Vì sao Mỹ đe dọa phá hủy các đầu đạn hạt nhân của Nga?

Thứ Hai, 08/10/2018, 12:40
Lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ lên tiếng đe dọa sẽ phá hủy các đầu đạn hạt nhân của Nga “nếu cần”. Các chuyên gia giải thích về một hiện tượng mới có nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới lần thứ 3.

“Nga phải ngừng phát triển bí mật tên lửa hành trình bị cấm, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nếu không Mỹ sẽ tìm cách tiêu diệt chúng trước khi chúng hoạt động”, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, Kay Bailey Hutchison, nói tại trụ sở NATO ở Brussels ngày 2-10. "Đây là lúc Nga phải đến bàn đàm phán và chấm dứt vi phạm Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF)", bà Hutchison nói với phóng viên tại Brussels.

Nhà ngoại giao Mỹ ngụ ý muốn nói rằng Mỹ đã sẵn sàng tấn công nếu Nga tiếp tục phát triển các tên lửa tầm trung, nhật báo Vzgliad của Nga viết. Hiệp ước INF được ký cách đây hơn 30 năm tại Nhà Trắng, giữa Tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Hiệp định này nhằm cấm mỗi bên phát triển, triển khai và thử các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng từ mặt đất với tầm bắn từ 483km đến 5.472km. INF được ghi nhận là một hiệp định lịch sử, giúp kết thúc cuộc chạy đua vũ trang Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô - Mỹ. INF cũng giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Bà Kay Bailey Hutchison - Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, Nga và Mỹ liên tục tố cáo nhau vi phạm hiệp ước này. Hồi tháng 5-2018, Giám đốc Trung tâm Giảm thiểu rủi ro hạt nhân Nga Sergei Ryzhkov cho biết, Mỹ tiếp tục sản xuất một loạt loại tên lửa mục tiêu có đặc tính kỹ thuật và chiến thuật, đặc biệt là tầm bay, thuộc lớp tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Theo ông Sergei Ryzhkov, các loại tên lửa này có khả năng lắp các đầu đạn hạt nhân khác nhau như những tên lửa đạn đạo tấn công. Ông Sergei Ryzhkov cho rằng việc phát triển và thử nghiệm các tên lửa này tạo ra tiền lệ để phá vỡ hiệp ước INF, vì những tên lửa này có khả năng mang những vũ khí ở các tầm bắn bị giới hạn trong hiệp ước.

Trước đó vào tháng 3-2018, Washington cáo buộc Moskva công khai vi phạm Hiệp ước ký INF bằng cách phát triển vũ khí mới mà Tổng thống Vladimir Putin gọi là “bất khả chiến bại" trong thông điệp liên bang ngày 1-3-2018. Nga phản ứng rằng, nước này tuân thủ đầy đủ các điều khoản của hiệp ước INF và sẽ tiếp tục thực thi thỏa thuận này. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đe dọa sẽ ngưng các chương trình hợp tác khoa học và vũ trụ giữa hai nước nếu Nga không giải quyết chuyện vi phạm INF.

Phản ứng trước tuyên bố trên của bà Hutchison, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói rằng sắp tới nền ngoại giao Mỹ sẽ phải làm việc chăm chỉ để sửa chữa cho những hậu quả từ sai lầm của mình.

Về phần mình, Timofe Bordatchev, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế châu Âu và quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế Moskva nói: "Trong điều kiện hiện tại, các đại diện của Mỹ hành xử theo cách mà không cần người khác nghĩ gì: họ đã biết họ đang đối phó với ai. Tôi không nghĩ Nga sẽ đề xuất các giải pháp kỹ thuật tương xứng vì quân đội Mỹ biết rất rõ điều đó. Rõ ràng, niềm tin về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 không thể xảy ra đang trở thành một mối đe dọa. Mặt khác, điều đó cho thấy NATO ngày nay là một tổ chức thiếu nghiêm túc như thế nào”.

Alexey Arbatov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng nhà ngoại giao Mỹ đang thực sự đề cập đến một cuộc tấn công chống lại Nga, nhưng chỉ trong trường hợp một cuộc chiến tranh lớn đã bắt đầu. "Hutchison đã mất nhiều thời gian để nói: chúng tôi đang cố gắng thuyết phục Nga không phá vỡ Hiệp ước INF, rút tên lửa, chúng tôi dựa vào các đồng minh NATO của mình, chúng tôi không muốn rút khỏi Hiệp ước INF... Sau đó, một nhà báo hỏi bà ta rằng "rút tên lửa" có ý nghĩa là để thuyết phục Moskva phá hủy chúng? Bà Hutchison trả lời rằng: Nga phải vô hiệu hóa chúng bằng mọi cách, nếu không chúng tôi sẽ phát triển các hệ thống, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, sẽ có thể phá hủy tên lửa này của Nga".

Andrei Korobkov, Giáo sư Khoa học chính trị tại Đại học Texas, cho rằng Kay Bailey Hutchison thực sự nói những gì bà ta nghĩ, nhưng cách ăn nói vô tội vạ như vậy có mục đích nhắm đến cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới. "Hiện đang là giai đoạn rất đặc biệt: tất cả các chính trị gia Mỹ, cũng như những người ủng hộ của Tổng thống Trump, đang bằng mọi cách thể hiện sự quyết tâm và lòng dũng cảm của họ trước cử tri", ông Korobkov nói.

"Tất cả những điều này sẽ bị quên lãng sau cuộc bầu cử. Nhưng cho đến lúc đó, chúng ta sẽ còn phải hứng chịu những tuyên bố kiểu như của bà Hutchison. Năm nay 75 tuổi, bà Hutchison là thượng nghị sĩ ở tiêu bang Texas, thuộc về phe bảo thủ của Đảng Cộng hòa”, Andrei Korobkov nói.

Ông Korobkov lưu ý rằng trong phát biểu của Kay Bailey Hutchison có một câu rất lạ. Bà này nói rằng tên lửa của Nga sẽ bị loại bỏ trước khi được hoàn thành và nó không thể cất cánh. Nói cách khác, không có vấn đề về phòng vệ mà là một cuộc tấn công trước”. Nhà nghiên cứu người Nga Dmitry Drobnitsky nói: "Tôi chắc chắn rằng đây là quan điểm không chính thức của bà Hutchison. Các ông Trump, Bolton và Pompeo là những người điều hành chính sách đối ngoại của Mỹ, họ sẽ không bao giờ nói bất cứ điều gì như thế, ngay cả khi ông Bolton không được xem là một người bạn lớn của nước Nga".

Tuy nhiên theo ông, Moskva không thể không đáp trả những tuyên bố như vậy. "Cần phải phản ứng theo cách thích hợp nhất và cứng rắn nhất có thể. Cần phải yêu cầu một lời xin lỗi. Chúng ta phải chứng minh rằng tuyên bố kiểu như thế này là không thể chấp nhận và cần được thông báo về việc xử lý vi phạm với người này", nhà nghiên cứu Drobnitsky kết luận.

M.T. (tổng hợp)
.
.