Uy lực của những binh đoàn môtô trong Thế chiến thứ II: Những cái chết hóa thành bất tử

Thứ Sáu, 16/06/2017, 15:28
Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói về những chiến tích của OMSBON góp phần tạo nên các bước ngoặt của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại mà lại không nhắc tới sự đóng góp của lực lượng du kích.

Thời kỳ đầu của Chiến Tranh Vệ quốc, phong trào du kích xuất hiện theo cách tự phát với những người dân tự nguyện cầm lấy vũ khí chống quân xâm lược; họ không được huấn luyện, không có kỹ năng chiến đấu, không có liên hệ với ban chỉ huy quân đội thường trực và chiến đấu bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Chính vì vậy mà mùa đông 1941-1942 là giai đoạn khó khăn nhất đối với phong trào này.

Những chiến dịch lẫy lừng

Giáo sư Yuri Rubtsov của Trường Đại học Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Nga đưa ra nhận định: "Nếu một người có làng quê bị đốt cháy, có con cái hoặc cha mẹ, vợ hoặc chồng bị giết chết, dĩ nhiên người đó sẽ không phải suy nghĩ gì nhiều về việc anh ta có vũ khí hay không, mà đơn giản là cầm rìu đứng lên chống kẻ xâm lược.

Những chiến sĩ du kích chuẩn bị vụ nổ phá đường sắt.

Về sau, từ chỗ tự phát, phong trào du kích trở thành một tổ chức: các nhóm, đội có người chỉ huy là những quân nhân chuyên nghiệp, thường là những người chỉ huy rơi vào khu vực bị bao vây hoặc là quân đội cử những người chuyên nghiệp tham gia hoạt động này. Thế rồi phong trào du kích bắt đầu hoạt động có bài bản hơn, thậm chí mang tính chiến lược". Trường hợp này được dẫn chứng cụ thể bằng sự phối hợp giữa các đơn vị OMSBON và quân du kích.

Sau trận đánh Vòng cung Kursk mùa hè năm 1943, lực lượng du kích đã phối hợp với quân chính quy trong chiến dịch "Cuộc chiến đường sắt" diễn ra từ tháng 6 đến khoảng giữa tháng 9-1943.  Trong các đêm 19 và 20-6-1943, các chiến sĩ du kích đã khiến hầu hết các tuyến đường sắt tại Belorussia phải ngưng hoạt động.

Giáo sư Yuri Rubtsov cho biết: "Gần 170 đội du kích và các nhóm liên kết với quân số khoảng 100.000 người, đồng thời tấn công nhiều tuyến đường sắt trong khu vực kẻ thù trên một khu vực rộng hơn 1.000 km2 và sâu trong lãnh thổ ba nước cộng hòa Belarus, Ukraine và Nga. Thêm vào đó, du kích còn phá hoại tàu hỏa, nhà ga và thùng nhiên liệu. Nhiều cây cầu bị phá hủy. Trong 'Cuộc chiến đường sắt' này, phát xít Đức đã phải rút từ mặt trận 26 sư đoàn".

Đầu mùa hè năm 1943,  các chiến sĩ OMSBON đã bắt được K. Krug, thành viên của phòng tình báo thuộc ban tham mưu không quân của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm Đức Quốc xã. Viên sĩ quan này đã cung cấp thông tin về kế hoạch tấn công tại khu vực vòng cung Orel-Kursk, nơi bố trí của 32 sân bay tiền phương và trạm radio điều phối các phi vụ ném bom.

Tiếp nối thành công của chiến dịch "Cuộc chiến đường sắt" là chiến dịch tương tự mang tên "Hòa nhạc" diễn ra vào tháng 9 với sự tham dự của gần 200 đội du kích, quân số hơn 120.000 người, rồi đến tháng 12-1943 là  chiến dịch "Dàn nhạc mùa đông".

Giám đốc khoa học của Hội lịch sử quân sự Nga Mikhail Miakov nhấn mạnh: "Trong chiến tranh, lực lượng du kích đã tiêu diệt, làm bị thương và bắt hơn một triệu lính Đức Quốc xã, phá hủy 4.000 xe tăng và hơn 1.000 máy bay. Tất nhiên, quân Đức đã cố gắng tìm mọi cách để tiêu diệt phong trào du kích.  Ở những vùng địch chiếm, người dân địa phương nào bắt sống hoặc giết được một người du kích được chúng hứa thưởng 6 ha đất, 6 con bò, và có khi còn thêm 20 chai rượu vodka".

Phẫu thuật bằng… rìu

Các thành viên OMSBON cùng chia sẻ tất cả nỗi gian khổ với các chiến sĩ du kích khi cùng sống trong rừng như thường xuyên phải chống chọi với cái đói, cái lạnh, bệnh tật và cả những hiểm nguy khi bị phục kích, càn quét bao vây, bị ném bom… Chuyện bị sốt rét, thương hàn, bị nấm chàm đầm lầy hành hạ và những đợt giá rét kéo dài đến mức nhiều người bị rụng mũi và chân tay là chuyện không hiếm.

Thuốc men và cơ sở vật chất y tế thiếu thốn khiến nhiều người ngã quỵ vì không có các phương tiện sơ đẳng cho việc chữa trị,  nhiều ca giải phẫu cho thương binh phải tiến hành khi không có thuốc mê hay thuốc sát trùng và dụng cụ giải phẫu. I. Davidov, bác sĩ của đơn vị A. Shestakov, đã tiến hành nhiều ca phẫu thuật phức tạp trong tình huống ngặt nghèo như thế. Như chiến sĩ binh nhì A. Zevelov trong một trận đánh đã bị một quả đạn cối chém đứt lìa một cánh tay, cánh tay kia chỉ còn lại đoạn từ vai đến khủyu. Cần tiến hành phẫu thuật khẩn cấp, nhưng dụng cụ duy nhất có được lúc đó là một… chiếc rìu.

Để động viên người bác sĩ, chính Zevelov đã nghiến răng yêu cầu bác sĩ chặt phăng phần tay vướng víu của mình. Người chiến sĩ dũng cảm đó sau này được phong Anh hùng Liên Xô và trở thành chủ tịch một nông trang tại Belorussia. Với những cống hiến trên mặt trận mới, ông tiếp tục nhận danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa.

Trong những chiến dịch phối hợp giữa OMSBON và lực lượng du kích, các chiến sĩ OMSBON thường được giao phó các nhiệm vụ nguy hiểm nhất; họ phải yểm hộ cho các đơn vị rút lui, bảo vệ những chỗ vượt sông và là nòng cốt cho những nhóm đột kích. Trong một trận đánh chống càn vào mùa hè năm 1943 tại vùng rừng Bobruysk, I. F. Zolotar đã viết: "Các xạ thủ súng máy là 'Những người từ Moskva' thuộc các đơn vị của Ozmitel và Galushkin đã yểm trợ đặc biệt hiệu quả trong trận đánh này".

Trung úy B. Galushkin từng tham gia bảo vệ Leningrad và Moskva, từng hai lần đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt trong hậu phương địch giai đoạn 1942-1943. Trong nhiệm vụ thứ ba, anh được phân công chỉ huy một đơn vị.

Trong vùng rừng quanh Bobruysk, anh đã chỉ huy một nhóm đột kích và yểm trợ cuộc phá vây của đơn vị xuyên qua vòng vây của địch. Anh đã ngã xuống như một anh hùng trong chính trận đánh đó.

Thượng úy F. Ozmitel cũng chỉ huy một nhóm đột kích trong trận phá vây tại vùng rừng Narovlyan. Làm cho kẻ thù rối loạn, anh đã hai lần chọc xuyên vòng vây và lại chủ động quay trở lại thu hút lực lượng địch ra xa cánh quân chủ lực của đội du kích. Bị thương, anh đã tự cho nổ tung quả lựu đạn bên mình để không bị bắt sống. Mùa thu năm 1943, quân Đức trong lúc tháo chạy đã cài 300kg chất nổ trên đập Dneproges của vùng Ukraine.

Một đơn vị         OMSBON đã phát hiện âm mưu đê hèn này nhưng để cứu hàng nghìn người dân trong vùng và Hồng quân không phải chịu một tổn thất to lớn, tất cả các chiến sĩ của đơn vị OMSBON ấy đều hy sinh. Chiến công này được ghi khắc trên bia tưởng niệm các chiến sĩ vô danh.

Từ năm 1944, các chiến sĩ chuyên đặt chất nổ của OMSBON đã tiến hành 52 hoạt động phá hoại quy mô lớn. Đơn vị "Khó bị bắt" đã làm lật 103 chuyến tàu, phá nổ 10 cây cầu và tiêu diệt 5.000 tên Đức. Trong khoảng tháng 5 tới tháng 6-1944, quân địch đã cố gắng tiêu diệt đội du kích trong vùng tam giác Minsk-Slutsk-Osipovichi.

Lực lượng đột kích của tuyến phòng thủ du kích là đội của Gradov, nhận được tiếp viện từ Moskva 40 xạ thủ tiểu liên thuộc đơn vị đặc nhiệm của M. Kuznetsov. Họ bảo vệ điểm vượt sông Ptich trong khi cánh chủ lực của quân du kích đẩy lùi thành công những đợt tấn công của quân Đức. Ngày 6-6, ngày cuối cùng của cuộc bao vây, sau khi đẩy lùi 12 đợt tấn công, các xạ thủ súng máy bắt đầu chọc thủng vòng vây và hầu như bảo toàn được quân số khi lui về hậu cứ.

Một đêm tháng 1-1945,  nhóm 15 chiến sĩ OMSBON được giao nhiệm vụ nhảy dù xuống vùng ngoại ô Berlin. Tuy các thành viên của đội đã có kinh nghiệm trong các chiến dịch tiến hành trong lòng địch, nhưng lần này, họ phải hoạt động trong những điều kiện đặc biệt phức tạp, ở ngay ngoại ô của thủ đô quân phát xít. Trước rạng đông, nhóm đã tới được khu rừng gần nhất, tại đây họ trải qua ngày đầu tiên trên đất Đức. Khi trời tối dần, đội tiến sâu hơn vào rừng và phát hiện một ngôi nhà lẻ loi.

Toàn cảnh đập Dneproges (nay thuộc Ukraine), nơi một nhóm các chiến sĩ OMSBON đã hy sinh trong nhiệm vụ phá hủy 300kg chất nổ mà quân phát xít Đức cài lại trước khi tháo chạy.

Chỉ đến khi tin chắc là chỉ có những dân thường sống bên trong ngôi nhà đó, các chiến sĩ Xôviết mới tiến vào. V. Rikhter, điện đài viên của đơn vị nhớ lại: "Có nhiều phụ nữ ngồi quanh bàn, họ đang dùng bữa. Sự xuất hiện bất ngờ của chúng tôi làm họ vô cùng hoảng loạn vì người dân Đức vốn đã in sâu vào đầu hình ảnh quân Xôviết là những kẻ khát máu theo lối tuyên truyền nhồi sọ của Goebbel. Khi thấy chúng tôi đứng ngay trên ngưỡng cửa, họ thét lên và trừng trừng nhìn chúng tôi như nhìn những con quỷ. Chúng tôi bắt đầu giải thích bằng tiếng Nga. Đương nhiên là họ không hiểu gì, chúng tôi phải ra cử chỉ cho thấy chúng tôi sẽ không làm hại bất kỳ ai. Khi những người phụ nữ đã bình tĩnh lạ, chúng tôi xác định được tọa độ của mình, và mọi chuyện trở nên dễ dàng..".

Nhóm đã nhảy dù xuống vùng Althorst, cách Berlin 100 km về phía đông bắc. Tại đây nhóm đã hoạt động thành công, các điệp viên đã chuyển tin qua điện đài về sở chỉ huy về sự bố trí quân địch, vị trí các căn cứ quân sự và việc xây dựng hệ thống phòng thủ trên các con đường dẫn tới Berlin.

Những chiến sĩ OMSBON quả cảm

Kết thúc cuộc Chiến tranh Vệ quốc, mùa hè năm 1945, ban chỉ huy của OMSBON đã tổng kết kết quả các hoạt động chiến đấu của lữ đoàn: Các chiến sĩ của lữ đoàn đã làm lật 1.415 đoàn tàu vận chuyển và 5 đoàn tàu bọc thép của quân Đức, phá hủy 1.232 đầu máy, 13.181 toa tàu, 145 xe tăng và xe bọc thép, 2.177 xe bánh hơi, máy kéo và xe môtô, phá nổ 148 kilômét đường ray, 335 cầu xe lửa và đường quốc lộ, bắn hạ 51 máy bay, phá hủy 122 đồn lũy và sở chỉ huy, phá hủy 700 kilômét đường điện thoại và điện báo, thực hiện hơn 400 hoạt động phá hoại khác, đối đầu với kẻ thù trong 1.084 trận đánh, tiêu diệt khoảng 137.000 binh lính và sĩ quan địch, xóa sổ 2.045 tên điệp viên và cộng tác phát xít.

Đấy là chưa kể kết quả các hoạt động trinh sát hoặc các đóng góp của OMSBON đối với việc tổ chức các hoạt động du kích. Hơn 1.000 chiến sĩ và sĩ quan của lữ đoàn đã hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Tên của những chiến sĩ OMSBON quả cảm được đặt cho những con đường, trường học, cho các xí nghiệp, tổ hợp thể thao, các trụ mốc biên giới và các bảo tàng triển lãm. Các tượng đài được dựng tại thủ đô Moskva cho các chiến sĩ OMSBON vốn là những vận động viên tài năng, tại ngôi làng Khludnevo (vùng Kaluga) cho 23 chiến sĩ anh hùng là vận động viên trượt tuyết …

Hòa bình lập lại, nhiều chiến sĩ của Lữ đoàn đặc nhiệm môtô OMSBON  khoác lên mình chiếc áo công nhân, nông trang viên, nhà khoa học, có người làm giám đốc nông trường, các xí nghiệp và cơ quan nhà nước, có người theo đuổi nghề báo hoặc trở thành nhà văn.

Zoya Voskresenskaya - một trong những điệp viên xuất sắc của KGB tham gia xây dựng Lữ đoàn OMSBON.

Sau khi Stalin qua đời, Nguyên soái G.Zukov từng nỗ lực phục hồi đơn vị đặc biệt này nhưng không thành công. Cuối thập niên 50, theo một số tài liệu, có một nhóm các cựu chiến binh OMSBON được tập hợp lại và hoạt động dưới sự điều phối của Cơ quan An ninh quốc gia, tức Cơ quan tình báo KGB. Hồ sơ về nhiều chiến dịch quy mô lớn của OMSBON cho đến nay vẫn chưa được giải mật.

Nhưng từ đây, tên tuổi của một vài điệp viên xuất sắc của KGB tham gia xây dựng OMSBON từ những ngày đầu đã xuất hiện, nổi bật trong số này là nữ điệp viên nổi tiếng của Liên Xô- đại tá Zoya Voskresenskaya, người đã có công tập hợp những tân binh tài năng tại sân vận động Dinamo rồi đưa họ về thành phố nhỏ Mytishi để trải qua một khóa huấn luyện quân sự cấp tốc trước khi bước vào cuộc chiến sinh tử…

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.