Người kiến tạo “thời kỳ trăng mật” giữa tình báo Mỹ và Liên Xô

Thứ Ba, 30/01/2018, 14:32
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử tình báo, trước Thế chiến thứ II, nước Mỹ chưa có cơ quan tình báo thống nhất. Khi nước Mỹ sửa soạn tham chiến, Tổng thống Roosevelt quyết định thành lập cơ quan tình báo trung ương thống lĩnh tất cả các cơ quan tình báo hiện hữu.

Việc này bị giới lãnh đạo nhiều cơ quan tình báo khác nhau chống đối, đặc biệt là Bộ Hải quân. Nhưng Tổng thống Roosevelt không nao núng. Ngày 11-7-1941 ông chỉ định Đại tá (sau này là Thiếu tướng William Joseph Donovan) soạn thảo dự án thành lập tổ chức đó.

Trong cuốn sách “Hoạt động tình báo - chìa khóa phòng vệ”, Donovan nhớ lại lời Tổng thống Roosevelt đã nói với ông vào ngày hôm đó: “Anh bắt đầu hoàn toàn từ đầu là rất tốt. Bởi vì nước Mỹ chưa có cái gọi là một cơ quan tình báo đúng nghĩa”.

Mối quan hệ giữa “Bill Hoang dã” và cha đẻ của điệp viên 007

William J.Donovan sinh trưởng trong một gia đình công chức người Ireland theo Thiên chúa giáo tại thành phố Buffalo. Từng là một luật sư và có thời gian tham gia Thế chiến thứ I, William Donovan bắt đầu hoạt động tình báo từ năm 1919 ở vùng Siberia, nơi ông đi hưởng tuần trăng mật với vợ.

Trợ lý tin cậy hàng đầu của ông là nữ đầu bếp Julia Child. Do OSS chú trọng việc cần tuyển dụng các nhà trí thức và những người giỏi nhất thuộc các lĩnh vực nên OSS bị đọc trại từ “Office Strategies Service” thành “Oh So Social”, hiểu nôm na là “xã hội hóa” cơ quan tình báo này.

Ông William J.Donovan tại văn phòng của OSS.

Còn Wiliam Donovan, với tính cách ưa cầu toàn, rất dễ “nổi điên” với đồng nghiệp và thuộc cấp nhưng lại có thành tích chiến đấu can đảm, giàu trí tưởng tượng và cứng rắn nên ông được đặt cho biệt danh “Bill Hoang dã”. Chức vụ mà Donovan được chỉ định vào ngày 11-7-1941 ban đầu được gọi là “Người phối hợp cơ quan tình báo”.

Nhưng bất chấp lệnh của tổng thống gửi tất cả các cơ quan chính phủ yêu cầu cung cấp cho Donovan thông tin mang tính chiến lược và chiến thuật, viên đại tá đã vấp phải sự chống đối ra mặt, sự không thông hiểu, sự ghen ghét của những người đại diện cho quyền lợi cục bộ của các cơ quan và họ đã dùng đủ cách cản trở khiến công việc của ông gần như không thể thực hiện nổi.

Thông tin do Ngoại Vụ viện, Quân đội và Hạm đội Hải quân cung cấp cho ông chẳng thể sử dụng vào mục đích gì. Những người có kinh nghiệm hoạt động tình báo trước yêu cầu đề nghị chuyển sang làm việc cho Donovan đều từ chối. Cánh tình báo quân sự miễn cưỡng chia sẻ thông tin, họ vin vào chuyện bẻ khóa mật mã từng bị Bộ Ngoại giao Mỹ cấm từ  năm 1929, do Ngoại trưởng Henry Stimson nhận định “người lịch sự thì không xem thư người khác”.

 Khi đó William Donovan bèn chuyển hướng hành động và mời làm việc toàn những người ngoài cuộc, chưa hề hoạt động tình báo bao giờ như nhân viên các công ty, nhân viên các ngân hàng, luật sư, giáo sư các trường đại học, thậm chí là các linh mục.

Tháng 6-1942, theo lệnh của Tổng thống Roosevelt, Cục Thông tin quân sự được thành lập, còn sau đó là Cục Chiến lược do Donovan đứng đầu. Có ba nhiệm vụ được đặt ra cho ông là: tiếp tục thu thập những thông tin khoa học phi chính thức; tiến hành tuyên truyền phá hoại; hoạt động phá hoại (có sự phối hợp của quân đội).

Lúc lập OSS, “Bill hoang dã” cũng tư vấn các bậc thầy chiến tranh tình báo Anh như Ian Fleming (cha đẻ nhân vật tiểu thuyết James Bond 007) lúc đó là sĩ quan ngành tình báo hải quân Hoàng gia Anh. Vì lẽ đó, có thể nói nhà văn này cũng là cha đẻ OSS cùng Donovan. Trong Thế chiến II, Fleming là trợ lý của John Godfrey, chỉ huy Cục Tình báo hải quân và cũng là mẫu hình cho nhân vật M chỉ huy của 007. Một phần nhiệm vụ của Fleming là quan hệ chuyên môn với “Bill hoang dã”.

Ian Fleming còn viết “đề cương” 72 trang để giúp Donovan lập OSS, trong đó định nghĩa “một điệp viên bí mật phải được huấn luyện kỹ năng quan sát, phân tích và đánh giá, tuyệt đối kín miệng, tỉnh táo, xem nhiệm vụ là trên hết, giỏi ngoại ngữ và dày dạn kinh nghiệm sống, tuổi từ 40 đến 50”. Hiện tập đề cương này vẫn được trưng bày tại Bảo tàng chiến tranh ở London.

Ngoài ra, Ian Fleming cũng giúp OSS huấn luyện điệp viên ở Canada, theo lời William Stephenson, một chuyên gia tình báo Canada và có mật danh Intrepid. Một thông tin khác kể “Bill hoang dã” trả ơn Fleming bằng món quà tặng là khẩu súng colt. Trong khi đó, nhiều nguồn tư liệu cho biết, nhân vật Felix Leiter, điệp viên CIA là bạn thân của James Bond trong các tập truyện 007 chính là dựa theo hình mẫu của “Bill hoang dã”.

Cơ quan tình báo hợp tác với thành phần “ngoại đạo”

William Donovan nhanh chóng xây dựng được một cơ quan tình báo riêng rất mạnh, hoạt động lấn át cả những tổ chức tình báo khác, từ đó OSS nhận được nguồn kinh phí dồi dào. Lúc này Donovan đã có thể mời những chuyên gia cao cấp, nhà khoa học, giáo sư trong tất cả các lĩnh vực khoa học hiện đại, các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, các chuyên viên kỹ thuật, thợ lành nghề và thậm chí cả những tên lừa đảo chuyên nghiệp và những tay “anh chị” trong thế giới ngầm... làm việc cho mình.

Một lớp huấn luyện các điệp viên OSS.

Điều thú vị là tất cả những con người này không phải là các nhà tình báo chuyên nghiệp, đã sáng tạo ra những phương pháp hoạt động tình báo và phá hoại độc đáo của riêng mình, mà những gián điệp chuyên nghiệp thường bị hạn chế bởi thói quen, nguyên tắc.

OSS có tài khoản riêng, từ quỹ khẩn cấp của Tổng thống Roosevelt nên không phải báo cáo tài chính với Quốc hội Mỹ. Trong thời chiến, OSS tiêu số tiền khoảng 135 triệu USD, tức hơn 1 tỷ USD vào thời buổi hiện tại. Một trong những thành tựu lớn của họ trong Thế chiến 2 là xâm nhập vào Đức, huấn luyện khoảng 200 điệp viên - hầu hết là tù nhân chống phát xít - hoạt động tình báo.

Bên cạnh đó là hoạt động thu thập thông tin về các kế hoạch quân sự, chiến tranh du kích, hỗ trợ và huấn luyện các lực lượng vũ trang kháng chiến, bẻ khóa mật mã. Các chiến dịch tâm lý của họ gồm rải truyền đơn, “xào nấu thông tin” hay tạo tin giả để đánh lừa và làm suy yếu ý chí chiến đấu như “tung tin đồn nhảm” về sức khỏe, chứng điên của Hitler.

Từ năm 1943-1945, William Donovan đã tổ chức thành công các chiến dịch tung gián điệp vào hậu phương của đối thủ ở Pháp, Italy, Miến Điện, Thái Lan, Algérie và các nước khác. Cuối năm 1943, Tổng thống Roosevelt đã tán thành đề nghị của William Donovan về việc bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô. Trước Giáng sinh năm 1943, William Donovan bay sang Moskva.

Ngày 25-12, ông cùng với đại sứ Harriman được Ngoại trưởng Molotov tiếp. Donovan trình bày cặn kẽ về OSS, về các nhiệm vụ, chức năng và hoạt động cụ thể của OSS ở hàng loạt các nước, trong đó có các nước vùng Balkan. Sau đó Donovan gặp gỡ với người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Fitin. Kết quả các cuộc đàm phán được trình lên Stalin. Stalin đồng ý việc trao đổi đại diện và hoạt động hợp tác của cơ quan tình báo Xôviết với Cục Chiến lược của Mỹ.

Trở về Mỹ, Donovan gửi đến tất cả các phòng ban chỉ thị về việc: “Cục chiến lược có thể cung cấp cho Nga thông tin tình báo giá trị, hữu ích cho đất nước đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Đức”.

Trong thời kỳ “trăng mật” giữa hai cơ quan tình báo Mỹ- Liên Xô, phía Mỹ đã cung cấp những thông tin chính trị và quân sự đặc biệt có giá trị gồm: tin về tình hình tại Đức và các nước bị chiếm đóng, các bản tổng hợp tin tình báo về các vấn đề riêng rẽ, bản tổng kết phân tích khả năng của nền công nghiệp Đức; đánh giá tình hình trong giới lãnh đạo quốc xã của Đức, thông tin về tình hình Hungary, Rumani và Bungary.

Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán, Donovan phát biểu nguyện vọng muốn trao đổi tài liệu về máy móc kỹ thuật cho hoạt động phá hoại, nhưng ông chỉ cung cấp được một cuốn danh mục có ảnh minh họa loại vũ khí và máy chuyên dụng nhưng cũng khiến các chuyên gia quan tâm.

Về phần mình, tình báo Liên Xô đã chuyển cho đối tác các báo cáo về tình hình quân đội Đức, tình trạng vũ trang, đánh giá tương lai chính trị của nước Đức; thông tin về các nhà máy hóa chất bí mật tại Đức và Ba Lan chuyên sản xuất chất độc; về nhà máy ngầm ở Svinemunde; về trạm thử nghiệm tên lửa tại Merzeburg; về tình hình Bungary với đánh giá tình thế chính trị bên trong nước này…

Năm 1944 - đầu năm 1945, tình báo Xôviết đã giúp đỡ các đồng nghiệp Mỹ rất nhiều trong việc làm sáng tỏ số phận của một số nhóm điệp viên Mỹ nhảy dù xuống Tiệp Khắc và của những phi công lái máy bay đã bị giết ở đó. Toàn bộ những thông tin do tình báo Liên Xô cung cấp được phía Mỹ đánh giá rất cao.

Những kẻ phá bĩnh

Đột nhiên, ngày 16-3-1944 từ Mỹ có một bức điện do Roosevelt gửi yêu cầu tạm hoãn vô thời hạn việc trao đổi các đoàn đại biểu. Quyết định đó được thông qua theo yêu cầu khẩn khoản của Giám đốc FBI là E. Hoover, người cho rằng mục đích “kết giao hữu hảo” của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) là thâm nhập vào các cơ quan nhà nước của Mỹ.

William Donovan thực sự tức giận vì sự can thiệp của Hoover nhưng tổng thống không thay đổi quyết định. Mặc dù vậy, cuộc tiếp xúc giữa hai cơ quan tình báo vẫn được ấn định, nhưng chỉ thông qua người lãnh đạo phái đoàn đại diện quân sự của Mỹ tại Liên Xô.

Tháng 7-1944, sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, William Donovan thông báo cho Fitin về việc chỉ huy mạng lưới tình báo ở các nước vùng Balkan là Huttle đã bị bắt giữ tại Áo vì đây là kẻ “mong muốn gây bất đồng giữa Liên Xô và Mỹ, sẵn sàng chuyển giao toàn bộ phần còn lại của mạng lưới tình báo đang tồn tại cho Mỹ để sử dụng chống người Nga”. Donovan đề xuất việc thảo luận các giải pháp phối hợp nhằm xóa bỏ mạng lưới của Huttle và thông báo đã giao nhiệm vụ này cho trợ lý của mình là Allen Dulles.

Donovan không ngờ mình đã “giao trứng cho ác” vì trong thời gian đó, Allen Dulles cùng với chỉ huy cơ quan tình báo của quân đội đã tiến hành những cuộc thương lượng với người đứng đầu cơ quan tình báo của Hitler ở mặt trận phía Đông - tướng Gehlen - về các hoạt động phối hợp chống người Nga.

Chống lại đề xuất của Donovan còn có cả nhóm liên minh chỉ huy các bộ tham mưu. Họ cho rằng nhất thiết phải “thảo luận vấn đề nên hay không nên hợp tác với các sĩ quan Đức không thuộc đảng Quốc xã để thu thập tin tức tình báo về tiềm lực và các dự định của người Nga”. Từ đây, hoạt động hợp tác giữa tình báo Liên Xô và Mỹ xem như kết thúc.

William Donovan còn lại một mình đơn độc. Tổng thống Roosevelt mất ngày 12-4-1945, tổng thống kế nhiệm Harry Truman lại là người giữ lập trường chống Liên Xô kịch liệt. William Donovan đành bùi ngùi viết trong một bức thư thể hiện sự ủng hộ cá nhân gửi Fitin rằng: “Tôi tin tưởng thành công đã đạt được bấy lâu trong sự nghiệp chung của chúng ta chứng tỏ chúng ta có thể là những đồng minh trong các hoạt động hợp tác, ít ra là trong lĩnh vực tình báo”.

Sau khi đế quốc Nhật đầu hàng Đồng minh, ngày 20-9-1945, Tổng thống Truman ra lệnh giải tán Cục Chiến lược. Tướng Donovan xin từ chức và trở về với nghề luật sư ở thành phố New York. Hoạt động tình báo thời kỳ này lại được trao về dưới sự điều khiển của các chủ nhân cũ của nó là Ngoại Vụ viện và Bộ Quốc phòng.

Gần 2 năm sau, vào ngày 15-9-1947, Tổng thống Truman ban hành Đạo luật An ninh Quốc gia và lại một lần nữa thống nhất ngành tình báo làm một, chính thức đặt bước khởi đầu cho việc thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA.

Bản thân William Donovan khi nhớ về quãng thời gian xông xáo cùng OSS, ông cũng nhận ra rằng “Làm tình báo không là một việc hay, cũng chẳng có phương pháp điển hình nào, không có bom hủy diệt hoặc khí độc. Chúng ta đối diện một địch thủ tin rằng một trong những vũ khí chủ đạo là khủng bố. Nhưng chúng ta cũng dùng khủng bố để chống lại địch thủ ấy”.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.