khó chịu. Bọn chúng nhanh chóng đưa Laval lên làm Thủ tướng chính phủ thân Hitler, phế truất thực quyền của Petain, khiến ông trở thành nguyên thủ quốc gia “hữu danh vô thực”.

Sau chiến dịch đổ bộ lên Normandy, quân đội Đức liên tục thảm bại tại Pháp. Tháng 8/1944, De Gaule từ London trở về Paris trước sự đón tiếp nồng nhiệt của hơn 2 triệu người dân. Cũng vào tháng đó, lực lượng Gestapo của Đức Quốc xã đưa Petain và toàn bộ thành viên trong chính phủ bù nhìn thân Hitler về “bảo vệ” tại Xigemalin. Khi quân Đồng minh tấn công vào Đức, những người này lại được đưa đến một thị trấn nhỏ ở Thụy Sĩ. Trước khi quân đội Đức đầu hàng,  Petain cảm thấy lâm vào cảnh cùng đường nên quyết định ra tự thú trước Chính phủ lâm thời Pháp.

Ngày 23/7/1945, Tòa án tối cao Pháp mở phiên tòa xét xử Petain. Cáo trạng đã kể ra 5 tội danh của Petain: ký hiệp định đình chiến với quân Đức, phản bội Điều ước Đồng minh Anh - Pháp; cùng với Laval huy động tất cả cơ quan công nghiệp trên toàn quốc ủng hộ Đức Quốc xã tiến hành chiến tranh xâm lược và đưa sang Đức nhiều lao công người Pháp; lập nên chính phủ độc tài; tự ý cho quân đội Đức kiểm soát lãnh thổ Pháp.

Lúc này Petain đã 89 tuổi và trong suốt hơn 20 ngày xét xử, ông ta không nói một lời nào, chỉ có luật sư biện hộ của ông ta là khá “sôi nổi”. Ông này cho rằng hành động của thân chủ mình chỉ là vạn bất đắc dĩ và cũng không hoàn toàn hợp tác với quân Đức. Luật sư biện hộ của Petain còn đe dọa tòa án rằng, nếu như Petain bị xử tội chết, nước Pháp sẽ lâm vào cảnh bị chia cắt và nhân dân Pháp cũng sẽ cảm thấy đau khổ. Những người tới dự phiên tòa đã bị những lời biện hộ của vị luật sư này làm siêu lòng, không ngớt hùa theo lời của ông ta, khiến cho quan tòa giận dữ quát lên: “Tại sao trong phòng này lại toàn người Đức thế này?”.

Ngày 14/8, Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng. Theo đó, Petain bị xử tử hình với tội danh thông đồng với địch. Ngoài ra, nhiều người trước đây tín nhiệm Petain cũng bị liên đới. Thế nhưng, để bảo vệ sự đoàn kết của đất nước, Tổng thống De Gaule đã ký lệnh đặc xá cho Petain, thay đổi bản án từ tử hình xuống tù chung thân.

Petain bị đưa đến nhà tù trên đảo Dell, lúc này sức khỏe của ông ta đã rất tồi tệ. Ngày 22/7/1951, Petain trút hơi thở cuối cùng nhưng tội phản quốc của ông ta vẫn lưu trong sử sách nước Pháp

Vũ Anh (tổng hợp)
.
.