Vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành dược phẩm

Thứ Bảy, 30/04/2005, 13:58

Ngày 30/9/2004, Hãng Dược phẩm Merck của Mỹ thông báo rút lại toàn bộ số thuốc chống viêm Vioxx trên thị trường thế giới sau khi phát hiện một số lượng lớn người chết vì lên cơn đau tim do dùng phải loại thuốc này. Chỉ một ngày sau, giá cổ phiếu của tập đoàn này tại New York giảm 26%, tương đương mức tụt giảm 2,5 tỉ USD.

Mức thiệt hại này bằng với doanh thu hằng năm của Merck. Nên biết, doanh số bán hàng hằng năm chỉ riêng đối với Vioxx lên đến 2,55 tỉ USD.

Năm 1999, Vioxx đột ngột xuất hiện trên thị trường Mỹ. Được giới thiệu như loại thuốc chống viêm thế hệ mới nhất không chứa stéroide (AINS), Vioxx được chỉ định cho những người bị bệnh viêm khớp. Đối với Tập đoàn Merck, Vioxx là một tham vọng lớn: Merck hy vọng loại thuốc mới này sẽ leo lên vị trí thứ 4 thế giới về dược phẩm và mỗi năm sẽ đem về cho họ 6,5 tỉ USD. Để qua mặt Celebrex, một loại thuốc có tác dụng tương tự Vioxx, của Hãng Pfizer, Merck thông qua ngân sách dành cho quảng bá Vioxx lên đến 100 triệu USD/năm.

 

Trên tất cả các phương tiện quảng cáo của Mỹ đều có sự xuất hiện của Vioxx với nhiều công dụng đặc biệt như: Vioxx đang làm cuộc cách mạng trong điều trị những hội chứng về viêm đồng thời tránh được mọi phản ứng phụ của thuốc lên dạ dày; tạm biệt những vết loét dạ dày và quên đi những hiện tượng xuất huyết hệ tiêu hóa v.v....

Kết quả tức thì: cả nước Mỹ đều muốn có Vioxx và viên thuốc này đã ngoi lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng các loại thuốc bán chạy nhất nước Mỹ. Và thật nực cười là dưới sức ép của bệnh nhân, Vioxx thậm chí được chỉ định cho cả những chứng đau khác như đau nhức răng chẳng hạn.

Sau khi chiếm lĩnh thị trường thuốc kháng viêm tại Mỹ, mũi tiến công kế tiếp của ban lãnh đạo Merck là châu Âu. Đầu năm 2000, Vioxx chính thức có mặt tại Pháp. Tuy nhiên trước đó, tin đồn thổi về một loại thuốc có khả năng làm thay đổi hoàn toàn phương pháp điều trị các bệnh về khớp và đặt nhiều bác sĩ chuyên khoa dạ dày và ruột của Pháp trước nguy cơ thất nghiệp vĩnh viễn đã được nhiều người dân cựu lục địa háo hức đón chào. Và cuối cùng viên thần dược bao mong đợi cũng đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương.

Không có ngày nào là không có báo ca tụng những tính năng đặc biệt của Vioxx. Nhiều nhân vật quan trọng trong lĩnh vực khớp của Pháp đã lên hết diễn đàn báo chí này đến diễn đàn báo chí khác để tung hô rằng Vioxx là một vị cứu tinh cho những người bị các chứng về khớp. Một đội quân trình dược viên được rải đi khắp nước Pháp. Với các phần quà trong tay, họ xộc vào bất cứ một hiệu thuốc hay bệnh viện nào. Thậm chí, 3 ngày trước khi chính thức được đưa vào kinh doanh tại thị trường Pháp, Merck đã bỏ tiền đài thọ toàn bộ chi phí cho Hội nghị hàng năm của ngành khớp của Pháp để đổi lại có 15 phút cho bài phát biểu của họ tại đây.

Ngay sau khi được tung ra thị trường, các bệnh nhân đổ xô đến phòng khám gặp bác sĩ điều trị và yêu cầu họ ra toa với loại thuốc mới này. Và khi công chúng trở nên phụ thuộc vào Vioxx, Merck bắt đầu thực hiện giai đoạn 2 của chiến lược: nâng giá bán và vận động các cơ quan bảo hiểm bồi hoàn cho người bệnh tiền mua thuốc với tỉ lệ cao. Một hộp Vioxx gồm 28 viên được bán với giá 40 euro, cao gấp 3 so với các dược phẩm cùng loại hiện được bán tại Pháp. Dù giá cao như vậy, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận mua vì họ tin rằng Vioxx tốt hơn các loại thuốc cùng loại.

Tuy nhiên, khi Vioxx trở thành một thứ thuốc không thể thiếu đối với những bệnh nhân bị viêm nhiễm trên toàn thế giới thì lúc này các tạp chí khoa học cũng bắt đầu lên tiếng chỉ trích về hiệu quả điều trị và các phản ứng phụ của Vioxx. Ngay từ mùa hè năm 2000, tạp chí "Prescrire" của Pháp đã cho rằng Vioxx chẳng có gì khá hơn các loại thuốc cùng loại hiện đang được bán trên thị trường Pháp, rằng những thử nghiệm lâm sàng của Vioxx là không rõ ràng và tác động của loại thuốc này lên tim mạch của bệnh nhân. Thậm chí, một năm sau đó, tờ tạp chí này còn dự báo trước sự rút khỏi thị trường của Vioxx.

Cũng trong thời gian này, tờ chuyên khoa y học JAMA của Mỹ cũng đã đặt nghi vấn trước những tác dụng phụ của Vioxx lên các bệnh nhân bị bệnh khớp nhưng lại bị tử vong về tim mạch. Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) ngay từ năm 2003 đã chỉ ra rằng, nguy cơ bị lên cơn đau tim ở các bệnh nhân sử dụng Vioxx cao gấp hai lần so với những ai cũng bị bệnh về khớp nhưng sử dụng các loại dược phẩm khác chứ không phải Vioxx.

“Ngay từ đâu, Merck đã biết rằng những nguy cơ về tim mạch do Vioxx gây ra là rất cao. Tuy nhiên, họ vẫn cố tình tung thứ độc dược này ra thị trường và đặc biệt lợi dụng những lời đồn tốt về dược phẩm này để thu lời từ chứng khoán. Và họ đã quyết định rút lại loại dược phẩm ruột của họ sau khi nhận thấy họ có nhiều nguy cơ bị bệnh nhân kiện sản phẩm của họ và trước khi cơ quan chức năng của Mỹ ra tay”, Jacques - Henri Julié, bác sĩ chuyên khoa khớp của Pháp nhận định.

Mặc dù đâu đó đã có những hồi chuông cảnh báo trong thời gian 5 năm thương mại hóa Vioxx, nhưng Merck vẫn thành công tuồn sản phẩm của họ tại 80 quốc gia trên thế giới. Tổng cộng có khoảng 84 triệu người đã sử dụng Vioxx, trong đó chỉ riêng tại Mỹ đã có khoảng 27.000 bị tử vong do sử dụng “thần dược” này (theo báo cáo cuối cùng của FDA). Tại Pháp, có khoảng 50.000 người bệnh thường xuyên dùng Vioxx và hiện chưa có con số thống kê chính xác về số người tử vong.

Lúc này, các bác sĩ bắt đầu phủi tay. “Có rất nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành và nghiên cứu khoa học khẳng định Vioxx là một dược phẩm tốt, không gây phản ứng phụ. Chẳng nhẽ tất cả họ đều là giả dối?! Đối với chúng ta hiện nay, trách nhiệm này thuộc về những người đã cho phép Vioxx lưu hành tại Pháp” - Stanislas Degail, phó thư ký y sĩ đoàn Pháp biện minh. Nghiệp đoàn các bác sĩ chuyên khoa Pháp (MG France) cũng cho rằng, Vioxx là một sản phẩm nghiêm túc, được giới thiệu trong nhiều hội thảo khoa học và đã được các cơ quan chức năng chấp nhận cho thương mại hóa.

Việc cho phép lưu thông Vioxx chỉ là thủ tục hành chính, điều chủ yếu là hồ sơ do các phòng thí nghiệm của Pháp xây dựng. Dựa vào đó, quyết định mới được đưa ra. Năm 2002, ngành y tế Pháp đã bắt đầu cảm thấy những nguy hiểm từ Vioxx và yêu cầu xem xét đánh giá lại loại thuốc đến từ bên kia Đại Tây Dương. Nhưng phải chờ đến hai năm sau, họ mới can thiệp, nhưng chỉ đơn giản là quy định chặt chẽ hơn về chỉ định sử dụng trên tờ hướng dẫn sử dụng.

Điều nghịch lý là vụ Vioxx lại không là một tin vui cho các đối thủ cạnh tranh của Merck, bởi lẽ sự ngờ vực hiện bao trùm tất cả: Pfizer luôn khẳng định Celebrex là một phương pháp điều trị hợp lý; Novartis bèn lui thời gian đề nghị lưu hành loại thuốc Prexige của mình tại Mỹ đến năm 2007...

Hiện Merck đang sống trong thấp thỏm chờ những giấy đòi hầu tòa xuất phát từ các đơn kiện của người sử dụng. Tính đến hết giữa năm nay, sẽ có khoảng 600.000 đơn kiện hãng này được gửi đi. Các chuyên gia dự đoán mức bồi thường mà Merck phải chi trả cho vụ này thấp nhất cũng phải là 11 tỉ USD (bằng đúng khoản thu về từ việc bán Vioxx trong 5 năm). Một tín hiệu xấu khác đang làm giới lãnh đạo Merck lo sốt vó: Zocor, một loại thuốc chống cholestérol hàng đầu của hãng (đem lại 5 tỉ USD hàng năm cho Merck) vừa bị một nghiên cứu độc lập phát hiện nó không hề có tác dụng tốt hơn một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Một bài học đạo đức kinh doanh cho ngành dược phẩm thường phải trả giá bằng nhiều mạng sống

Quốc Hùng (Tổng hợp)
.
.