Vụ rơi bom nhiệt hạch của Mỹ ở Tây Ban Nha thời Chiến tranh lạnh
- Mỹ nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch1
- CHDCND Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch: Những dư chấn ở Đông Bắc Á
- Bom nhiệt hạch, vũ khí tối thượng?
Cú va chạm trên không
Đối với 7 thành viên phi hành đoàn chiếc Stratofortress B-52 cất cánh từ căn cứ không quân Seymour Johnson ở Bắc Carolina ngày 16-1-1966, việc chở theo 4 quả bom nhiệt hạch trên máy bay không có gì lạ thường. Đó là một công việc như thường lệ. Sứ mệnh của họ là một phần trong chiến dịch lớn mang tên Chrome Dome đã diễn ra suốt 6 năm trước đó và là một phần quan trọng trong năng lực hạt nhân của Mỹ.
Mảnh vỡ máy bay rơi xuống làng Palomares. |
Để tạo cho siêu cường này khả năng ngay lập tức đáp trả trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công nguyên tử từ Liên Xô, các máy bay ném bom bay liên tục để thực hiện các sứ mệnh 24 giờ xuyên Đại Tây Dương tới bờ đông Italia, rồi lại quay về Mỹ. Điều này có nghĩa là nếu tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công Liên Xô, các máy bay ném bom có thể nhanh chóng tới mục tiêu để "tháo dỡ" thứ hàng hủy diệt ấy.
Điều khiển chiếc B-52 hôm đó là Charles J. Wendorf 29 tuổi. Dù còn khá trẻ nhưng phi công này đã lái B-52 hơn 5 năm. Anh có 3 con và sáng hôm đó, vợ Bette đã lo lắng nói với chồng rằng mình có linh cảm không lành về chuyến bay. Bette cầu xin chồng không đi. Đáp lại, Wendorf nói mệnh lệnh là mệnh lệnh và anh không có lựa chọn khác.
Do đường bay khá dài nên chiếc B-52 phải tiếp liệu trên không tới 4 lần. Theo kế hoạch, chiếc KC-135 Stratotanker sẽ kết nối với chiếc B-52 tại độ cao 9.500 mét để tiếp dầu trên khu vực đông nam Tây Ban Nha. Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 17-1-1966, 2 máy bay tới điểm hẹn tiếp liệu. Khi bay với tốc độ hơn 800km/giờ, quy trình tiếp liệu không hề đơn giản nhưng các phi hành đoàn của 2 máy bay có nhiều kinh nghiệm. Lúc đó, Wendorf đang nghỉ giải lao và chiếc B-52 do một trong hai cơ phó là Larry G. Messinger lái.
Trong quá trình tiếp liệu, thùng chứa của chiếc B-52 sẽ phải ghép với khoang chứa nhiên liệu mà chiếc KC-135 mang theo. Người phụ trách khoang chứa nhiên liệu của máy bay tiếp liệu nhận thấy chiếc B-52 đang bay tới với tốc độ hơi nhanh. Người này bình tĩnh nhắc phi hành đoàn chiếc B-52: "Hãy để ý tốc độ". Nếu nghĩ rằng tình huống là nguy hiểm, anh ta sẽ yêu cầu chiếc B-52 tách ra, nhưng anh ta không làm thế. Cơ phó Messinger nhớ lại: "Chúng tôi không thấy tình hình có gì nguy hiểm. Nhưng đột nhiên, mọi chuyện trở nên hỗn loạn".
Các thủy thủ Mỹ đã trục vớt được quả bom thứ 4 rơi xuống biển sau 4 tháng. |
Chiếc B-52 bay quá vị trí, đầu vòi nhiên liệu trên máy bay chiếc KC-135 đã cắm trượt đầu tiếp khoang chứa nhiên liệu của chiếc B52. Vòi khoang chứa của chiếc KC-135 va vào chiếc B-52 với một lực mạnh đến mức làm gãy cánh trái máy bay. Lửa nhanh chóng lan ra khắp khoang chứa đầy nhiên liệu và bén vào gần 114.000 lít dầu. Khoang chứa lao xuống đất.
Trong khi đó, chiếc B-52 bắt đầu vỡ ra từng mảnh. Phi hành đoàn cố gắng hết sức để thoát ra khỏi máy bay bằng dù. Về phần các quả bom nhiệt hạch, các thành viên phi hành đoàn đã không thể làm gì. Trong vòng chưa đầy 2 phút, 4 quả bom lao xuống đất với tốc độ kinh hoàng, phá hủy phần lớn khu vực Andalucia và Murcia. Nếu chúng phát nổ, hàng trăm nghìn người có thể đã chết. Bụi hạt nhân có thể giết chết hàng triệu người nữa khắp châu Âu. Họ có thể không chỉ chết vì nhiễm phóng xạ mà còn chết vì ung thư suốt hàng chục năm sau đó.
May mắn khó tin
May mắn thay, mấy quả bom nhiệt hạch B28 đã không nổ khi rơi xuống. Chỉ có 2 thiết bị nổ thông thường bên trong 2 quả bom nhiệt hạch phát nổ, trút 3kg chất phóng xạ plutonium-239 xuống làng chài Palomares. Người dân Palomares đã chứng kiến vô số mảnh kim loại lớn bốc cháy ồ ạt trút xuống như một cơn mưa lửa.
Các thùng đất nhiễm xạ được chuyển về Mỹ để xử lý. |
Lúc đó, ông Jose Molinero đang dạy học tại trường và yêu cầu học sinh ở yên trong lớp. Một mảnh của máy bay ném bom đã lao xuống cách lớp học chỉ hơn 70 mét. Còn ông Pedro de la Torres Flores 83 tuổi đang đứng với 2 đứa chắt cũng suýt bị bom rơi trúng. 1 trong 4 quả bom nhiệt hạch hạ cánh ngay trước họ, khiến họ ngã vật ra nhưng không nguy hiểm tới tính mạng.
Vậy tại sao mấy quả bom lại không phát nổ? Nguyên nhân là vì phi hành đoàn chiếc B-52 chưa lắp chốt cho bom, tức là mạch điện kích nổ quả bom nhiệt hạch chưa được kích hoạt. Muốn bom nổ, mạch điện cần được kích hoạt để quá trình phân hạch plutonium và uranium trong bom diễn ra. Lúc đó, quả bom nhiệt hạch mới có thể thể hiện sức công phá khủng khiếp.
Do đó, khi chất nổ thông thường trong quả bom hạt nhân chưa lắp chốt nếu có phát nổ cũng sẽ không gây ra thảm họa hạt nhân mà chỉ gây ra "bom bẩn" - tức là chất nổ bình thường sẽ phát tán chất phóng xạ độc hại ra ngoài.
Ba quả bom còn lại không gây hại cho con người và tài sản. Quả bom thứ hai chỉ có một nửa chất nổ bình thường phát nổ. Quả bom thứ ba rơi xuống lòng một con sông cạn và không nổ. Quả thứ tư rơi xuống biển cách đó hơn 15km.
Một điều may mắn hơn nữa là dù trên các quả bom đã không hoạt động. Điều đó có nghĩa là các quả bom rơi với một lực mạnh đến mức chúng lao sâu vào lòng đất, phần lớn các quả bom đã bị vùi trong đất khi chất nổ thông thường phát nổ. Do đó, chỉ một lượng nhỏ phóng xạ plutonium bị phát tán ra ngoài. Thêm một điều may khác, gió đã thổi các hạt phóng xạ ra xa Palomares.
Dân làng Palomares đã thoát chết một cách thần kỳ nhưng các thành viên phi hành đoàn không được may mắn như thế. Bốn người trên chiếc máy bay tiếp liệu KC-135 chết thảm khốc. Nhiều khả năng họ bị thiêu sống trước khi máy bay phát nổ thành một quả cầu lửa khổng lồ ở độ cao gần 500 mét. Những người trên chiếc B-52 khá hơn đôi chút. Bốn thành viên phi hành đoàn, trong đó có Wendorf, đã nhảy dù thoát thân an toàn. Ba người trong số họ được cứu sống trên biển. Người còn lại đáp xuống vùng đất gần Palomares trong tình trạng bị bỏng nặng và gãy vai. Những người còn lại trong phi hành đoàn đã không thể thoát ra khỏi chiếc máy bay đang vỡ vụn.
Chỉ vài phút sau khi xảy ra vụ việc, Không quân Mỹ đã đánh điện cho Lầu Năm góc và Phòng Tình huống ở Nhà Trắng chỉ mấy chữ: Broken Arrow (Mũi tên gãy), một mật danh ám chỉ một đầu đạn hạt nhân đã mất. Tổng thống Lyndon Johnson liên tục được cập nhật thông tin. Một đội kiểm soát thảm họa từ căn cứ Torrejon ở Mỹ vội vã tới Palomares. Họ tới vào chiều hôm đó để lùng tìm các quả bom.
Ba quả bom được xác định vị trí và được di dời trong vòng 24 giờ. Quả thứ tư nằm sâu gần 800 mét dưới đáy Địa Trung Hải. Quá trình trục vớt quả bom này khiến Hải quân Mỹ khốn khổ. Họ mất gần 3 tháng để tìm ra vị trí quả bom này. Khi họ trục vớt được nó lên mặt biển, nó lại bị rớt và rơi xuống sâu thêm 150 mét nữa. Sau đó, một tàu ngầm lại bị vướng vào dây dù của quả bom. Đến giữa tháng 4, quả bom mới được đưa lên khỏi mặt nước.
Trong giai đoạn trục vớt, Chính phủ Mỹ và Tây Ban Nha đã phối hợp với nhau để trấn an dư luận nhưng theo cách rất ngớ ngẩn. Ban đầu họ ra tuyên bố bác bỏ rằng sự cố liên quan tới vũ khí hạt nhân. Tiếp đó, họ buộc phải thừa nhận có thể có vũ khí hạt nhân trong vụ va chạm giữa hai máy bay. Cuối cùng, họ đành thú nhận ngượng ngùng sự thật. Hai nước cũng không hé răng về chuyện liệu người dân Palomares có bị ảnh hưởng bởi phóng xạ không. Các mẫu nước tiểu lúc bấy giờ cho thấy người dân ở đây đã hít thở chỉ một lượng nhỏ phóng xạ plutonium và không ai cần điều trị đặc biệt gì.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nằm ở mặt đất nơi mà các hạt phóng xạ vương vãi. Mỹ đã di dời 5.000 thùng đất nhiễm phóng xạ để chôn tại trụ sở Ủy ban Năng lượng Nguyên tử tại Charleston, bang Nam Carolina. Nông dân ở Palomares được bồi thường tiền vụ khoai tây bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Tuy nhiên, bất chấp việc Mỹ nỗ lực loại bỏ phóng xạ bị phát tán ra môi trường, nhiều người dân không tin rằng họ đã an toàn. Theo một báo cáo, khoảng 50 người dân làng Palomares vẫn mang trong mình plutonium, và có bằng chứng cho thấy nhiều người đã chết vì ung thư khi tuổi còn khá trẻ. Không may, không có cách nào để xác nhận thông tin này vì mọi hồ sơ y tế đã bị tiêu hủy.
Palomares từ đó luôn là chủ đề bất đồng giữa Tây Ban Nha và Mỹ. Năm 2008, Cơ quan hạt nhân Tây Ban Nha cho biết vẫn còn gần 49.000m2 đất bị nhiễm độc và nửa kilôgam plutonium vẫn còn ở ngoài môi trường. Sau một thời gian dài lật đi lật lại vấn dề, Mỹ cuối cùng đã quyết định xử lý hậu quả một lần cho xong. Theo thỏa thuận mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhất trí với Ngoại trưởng Tây Ban Nha năm 2014, Mỹ sẽ phải di dời số đất ô nhiễm còn lại. Đây sẽ là một dự án khổng lồ, mất tới 2 năm và tốn 37,7 triệu USD. Nhưng vẫn còn may chán! Nếu 4 quả bom nhiệt hạch phát nổ, số thời gian và tiền bạc để giải quyết hậu quả sẽ còn lớn hơn gấp bội.