Từ câu chuyện một người buôn lậu nội tạng của dân tị nạn ở Liban

Thứ Sáu, 05/05/2017, 08:00
Dòng người tị nạn từ Syria đến Liban đã tạo nên nhiều cơ hội hái ra tiền cho bọn buôn lậu nội tạng người.

Abu Jaafar (không phải tên thật) là người chọn con đường kiếm sống bằng việc buôn lậu nội tạng từ những dân Syria tị nạn. Abu Jaafar làm công việc bảo vệ tại một quán rượu cho đến khi gặp một nhóm buôn lậu nội tạng người. Nhiệm vụ của Abu Jaafar là tìm kiếm những người đang tuyệt vọng chấp nhận bán đi một phần cơ thể mình để có tiền mà sống tiếp. Dòng người tị nạn từ Syria đến Liban đã tạo nên nhiều cơ hội hái ra tiền cho bọn buôn lậu nội tạng người.

Abu Jaafar nhún vai nói: "Tôi khai thác con người và họ được lợi" cùng với lập luận rằng, sống trong một đất nước chiến tranh đã và đang gây ra nhiều điều kinh khủng thì chuyện người tị nạn chấp nhận phải bán một phần trong cơ thể mình cũng… không có gì là ghê gớm.

Một trẻ Syria lao động nặng nhọc ở Liban.

"Căn cứ" của Abu Jaafar là quán cà phê tại một trong những khu ngoại ô đông dân cư miền nam thủ đô Beirut của Liban và "địa bàn" hoạt động là ngay trên những con phố hẹp có khá đông người tị nạn Syria trú thân.  Trong một căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, Abu Jaafar thu xếp công việc bán nội tạng từ những người tị nạn đến Liban trong 3 năm qua.

Abu Jaafar kể: "Người ta thường muốn mua những quả thận song tôi cũng có thể tìm được các thứ tạng. Có lần, người ta hỏi mua một con mắt và tôi tìm được ngay một người muốn bán con mắt của mình. Tôi chụp ảnh con mắt gửi đến khách hàng qua ứng dụng WhatsApp. Sau khi được chấp thuận, tôi giao “hàng” đến ngay cho khách hàng".

Theo số liệu thống kê hiện nay, cứ 4 người Syria vượt biên thì có một người tìm đường sang Liban vì ở đây họ được phép làm việc kiếm tiền theo luật nước này. Dân tị nạn phải sống chen chúc trong những căn lều tạm và nhận phần cứu trợ rất ít ỏi. Phần đông những người tuyệt vọng nhất đến từ Syria sau tháng 5 2015 - tức thời điểm chính quyền Liban yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngưng làm thủ tục đăng ký cho những người tị nạn mới.

"Đó là những con người tuyệt vọng và chỉ còn con đường sống bằng cách bán nội tạng của mình", Abu Jaafar kết luận. Một số người tị nạn lê bước trên đường phố để ăn xin - trong đó đa phần là trẻ em. Các em hành nghề đánh giày, len lỏi giữa những chiếc ô tô để bán kẹo cao su hay khăn giấy. Một số em nhỏ bị khai thác sức lao động một cách triệt để, số khác bị lạm dụng tình dục hoặc sa vào con đường mại dâm. Giải pháp bán nội tạng là cách kiếm tiền nhanh nhất. Đôi khi, các bác sĩ cũng tham gia vào thị trường đen buôn nội tạng bất hợp pháp và vô nhân đạo ở Liban.

Một khách hàng mới nhất của Abu Jaafar là cậu thiếu niên 17 tuổi rời Syria sau khi cha và anh em bị giết chết ở đó. Cậu bé lưu trú tại Liban đã 3 năm mà không có việc làm và nợ nần chồng chất do phải kiếm tiền nuôi mẹ và 5 chị em gái. Đó là lý do cậu bé thỏa thuận bán quả thận phải của mình cho Abu Jaafar với giá 8.000 USD.

Trẻ em Syria trong một trại tỵ nạn ở Libya.

Sau ca mổ lấy thận được 2 ngày, cậu thiếu niên chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp và máu cứ liên tục rỉ ra từ vết thương. Abu Jaafar từ chối tiết lộ anh ta bỏ túi được bao nhiêu tiền qua vụ bán thận của cậu ấy. Abu Jaafar chỉ nhấn mạnh rằng, anh ta không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho các cơ quan nội tạng người sau khi chúng được mổ lấy ra khỏi cơ thể nhưng "rất có thể chúng được xuất khẩu".

Một thực tế là ở khắp vùng Trung Đông thiếu trầm trọng cơ quan người để phẫu thuật cấy ghép do văn hóa và tôn giáo ở đây chống đối sự hiến tặng nội tạng người. Những người chết phải được chôn ngay lập tức. Abu Jaafar liệt kê có ít nhất 7 người trung gian mua bán nội tạng người như anh ta ở Liban.

Abu Jaafar nhận định: "Thị trường đang bùng nổ sau khi làn sóng tị nạn từ Syria tràn vào Liban hàng ngày". Abu Jaafar biết rõ là mình đang làm chuyện phạm pháp nhưng anh ta không hề sợ. Abu Jaafar trơ tráo đến mức còn phun sơn số điện di động của mình lên những bức tường gần nhà để những người muốn bán nội tạng biết cách liên lạc với anh ta.

Những người láng giềng vừa nể vừa sợ Abu Jaafar. Anh ta luôn mang theo khẩu súng ngắn bên người, nói như ban ơn: "Tôi biết những gì mình đang làm là bất hợp pháp nhưng tôi đang giúp đỡ mọi người đấy chứ. Đó là nhận thức của riêng tôi. Người bán nội tạng được trả tiền để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Anh ta có thể dùng tiền để mua một chiếc xe hành nghề lái taxi hay di chuyển sang quốc gia khác".

Lâu nay Liban đã được xem là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn bán nội tạng. Mỗi năm, hàng chục ngàn người Arab giàu có từ khắp nơi trên thế giới tới Beirut để chữa bệnh, trong các bệnh viện có điều kiện hoàn hảo. Nhà chức trách thường không chú ý lắm tới việc bệnh nhân về nhà cùng một cái mũi mới hoặc một quả thận mới. Trước đó phần lớn người bán nội tạng ở Liban tới từ Palestine. Nhưng từ khi làn sóng người tị nạn Syria đổ tới, nhiều nhóm người đã tranh nhau bán nội tạng, khiến mức giá sụt giảm mạnh.

Khi Raid Ahmad bỏ chạy khỏi thành phố Aleppo ở Syria để tới Liban cùng cha mẹ và 6 em, gia đình nhanh chóng cạn tiền. Raid nghe một người thân mách rằng, cách để sống tiếp là bán đi một quả thận của cậu. Tiếp đó cậu được giới thiệu tới gặp một gã đàn ông lực lưỡng tên là Abu Hussein, thành viên một đường dây chuyên buôn bán nội tạng người, đặc biệt là thận. "Sếp" của Abu Hussein nổi tiếng trong các khu nghèo khó ở Beirut với biệt danh "Ông lớn".

"Chỉ tính riêng những quả thận, chúng tôi giờ có rất nhiều người bán so với những người mua" - Hussein nói và cho biết, 4 trong số những đàn em khác của sếp "Ông lớn" đã môi giới bán được tổng cộng 150 quả thận trong 12 tháng qua. Theo lời Hussein, các tổ chức khác trong vùng cũng đang làm ăn tốt như vậy. "Rất nhiều sản phẩm của chúng tôi đã ra nước ngoài, ví dụ như vịnh Ba Tư. Nhưng “Ông lớn” còn có nhiều khách hàng ở những nơi khác như Mỹ và châu Âu.

Một người tị nạn Syria đã bán thận.

Không chỉ đến khi buộc phải ly hương xa xứ thì người dân Syria mới phải lâm vào tình cảnh ngặt nghèo này. Chiến tranh và xung đột triền miên tại Syria khiến tình trạng an ninh nhiều nơi vô cùng lỏng lẻo. Ngay tại thủ đô Damascus, nạn bắt cóc trẻ em, buôn người và bán nội tạng đã diễn ra từ lâu.

ARA News dẫn lời Nadia Kamal, mẹ của một bé gái 8 tuổi, ở quận al-Qadam: "Raghad, con gái tôi, mất tích khi đang chơi đùa trong công viên gần nhà. Chúng tôi tới nhiều bệnh viện để tìm và đăng thông báo nhưng vẫn không thấy con bé. 10 ngày sau, một người lạ gọi điện thoại cho tôi, nói rằng Raghad vẫn khỏe và tôi có thể đón con". Một người đàn ông mang mặt nạ trả con cho cô. Tuy nhiên, Kamal nhận ra dấu vết phẫu thuật trên cơ thể con gái. Sau khi khám, một bác sĩ kết luận Raghad mất một quả thận.

Muhammad Ali, một người dân sống trong quận Rukn al-Din, nói rằng ít nhất 4 đứa trẻ mất tích trong thời gian gần đây. "Năm ngoái, một nhóm người mang vũ khí bắt cóc nhiều trẻ em ở thành phố Daria và trả chúng sau vài ngày. Gia đình những đứa trẻ đó kể rằng bọn chúng mổ cơ thể các em và lấy vài cơ quan nội tạng", Muhammad Ali nói.

Cuối năm 2016, những thông tin gây chấn động về một mạng lưới buôn bán nội tạng con người của lực lượng quân nổi dậy đã được người dân thành phố Aleppo tiết lộ cho hãng tin Sputnik của Nga.

Theo một số người dân  địa phương, việc buôn bán bất hợp pháp nội tạng người qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ phổ biến đến nỗi, mỗi khi nghe thấy tiếng xe cứu thương chạy qua, họ biết rằng, những xe này đang đi lùng sục những người "hiến" nội tạng.

"Chúng tôi bị thương sau một pháo kích, và ngay sau đó, quân nổi dậy và xe cứu thương xuất hiện. Họ lấy đi một bên thận và lá lách của tôi", Abu Mohammad, một người đàn ông 60 tuổi kể lại.

Ông Abu cũng cho biết thêm về "cơ chế hoạt động" của mạng lưới buôn bán này: một đội ngũ sẽ chuyên có mặt tại những nơi có chiến sự, và ngay lập tức "xử lý" những người bị thương hoặc bị chết.

Alia, một cư dân khác sống tại quận Bustan al-Qasr, từng bị nhóm phiến quân Mặt trận Al-Nusra kiểm soát kể lại: "Có một thị trường (buôn bán nội tạng) khổng lồ tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mọi thứ đều có thể được đem ra bán, kể cả phụ nữ và trẻ em. Một thi thể người chết có giá 25.000 đồng lira - tương đương với 50 USD, một cơ thể người bị thương có giá 150.000 đồng lira - tương đương 290 USD… Mỗi ngày, những người bị thương được gửi tới bệnh viện và họ rất có khả năng trở thành các nguồn cung cấp nội tạng".

Theo thống kê, có khoảng 180.000 vụ cắt bỏ nội tạng người bất hợp pháp được ghi nhận tại phía Bắc Syria. Tuy nhiên, phần lớn các vụ việc đều bị ỉm đi do nạn nhân không dám lên tiếng. Bác sĩ Bagjat Akrush tiết lộ với Sputnik rằng, có rất nhiều nhân viên y tế liên quan tới "ngành công nghiệp tội ác" này dưới vỏ bọc chiến tranh. Các điểm nóng nhất của hoạt động buôn bán nội tạng bất hợp pháp là tại miền Bắc, miền Đông Syria và trong các trại tị nạn.

Mặc dù vậy, chính phủ của các quốc gia liên quan hầu như không đưa ra được biện pháp hiệu quả nào để ngăn chặn tội ác trên. Akrush cho biết, có tới 100.000 trẻ em tại các trại tị nạn đang phải đối mặt với hiểm họa này. Khoảng 80% người dân đang cư trú tại các trại tị nạn là phụ nữ và trẻ em - những "mặt hàng" đã được buôn bán tại chợ nội tạng trong hơn 3 năm nay. Nạn nhân thường được lựa chọn thông qua một cơ sở y tế, sau đó, bộ phận nội tạng của người này sẽ được chuyển qua biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Báo Komsomolskaya Pravda trong loạt phóng sự điều tra đăng tải vào tháng 12-2016 đã dẫn lời các ngư dân Hy Lạp cho biết, họ đã vớt trên biển những xác chết bị biến dạng của người lớn và cả trẻ em. Theo họ, đây có thể là thi thể của những người tị nạn không may bị mắc kẹt trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có con đường dẫn người di cư đến Châu Âu, đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn nội tạng. Có thể họ đã bị đánh cắp nội tạng và bị ném thi thể vào biển Địa Trung Hải phi tang.

"Chúng tôi tận mắt nhìn thấy thi thể của trẻ em và người lớn có vết khâu ở bụng. Họ bị mổ moi nội tạng ở đó, ở Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó bọn tội phạm vứt xác họ vào vùng biển quốc tế, hy vọng cá và muối hoàn thành nốt công việc bẩn thỉu", ngư dân từ đảo Lesbos của Hy Lạp cách Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 6,5 km kể.

Vào thời gian này, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ một công dân Israel (sinh ra tại Ukraine) tên là Boris Walker (tên thật Wolfman), liên quan tới hoạt động mua bán nội tạng người tị nạn Syria. Wolfman đã tiến hành thu hoạch nội tạng trong các phòng khám tư nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc điều tra cho thấy, Wolfman bị Interpol truy nã từ lâu với tội danh buôn bán nội tạng, tổ chức cấy ghép bất hợp pháp ở Kosovo, Azerbaijan và Sri Lanka trong 2008-2014 với thu nhập lên tới 70-100.000 euro/cơ thể người.

Trong hành trình chạy trốn bạo lực và chiến tranh, nhiều người di cư từ Syria và các nước Trung Đông khác đã không thể lường hết được những rủi ro và hiểm nguy không kém gì súng đạn mà họ phải đối mặt. Nhiều khi, cái giá của tự do và hòa bình mà họ phải trả là sinh mạng và một phần cơ thể mình.

Quang Hiếu- An An (tổng hợp)
.
.