Vén màn bí mật "Kế hoạch Đầu Sấm - Operation Thunderhead":

Cuộc xâm nhập miền Bắc Việt Nam bằng tàu ngầm

Thứ Tư, 15/02/2017, 07:15
Ngày 27-5-1972, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận được nguồn tin từ Đại sứ quán của một quốc gia có quan hệ mật thiết với Mỹ, đặt tại Hà Nội, cho biết 2 sĩ quan không quân Mỹ là Đại tá John Dramesi và Đại úy Ed Atterberry, sau khi bị bắn rơi và bị bắt trong một phi vụ ném bom miền Bắc Việt Nam, đã trốn thoát khỏi một trại giam gần Hà Nội rồi lấy cắp một chiếc thuyền nan.

Vẫn theo nguồn tin này, cả John Dramesi lẫn Ed Atterberry đã xuôi dòng sông Hồng ra biển và đang ẩn náu tại một hòn đảo nhỏ nằm giữa tỉnh Nam Định và Thái Bình, cách bờ khoảng 500m.

Ngay lập tức, Trung tâm tìm kiếm và giải cứu của Hải quân Mỹ vào cuộc. Chỉ hai ngày sau đó - ngày 29-5-1972 - kế hoạch "Đầu Sấm - Operation Thunderhead" ra đời…

Lên đường

11 giờ trưa ngày 1-6-1972, tàu ngầm Grayback rời cảng Subic, Philippines để lên đường đến vùng biển miền Bắc Việt Nam với một sứ mệnh đặc biệt, được Hạm đội 7, Hải quân Mỹ đặt cho mật danh là "Kế hoạch Đầu Sấm - Operation Thunderhead" (Thunderhead là cách mà các phi công quân sự Mỹ dùng để gọi một loại mây, phần rìa thường phát ra sấm sét), theo sau nó là tàu hỗ trợ Squadron HC-7 và tuần dương hạm USS Long Beach, làm nhiệm vụ chỉ huy.

Trên tàu Grayback, ngoài thuyền trưởng là Trung tá John D. Chamberlain và thủy thủ đoàn, còn có 14 thành viên Trung đội Alfa, thuộc Đội 1 (Team One) lực lượng biệt kích SEAL của Hải quân Mỹ, dẫn đầu bởi Trung úy Melvin "Spence" Dry.

Thượng sĩ Philip L. "Moki" Martin, Trung đội phó Trung đội Alfa kể: "Chúng tôi chỉ có 4 tiếng đồng hồ để tập lái loại tàu lặn mini SDV và khi chiếc Grayback đã ra đến hải phận quốc tế, Trung úy Dry mới tập họp tất cả lại rồi phổ biến nhiệm vụ. Lúc ấy, chúng tôi mới biết mình sẽ xâm nhập vùng biển miền Bắc Việt Nam, mục tiêu là giải cứu hai phi công bị bắt nhưng đã trốn thoát".

Melvin "Spence" Dry khi được thăng quân hàm Trung úy.

SDV là tên gọi tắt của "Swimmer Delivery Vehice - Xe giao hàng của người bơi lội". Đây là loại tàu lặn tí hon, thân làm bằng sợi thủy tinh và không có buồng điều hòa áp suất nước biển khi phải xuống sâu. Nó có thể chở được 4 người nhưng tất cả đều phải mặc quần áo lặn, đeo bình oxy, ngồi trong khoang lái giống như người ta ngồi trong một chiếc ôtô mui trần. Nó dài 5,6m, rộng 2,6m, nặng 550kg. Được trang bị một động cơ điện chạy bằng ắc quy, chiếc SVD có thể di chuyển dưới nước với tốc độ tối đa 9km/giờ, lặn sâu 180m. Với những tính năng như thế, nó gần như tàng hình trước những máy dò tìm tàu ngầm (sonar).

Thượng sĩ Martin nói tiếp: "SVD thường được lực lượng SEAL sử dụng để bí mật xâm nhập những căn cứ quân sự nằm trên những hòn đảo hoặc bờ biển của đối phương. Tùy theo vị trí, địa hình đáy biển, các dòng hải lưu và thủy triều, tàu ngầm thả chúng tôi ở độ sâu 20 đến 30m rồi cứ 4 người một chiếc, chúng tôi tiến vào. Khi đến gần mục tiêu, chúng tôi sẽ tắt động cơ cho chiếc SDV nằm im dưới đáy biển. Thi hành xong nhiệm vụ, chúng tôi quay lại, lái nó về tàu ngầm. Bằng loại phương tiện này, thời gian phải bơi từ tàu ngầm đến mục tiêu sẽ rút ngắn nên không cần mang theo bình oxy dự trữ".

Sau gần 18 tiếng di chuyển, tàu ngầm Grayback vào đến hải phận miền Bắc Việt Nam. Hồ sơ đã được bạch hóa trên trang web NAVY-SEAL của Hải quân Mỹ cho thấy Đại tá John Arthur Dramesi, phi công lái chiếc F105 Thunderchiefs bị bắn rơi và bị bắt tại miền Bắc Việt Nam ngày 1-4-1967 trong một phi vụ ném bom. Ngày 10-5-1967,  Dramesi trốn trại nhưng không thoát. Tháng 11-1969, Dramesi và Đại úy Ed Atterberry, phi công lái chiếc phản lực trinh sát RA-5C Vigilante bị bắn rơi ngày 12-8-1967 trên vùng trời tỉnh Hà Bắc, âm mưu trốn thêm một lần nữa, nhưng rồi vẫn bị bắt trở lại.

Đến ngày 27-5-1972, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhận được tin Dramesi lại trốn, và đã trốn thoát cùng Đại úy Ed Atterberry, (trong lúc thực tế thì sau khi bị bắt cùng với Dramesi hồi tháng 11-1969, Atterberry đã chết vì bệnh trong trại giam).

Lẽ ra, CIA cần có thời gian để kiểm chứng thông tin về vụ trốn trại, nhất là với chi tiết rất mơ hồ: "Lấy cắp một chiếc thuyền nan, xuôi theo sông Hồng ra biển rồi ẩn náu tại một hòn đảo nhỏ cách bờ 500m, nằm giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình" nhưng với "thành tích" 2 lần vượt ngục của Đại tá Dramesi - trong đó, lần thứ 2 - ông ta và Đại úy Ed Atterberry đã thoát ra ngoài được 12 tiếng, đi xa khỏi trại giam gần 6km thì những người đứng đầu CIA chẳng có lý do gì để nghi ngờ.

Lập tức, CIA thông báo cho Đô đốc Thomas H. Moorer, Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. Nhận thấy đây là vụ việc mang tính khẩn cấp, Đô đốc Moorer liền ủy quyền cho Phó Đô đốc James L. Holloway III, Tư lệnh Hạm đội 7 rồi chỉ vài tiếng sau đó, Đội tìm kiếm và giải cứu thuộc Hạm đội 7 được giao nhiệm vụ "đi đón" Đại tá John Arthur Dramesi và Đại úy Ed Atterberry "về nhà".

Cũng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, máy bay phản lực trinh sát RF-101 và RA-5C Vigilante, xuất phát từ tàu sân bay USS Enterprise, lúc ấy đang ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, thực hiện liên tiếp 4 phi vụ chụp ảnh "hòn đảo nhỏ" để cung cấp cho tàu ngầm Grayback và Đội tìm kiếm giải cứu.

Thượng sĩ Martin kể: "Trên bản đồ không ảnh, "hòn đảo nhỏ" có vẻ chỉ là một bãi đất do thủy triều bồi lên, mọc lơ thơ mấy bụi cây nên tôi không hiểu bằng cách nào mà Đại tá John Arthur Dramesi và Đại úy Ed Atterberry có thể ẩn náu được. Theo kế hoạch, khi còn cách đảo khoảng 2km, tàu ngầm Grayback sẽ thả chiếc SDV và 4 biệt kích với một số trang bị cần thiết, tiến vào đảo. Còn nó sẽ nằm im dưới nước, chỉ nhô lên chiếc kính tiềm vọng để quan sát và chờ đợi chúng tôi đưa 2 phi công về…".

Grayback hạ thủy ngày 2-7-1957, số hiệu SSG 574. Nó có chiều dài 96,8m, ngang 8,28m. Được trang bị 3 động cơ diesel để cung cấp năng lượng cho 2 động cơ điện, Grayback có thể chạy với tốc độ 27km/giờ khi nổi trên mặt nước và 22km/giờ nếu lặn chìm dưới nước. Với thủy thủ đoàn gồm 83 người, Grayback vũ trang bằng 4 tên lửa Regulus chống máy bay và 8 ống phóng ngư lôi chống hạm. Đến tháng 5-1967, Grayback được cải tạo để có thể chở thêm 60 biệt kích SEAL và 4 tàu ngầm mini SDV bằng cách tăng chiều cao thêm 3,3m, chiều dài thêm 4m đồng thời thiết kế một buồng điều hòa áp suất để biệt kích SEAL và tàu SDV có thể ra ngoài làm nhiệm vụ trong lúc chiếc Grayback đang lặn ở độ sâu 60m.

Từ lúc hạ thủy cho đến năm 1984, chiếc Grayback chuyên làm công tác huấn luyện (không kể lần duy nhất nó thả biệt kích SEAL cứu 2 phi công). Khi thế hệ tàu ngầm mới chạy bằng năng lượng hạt nhân ra đời với hệ thống tên lửa Polaris, bắn từ dưới mặt nước thì ngày 15-1-1984, Grayback chính thức ngừng hoạt động. Đến ngày 13-4-1986, nó bị đánh chìm trong vịnh Subic, Philippines để làm mô hình cho các đội SEAL thực tập kỹ thuật tác chiến bằng tàu ngầm.

Hòn đảo vô hình

Trở lại chuyện "đón Dramesi và Atterberry về nhà", theo kế hoạch, khi ra khỏi tàu ngầm Grayback và khi chỉ cách hòn đảo nhỏ chừng 10m, 3 biệt kích SEAL sẽ rời chiếc SDV lên bờ, 1 người ở lại làm nhiệm vụ trông coi tàu và hỗ trợ. Nếu nhóm SEAL gặp được cả Dramesi lẫn Atterberry, họ sẽ dìu hai kẻ trốn trại bơi ra chiếc SDV. Còn nếu chưa gặp được Dramesi và Atterberry hoặc chỉ gặp 1 trong 2 người, 2 thành viên SEAL sẽ ở lại đảo từ 1 đến 2 ngày và lập trạm quan sát bí mật để tiếp tục tìm kiếm…

Trung úy Dry (ngồi giữa, tay cầm tờ giấy), phổ biến nhiệm vụ giải cứu 2 phi công cho nhóm biệt kích SEAL (ảnh của NAVY-SEAL).

0 giờ 10 phút đêm ngày 3-6-1972, lúc chỉ còn cách "hòn đảo nhỏ" khoảng 2km, tàu ngầm Grayback nổi lên và dừng lại ở độ sâu 6m dưới mặt nước biển. Trước đó, qua kính tiềm vọng, một sĩ quan trinh sát đã báo cho Trung úy Dry, Đội trưởng Đội Alfa rằng "trong phạm vi 5 dặm (khoảng 9, 6km), không ghi nhận bất cứ một hoạt động nào của người Bắc Việt Nam".

Sau khi tham khảo ý kiến của chỉ huy tàu ngầm Grayback là Trung tá John D. Chamberlain, Trung úy Dry quyết định sẽ xâm nhập đảo để thám sát. Theo Thượng sĩ Martin, người cùng đi với Dry - ngoài Martin ra thì còn có 2 thành viên SEAL nữa là Trung úy John Lutz và binh nhất Edwards.

0 giờ 15 phút, 4 biệt kích SEAL mặc quần áo lặn, lưng đeo bình oxy, vai khoác súng tiểu liên MP3, ngang bụng là chiếc thắt lưng với những cái túi nhỏ, chứa thuốc chống cá mập, đèn phát tín hiệu định vị, cấp cứu, lương khô, bình nước uống, bông băng cá nhân, chất nổ C4…, bước vào phòng điều áp, bên trong đã có sẵn 1 chiếc SDV. Giây lát, nước được bơm vào từ từ để cơ thể biệt kích SEAL quen dần với áp suất. Khi nước đã đầy, cánh cửa phòng điều áp mở ra.

Trung úy Dry giơ bàn tay phải lên, phất mạnh về phía trước, ra dấu khởi hành. Thượng sĩ Martin kể lại: "Chân vịt của chiếc SDV quay tít khi tôi bấm nút khởi động. Vì chạy bằng pin nên nó không hề phát ra một âm thanh nào. Cả 4 chúng tôi ra khỏi tàu ngầm Grayback trong màu nước biển đen như mực. Do đã tính toán từ trước nên khi nhìn vào chiếc la bàn dạ quang, Dry làm một số dấu hiệu, ý nói tiến thẳng về hướng 2 giờ ở độ sâu 3m. Sau 10 phút thì nổi lên…".

Sinh ngày 13-3-1946, tại thành phố New London, bang Connecticut. Năm 1964, Dry vào Học viện Hải quân Mỹ. 4 năm sau, ông ta phục vụ trên tàu khu trục USS Renshaw (DD-499), hoạt động ở vùng biển Việt Nam.

Cuối năm 1969, Dry theo học một khóa đào tạo biệt kích SEAL kéo dài 20 tuần tại căn cứ Hải quân Mỹ Naval Amphibious Base ở thành phố Coronado, bang California. Lúc tốt nghiệp, Dry chuyển đến Đà Nẵng, phụ trách một đại đội biệt kích, làm nhiệm vụ trinh sát trên các con sông ở cả Quảng Nam lẫn Đà Nẵng.

Tàu ngầm Grayback tiến vào vùng biển miền Bắc Việt Nam.

Đầu năm 1971, Dry trở về Mỹ và được giao nhiệm vụ chỉ huy phó Đội 1 (Team One), biệt kích SEAL. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm của mình, Dry còn là giảng viên, dạy cho những cố vấn Mỹ sắp được cử đến miền Nam Việt Nam kỹ thuật chống du kích, kinh nghiệm hoạt động bí mật tại các khu vực ven biển, ven sông.

Đến cuối năm, Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm 77 thuộc Hạm đội 7 đề nghị Dry thành lập một trung đội, gọi là Alfa, gồm những biệt kích SEAL giỏi nhất của Team One để tiến hành những chuyến xâm nhập bí mật vào một số khu vực ở phía tây Thái Bình Dương.

Trung úy Robert J. Conger Jr., sĩ quan trợ lý Tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm 77, người trực tiếp chỉ huy Dry vào thời điểm đó nhớ lại rằng ông ta và Dry đã dành hai tuần để kiểm tra hơn 80 biệt kích SEAL tình nguyện gia nhập trung đội Alfa nhưng cuối cùng, cả Dry và Robert J. Conger Jr chỉ chọn đươc 12 người, trong đó Thượng sĩ Philip L. "Moki" Martin làm trung đội phó.

Và 12 người này cùng Dry và chuyên viên truyền tin Frank H. Sayle, chính là những người thực hiện "Kế hoạch Đầu Sấm", xâm nhập vùng biển miền Bắc Việt Nam để giải cứu Đại tá Dramesi và Đại úy Atterberry đêm 3-6-1972…

Cao Trí (theo History - Operation Thunderhead)
.
.