Vụ bê bối mới ở Phái bộ Pháp quyền Liên minh châu Âu

Thứ Sáu, 15/01/2016, 14:25
Ngày 9-1 vừa qua, nhật báo Koha Ditore có lượng phát hành lớn nhất ở Cộng hòa Kosovo với trụ sở đặt tại thủ đô Pristina, đã đăng tải nguồn tin gây chấn động công luận Liên minh châu Âu (EU), khẳng định các viên chức cao cấp thuộc Phái bộ Pháp quyền của EU tại Kosovo (EULEX) đã nhận hối lộ, đổi lấy việc chấm dứt các thủ tục tố tụng đối với các chính trị gia Kosovo và những người thân cận với họ.


Nguồn tin bị rò rỉ từ một viên chức tư pháp đã tham gia vào cuộc điều tra nội bộ trong EULEX, nhưng do bất đồng quan điểm với Ban lãnh đạo EULEX nên đã bị sa thải. Đó là nữ công tố viên Maria Bamieh, người từng cảnh báo giới chức có trách nhiệm ở EULEX rằng: “Tôi không muốn hé lộ với báo giới về bất cứ điều gì, nhưng nếu bị sa thải và tính mạng bị đe dọa, tôi có quyền phản ứng lại bằng cách công bố thông tin, trở thành một nhân vật Julian Assange - người sáng lập trang mạng WikiLeaks - bất đắc dĩ thứ hai”.

Cựu công tố viên Maria Bamieh.

Nói là làm, công tố viên M. Bamieh cho phóng viên nhật báo Koha Ditore biết cụ thể rằng, Ủy ban Đặc biệt về bài trừ tham nhũng của EU (SCEC) đã tiến hành nghe trộm điện thoại đối với 2 viên chức tư pháp cao cấp là Jaroslava Novotna, Công tố viên trưởng EULEX và Francesco Flori, cựu Chủ tịch Hội đồng Thẩm phán EULEX. “Đích ngắm kế tiếp của SCEC là Jonathan Ratel, cựu Phó giám đốc Văn phòng Công tố viên đặc biệt của Kosovo”, M. Bamieh cho biết thêm.

Đi sâu vào các vụ việc, M. Bamieh khẳng định các viên chức tư pháp cao cấp của EULEX bị SCEC điều tra do nghi ngờ đã nhận tiền hối lộ để ngăn cản việc tố tụng hình sự đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Điển hình là trường hợp của chính khách Kosovo Fatmir Limaj bị tình nghi là tội phạm chiến tranh, từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Viễn thông, chính là thủ phạm giấu mặt trong việc tiến hành vụ đánh bom khủng bố gây sát thương nhiều người tại một quán cà phê ở Pristina năm 2013.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy phát biểu tại trụ sở Phái bộ EULEX tại Pristina, trong chuyến thăm đầu tiên năm 2010.

Khi bị giới truyền thông chất vấn, người phát ngôn của ông Gabriele Meucci, Chủ tịch Phái bộ EULEX yêu cầu phải có tài liệu văn bản làm bằng chứng mới trả lời được(?!). Đồng thời cảnh báo nếu báo chí tiếp tục đăng tải những thông tin nội bộ của EULEX sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố hình sự (!).

Còn bà Maja Kotsiyanchich, phát ngôn viên của Cao ủy phụ trách Chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini, cho biết quan điểm của Ban lãnh đạo EU là không bình luận về những thông tin bị rò rỉ. “EULEX hoạt động trong khuôn khổ nhiệm vụ được giao, cũng như không vượt quá giới hạn cho phép. Bất kỳ lời buộc tội nào đối với nhân viên các cấp thuộc EULEX cần phải được tòa án phân xử, chứ không phải thông qua các phương tiện truyền thông”, bà Kotsiyanchich nhấn mạnh.

Theo một thỏa thuận ký kết giữa EU và chính quyền Kosovo năm 2007, Phái bộ EULEX sẽ triển khai hoạt động tại nước này từ giữa tháng 2-2008 trong thời hạn 18 tháng, với nhiệm vụ giám sát việc điều hành của EU về mặt an ninh và quốc phòng ở Kosovo, trong phạm vi hỗ trợ Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Kososvo (UNMIK), nhằm bảo đảm sự hiện diện dân sự quốc tế tại đây theo Nghị quyết số 1244 năm 1999 của Hội đồng Bảo an LHQ, xác nhận quyền quản lý tạm thời Kosovo qua sự hiện diện của UNMIK.

Phái bộ EULEX hoạt động theo quy chế hỗn hợp, với đội ngũ gồm 3.200 cảnh sát và cán bộ tư pháp, trong đó có 1.950 người thuộc EU và 1.250 nhân viên người địa phương.

EULEX là sứ mệnh lớn nhất và tốn kém nhất của EU ở nước ngoài kể từ khi hình thành tổ chức này gần 60 năm trước, với nhiệm vụ chủ yếu nhằm điều tra các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến các tổ chức tội phạm, nạn tham nhũng và tội ác chiến tranh tại Kosovo. Tháng 9-2012, Pristina đồng ý gia hạn sứ mệnh của EULEX đến giữa năm 2014. Cuối tháng 4-2014, chính quyền Kosovo lại chấp thuận gia hạn thêm một lần nữa, kéo dài sứ mệnh của EULEX cho tới giữa năm 2016.

Cộng hòa Kosovo vốn là một tỉnh tự trị của Serbia, tự tách ra tuyên bố độc lập vào giữa tháng 2-2008. Tính đến đầu năm 2016, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tổng số 193 thành viên LHQ công nhận Kosovo về mặt ngoại giao. Trong khi đó chỉ có 23 nước trong tổng số 28 quốc gia thuộc EU đã chính thức công nhận nền độc lập của Kosovo, ngoại trừ 5 nước còn lại là Cộng hòa Síp, Hy Lạp, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha. Đương nhiên các quốc gia này không gửi quân số tham gia vào EULEX.

Xuân Hiếu (tổng hợp)
.
.