Áp lực ngầm của trái Cricket
Imran Ahmed Khan Niazi là hiện thân cho giấc mơ của hàng triệu trẻ em Pakistan nói riêng và trẻ em Nam Á nói chung. Từ một cậu bé nông thôn, Imran Khan nhờ vào tài năng và nỗ lực đã trở thành một trong những cầu thủ cricket (bóng chày) vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông chỉ chịu rời quả bóng cricket khi nghe tiếng gọi của một nghĩa vụ cao cả hơn: nhậm chức Thủ tướng Pakistan!
Cũng giống như bóng đá ở nhiều nước Nam Mỹ, cricket đối với người Nam Á giống như một thứ tôn giáo. Cricket vừa đem lại niềm vui, vừa là chất keo kết dính cộng đồng. Với trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, cricket còn cho các em niềm hy vọng một ngày đẹp trời sẽ được đổi đời. Họ không hề hay biết rằng, cricket có một mặt tối, và giờ đã điểm đến lúc bộ môn thể thao này phải đối diện với những “con quỷ” của mình.
Áp lực của cuộc chơi
Hình thức chơi cricket có thể tóm tắt như sau: Hai đội thi đấu 11 người sẽ thay phiên nhau ném bóng và đánh bóng trên một khoảng đất dài 20 m. Đội đánh bóng ghi điểm khi tuyển thủ đánh trúng bóng, sau đó chạy từ đầu này sang đầu kia của sân. Cricket có ba phương thức thi đấu: T20I (3,5 tiếng/1 trận), ODI (8 tiếng/1 trận), và Test (tối đa 35 tiếng/1 trận, chia ra trong 3-5 ngày).
Với phương thức thi đấu như vậy, thật dễ hiểu khi các tuyển thủ cricket thường xuyên chịu áp lực nhiều hơn vận động viên những bộ môn khác. Giáo sư Tim Noakes tại trường Đại học Cape Town (Nam Phi) cho biết: “Hầu hết các vận động viên cricket chơi ở cấp độ đội tuyển đều được xét nghiệm cho thấy có dấu hiệu chấn thương tâm lý kéo dài. Các giải thi đấu quốc tế phần lớn theo thể thức Test. Kể cả trừ đi giờ giải lao đi nữa thì cầu thủ vẫn phải thi đấu hơn 5 tiếng một ngày. Rất ít người ở trong trạng thái căng thẳng vì tập trung cao độ lâu như thế mà không gặp chấn thương tâm lý cả”.
Áp lực tâm lý nặng nề làm nảy sinh ra một hiện tượng chỉ cricket mới có. “Tự tử” là cách nói của người trong ngành chỉ những vận động viên do không chịu nổi áp lực nên liên tục chơi hỏng. Một ví dụ nổi tiếng là Andrew Hilditch của đội tuyển Úc. Sau nhiều năm đạt thành tích tốt, ông được thăng lên làm đội phó. Cũng từ đó chính Hilditch khiến sự nghiệp của mình tiêu tan. Một cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như ông mà đánh bóng hỏng đến bốn lần chỉ trong một giải đấu. Biết rõ mình không thể chịu nổi áp lực từ trách nhiệm đặt lên vai, Hilditch đành phải từ giã sự nghiệp thi đấu.
Nhưng nhiều khi “tự tử” lại mang nghĩa đen thực sự đối với các vận động viên cricket. Trong vòng gần 120 năm tồn tại của thi đấu cricket chuyên nghiệp có tất cả 96 vận động viên tự kết liễu cuộc sống của mình. Con số này có thể không đáng kể so với hàng trăm nghìn tuyển thủ đã hoặc đang thi đấu, nhưng điểm đáng chú ý hơn là trong 96 trường hợp đó có không ít cái tên nổi tiếng. Có thể kể đến Fred Bull, người góp phần sáng tạo ra những kỹ năng ném bóng cơ bản mà bất kỳ cầu thủ cricket nào cũng phải học. Ông buộc đá vào cổ rồi gieo mình xuống biển vì không chịu nổi áp lực thi đấu.
Hay là trường hợp của huyền thoại người Nam Phi Aubrey Faulkner. Ông là niềm tự hào của cả Đế chế Anh khi đó, thậm chí còn được Nhà vua Anh ban tước. Sức khỏe của ông suy giảm sau khi nhiễm bệnh sốt rét trong thời gian nhập ngũ hồi Thế chiến I. Cũng vì thế mà sự nghiệp của Faulkner đi xuống, buộc ông phải từ bỏ cricket. Sau khi huyền thoại tự tử bằng cách ngồi trong phòng kín chứa đầy khí ga, người ta mới phát hiện ông đang nợ đầm đìa và mắc chứng rối loạn lưỡng cực.
Sử gia cricket David Frith viết trong cuốn “By His Own Hand” về vấn nạn tự tử trong cricket: “Cầu thủ cricket ra sân bao giờ cũng phải nhìn qua vai mình. Khán giả có thể không nói ra, nhưng cầu thủ biết rằng mình đang là niềm hy vọng cho biết bao nhiêu người. Áp lực đó có thể nâng người ta lên, nhưng cũng có thể đè bẹp họ…”.
Khác biệt và phân biệt
Giả sử một cầu thủ vượt qua được áp lực thì điều gì sẽ chờ đợi anh ta? Với đại đa số vận động viên cricket, ước mơ của họ là được thi đấu tại giải ngoại hạng ở Anh, Ấn Độ hoặc Nam Phi. Không những tuyển thủ chơi cho các giải này được nhận đồng lương cao mà mọi con mắt yêu cricket trên toàn cầu cũng sẽ đổ dồn vào họ.
Sự thật không đẹp đẽ như người ta tưởng. Vừa mới đây thôi môn cricket nước Anh có phần chao đảo vì scandal phân biệt chủng tộc liên quan tới tay ném lừng danh Azeem Rafiq. Azeem quê gốc ở Karachi, Pakistan. Anh là người Anh gốc Á đầu tiên trở thành đội trưởng một câu lạc bộ cricket ở Anh. Vậy nhưng chỉ vài tháng sau khi rời câu lạc bộ Yorkshire, Azeem đã tiết lộ cho báo giới về những lời nhục mạ, phỉ báng mà anh phải hứng chịu từ chính các đồng đội.
Theo Azeem: “Các cầu thủ da trắng thường gọi tôi và những người gốc Á khác bằng những biệt danh như “đồ rửa chân voi”, “Paki” (tiếng lóng chỉ người Anh gốc Pakistan), v.v… Họ bắt chúng tôi ở trên băng ghế dự bị cũng phải ngồi riêng ra một chỗ… Trong những đợt đề xuất thưởng thành viên đội xuất sắc của đội, cầu thủ gốc Á chẳng bao giờ được chọn cả trong khi hiệu suất của họ tốt hơn hẳn cầu thủ da trắng.”
Một cuộc điều tra của quốc hội Anh sau đó kết luận rằng Azeem nói đúng, tình trạng phân biệt chủng tộc quả thật hoành hành ở câu lạc bộ Yorkshire mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào. Azeem Rafiq và một số tuyển thủ cricket gốc Á khác được yêu cầu điều trần trước quốc hội. Lời khai của họ vẽ ra hình ảnh thật ảm đạm về cricket Anh. Cầu thủ không mang màu da trắng sẽ bị đồng đội và ban huấn luyện cô lập. Các cơ hội về thi đấu, về lương thưởng của họ cũng sẽ bị tước đi vô lý, để lại cầu thủ một mình đối mặt với chấn thương tâm lý do bị phân biệt đối xử.
Sau Azeem Rafiq, một loạt cầu thủ khác không chỉ ở riêng Anh mà còn cả Nam Phi và Ấn Độ nữa cũng lên tiếng về sự phân biệt đối xử. Ngay cả huyền thoại Sachin Tendulkar, người đưa đội tuyển Ấn Độ lên ngôi vô địch thế giới năm 2011, cũng không thoát khỏi những định kiến khi chơi cho đội Boland của Nam Phi. Tại sao nạn phân biệt chủng tộc lại tràn lan trong cricket đến vậy? David Frith giải thích: “Cricket trước đây là môn thể thao của giới quý tộc Anh. Thế hệ những cầu thủ cricket chuyên nghiệp đầu tiên cũng xuất thân từ tầng lớp da trắng quyền quý tại các nước thuộc địa. Chỉ mới hơn 50 năm trở lại đây người da màu mới được lên chơi cricket chuyên nghiệp. Khoảng thời gian đấy không đủ để xóa hết các định kiến trong ngành cricket!”
Tiền bạc, tài năng và tội lỗi
Huyền thoại cricket Úc Jim Burke trước khi nhét nòng súng săn vào miệng mình để bóp cò đã để lại một bức thư. Sau một đoạn xin lỗi gia đình vì đã khiến cả nhà túng quẫn do dốc hết tiền bạc kinh doanh vàng, Burke viết: “Tôi nghĩ đây là cách ra đi tốt nhất để giữ lại phẩm giá cho mình. Ít ra tôi sẽ không phải bán rẻ cricket cho những kẻ dàn xếp tỷ số như nhiều đồng đội khác đã làm”.
Dàn xếp tỷ số luôn là vấn nạn nhức nhối trong cricket. Tuyển thủ không thiếu gì các tiểu xảo khác nhau để giả vờ ném hỏng, đánh hỏng. Cộng với ngành công nghiệp cá độ trị giá tỷ bảng tại các nước thuộc khối Liên hiệp Anh, thật không khó để vận động viên rơi vào “cái bẫy” dàn xếp tỷ số.
Mohammed Azharuddin, cựu đội trưởng và tay đánh bóng số một của đội tuyển quốc gia ẤËn Độ, bị cấm thi đấu cả đời vì liên quan đến một đường dây dàn xếp tỷ số liên lục địa. Chính Azharuddin đã giới thiệu nhiều cầu thủ, trong đó có đội trưởng Hansie Cronje của đội Nam Phi, với những nhà cái ở Luân Đôn và Cape Town. Không dưới 20 trận thi đấu quốc tế đã bị hủy bỏ vì liên quan đến Azharuddin.
Cũng trong năm đó, Hiệp hội cricket ẤËn Độ còn cấm thi đấu thêm 3 vận động viên khác và phạt một bác sỹ tâm lý. Bác sỹ Ali Irani từng có nhiều năm công tác ở đội tuyển quốc gia Ấn Độ. Trong thời gian này, ông đã móc nối với ba cầu thủ là Manoj Prabhakar, Ajay Jadeja, và Ajay Sharma. Ali Irani sẽ thay ba người này đi cá độ, sau đó khoản tiền thắng được chia ba. Âm mưu chỉ lộ sáng sau khi Prabhkar vì mâu thuẫn với hai cầu thủ kia về chuyện ăn chia phần trăm mới đem họ ra tố cáo.
Vụ scandal dàn xếp tỷ số cricket mới nhất liên quan đến đội trưởng đội tuyển quốc gia Zimbabwe Brendan Taylor. Anh này bị phát hiện đã nhận 15.000
USD từ một đối tượng tội phạm trong một chuyến công tác đến Ấn Độ. Không biết có phải tình cờ hay không mà cũng trong giai đoạn này đội tuyển Zimbabwe liên tục thất bại trên trường quốc tế. Họ để vuột mất suất tham dự giải vô địch cricket thế giới năm 2015 trong khi đứng ở vị trí thứ 5 thế giới sau một loạt thất bại ngớ ngẩn.
Trong khi chờ phán quyết cuối cùng của tòa, Hội đồng Cricket Quốc tế (ICC) đã cấm Brendan Taylor tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến cricket trong vòng ba năm rưỡi. Theo như lời của chủ tịch ICC Greg Barclay, thì: “Hoặc là chúng ta trừ sạch được nạn dàn xếp tỷ số, hoặc là cricket sẽ chết. Làm sao còn có ai tin vào sự trong sạch và chuyên nghiệp của cricket nữa khi mà cứ mở tờ báo ra là lại thấy một vụ lùm xùm mới!”