Yuri Drozdov - huyền thoại điệp viên "lậu" của KGB

Thứ Sáu, 01/09/2017, 07:16
Nhắc đến điệp viên huyền thoại Yuri Drozdov không thể không nhắc đến chương trình điệp viên "lậu" nổi tiếng của cơ quan tình báo Liên Xô KGB và sau này là SVR của Nga.


Ông nổi tiếng thời Chiến tranh lạnh với vụ trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Liên Xô tại Berlin năm 1962, và câu chuyện đó sau này được Hollywood dựng thành bộ phim nổi tiếng Bridge of Spies (Cây cầu điệp viên) vào năm 2015. Drozdov qua đời vào tháng 6-2017 vừa qua, ở tuổi 92.

Ở KGB trước đây và nay là SVR và FSB, Yuri Drozdov được xem như một huyền thoại. Ông tham gia với vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động, chương trình nổi bật của KGB trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và cả sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Bậc thầy tình báo "lậu" Yuri Drozdov.

Ông có ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động của tình báo Liên Xô trước đây và SVR sau này, là bậc thầy về điệp viên "lậu" mang đặc trưng riêng của tình báo Liên Xô. Mặc dù ở phía đối nghịch, nhưng các quốc gia phương Tây đối đầu với Liên Xô, sau này là Nga, vẫn kính trọng và khâm phục ông. Thậm chí một số chuyên gia tình báo phương Tây còn ca ngợi ông là một trong những bậc thầy tình báo nổi bật nhất của Liên Xô-Nga.

Yuri Ivanovich Drozdov sinh ngày 19-9-1925 tại Minsk, Belarus. Bố ông, Ivan Drozdov, là một cựu binh Nga hoàng, sau Cách mạng Tháng Mười Nga đã đi theo cách mạng Bolshevik. Do đó, cuộc đời ông từ nhỏ đã được định hình theo con đường Cách mạng Tháng Mười.

Thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Drozdov gia nhập quân ngũ, là một người lính pháo binh trong lực lượng Hồng quân Liên Xô. Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Đến năm 1956, sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại ngữ quân đội, nơi được xem là một trong những trung tâm đào tạo căn bản cho điệp viên Liên Xô thời bấy giờ, Drozdov được chuyển công tác từ quân đội sang phục vụ trong cơ quan tình báo KGB.

Trong quyển hồi ký xuất bản năm 2016, Drozdov viết rằng, việc trở thành điệp viên KGB là một cơ hội lớn đầu tiên trong đời ông, vì nó giúp ông không chỉ mở mang tầm nhìn ra thế giới qua những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài, mà còn mang lại cho ông nguồn thu nhập "nhiều tiền hơn và có thể giải quyết được vấn đề nhà ở".

Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông bắt đầu vào năm 1958, khi đó ông được biệt phái sang làm điệp viên ngầm đóng giả làm một người Đức ở Leipzig, CHDC Đức. Nhiệm vụ của Drozdov là nằm vùng và leo càng cao càng tốt. Để phục vụ tốt nhiệm vụ, Drozdov trau dồi thêm tiếng Đức. Nhờ vốn tiếng Đức đã học từ nhỏ qua sách vở nên Drozdov không gặp mấy khó khăn để tự rèn luyện thông thạo tiếng Đức.

Ông lắng nghe, quan sát và ghi nhớ rất kỹ những câu nói, màu sắc, khẩu hiệu và cả cách cư xử của người địa phương để hòa mình vào cuộc sống của họ mà hoạt động. Ông tham gia các buổi thuyết giảng và đọc mọi thứ tìm được để nắm vững tiếng Đức như người Đức. Từ vị trí công tác ở Leipzig, Drozdov ngày càng thăng tiến lên cao dần, và ảnh hưởng của ông trong đội ngũ tình báo Liên Xô lúc bấy giờ cũng gia tăng đáng kể.

Năm 1962, Drozdov đóng vai trò chủ chốt trong vụ trao đổi điệp viên nổi tiếng giữa Liên Xô và Mỹ tại Berlin. Phi công lái máy bay thám thính U-2 Francis Gary Powers do CIA điều khiển đã bị lực lượng phòng không Liên Xô bắn rơi vào năm 1960. Ở Mỹ, điệp viên Liên Xô Vilyam Fisher, bí danh là Rudolf Abel, cũng bị FBI bắt giữ và buộc tội gián điệp vào năm 1957.

Để giải cứu Abel, Drozdov hóa thân thành Jurgen Drews, một người anh em họ người Đức của Abel. Sự phối hợp hành động của Drozdov với James Donovan, luật sư của Abel, đã dẫn đến cuộc trao đổi điệp viên nổi tiếng: Mỹ trao trả Abel, còn Liên Xô cũng thả phi công Powers. Nơi diễn ra cuộc trao đổi là cây cầu Glienicke nối giữa Tây Berlin với Potsdam, CHDC Đức. (Năm 2015, kinh đô điện ảnh Hollywood của Mỹ đã dựng bộ phim "Bridge of Spies" dựa trên sự kiện này.)

Sau sự kiện đó, tướng Drozdov chuyển công tác sang nhiều địa bàn khác nhau, trong đó có Trung Quốc. Ông đến Trung Quốc trong giai đoạn Cách mạng văn hóa đang diễn biến phức tạp (1964-1968), và trong bối cảnh quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc đang căng thẳng. Năm 1975, Drozdov được phái đến New York, Mỹ, hoạt động dưới vỏ bọc là phó đại diện ngoại giao của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc đến năm 1979.

Theo các nhà nghiên cứu về tiểu sử Drozdov, ông không dung thứ cho những kẻ phản bội Liên Xô, phản bội lý tưởng xã hội chủ nghĩa và chạy theo sự cám dỗ của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Chính vì thế ông rất căm ghét và xem Arkady Shevchenko, lúc ấy là nhà ngoại giao Liên Xô tại LHQ, và ông này đã đào tẩu sang Mỹ vào năm 1978.

Drozdov đã gọi Shevchenko là một "kẻ phản bội" không thể tha thứ. Tương tự thế, Drozdov cũng xem Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin là một kẻ phản bội. Tổng thống Amin thời điểm đó có xu hướng quan hệ gần gũi với CIA, có nguy cơ để Afghanistan rơi dần vào vòng tay của Mỹ, làm cho cán cân ảnh hưởng ở khu vực Nam Á nghiêng dần sang phía Mỹ.

Thế là một kế hoạch lật đổ Tổng thống Amin được hình thành. Chiến dịch mang tên Bão 333 (Operation Storm-333) ám sát Tổng thống Amin đã được tiến hành vào cuối tháng 12-1979, mở đầu cho việc Liên Xô đưa quân đội vào Afghanistan đối đầu với quân Mỹ. Drozdov nhắc đến sự kiện này trong quyển hồi ký của mình và viết rằng, thời đó, lãnh đạo KGB Yuri Andropov (sau này là lãnh đạo Liên Xô) đã nói với ông qua điện thoại rằng: "Chúng ta không muốn điều này, mà chúng ta phải làm". Có nghĩa là, Liên Xô phải thực hiện ám sát Amin để chặn đứng nguy cơ Mỹ can dự sâu vào khu vực "sân sau" của Moskva.

Vụ trao đổi điệp viên nổi tiếng trên cây cầu Glienicke nối Tây Berlin với Potsdam, CHDC Đức.

Sau khi chiến dịch Bão-333 thành công, ông Andropov đã yêu cầu thiết lập một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ trực thuộc KGB, người Nga gọi là KGB Spetsnaz. Drozdov ủng hộ sáng kiến này.

Vào năm 1981, một đơn vị đặc biệt có tên gọi là Vympel Group được hình thành. Drozdov được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng, huấn luyện và tổ chức hoạt động cho nó. Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị này là tiến hành các chiến dịch bí mật khắp nơi trên thế giới, từ Trung Đông cho đến Nicaragua. Bên cạnh đó, Vympel cũng thực hiện công việc huấn luyện rồi tìm cách cài cắm điệp viên hoạt động bí mật bên trong lãnh thổ của địch, bảo vệ các đại sứ quán và kích hoạt các ổ điệp viên nằm vùng.

Cuộc đời tình báo của Drozdov được điểm xuyết bởi một số hoạt động nổi bật, trong đó đáng kể nhất là chương trình điệp viên "lậu" do ông phụ trách. Nhân dịp tướng Drozdov qua đời, trên trang Web của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin tôn vinh: "Tướng Drozdov đã cống hiến cuộc đời mình phục vụ Tổ quốc và củng cố an ninh quốc gia". Tại lễ kỷ niệm 95 năm thành lập KGB diễn ra vào tháng 6-2017, Tổng thống Putin đã gọi tướng Drozdov là một vị anh hùng của ngành tình báo, một huyền thoại trong lĩnh vực tình báo "lậu". Tổng thống Putin cho rằng, tình báo "lậu" đã giúp ích rất lớn cho đất nước Nga, "giúp xác định và kịp thời ngăn chặn các mối đe dọa để bảo vệ chủ quyền và quyền tự do, độc lập của đất nước".

"Tình báo lậu" (illegal intelligence) mà Tổng thống Putin nhắc đến trên đây là một lĩnh vực đặc thù riêng trong ngành tình báo Liên Xô trước đây và sau này là Nga. Thời kỳ Chiến tranh Lạnh, một ban bí mật của KGB là Ban S được giao phụ trách việc tuyển mộ, huấn luyện và cài cắm "điệp viên lậu" vào nội bộ đối phương. Drozdov là lãnh đạo Ban S lúc bấy giờ cho nên trực tiếp phụ trách chương trình.

Theo các chuyên gia tình báo, chương trình điệp viên "lậu" của KGB được xây dựng trên cơ sở những điệp viên thật nhưng mang thân phận giả lấy từ công dân của nước mà "điệp viên lậu" sẽ đến hoạt động. Quy trình tuyển dụng, đào tạo và đưa "điệp viên lậu" vào hoạt động trong lòng địch tốn nhiều thời gian, không mang lại hiệu quả tức thì.

Chính vì lý do này mà CIA, dù biết rõ cách sử dụng kỹ thuật "điệp viên lậu" nhưng không dùng đến. Nhưng KGB đã vận dụng khá thành công kỹ thuật "điệp viên lậu" này. Trong giai đoạn làm lãnh đạo Ban S, Drozdov được giao trực tiếp thực hiện chương trình "điệp viên lậu", từ khâu tuyển lựa ứng viên phù hợp với nhiệm vụ cho đến khâu huấn luyện và đưa đi thực thi nhiệm vụ.

Không giống như các điệp viên "hợp pháp" - những điệp viên hoạt động dưới các vỏ bọc hợp pháp, như nhà ngoại giao, doanh nhân,… - các điệp viên "lậu" hoạt động hoàn toàn bí mật và không có vỏ bọc nào khác ngoài chính bản thân họ là một điệp viên. 

Các vật dụng của một điệp viên "lậu".

Điệp viên "lậu" phải luôn luôn trốn tránh sự chú ý và phát hiện của cảnh sát và mật vụ các quốc gia nơi họ hoạt động. Họ đóng vai những người dân bình thường, làm những công việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày, sống ở những vùng ngoại ô và không được bảo vệ bằng quy chế miễn trừ ngoại giao như các điệp viên "hợp pháp".

Chính vì thế, để bảo đảm các điệp viên "lậu" hoạt động an toàn, không dễ bị phát hiện, Drozdov đặc biệt chú trọng công tác tuyển chọn ứng viên và huấn luyện các kỹ năng sinh hoạt, các kiến thức về văn hóa sống và ứng xử hàng ngày của quốc gia mục tiêu, làm sao để người điệp viên hòa nhập thật sâu vào cộng đồng dân cư bản xứ. Việc tuyển lựa ứng viên làm điệp viên "lậu" diễn ra hết sức khắt khe. Mỗi đợt tuyển chỉ một hoặc hai người, và đích thân Drozdov trực tiếp tuyển lựa và sau đó huấn luyện theo kiểu kèm cặp, một kèm một nhằm bảo đảm đáp ứng yêu cầu đề ra.

Sau khi trải qua khóa huấn luyện và chuẩn bị thi hành nhiệm vụ, ứng viên điệp viên "lậu" phải hoàn tất công đoạn cuối cùng là đi khắp các nghĩa trang ở quốc gia mục tiêu để tìm những cái tên của người đã chết có năm sinh bằng hoặc xấp xỉ năm sinh của ứng viên điệp viên. Sau đó, cái tên và thân phận giả sẽ được hoàn chỉnh và trao cho điệp viên đi thi hành nhiệm vụ.

Một nguyên tắc quan trọng của chương trình điệp viên "lậu" là không được có sự tiếp xúc trực tiếp nào giữa điệp viên và những người quản lý, người liên lạc và chuyển giao thông tin tình báo. Mỗi một cuộc tiếp xúc giữa người điệp viên vốn đã được xem là thành viên của cộng đồng địa phương với một người lạ mặt sẽ tạo sự chú ý, từ đó tạo ra kẽ hở dẫn đến việc người điệp viên có thể bị bắt.

Thông tin tình báo sẽ được chuyển về cho người quản lý điệp viên thông qua các phương tiện bí mật khác nhau, bao gồm thả tài liệu tại các điểm bí mật, truyền qua sóng vô tuyến hay tổ chức các cuộc hội nghị trá hình ở nước ngoài để người điệp viên đi tham gia hội nghị và chuyển giao thông tin một cách hợp lý, tránh bị nghi ngờ, theo dõi.

Cho đến nay, vẫn còn nhiều điều chưa được tiết lộ hết về chương trình điệp viên "lậu" do Drozdov phụ trách, và trong quyển hồi ký xuất bản năm 2016 ông cũng không đề cập đến. Không ai biết rõ có bao nhiêu điệp viên "lậu" của Liên Xô, và nay là Nga, đã và đang hoạt động ở phương Tây. Theo ước tính của giới chuyên gia, con số đó trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh lên đến hàng trăm, và hiện nay có thể còn nhiều hơn.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.