Afghanistan đang thay đổi

Thứ Ba, 05/03/2024, 09:27

Gần 2 năm sau ngày Taliban kiểm soát Afghanistan, thế giới đã quen với cái nhìn về một quốc gia khép kín theo luật Hồi giáo Sharia khắc nghiệt. Thế nhưng gần đây, những tiện nghi của cuộc sống văn minh đã bắt đầu xuất hiện, Taliban cũng đã từng bước chấp nhận mặc dù các nhà lãnh đạo vẫn không ngớt kêu gọi “quét sạch lối sống suy đồi của phương Tây”…

1. Đó là tối Chủ nhật 18/2/2024, trong công viên trung tâm Wazir Akbar Khan, thủ đô Kabul, một đám đông tụ tập trước cái tivi 200 inches do hãng LG, Hàn Quốc sản xuất, đặt ở một bãi cỏ. Trên màn hình lúc ấy đang truyền trực tiếp trận cricket (bóng chày) giữa hai đội Houston Astros và đội Philadelphia Phillies, tất cả đều là… Mỹ! Tiếng hò reo vang lên không ngớt mỗi lần có đội ghi điểm.

Phóng viên Arthur thuộc trang tin Inside Politics hóm hỉnh: “Có lẽ đây là những cổ động viên vô tư và nhiệt tình nhất thế giới. Họ ủng hộ cả hai bên” đồng thời ông còn bình luận thêm: “Sau gần 2 năm sống khép kín, việc cởi mở với thế giới bên ngoài - dù chỉ mới bắt đầu cũng đủ để người ta phấn khích”.

Khi được hỏi, Abdulrahman Rahmani, 50 tuổi, chỉ huy một đơn vị an ninh Taliban ở Kabul - là một trong những người xem trận cricket nói với Arthur: “Theo nhiều cách, chúng tôi đang thay đổi. Chẳng ai muốn đứng bên lề cuộc sống. Để có thể bảo vệ đất nước một cách tốt nhất, chúng tôi phải biết mình biết người…”.

Afghanistan đang thay đổi -0
Chiến binh Taliban trong cửa hàng nước hoa ở Kabul City Center.

Câu nói của Abdulrahman Rahmani đã phần nào phản ánh quan điểm của những nhà lãnh đạo Taliban mặc dù quốc gia này vẫn cấm nữ giới đến trường, kể cả trẻ em gái từ lớp 6 trở lên, ra đường phải đội khăn burqua, chàng mạng che kín mặt và phải có người thân là đàn ông đi kèm, chưa kể họ còn bị cấm làm việc cho các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức viện trợ nhân đạo phi chính phủ. Và mặc dù đã xảy ra nhiều cuộc phản kháng, thể hiện dưới nhiều hình thức nhưng xem ra tác động của nó hầu như không đáng kể trong một xã hội mà hàng trăm năm nay - ngoại  trừ khoảng thời gian ngắn ngủi dưới thời Tổng thống Ashraf Ghani (2014-2021) - nữ giới chỉ có một nhiệm vụ duy nhất: Phục tùng!

Tuy nhiên những áp đặt khắt khe nêu trên có vẻ như đã được miễn trừ cho vợ con của các quan chức. Tại trung tâm thương mại đầu tiên ở Kabul là tòa nhà Kabul City Center cùng các cửa hàng xung quanh thuộc quận Wazir Akbar Khan, người ta dễ dàng nhìn thấy những điểm trưng bày thời trang thiết kế sang trọng, lịch lãm như những nơi khác ở Paris, London hay New York. Tại đó, các “ma-nơ-canh” (hình nộm bằng nhựa) khoác trên mình những bộ váy áo đắt tiền bằng lụa Kashmir cùng những tấm voan hoặc những chiếc váy ngắn đến đầu gối, tất cả đều đội khăn trùm đầu theo phong tục Hồi giáo, đặt cạnh nhau trong tư thế mời gọi.

Mansor, nhân viên bán hàng ở Kabul City Center cho biết “tất nhiên các chủ cửa hàng vẫn không quên chiếc chàng mạng che mặt nhưng nó được biến tấu bằng những chiếc khẩu trang!”. Hầu hết người vào đây mua sắm là vợ con của những nhân vật có chức quyền, số còn lại ở các phái bộ ngoại giao. Mansor nói: “Mỗi tháng 1 hoặc 2 lần, quý bà quý cô thường tụ họp tại khách sạn Serena hoặc Inter Continental” - là những công trình được xây dựng từ hồi lính Mỹ và liên quân còn hiện diện ở quốc gia này. Khi Taliban nắm quyền, nó trở thành nơi đón tiếp các đoàn khách quốc tế đồng thời cũng là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của những nhân vật đứng đầu chế độ và gia đình họ.

Vẫn theo Mansor, những buổi tụ họp ấy là dịp để quý bà quý cô khoe ra những bộ trang phục mới nhất cùng những phụ kiện như đồng hồ đeo tay, dây chuyền, nhẫn, kính mắt, túi xách…, cùng những bữa ăn đầy món ngon vật lạ. Điều khiến phóng viên Arthur ngạc nhiên nhất là ở vài góc phố, nhiều quầy sách báo bày bán công khai những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ở Mỹ, châu Âu, tất cả đều được dịch ra tiếng Pastun, là ngôn ngữ phổ biến ở Afghanistan.

Tariq, một chiến binh Taliban nói: “Trước chiến tranh, tôi học năm thứ ba Đại học tổng hợp Kabul. Sau đó tôi gia nhập hàng ngũ thánh chiến. Giờ hòa bình rồi, tôi vui mừng khi thấy chính phủ bắt đầu nhận ra những việc phải làm”. Đưa tay chỉ vào cuốn “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” bằng tiếng Pastun của nhà văn người Đức Erich Maria Remarque, Tariq nói thêm: “Sự xuất hiện của cuốn sách này cho thấy nền văn minh có thể đã bắt đầu tái tạo…”.

Afghanistan đang thay đổi -0
Những ma-nơ-canh với thời trang phương Tây ở Kabul City Center.

Với những chiến binh khác, nhất là những người sinh ra, lớn lên ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh thì Kabul là cái gì đó nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. Một số chỉ huy cấp thấp bắt đầu dành tiền mua xe gắn máy Honda hoặc rẻ hơn là TVS Motor của Ấn Độ hay Lifan của Trung Quốc. Hầu như trong gia đình họ, nhà nào cũng có tivi TCL do Trung Quốc sản xuất và chương trình mà họ ưa thích nhất là những bộ phim ngôn tình hoặc thần thoại Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan… Điện thoại thông minh cũng thế, phần lớn mang nhãn hiệu Namotel, Ấn Độ với giá chỉ 12USD.

Trên trang Tik Tok, tràn ngập những hình ảnh “tự sướng”, những video ca nhạc lan truyền với tốc độ chóng mặt, hầu hết thực hiện bởi giới trẻ. Rất nhiều người trong số họ đồng ý rằng việc truy cập Internet ngày càng có tầm quan trọng trong việc nhìn ra thế giới bên ngoài. Miwais, 24 tuổi nói: “Trước đây, chụp ảnh, nhất là chụp lực lượng vũ trang Taliban là không được phép nhưng bây giờ từ lính đến chỉ huy, ai cũng thích có được những bức ảnh hoặc những video về mình”.

Với những cấp cao hơn, mục tiêu của họ là những chiếc xe hơi Land Cruiser, Nhật Bản hay ít ra cũng là Kia hoặc Huyndai, Hàn Quốc trong lúc một số người khác lại thích loại bán tải động cơ diesel do hãng Ford, Mỹ chế tạo vì nó bền và chở được nhiều. Bên cạnh đó, họ cũng tìm cách mua nhà riêng hoặc thuê thợ xây dựng trên những khu đất trống. Ở các lớp học sử dụng máy tính, không thiếu những chiến binh tóc đã bạc, mắt đã phải đeo kính lão, ngồi cần mẫn hàng giờ trước bàn phím để soạn thảo email bằng cách gõ chỉ với 1, 2 ngón tay! Nhiều người khác bắt đầu làm quen những trang mạng xã hội với ước mơ một ngày nào đó, Kabul sẽ trở thành… Dubai!.

Abdulrahman Rahmani, chỉ huy đơn vị an ninh Taliban nói: “Không điều gì là không thể. Một khi các vấn đề kinh tế được giải quyết, mọi thứ sẽ ồ ạt thay đổi và chúng tôi đang chuẩn bị chờ đón bởi lẽ khi sự thay đổi diễn ra, nó sẽ có cả tốt lẫn xấu”. Sự “chuẩn bị” ấy được thể hiện một phần qua những lớp học tiếng Anh mà học viên đều là người của Taliban. Nhà báo Arthur viết trên trang Inside Politics: “Mặc quần áo rằn ri nhưng không mang súng. Họ im lặng nghe từng lời giảng của thầy giáo hoặc ngượng nghịu phát âm một từ tiếng Anh nào đó khi được gọi đứng lên. Nhìn chung, tôi thấy họ rất ham học”.

Abutalib, 36 tuổi nói: “Biết tiếng Anh có lợi lắm. Hồi còn chiến tranh, có lần chúng tôi chặn đánh một nhóm lính Mỹ và thu được nhiều gói bằng nhựa màu nâu nhưng vì không biết tiếng, chúng tôi chẳng hiểu nó là cái gì, thậm chí có người còn nói là chất nổ dẻo. Tới khi giao nộp cho cấp trên, chúng tôi mới biết nó là thực phẩm dã chiến…”.

2. Ngược lại với những chiến binh xuất thân từ những vùng nông thôn nghèo nàn hẻo lánh, các tay súng Taliban sinh ra, lớn lên ở Kabul hoặc những thành phố như Kandahar, Herat, Jalalabad hay Kunduz lại có những suy nghĩ khác, trong đó nhiều người tỏ ra hối tiếc vì những gì họ đã từ bỏ để tham gia thánh chiến. Một thợ máy Taliban giấu tên nói với phóng viên Arthur: “Tôi đang học năm cuối khoa cơ khí, Đại học Kỹ thuật tổng hợp Kabul thì bỏ đi theo Taliban. Suốt 6 năm chiến đấu, lúc quay lại Kabul thì vì nhiệm vụ, tôi không còn có thể học tiếp để lấy bằng. Nếu ngày ấy tôi không bỏ học, bây giờ chắc chắn tôi đang ngồi trong văn phòng chứ không phải là thợ sửa xe tải…”.

Hassam Khan, 35 tuổi cho biết đã gần 2 năm trôi qua kể từ ngày vào tiếp quản Kabul, anh vẫn chưa thích nghi với cuộc sống dù anh sinh ra, lớn lên ở nơi này: “Nó không giống như những gì trước đây tôi đã chứng kiến. Mặc dù văn minh phương Tây đã bắt đầu hiện diện nhưng nó vẫn thiếu cái hồn. Trên đường phố, vẫn là những chiếc áo choàng đen, xanh, xám, dài từ cổ đến chân, mặt che kín, lầm lũi bước. Người ta ngần ngại mỗi khi nói về thời cuộc, ngay cả với bạn bè”.

Ahmad Amarkhail, 20 tuổi, bán dạo các loại kính mắt trên đường phố Kabul nói: “Khi họ (Taliban) vào thành phố, tôi 17 tuổi. Bị bắt buộc gia nhập dân quân nhưng chỉ hơn 1 năm, tôi được cho về vì tôi bị suyễn. Tôi nhận thấy rằng những chiến binh đến từ những vùng xa xôi hẻo lánh thoạt đầu không hiểu gì về văn minh đô thị. Mỗi khi bất ngờ bị cúp điện, có người càu nhàu y như họ đã quen sống với ánh đèn điện từ hồi bé. Phải mất một thời gian họ mới dần thích ứng …”.

Afghanistan đang thay đổi -0
Ngày càng có nhiều quầy sách báo dịch từ các tác phẩm Âu, Mỹ.

Theo phóng viên Arthur, dấu hiệu thay đổi rõ nét nhất hiện nay mà ai cũng có thể nhìn thấy ở Kabul là tấm pano quảng cáo cho “Thành phố mới”, xuất hiện từ hồi lính Mỹ và liên quân còn hiện diện tại Afghanistan nhưng nó chưa bao giờ được khởi công xây dựng. Tuy nhiên những tháng gần đây, Taliban đã xúc tiến triển khai với những lời quảng cáo hào nhoáng: Các tòa nhà cao tầng, nơi sẽ đặt văn phòng của các tập đoàn kinh tế trong, ngoài nước, các chung cư cao cấp, đại học Hồi giáo, công viên, hồ bơi, bệnh viện, trung tâm mua sắm cùng các khu vui chơi giải trí.

Hamdullah Nomani, Bộ trưởng Bộ Phát triển đô thị của chính phủ Taliban cho biết: “Chúng tôi đặt tên là Thành phố mới Kabul. Nó sẽ không thua gì Dubai, Riyadh hay Doha”. Ông Moqadam Amin, 57 tuổi, giám đốc điều hành việc xây dựng “Thành phố mới Kabul” nói: “Các cuộc thảo luận ban đầu giữa tôi và chính phủ cho thấy Taliban muốn có một dự án vừa phải với chi phí thấp nhưng giờ đây, họ đã thay đổi suy nghĩ. Bộ trưởng Bộ Phát triển đô thị Hamdullah Nomani khẳng định thành phố mới Kabul “phải xuất hiện như trong chuyện thần thoại dù phải mất vài chục năm”.

Theo các nhà quan sát địa chính trị, “Thành phố mới Kabul” có thể sẽ chỉ là mơ ước bởi Taliban thiếu hẳn nguồn lực tài chính đồng thời nhiều lệnh cấm vận vẫn chưa được gỡ bỏ, chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân quyền dù rằng ít nhất có 2 quốc gia sẵn sàng đổ tiền vào Afghanistan để tái thiết nhằm gây ảnh hưởng chính trị cũng như nắm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản.

Phóng viên Arthur viết: “Hiện tại, thành phố mới Kabul đã được quy hoạch, nhiều khu đất đã được phân lô với những mục tiêu là những công trình cụ thể nhưng tất cả vẫn còn nằm trên giấy”. Ông Munzi al Tamini, giám đốc một công ty bất động sản đến từ Riyadh, Saudi Arabia nói: “Chúng tôi đang ngồi trên một tấm thảm để chờ đợi cơ hội bay lên nhưng hiện tại nó vẫn chỉ là tấm thảm bằng cát…”.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)
.
.