Afghanistan: Các nữ thẩm phán đối mặt đòn thù
Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan hồi cuối tháng 8-2021, khoảng 250 nữ thẩm phán thuộc tòa án các cấp của Chính phủ Kabul buộc phải nghỉ việc. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất hiện nay là số phận họ đang nằm trong tay những kẻ từng bị họ kết án tù nhưng đã được Taliban trả tự do. Vì sự an toàn, những nữ thẩm phán trong bài đã được đổi tên.
Những người bị săn đuổi
Đó là một buổi sáng giữa tháng 9-2021 ở Kabul, cựu thẩm phán Raihana Attaee đang chơi với cậu con trai thì nhận được cuộc điện thoại: “Mày còn nhớ tao không? Làm sao mà không nhớ chứ. Mày đã kết án tao 10 năm tù kia mà! Tao sẽ tìm mày dù mày có trốn ở bất cứ đâu và tao sẽ bắt mày phải trả giá. Những gì tao đã làm với con vợ khốn kiếp của tao thì tao sẽ làm lại với mày…”.
Câu nói đầy vẻ đe dọa của gã đàn ông khiến cựu thẩm phán Attaee nhớ lại phiên tòa mà cô ngồi ghế chủ tọa, diễn ra ở tỉnh Nangarhar 5 tháng trước. Kẻ gọi cho cô khi ấy bị cáo buộc về tội hành hạ rồi giết chết vợ hắn chỉ vì bà này giấu chiếc điện thoại để liên lạc với người nhà ở Arab Saudi. Sau khi ra tay, hắn tròng sợi dây thừng vào cổ vợ, giả như tự tử.
Trả lời phỏng vấn của trang tin “Bên trong những nền chính trị - Inside Politics”, Attaee nói: “Tôi là nữ thẩm phán duy nhất của Tòa sơ cấp xóa bỏ bạo lực phụ nữ ở Afghanistan. Tôi đã bỏ tù hàng chục kẻ hiếp dâm, bạo hành, tra tấn, giết người… Khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, họ đã thả những kẻ này ra và giờ đây, chúng tìm tôi để trả thù mà không bị ai ngăn cản”.
Thời điểm chính quyền Kabul sụp đổ, cả Afghanistan có khoảng 250 nữ thẩm phán, phần lớn tốt nghiệp đại học Luật, buộc phải nghỉ việc vì Taliban giải tán tất cả tòa án các cấp để thay thế bằng luật Sharia hà khắc. Lo sợ cho sự an toàn của tính mạng mình và gia đình, cựu thẩm phán Attaee đã từ Nangarhar chạy lên Kabul và đã 5 lần thay đổi chỗ ở bởi nhiều thông tin cho biết sau khi chiếm Nangarhar, Taliban đã lấy được hồ sơ về cô cùng các đồng nghiệp.
Attaee nói: “Một nhân viên cũ của tôi khuyên tôi nên rời khỏi Kabul, về những vùng quê xa xôi nhưng ở những nơi ấy, tôi chẳng có ai để nương tựa. Vài chỗ có thể cưu mang tôi thì chắc Taliban cũng đã biết rõ rồi…”.
Ở tỉnh Herat, cách Kabul hơn 800 km, cựu thẩm phán Arezoo Amini cũng phải đối mặt với nỗi kinh hoàng tương tự. Trong những năm ngồi ghế chánh án Tòa án gia đình, cô đã ký hơn 1.000 bản án ly hôn nên hiện giờ, cô là mục tiêu săn lùng của những kẻ ủng hộ Taliban - những kẻ đã bị Amini buộc tội bạo hành vợ họ. Kể với trang tin Inside Politics, cô cho biết: “Ai đó đã gọi cho tôi và nói: “Mày đã cướp vợ tao khỏi tay tao. Bây giờ nó đã lấy người khác nên tao cũng sẽ cướp mày ra khỏi chồng mày”.
Sau những lời đe dọa liên tục, cựu thẩm phán Amini cùng chồng và ba đứa con phải đến tá túc tại nhà một người quen. Khi nhờ anh trai quay lại nơi ở cũ của cô để lấy vài thứ đồ dùng mà cô không mang theo kịp, một hàng xóm đã ngăn anh lại rồi cho biết “một tên Talib (nghĩa là chiến binh Taliban) đang theo dõi ở căn nhà đối diện”. Vẫn hàng xóm này nói gã Talib đã đến gặp ông, đưa ông xem chiếc điện thoại có ảnh Amini rồi đe dọa bất cứ ai chứa chấp hoặc biết nơi ẩn náu của cô mà không tố giác thì sẽ bị chặt đầu.
Với cựu thẩm phán Nauma, trong 5 năm ngồi ghế chủ tọa, cô đã xét xử không dưới 300 vụ bạo hành phụ nữ ở Afghanistan. Chẳng biết bao nhiêu lần, cô đã nghe những lời kể đau đớn về những hành vi bạo lực cũng như tận mắt chứng kiến những thương tích trên cơ thể, nạn nhân của những kẻ vũ phu. Nhưng chỉ 1 tháng sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, Naima bắt đầu thấy hối hận về khoảng thời gian theo học Đại học Luật Kabul và 10 năm làm việc trong ngành tư pháp. Cô nói với trang tin Al Jazeera từ một địa điểm không được tiết lộ ở Afghanistan: “Đôi khi tôi tự hỏi vì sao tôi lại chọn con đường này?”
Trong suốt thời gian đánh chiếm 34 tỉnh thành ở Afghanistan, Taliban đã thả hàng nghìn tù nhân ra khỏi các nhà tù.Hơn 3/4 trong số đó là những tội phạm hình sự. Nhiều kẻ sau khi được tự do đã đi theo Taliban rồi một sớm một chiều trở thành “chiến binh thánh chiến”.
Một trong những mục tiêu của những kẻ ấy là trả thù những người đã bắt giữ họ, kết án họ. Cựu thẩm phán Naima kể: “Đầu tháng 12, tôi đến ngân hàng với hy vọng rút được ít tiền. Ngay cửa ra vào, một Talib nhìn chằm chặp vào tôi. Mọi chuyện trở nên căng thẳng khi nhân viên ngân hàng gọi tên tôi trong lúc gã Talib yêu cầu xem thẻ ngân hàng của tôi…”.
Trước tình hình ấy, Naima vờ như không nghe thấy. Cô nhanh chóng chen vào đám đông những phụ nữ khác đang xếp hàng chờ đến lượt mình rút tiền rồi lẩn đi. Naima nói: “Tôi thấy gã Talib đến từng người để nhìn mặt. Quá khứ trở lại với tôi trong nháy mắt. 8 tháng trước tôi đã xử anh ta 12 năm vì tội giết vợ mình”.
Tương lai mờ mịt
Khi thông tin về việc Taliban săn đuổi những nữ thẩm phán làm việc cho chính quyền của Tổng thống Ghani được các trang tin Inside Politics, Al Zareeza và nhiều phương tiện truyền thông khác trên thế giới đăng tải, Hiệp hội Nữ thẩm phán quốc tế (IAWJ) đã lên tiếng cáo buộc chế độ Taliban không tuân thủ những gì mà họ đã cam kết sau khi chiếm được Kabul.
Đáp lại, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Taliban là Mullah Muhammad Yaqoob đã giải thích trong một tin nhắn thoại: “Có một số kẻ xấu tham gia hàng ngũ chúng tôi để thực hiện lợi ích của họ hoặc để bôi nhọ chúng tôi, khiến bên ngoài nhìn chúng tôi như một thứ gì đó tồi tệ...". Tuy nhiên ông Mullah Muhammad Yaqoob không trả lời cụ thể về những bằng chứng mà IAWJ nêu ra. Theo IAWJ, chẳng riêng gì những nữ thẩm phán phụ trách xét xử án hình sự, mà ngay cả những nữ thẩm phán chuyên về mảng dân sự cũng bị các chiến binh thánh chiến truy bức mà trường hợp của Wahida là một điển hình.
Nửa tháng sau khi Taliban kiểm soát Afghanistan, Wahida, nữ thẩm phán ở tỉnh Balkh là một trong những người ngây thơ tin rằng công việc của cô là cần thiết cho sự phát triển xã hội nên đầu tháng 9-2021, cô trở lại tòa án ở thành phố Mazar-i-Sharif. Lúc đến nơi, một nhóm Talib vũ trang làm nhiệm vụ canh giữ tòa nhà đã ngăn cô lại. Sau khi nghe Wahida giải thích về tính chất của Tòa dân sự, kẻ chỉ huy nhóm vũ trang chỉ tay ra cổng: “Quay về đi! Chúng tôi chưa được lệnh về cách xử lý tình huống này”. Lúc thấy Wahida lúng túng, một gã khác hỏi: “Ngoài việc phân xử tranh chấp đất đai, nhà cửa, súc vật, cô có xử chặt tay hay chặt đầu ai chưa?”. Wahida trả lời: “Chưa, tôi không làm việc đó” thì gã cười hô hố: “Cô thì chưa, nhưng chúng tôi có đấy”.
Theo cựu thẩm phán Wahida, một tháng sau thì cô đã hiểu về cái gọi là “tòa án đường phố” của Taliban. Các cư dân ở tỉnh Daikondi, miền trung Afghanistan cho Wahida biết các hội đồng địa phương, gọi là “shuras” do Taliban dựng lên, bao gồm những người đứng đầu các bộ tộc ủng hộ chính quyền mới, hoặc các cấp chỉ huy Taliban trong khu vực đã đuổi hàng nghìn gia đình ra khỏi nhà của họ dựa trên các tuyên bố về tranh chấp đất đai.
Tất cả những phán quyết của “shuras” đều được cho là luật mà chẳng cần phải có nguyên đơn, bị đơn hay nhân chứng. Saeeq Shajjan, luật sư điều hành một công ty luật nổi tiếng ở Kabul nói với trang tin Al Jazeera: “Không còn hệ thống luật pháp ở Afghanistan, không còn tòa án nào nữa, đường phố là phòng xử án. Quan tòa quyết định mọi thứ ngay tại chỗ và tuyên án theo cảm tính của mình”.
Những phát biểu của Saeeq Shajjan phù hợp với những gì các cựu nữ thẩm phán ở Kandahar, Herat và Kabul nói với Al Jazeera trong những tuần gần đây. Tất cả đều cho biết họ phải sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi khi mà những sĩ quan quân đội, cảnh sát, nhân viên an ninh dưới thời Tổng thống Ghani lần lượt biến mất. Nhiều người đã bị hành quyết và nhiều người khác vẫn biệt tăm hơi. Câu hỏi họ tự đặt ra là bao giờ thì sẽ đến lượt họ?
Trong hơn hai thập kỷ qua, kể từ khi người Mỹ và một số nước đồng minh đưa quân vào Afghanistan, những nữ thẩm phán như Amini, Attaee, Wahida, Naima…, đã chủ trì xét xử hàng trăm vụ bạo lực đối với phụ nữ, bao gồm hiếp dâm, giết người, tra tấn và lạm dụng tình dục. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2020, đã có 3.477 trường hợp bị đưa ra tòa và bị kết án. Cựu nữ thẩm phán Nabila cho biết một gã đàn ông từng có thời ủng hộ Taliban đã đánh đập dã man em gái gã chỉ vì cô này nhắn tin cho bạn trai.
Khi vào bệnh viện để xác minh, Nabila không thể tin được khi thấy khuôn mặt nạn nhân biến dạng với xương hàm bị vỡ, sống mũi gẫy còn 1 mắt thì mù. Lúc ra tòa, Nabila kết án gã đàn ông này 15 năm tù. Cô nói: “Tôi vẫn còn nhớ như in những gì đã xảy ra sau khi tôi tuyên án. Gã hét lớn trước mặt mọi người: “Nếu tao được tự do, tao sẽ làm với mày những gì tao đã làm với con em vô đạo của tao”. Bây giờ tôi rất sợ vì Taliban đã thả gã. Tôi biết sớm hay muộn, gã sẽ tìm tôi…”.
Với cựu nữ thẩm phán Zarghona đến từ tỉnh Balkh, cô vẫn không quên được ngày 13-8-2021, ngày Taliban chiếm Mazar-i-Sharif: “Mọi thứ thay đổi chỉ trong một giây.Tôi đào cái hố trong vườn và chôn tất cả những gì liên quan đến công việc của tôi ở tòa án.Mọi thành tựu của tôi đều nằm sâu dưới đất”.Ngồi trong căn nhà tối tăm, tồi tàn mà anh rể cô đã tìm cho cô, Zarghona nói: “Tôi nghĩ lại cuộc đời mình, nhất là việc giúp đỡ những phụ nữ trong những giờ phút tuyệt vọng nhất. Chính vì những việc ấy mà hiện nay tôi phải tự mình biến mình thành một người chưa bao giờ tồn tại”.
Cho đến nay, trong số 250 cựu nữ thẩm phán ở Afghanistan, chỉ có khoảng 30 người trốn thoát bằng cách chạy sang nước láng giềng Pakistan rồi được IAWJ tạo điều kiện cho đi định cư ở một số nước phương Tây. Bà Susan Glazebrook, chủ tịch IAJW nói: “Trên thế giới, hiếm có một chế độ nào như Taliban, lùng bắt những nữ thẩm phán chỉ vì họ đã hành xử theo luật pháp với những tội phạm hình sự hoặc tranh chấp dân sự, phù hợp với Công pháp quốc tế. Các nữ thẩm phán ở Afghanistan đang ở vào tình thế rất nguy hiểm vì họ đã đưa ra phán quyết chống lại các vụ bạo lực gia đình, ly hôn và giành quyền nuôi con. Họ đang gặp nguy hiểm vì một số đối tượng của những phán quyết ấy là thành viên Taliban”.
Vẫn theo bà Susan Glazebrook, IAWJ sẽ không bỏ cuộc cho đến khi mọi nữ thẩm phán ở Afghanistan đều an toàn: “Chúng tôi sẽ không bỏ rơi họ. Chúng tôi không quên họ và và chúng tôi cũng không để thế giới phớt lờ họ. Chúng tôi không dừng lại cho đến khi công việc này hoàn thành…”.
Cựu nữ phẩm phán Naima nói: “Tôi và các đồng nghiệp đã mất hàng chục năm để học tập, làm việc theo tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng giờ đây, điều đó không còn nữa. Tất cả chỉ là một giấc mơ và mỗi sáng khi thức dậy, trước mắt chúng tôi lại là một ngày của Taliban. Nếu tính từ khi Taliban bị lật đổ (2001) cho đến khi họ quay lại (2021), 20 năm mà phụ nữ Afghanistan được tôn trọng hình như chưa từng có thật”.