Ayman al-Zawahiri bị tiêu diệt như thế nào?
Sáng sớm ngày 31-7, một máy bay không người lái của Không quân Mỹ đã phóng 2 quả tên lửa AGM-114R9X Hellfire xuống ban công của một ngôi nhà ở Kabul, thủ đô Afghanistan, giết chết thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri, 71 tuổi, khi ông ta vừa xuất hiện. Đây là vụ không kích đầu tiên của người Mỹ kể từ khi quân đội nước này rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8-2021…
1. Ngày 25-7, tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng đã diễn ra một cuộc họp với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và những nhà lãnh đạo cao cấp trong ngành tình báo cùng các quan chức ngoại giao, quốc phòng. Sau khi nghe báo cáo về việc phát hiện nơi ẩn náu của Zawahiri, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở thủ đô Kabul, Afghanistan, Tổng thống Biden đã cho phép tiến hành tiêu diệt nhân vật này với điều kiện “giảm thiểu đến mức thấp nhất những nguy cơ có thể gây ra thương vong dân sự”.
Đến sáng 31-7, tình báo Mỹ báo cáo cuộc tấn công hoàn tất, mục tiêu đã bị tiêu diệt, vợ con Zawahiri sống ở một tầng khác trong nhà hoàn toàn không bị thiệt hại gì. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm thứ hai, 1-8, ông Biden nói: “Công lý đã được thực thi. Tên khủng bố này không còn giết ai được nữa. Và mặc dù hắn trốn ở đâu nhưng nếu là mối đe dọa cho người dân chúng tôi, nước Mỹ sẽ tìm thấy. Tôi đã cho phép một cuộc tấn công chính xác để loại Zawahiri ra khỏi chiến trường, một lần và mãi mãi. Không ai trong số các thành viên gia đình hắn ta bị thương…”.
Ngôi nhà mà Zawahiri và vợ con đang sống nằm trong khu ngoại giao ở thủ đô Kabul, do một phụ tá hàng đầu của Sirajuddin Haqqani, quan chức cấp cao chính phủ Taliban làm chủ. Theo các nguồn tin tình báo, Zawahiri được quyền tham dự các cuộc họp tại Bộ Ngoại giao chính phủ Taliban, và sự lãnh đạo Al-Qaeda của ông ta đã tỏ ra hiệu quả hơn nhiều so với trước khi quân Mỹ và đồng minh rút hết.
Vài giờ sau khi Zawahiri bị giết, Taliban vội vã chuyển vợ và các con ông ta đến nơi ở khác nhằm che giấu sự hiện diện của Zawahiri tại thủ đô Kabul bởi lẽ trong thỏa thuận rút quân đội Mỹ và đồng minh ra khỏi Afghanistan giữa Taliban và chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, Taliban cam kết “không để cho Al-Qaeda sử dụng lãnh thổ Afghanistan tiến hành khủng bố chống lại nước Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ…”. Vì thế, khi lên án vụ không kích, Taliban cho rằng: “Tên lửa Mỹ đã nhằm vào một ngôi nhà trong khu dân cư ở Sherpur, Kabul, vi phạm các nguyên tắc quốc tế”. Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên của Taliban nói: "Hành động này là sự lặp lại những thất bại của Mỹ trong 20 năm qua…”.
Cái chết của Zawahiri đánh dấu đòn giáng mạnh mẽ nhất nhắm vào tổ chức khủng bố Al-Qaeda kể từ khi Bin-Laden bị tiêu diệt. Là bác sĩ phẫu thuật nhi khoa người Ai Cập, Zawahiri đã giúp điều phối vụ tấn công vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới New York, Mỹ, ngày 11-9-2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng. Chính phủ Mỹ khi ấy đã treo thưởng 25 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ hoặc tiêu diệt Zawahiri.
Lần xuất hiện gần đây nhất của Zawahiri là trong một video phát trên mạng, ông ta đề cập đến cuộc chiến tranh Nga- Ukraine. Zawahiri nói: “Sau thảm họa kinh tế bởi cuộc thánh chiến của chúng tôi ngày 11-9, sau thất bại ở Iraq và Afghanistan, sau đại dịch COVID-19 và sau khi nước này để đồng minh Ukraine làm mồi cho người Nga, Mỹ chẳng còn là gì nữa”.
2. Kể từ khi lên thay Bin-Laden nắm quyền thủ lĩnh Al-Qaeda cho đến khi bị tiêu diệt, ngoài vụ tấn công khủng bố tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại thế giới New York, Zawahiri còn là tác giả của các vụ đánh bom nhắm vào các đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam, Tanzania, Nairobi, Kenya, đánh bom London, Anh quốc, ám sát cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, giết chết tổng cộng 294 người và làm bị thương hơn 4.500 người.
Được biết đến với cái tên “Glasses - Người đeo kính", Zawahiri nhận được sự tôn sùng của các chiến binh Al-Qaeda bởi lẽ năm 2011 là khoảng thời gian đặc biệt tồi tệ đối với Al-Qaeda. Sau khi Bin-Laden bị giết, các tài liệu thu được trong phòng ngủ của ông trùm khủng bố cho thấy Bin-Laden rất lo lắng về việc Al-Qaeda bị gạt ra ngoài của cái gọi là “mùa xuân Arab”. Đám đông ở quảng trường Tahrir, Cairo, Ai Cập và nhiều nơi khác ở Trung Đông đã hò hét đòi hỏi dân chủ chứ không phải kêu gọi thành lập một xã hội Hồi giáo theo hình mẫu Al-Qaeda.
Vì thế lúc lên nắm quyền, Zawahiri đã tìm cách khai thác sự hỗn loạn bất ngờ tạo ra bởi “mùa xuân Arab” để khôi phục vận mệnh Al-Qaeda. Nếu như trước đây, Bin-Laden hướng toàn bộ nguồn lực của mình chống lại “kẻ thù xa” là Mỹ và phương Tây thì với Zawahiri, các chính quyền địa phương ở Trung Đông mới là việc cần phải giải quyết. Nó đã mang lại kết quả bằng việc xuất hiện những nhóm thánh chiến ở Pakistan, Sahel, Đông Phi, Yemen và thậm chí xa hơn: Somali, Sudan, Angola…
Trong một tuyên bố, Zawahiri ủng hộ cuộc thánh chiến ở Tân Cương chống lại Trung Quốc, thánh chiến ở Kavkaz chống lại Nga, còn Somalia, Yemen, Syria, Iraq và Afghanistan là chiến trường, đồng thời kêu gọi “giải phóng mọi vùng đất của người Hồi giáo đã bị chiếm đoạt và xâm phạm, từ Kashgar đến Andalusia, từ Caucasus đến Somali và Trung Phi”. Zawahiri nói: “Mujahideen ở mọi nơi, thuộc mọi nhóm, chúng ta phải đối mặt với sự xâm lược của Mỹ, châu Âu và Nga. Vì vậy chúng ta phải cùng nhau như một, từ Đông Turkestan đến Maroc”.
Năm 2014, một thách thức mới lại xuất hiện khi Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ra đời. Rất nhanh chóng, nó chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq, Syria. Đây có thể là thảm họa đối với Al-Qaeda khi “hai con cọp ở chung một khu rừng và cùng tranh nhau miếng mồi” nhưng một lần nữa, chiến lược thực dụng của Zawahiri không những giúp cho Al-Qaeda tồn tại, mà còn phát triển mạnh. Vì thế, khi IS sụp đổ vào năm 2019, Al-Qaeda đã có vị trí tốt để một lần nữa, Zawahiri tuyên bố “chúng tôi là tổ chức lãnh đạo phong trào thánh chiến toàn cầu”.
3. Ngày 7-10-2001, Mỹ đổ quân vào Afghanistan với mục đích tiêu diệt Al-Qaeda. Mặc dù lúc ấy tình báo Mỹ đã biết Zawahiri sẽ là người thay thế Bin-Laden trong trường hợp ông trùm bị giết nhưng họ vẫn không biết ông ta ở đâu. Các thông tin chắp vá chỉ dẫn đến những suy đoán mơ hồ là Zawahiri đang ẩn náu trong lãnh thổ các bộ tộc người Pasto ở biên giới Pakistan, Afghanistan. Năm 2003, có tin đồn rằng Zawahiri bị bắt ở Iran nhưng sau đó, nó là tin vịt!
Năm 2004, quân đội Pakistan phát động một chiến dịch chống Al-Qaea ở Wana, Pakistan. Các báo cáo ban đầu cho thấy Zawahiri đã nằm trong vòng vây nhưng sau nhiều tuần, khi quân đội Pakistan chiếm được Wana, lời khai của các tù binh xác nhận họ chưa bao giờ thấy Zawahiri xuất hiện. Khi cuộc tấn công lan sang phía tây Pakistan, Zawahiri trở thành mục tiêu chính của Cục Phản gián Pakistan - ISI (Cục J-COIN) nhưng cũng như lần trước, Zawahiri vẫn biệt vô âm tín!
Ngày 13-12-2006, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) được hỗ trợ từ ISI, Pakistan, đã tiến hành cuộc không kích vào Damadola, là ngôi làng gần biên giới Afghanistan, nơi CIA tin rằng Zawahiri đặt căn cứ. Cuộc không kích khẳng định đã giết chết Zawahiri qua sự xác nhận của những người đứng đầu bộ tộc Bajaur và điều này được các hãng thông tấn trên thế giới đồng loạt đăng tải. Nhưng ngày 30-1-2007, một video tung lên mạng cho thấy Zawahiri vẫn còn nguyên vẹn. Việc kiểm tra kỹ thuật đã khiến CIA tin rằng đoạn phim chỉ mới được quay vài ngày trước đó, không có dấu hiệu cắt ghép hoặc kỹ xảo.
Ngày 1-8-2008, kênh truyền hình Mỹ CBS News cho biết họ đã có bản sao của một email bị chặn ngày 29-7-2008 từ một nguồn giấu tên ở Pakistan. Nội dung email khẩn cấp yêu cầu một bác sĩ đến điều trị cho Zawahiri vì ông ta bị thương nặng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ vào làng Azam Warsak ở Nam Waziristan hôm 28-7, đồng thời email cũng nhắc đến cái chết của chuyên gia chất nổ Khabab al-Masri.
Nhưng một lần nữa, ngoài cái chết của Khabab al-Masri là có thật, còn Zawahiri vẫn chẳng hề hấn gì. Đến đầu tháng 9, quân đội Pakistan tuyên bố rằng họ “suýt” bắt được Zawahiri sau khi có thông tin ông ta và vợ con đang ở Mohmand, tây bắc Pakistan. Tiến hành đột kích vào làng Mohmand, quân đội cũng chẳng tìm thấy gì.
Từ đó, có vẻ như Zawahiri biến mất. Mãi đến tháng 6-2013, ông ta mới xuất hiện trong một video chống lại việc sáp nhập phong trào thánh chiến Jabhat al-Nusra có trụ sở tại Syria với Nhà nước Hồi giáo (IS) để trở thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant như đã được kẻ đứng đầu IS là Abu Bakr al-Baghdadi tuyên bố hồi tháng 4 cùng năm. Cũng trong video này, Abu Mohammad al-Julani, lãnh đạo Jabhat al-Nusra đã thề trung thành với Al-Qaeda và Zawahiri.
Tháng 9-2015, Zawahiri kêu gọi Nhà nước Hồi giáo (IS) ngừng đánh nhau với Jabhat al-Nusra đồng thời xây dựng tình đoàn kết, tin cậy lẫn nhau giữa các chiến binh thánh chiến, chống lại liên minh được cho là Mỹ, Nga, châu Âu, người Shiite, Iran và chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Gần đây nhất là video phát ngày 9-3-2022, trong đó Zawahiri nói về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
4. Cho đến ngày Zawahiri bị giết, cơ quan tình báo các nước Mỹ, Anh, Pakistan, Iraq… vẫn không ngừng tìm kiếm dấu tích của ông ta nhưng chẳng ai ngờ rằng Zawahiri lại sống ngay ở Kabul. Và cũng như Bin-Laden, Zawahiri không dùng điện thoại di động, máy tính nối mạng. Mọi mệnh lệnh đều được truyền miệng hoặc bản tin đã mã hóa, do các liên lạc viên mang đến tận tay người nhận.
Mọi tin tức tình báo đều dẫn đến suy đoán rằng hầu hết các thủ lĩnh cao cấp của Al-Qaeda, trong đó có Zawahiri hiện đang ẩn náu tại khu vực phía đông của Afghanistan, từ tỉnh Zabul về phía bắc đến Kunar và dọc theo biên giới với Pakistan. Đây là nơi có địa hình khắc nghiệt bởi những ngọn đồi, những hệ thống hang ngầm, từng là thành trì của cả Taliban lẫn Al-Qaeda.
Mới hồi tháng trước, đánh giá của ủy ban Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm thực thi các lệnh trừng phạt đối với Taliban đã báo cáo rằng “Al-Qaeda có nơi trú ẩn ở Afghanistan, được Taliban che chở và tự do hành động nên có khả năng tung ra các cuộc tấn công đường dài trong những năm tới”. Nó đã làm dấy lên lo ngại rằng Afghanistan một lần nữa lại trở thành căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố quốc tế sau khi quân đội Mỹ và đồng minh rút lui.
Cuối cùng là việc tiêu diệt Zawahiri, một nguồn tin dấu tên tiết lộ rằng trong những lần thực hiện do thám điện tử, người Mỹ phát hiện con gái lớn của Zawahiri chơi trò chơi trực tuyến (online) bằng điện thoại thông minh. Từ đó, họ tìm ra ngôi nhà nằm trong khu ngoại giao ở thủ đô Kabul. Kết hợp nhiều phương tiện trinh sát, kể cả sử dụng điệp viên ngầm, người Mỹ đã nhận diện Zawahiri, dẫn đến việc tiêu diệt ông ta sáng 31-7.
Cái chết của Zawahiri không phải là tình cờ mà là sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng qua việc chiếc máy bay không người lái xuất hiện đúng lúc ông ta bước ra ban công. Tuy nhiên Lầu Năm Góc không xác nhận và cũng không đề cập gì về thông tin này, còn Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ (CENTCOM) thì từ chối bình luận…