Xung quanh vụ đánh cắp công nghệ máy bay tàng hình F-35

Thứ Bảy, 08/02/2014, 11:40

Ngày 9/1 vừa qua, Mozaffar Khazaee, 59 tuổi, chuyên gia thử nghiệm động cơ máy bay tàng hình công nghệ cao, bị bắt giữ tại sân bay quốc tế Newark Liberty ở bang New Jersey khi ông đang chuẩn bị bay đến thành phố Frankfurt nước Đức. Nhưng, chính quyền liên bang Mỹ cho rằng điểm đến cuối cùng của Khazaee thật sự là thủ đô Tehran của Iran.

Sau khi khám xét số thùng hàng của Khazaee, nhân viên hải quan phát hiện một số tài liệu nhạy cảm liên quan đến chương trình thiết kế sản xuất chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ kế tiếp của quân đội Mỹ - F-35 Joint Strike Fighter trị giá 392 triệu USD - được cho là bị đánh cắp và chuẩn bị gửi cho giới chức tình báo Iran. Nếu bị buộc tội, Khazaee có thể ngồi tù đến 10 năm và nộp phạt số tiền 250.000 USD.

Mozaffar Khazaee - người gốc Iran nhập tịch Mỹ năm 1991 - bị điều tra từ tháng 11/2013 với sự phối hợp của đặc vụ nhiều cơ quan chính quyền liên bang Mỹ như: Cục Điều tra liên bang (FBI), Bộ An ninh nội địa (DHS), Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBPS), Cơ quan Điều tra an ninh nội địa (HIS), Cơ quan Điều tra đặc biệt của Không quân (AFOSI) và Cơ quan Điều tra tội phạm thuộc Bộ Quốc phòng (DCI).

Theo hồ sơ tòa án, các nhà điều tra đang tích cực làm việc để xác định xem Mozaffar Khazaee (cũng như các tòng phạm chưa được xác định) có thật sự vi phạm luật pháp hay không - ví dụ, Luật Kiểm soát xuất khẩu vũ khí Mỹ, các quy định trừng phạt hoạt động giao dịch của Iran, và Luật trừng phạt kinh tế khẩn cấp quốc tế.

Theo nguồn chính quyền Mỹ, hiện thời Mozaffar Khazaee - cũng được gọi là "Arash Khazaie" - chưa phải đối mặt với bất cứ tội danh gián điệp nào và vụ án sẽ được truy tố bởi một nhóm của bộ phận phản gián thuộc Bộ Tư pháp Mỹ. Vụ án có thể gây phức tạp cho các vấn đề ngoại giao của Mỹ trong lúc mà Bộ Ngoại giao nước này đang cố xây đắp mối quan hệ dễ chịu hơn với Tehran.

Vừa qua, Iran cùng với Mỹ và 5 cường quốc khác thông báo các chi tiết trong kế hoạch giảm bớt quy mô chương trình hạt nhân của Iran bắt đầu từ ngày 20/1/2013 và kéo dài 6 tháng để đổi lấy việc Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt chống Iran trong suốt nhiều năm qua.

Theo hồ sơ Tòa án Bridgeport bang Connecticut, giới chức hải quan kiểm tra những thùng hàng của Khazaee được gửi từ Connecticut đến một công ty vận chuyển hàng hóa ở Long Beach để chuyển đến Iran bằng chiếc tàu hàng NYK Libra mang cờ Panama.

Giấy tờ kê khai hàng hóa ghi là đồ gia dụng nhưng thật ra bên trong các thùng hàng là nhiều tài liệu ghi chép chi tiết kỹ thuật nhạy cảm và độc quyền liên quan đến chương trình máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ mới của Mỹ - F-35 Joint Strike Fighter ("JSF") - cùng với chi tiết về các động cơ phản lực quân sự. Công ty vận chuyển hàng hóa cho biết Khazaee gửi hàng đến Iran trước và anh ta sẽ đến nước này sau đó.

Theo điều tra của DHS, các thùng hàng của Khazaee chứa đựng 44 hộp nhỏ cất giữ hàng ngàn trang tài liệu nhạy cảm về máy bay tàng hình F-35 có chữ ký của đặc vụ DHS Breanne Chavez. Trong đó, nhiều trang tài liệu thuộc sở hữu của 3 nhà thầu quốc phòng khác nhau (chưa được tòa án công bố danh tính) tham gia chương trình thiết kế F-35.

Cuộc điều tra cho biết Mozaffar Khazaee ban đầu làm việc cho nhà thầu tạm gọi là "Công ty A", 1 trong số 3 nhà thầu có tài liệu nằm trong các thùng hàng của Khazaee.

Loại máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.

Khazaee rời khỏi "Công ty A" ngày 19/8/2013 khi nơi này giảm bớt nhân lực. Mặc dù chưa được tòa án công bố danh tính, nhưng tờ Foreign Policy cho rằng "Công ty A" có lẽ là Công ty Hàng không Pratt & Whitney ở Connecticut. Pratt & Whitney chế tạo động cơ cho máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 dự kiến sẽ trở thành nhân tố quyết định của sức mạnh không quân Mỹ trong tương lai.

Ngày 26/12/2013, giới chức Pratt & Whitney khai báo với các đặc vụ DHS và FBI rằng trong suốt thời gian làm việc cho công ty nhóm của Khazaee phụ trách tiến hành thử nghiệm về sức mạnh và độ bền của mọi chi tiết động cơ do nơi này chế tạo, trong đó bao gồm động cơ sử dụng riêng cho chiếc máy bay F-22 Raptor của không quân Mỹ.

Khi chuẩn bị rời khỏi Pratt & Whitney, Khazaee đã ký giấy cam kết trách nhiệm giao nộp lại toàn bộ tài liệu cũng như vật chất thuộc sở hữu của công ty. Các nhà điều tra cũng thẩm vấn giới chức 2 nhà thầu quốc phòng giấu tên còn lại và họ đồng thanh khai báo Khazaee đã ký cam kết không cất giấu bất cứ tài liệu nào của họ.

Người phát ngôn cho Lockheed Martin cho biết họ đã được thông báo về cuộc điều tra và đang hợp tác với chính quyền nhưng lại từ chối cho biết công ty có nằm trong số 2 nhà thầu giấu tên còn lại hay không.

Theo tờ Defense News, một công ty khác liên quan đến chiếc F-35 là Rolls-Royce đặt cơ sở ở Indianapolis - nơi Khazaee cư trú cuối cùng trước khi bị bắt giữ. Một quan chức của Rolls-Royce cho biết, công ty đang hợp tác với chính quyền liên bang Mỹ nhưng từ chối bình luận về bất cứ vấn đề gì khi cuộc điều tra còn chưa kết thúc.

Vụ án liên quan đến chương trình máy bay tàng hình F-35 được coi là sự cố mới nhất gây ảnh hưởng đến an ninh và ngoại giao của chính quyền Mỹ. GAO, tổ chức kiểm soát tài chính của Quốc hội Mỹ, hiện đang xem xét những gì đang xảy ra quanh vụ án Mozaffar Khazaee.

Hãng tin Reuters cho biết, các nhóm hacker máy tính cũng nhiều lần - ít nhất là từ năm 2009 - chọn mục tiêu tấn công là chương trình máy bay tàng hình F-35 cực kỳ hiện đại của không quân Mỹ

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.