Vụ án gián điệp kỳ lạ chống kỹ sư hãng Boeing

Thứ Sáu, 03/06/2016, 07:25
Năm 2013, một đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đọc được trên trang báo điện tử Wired.com thông tin về việc tình báo Trung Quốc cài gián điệp trong hãng Boeing...

Cách đây 3 năm, kỹ sư trưởng Keith Gartenlaub, chuyên gia hệ thống máy tính của hãng chế tạo máy bay Boeing, nơi anh làm việc đã 20 năm, có cuộc sống bình thường ở Nam California. Vợ anh là người Trung Quốc, quản lý một gallery nghệ thuật. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng bay về thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) để thăm cha mẹ già và thậm chí họ còn mua một căn nhà ở đó. Nhưng ngày nay, cuộc sống của họ đã hoàn toàn đảo lộn.

Keith Gartenlaub, ảnh chụp ngày 24-3-2016 tại nhà riêng ở Nam California.

Tất cả chỉ vì vào năm 2013, một đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đọc được trên trang báo điện tử Wired.com thông tin về việc tình báo Trung Quốc cài gián điệp trong hãng Boeing.

Keith Gartenlaub, 47 tuổi, đang được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 400.000 USD và bị quản thúc tại nhà với thiết bị giám sát điện tử đeo nơi vòng cổ chân. Anh không được phép sở hữu máy tính hay bất cứ thiết bị nào có thể dùng để truy cập Internet. Mỗi tháng 3 lần, anh đều phải đi xét nghiệm ma túy. Anh và vợ đang sống nhờ vào số tiền vay mượn.

FBI bắt đầu thẩm vấn Gartenlaub nhiều lần trong năm 2013 sau khi một bài báo trên Wired.com tiết lộ về sự giống nhau đến kỳ lạ giữa chiếc máy bay vận tải mới Xian Y-20 của Trung Quốc với chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 của Boeing và cho rằng có lẽ gián điệp Trung Quốc hoạt động ngầm trong hãng chế tạo máy bay Mỹ.

Cuốn sách "Rogue Justice" của Karen Greenberg.

Sau khi được cấp phép bí mật từ Tòa án Giám sát Tình báo nước ngoài (FISC) vào đầu năm 2014, đặc vụ FBI bắt đầu thu thập mọi thông tin cá nhân của hai vợ chồng Gartenlaub - những cuộc gọi điện thoại, email và tài khoản ngân hàng. Thậm chí, FBI còn đột nhập nhà của Gartenlaub để sao chép dữ liệu ổ cứng máy tính. Sau cuộc điều tra và theo dõi kéo dài 21 tháng, FBI không tìm được chứng cứ nào để kết tội gián điệp chống lại Gartenlaub.

Tuy nhiên, FBI tìm thấy một tình tiết khác - đó là hình ảnh khiêu dâm trẻ em trong máy tính của Gartenlaub. Điều kỳ cục là không có bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Gartenlaub đã từng mở những file hình ảnh khiêu dâm này kể từ khi chúng được download xuống máy tính.

Chuyên gia pháp y Jeff Fischbach cho rằng, có thể những người dùng máy tính khác chịu trách nhiệm về các file này mặc dù thiết bị là của Gartenlaub. FBI cũng không chứng minh được Gartenlaub dính líu đến mạng lưới kinh doanh hình ảnh khiêu dâm, chụp hình hay quay phim trẻ em và trò chuyện trực tuyến về bộ sưu tập hình ảnh này - những hành vi thường thấy nơi bọn tội phạm ấu dâm. Gartenlaub cũng phủ nhận bất cứ sự quan tâm nào đến lĩnh vực khiêu dâm trẻ em.

Tuy nhiên, những file khiêu dâm trong máy tính của Gartenlaub cho phép các công tố viên sử dụng làm công cụ uy hiếp, buộc anh "giúp" họ điều tra về gián điệp Trung Quốc. Gartenlaub nhớ lại: "Tôi trả lời là rất muốn giúp họ nhưng tôi  hoàn toàn không biết gì về gián điệp Trung Quốc" .

Tháng 12-2015, Gartenlaub bị bồi thẩm đoàn ở Los Angeles buộc tội sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em với mức án đề xuất là 10 năm tù. Hiện nay, Gartenberg yêu cầu một thẩm phán hủy bỏ bản án buộc tội và mở phiên tòa xét xử mới.

Về phần mình, Gartenlaub tin rằng, anh đang trở thành mục tiêu của FBI bởi vì vợ anh là người Trung Quốc và là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc ở quận Cam, bang California. Cũng vì vụ án gián điệp biến thành vụ sở hữu hình ảnh khiêu dâm trẻ em một cách kỳ cục này mà Gartenlaub bị hãng Boeing sa thải và anh cũng không còn bất cứ cơ hội nào để được làm việc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Mỹ nữa.

Trải nghiệm ác mộng của Keith Gartenlaub cũng là mối lo ngại của bất cứ người Mỹ nào, đặc biệt đối với 4,5 triệu công dân nước này được cấp phép sử dụng thông tin mật - theo nhận định từ Karen Greenberg, Giám đốc Trung tâm về An ninh Quốc gia, Đại học Fordham (Mỹ) và tác giả cuốn sách mới xuất bản trong tháng 5 tựa đề  “Rogue Justice: The Making of the National Security State" (tạm dịch: Công lý xấu xa: Chiêu trò của Nhà nước An ninh Quốc gia). Greenberg cho rằng việc "sử dụng giấy phép từ FISA (Đạo luật giám sát tình báo nước  ngoài) trong một vụ án gián điệp hay khủng bố và sau đó phát hiện tội phạm khác" là "không có gì khác thường". Nhưng điều đó mang lại cho chính quyền quyền lực ghê gớm đối với những người bị buộc tội.

Năm 2015, chính quyền Mỹ đã buộc tội Bắc Kinh xâm nhập hệ thống máy tính Mỹ đánh cắp dữ liệu cá nhân của 21 triệu người Mỹ - bao gồm dấu vân tay và số An sinh Xã hội. Giới tình báo Mỹ khẳng định tình báo Trung Quốc thường xuyên nhắm mục tiêu vào lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và quân sự Mỹ.

Theo như tờ Newsweek đưa tin, hacker Trung Quốc còn xâm nhập máy tính cá nhân tại nhà của một cựu luật sư từng làm việc cho FBI. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi FBI “nhìn thấy” gián điệp Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Và trong nhiều trường hợp (dù đúng hay sai), mục tiêu của FBI dĩ nhiên thường là người Mỹ gốc Hoa.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.