Vì sao Nga không gia nhập NATO và EU?

Thứ Năm, 27/10/2011, 15:05

Ngày 6/10/2011, tại Diễn đàn đầu tư “Nước Nga vẫy gọi" tổ chức tại thủ đô Moskva, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã tuyên bố: “Nga sẽ không tham gia NATO và EU…”. Đây là lời tuyên bố gây sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao Nga lại không tham gia NATO và EU?

Xung đột với lợi ích toàn cầu của Nga

Cũng tại diễn đàn trên, Thủ tướng Nga Putin nhấn mạnh nước Nga sẽ phải thay đổi, nhưng mọi sự thay đổi phải là để tiến lên. Thủ tướng Putin khẳng định rằng, mọi sự thay đổi phải được áp dụng một cách cẩn thận để tránh những sai lầm mà Nga từng đối mặt trong những năm 90 của thế kỷ XX. Ông cho rằng: "Không nghi ngờ gì nữa, thay đổi là điều cần thiết và chắc chắn sẽ diễn ra, nhưng theo con đường tiến lên. Chúng ta không cần sự bất ổn lớn mà chúng ta cần một nước Nga vĩ đại"

Nước Nga đã từng là cường quốc trong thời kỳ Liên bang Xôviết, và cho đến nay Nga vẫn là một cường quốc quân sự mà các nước phương Tây không thể coi thường.

Trong trường hợp Nga gia nhập NATO, mơ ước khôi phục vị trí siêu cường đã từng có trước đây sẽ được coi là kết thúc. Vì khi gia nhập NATO, Nga chỉ còn là "một nước châu Âu lớn" ngang hàng với Anh, Đức, Pháp. Điều này thật không tương xứng với những gì mà nước Nga thời Liên Xô đã có và cũng không phải là điều mà các thế hệ người Nga mong muốn, "chúng ta cần một nước Nga vĩ đại", đó là lời khẳng định của thủ tướng Putin.

Diễu binh trên Quảng trường Đỏ – Moskva.

Thực tế, cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay Nga là nước chưa thể so sánh với Mỹ. Mỹ có tổ chức quân sự mạnh và có ảnh hưởng nhất thế giới. Đây đã là điều không thể chấp nhận được, huống chi khi gia nhập NATO Nga sẽ phải phụ thuộc vào Mỹ. Vì thế, ông Putin khẳng định rằng Nga có đủ khả năng tự đảm bảo an ninh quốc gia cho mình.

Mâu thuẫn hệ tư tưởng trong lĩnh vực quốc phòng

Có nhiều lý do tế nhị mà người Nga không tiện nói ra, trong đó quan trọng nhất là việc NATO đòi hỏi các thành viên phải minh bạch trong hoạt động quân sự - quốc phòng. Đây là điều Nga khó chấp nhận nhất, vì nếu theo nguyên tắc minh bạch này thì Nga có thể phải chia sẻ những bí mật quân sự của Nga với NATO, nhất là về tiềm lực hạt nhân.

Nhiều nội dung trong chiến lược mới của NATO cho thấy Nga vẫn bị coi là một mối đe dọa, thậm chí còn là mối nguy hiểm hàng đầu. Một trong 7 mối đe dọa đối với NATO là đối tượng an ninh mạng, là chiến lược cạnh tranh dầu mỏ, khí đốt… là ám chỉ vào Nga. Ngay từ hồi tháng 3/2010, đặc phái viên của Nga tại NATO Dmitry Rogozin đã nhận thấy, giới lãnh đạo cấp cao của NATO đang soạn thảo chiến lược quân sự và các kế hoạch chống lại Nga. Kế hoạch này của NATO được soạn thảo sau khi Nga công bố chiến lược quân sự mới một tháng trước đó.

Mặt khác, tuy các nước thành viên NATO vẫn tồn tại các hệ thống chính trị khác nhau như chế độ cộng hòa tổng thống, cộng hòa nghị viện… Nhưng, tất cả các nước đều phải "minh bạch" về ngân sách quốc phòng - quân sự, còn chính quyền lập pháp có chức năng kiểm soát và giám sát. Vấn đề này bao gồm cả việc tiến hành điều tra độc lập các yếu tố lạm dụng và thất bại trong lĩnh vực quân sự, kiểm soát ở cấp nghị viện việc chi tiêu cho các chương trình chế tạo vũ khí, cũng như hệ thống cân bằng hiến pháp và đối trọng. Với sự hỗ trợ của hệ thống này, các vấn đề như có gửi quân tham chiến tại các nước khác hay không cũng sẽ được giải quyết.

Điều khoản nêu trên của NATO là không tương thích với luật pháp về quốc phòng ở Nga, trong lĩnh vực quân sự hiện nay Nga vẫn chưa có việc kiểm soát dân sự. Mặt khác, Nga không thể đồng ý với việc NATO tiết lộ những bí mật quân sự của Nga, ngay cả khi những bí mật mà phương Tây đã biết, đặc biệt là về tiềm lực hạt nhân của Nga.

Triệt tiêu quan hệ lợi ích Nga - Trung

Một khi Nga trở thành thành viên của NATO, tổ chức này sẽ có chung đường biên giới 4.000km với quốc gia đông dân nhất thế giới (hơn 1,3 tỉ người). Điều đó sẽ gây ra những hệ lụy cho việc cân bằng an ninh toàn cầu giữa Nga - Trung Quốc - NATO. Trung Quốc sẽ lo ngại, vì khi NATO đã bao gồm cả Nga sẽ trở thành lực lượng "kiềm chế" và làm suy yếu Trung Quốc. Đây là điều ảnh hưởng to lớn đến lợi ích của Nga, quốc gia đã từng có quan hệ truyền thống và hiện đang có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc.

Ảnh hưởng đà tăng trưởng

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng nhiệm vụ hàng đầu hiện nay của các nước khu vực này là giải quyết vấn đề nợ công, trước khi tính đến kế hoạch kết nạp thêm các thành viên mới. Trong thời điểm hiện tại với sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công, châu Âu có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng mới và như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đời sống của người dân tại đây, còn "mức sống của người dân Nga đã tăng lên gấp đôi" so với năm 1990, việc kéo gần khoảng cách chỉ còn là vấn đề thời gian.

Cũng tại diễn đàn, trả lời câu hỏi của một người Đức, Thủ tướng Putin khuyên rằng: các quốc gia EU cần phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ trước khi đưa ra lời đề nghị đối với Nga. Và rằng: "Các anh muốn chúng tôi gia nhập EU? Trước hết hãy giải quyết món nợ của các anh đi đã".

Tuy nhiên, trong vấn đề quan hệ Nga với NATO và EU, Thủ tướng Nga Putin cũng khẳng định rằng, Nga sẽ tiếp tục phối hợp với NATO và EU trong những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm

Nguyễn Nhâm (tổng hợp)
.
.