Về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea: Góc nhìn lịch sử từ Nam Tư cũ đến Québec

Chủ Nhật, 13/04/2014, 15:45

Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea đã kết thúc ngày 16-3 vừa qua. Các nguyên thủ Mỹ, phương Tây ra sức phản đối mặc dù kết quả công bố cho thấy có đến 96,77% cử tri ủng hộ việc Crimea tách khỏi Ukraina và gia nhập Liên bang Nga. “Tổ chức một cuộc trưng cầu trên một lãnh thổ ly khai, đó là đã đạt được một phần tự trị” - chuyên gia về luật hiến pháp và trưng cầu dân ý Francis Hamon trả lời với tờ “Huffington Post”. Đây là một cách để thúc đẩy hiện thực hóa định mệnh vốn đã có nhiều chứng tích trong quá khứ.

Nắm lấy cử tri là nắm phần thắng

Vào năm 1991, nhiều nước đã "lấy cắp" độc lập từ Nam Tư bằng cách tổ chức trưng cầu dân ý không được chính phủ Liên bang thừa nhận. Tại Slovenia và ở Croatia, nơi mà chiến tranh diễn ra dữ dội trong suốt nhiều năm, sự đáp trả của Nam Tư do Serbia kiểm soát đã dẫn đến sự can thiệp của quân đội Liên Hiệp Quốc.

Cũng có nhiều lần thất bại, chẳng hạn như tại Québec vào năm 1980 và 1995. Việc người dân Québec đòi chủ quyền được chính quyền địa phương ủng hộ đã khiến Chính phủ Canada phải ngồi vào bàn đàm phán nhưng không quyết định được về số phận của Québec. Trong khi nữ Thống đốc Québec là Pauline Marois tuyên bố rằng Québec sẽ không thừa nhận kết quả trưng cầu ý dân tại Crimea. Một số người nhắc đến tính thiếu nhất quán trong lúc chính quyền Québec luôn mong muốn tổ chức trưng cầu về chủ quyền của Québec. Một cuộc thăm dò mới đây cho biết có 34% người dân Québec muốn được độc lập.

Vào năm 1991, chính quyền Kosovo tổ chức trưng cầu vì một nước cộng hòa độc lập. Cuộc trưng cầu không có được kết quả trong ngắn hạn nhưng là tiền đề cho sự tuyên bố độc lập của Kosovo năm 2008. Chính tiền lệ lịch sử này đã được Quốc hội Crimea nhắc đến vào ngày 11/3 vừa qua để tuyên bố Crimea độc lập.

Quốc hội cũng nhắc đến ý kiến tham vấn của Tòa án Quốc tế La Haye năm 2010 khẳng định rằng: "Một sự tuyên bố độc lập đơn phương của một phần quốc gia sẽ không vi phạm bất cứ tiêu chuẩn nào của luật quốc tế" khi nói về trường hợp Kosovo.

Người dân Crimea mừng vui sau kết quả bầu cử .

Cũng nên biết rằng vào năm 2012, người Serbia tại Kosovo đã đáp lại tuyên bố độc lập của Kosovo năm 2008 bằng cách không thừa nhận các định chế của quốc gia mới này qua một cuộc… trưng cầu ý dân. Sự kiện này cũng không có hệ quả luật pháp nhưng bị Quốc hội Kosovo xem như là "vi phạm trật tự hiến pháp".

Trong thời gian qua, Nga cũng nhắc nhiều đến quá khứ. Gợi lại cuộc chiến phân tranh ở Mỹ và cuộc cách mạng Pháp, Đài Phát thanh Nga đã đưa bài bình luận trên trang chủ (tiếng Pháp): "Cuộc cách mạng ở Quảng trường Maidan chống lại chính phủ hợp pháp đã kích hoạt các cơ chế phân chia đất nước. Chỉ cần nhớ lại "cuộc Cách mạng hoa hồng" tại Gruzia đã làm mất vùng Abkhazia và Nam Ossetia sau chính sách hung hãn và vụng về của Tổng thống Mikhail Saakachvili".

Bài viết dẫn lời một chính trị gia Nga: "Trong không gian hậu Liên Xô, đã xuất hiện nhiều trường hợp các quốc gia không được chính thức thừa nhận: Thượng Karabach, Cộng hòa Transnistria, Abkhazia và Nam Ossetia.

Năm 2008, sự căng thẳng giữa Gruzia và Moskva về khu vực ly khai Nam Ossetia đã dẫn đến cuộc chiến tranh 5 ngày. Sau đó Nga đã công nhận nền độc lập của lãnh thổ này và khu vực Abkhazia, đồng thời cho hàng ngàn quân đồn trú tại đấy. Ngược lại, tuy Nga ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý đòi quyền tự quyết tại Transnistria năm 2006 nhưng lại không chính thức thừa nhận vùng đất này.

Người ta có thể đối chiếu với tình hình tại Crimea, có thể so sánh các biến cố đó với những cuộc trưng cầu dân ý tại nhiều nước trên thế giới. Năm 1948, Terre-Neuve và Labrador sáp nhập vào Canada, đến năm 1995 lại có cuộc trưng cầu dân ý về sự tách riêng vùng Québec khỏi Canada".

Cộng hòa Transnistria, Abkhazia hay Nam Ossetia… rất nhiều lãnh thổ đã vào tầm ảnh hưởng của Nga và đã có  lịch sử giống như của Crimea. Khi khuyến khích và ủng hộ tính tự trị của những cộng đồng thiểu số địa phương, Nga đã thúc đẩy việc tổ chức những cuộc trưng cầu dân ý và các tuyên bố độc lập đơn phương.

Nếu không bàn đến việc có gian dối hay không thì gợi ý một cuộc trưng cầu dân ý tức là đã thắng. "Người tổ chức chọn lựa được thời điểm, vấn đề đặt ra, thành phần cử tri… tức là nắm lấy mọi phần thắng và làm suy yếu phe đối lập. Một cuộc trưng cầu như tại Crimea không bất hợp pháp với điều kiện mọi cử tri có thể tự do chọn lựa. Nhưng điều này đòi hỏi một thời gian chuẩn bị thích hợp" - chuyên gia Francis Hamon cho biết.

Tại Crimea, thủ lĩnh cộng đồng Tatar đã kêu gọi tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý. Cộng đồng này chiếm từ 12 đến 15% trong tổng số 2 triệu dân. Đương nhiên họ đã phản đối sự ly khai của Crimea, ủng hộ phe đối lập với Tổng thống bị phế truất Yanukovych. Tuy nhiên, sự tẩy chay đó không có ảnh hưởng thực sự lên kết quả của cuộc trưng cầu.

Xa hơn ở phía bắc, Thủ tướng Anh David Cameron buộc phải đồng ý một cuộc trưng cầu được nhân danh dân chủ về sự độc lập của Scotland vào ngày 18/9 tới, nhưng ông lại cực lực phản đối sự kiện này.

Albania muốn thu phục Kosovo ngay sau khi Thống chế Tito từ trần

Nhân đánh dấu sự kiện 15 năm tỉnh tự trị Kosovo tuyên bố tách ra khỏi Serbia để thành lập nước cộng hòa riêng (1999-2014), nhà sử học nổi tiếng người Nga Artem Ulunyan, vị chuyên gia hàng đầu về bán đảo Balkan ở Viện Khoa học lịch sử trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, đã tiết lộ về chủ trương của Nhà nước Albania muốn thu phục Kosovo ngay từ đầu thập niên 80 thế kỷ trước.

Theo đó khi tiếp cận với những tài liệu lưu trữ thuộc Cơ quan An ninh Quân đội Serbia (VBA), một tổ chức phản gián của Bộ Quốc phòng Cộng hòa Serbia vừa được giải mật, sử gia A. Ulunyan đã tình cờ phát hiện ra bản báo cáo của tướng Beqir Balluku (1917-1974), người đứng đầu Bộ Quốc phòng Albania do điệp viên VBA tại Tirana gửi về. Nội dung bản báo cáo đề cập tới kế hoạch tuyệt mật mang mật danh "Shpertimi" (Cú nổ), hòng thực hiện giấc mơ "Đại Albania" là chinh phục phần đất Kosovo láng giềng.

Cụ thể quân đội Albania sẽ triển khai chiến dịch "Shpertimi" nhằm thôn tính tỉnh Kosovo, nơi có tuyệt đại đa số dân chúng (92%) là người gốc Albania. Chiến dịch huy động các đơn vị quân đội tinh nhuệ nhất của lục quân, được không quân hỗ trợ sẽ "tràn ngập" khu vực Kosovo thuộc Cộng hòa Liên bang XHCN Nam Tư (SFRY), ngay sau thời điểm Chủ tịch SFRY Josip Broz Tito (1892-1980) từ trần.

Theo quan điểm của giới hoạch định chính sách ở Tirana, thì một khi Thống chế J. Tito không còn nữa, ắt sẽ diễn ra cuộc tranh giành quyền bính giữa các sắc dân ở Nam Tư, gây ra cảnh "huynh đệ hương tàn" khiến Albania dễ bề "đục nước béo cò".

Vị trí tỉnh Kosovo thuộc Nam Tư giáp giới Albania.

Phần cuối bản báo cáo mật của tướng B. Balluku còn đề cập tới việc khuếch trương chiến dịch "Shpertimi", chỉ rõ sách lược nếu việc thu phục Kosovo thuận lợi sẽ xúc tiến hành quân mở rộng, nhanh chóng hành động để chiếm nốt các vùng lãnh thổ thuộc Macedonia và Montenegro có đa phần người gốc Albania sinh sống.

Nhưng ảo vọng của Tirana đã tan thành mây khói, bởi những người kế nhiệm Thống chế J. Tito vẫn duy trì được chính thể SFRY suốt cả thập niên sau đó. "Mưu đồ thôn tính Kosovo có thể là nguyên nhân chính yếu, khiến Albania là quốc gia duy nhất đã khăng khăng không chịu đặt bút ký kết bản văn kiện cuối cùng của Hiệp ước Helsinki (HFA) vào cuối tháng 7/1975, quy tụ tất cả các nước trên lục địa cũ trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), để xác định đường biên giới hiện hữu của châu Âu thời hậu chiến", sử gia A. Ulunyan kết luận

Mai Long - X.Hiếu (tổng hợp)
.
.