Bà Burton hay câu chuyện điệp viên Sonya
Vào năm 1945, tại ngôi làng Great Rollright yên bình, phía Tây Nam nước Anh, người ta bắt gặp một phụ nữ trẻ, thanh lịch thường đi chợ bằng xe đạp. Đó là “Bà Burton”. “Bà Burton” - hay còn gọi là Sonya - thực chất là một điệp viên cấp cao phục vụ cho Moscow, người đã đi vào huyền thoại theo lời kể của tác giả Ben Macintyre trong cuốn “Điệp viên Sonya” xuất bản năm 2020.
Ở ngôi làng cổ kính Great Rollright, ai nấy đều biết và ngưỡng mộ “bà Burton”, bà nội trợ kiêm người mẹ của ba đứa con. Ở độ tuổi gần 40, mái tóc đen, dáng người mảnh khảnh toát lên vẻ thanh lịch, Burton nổi tiếng với tài làm bánh. Bánh nướng do “bà Burton” khiến nhiều người trong làng ghen tị.
“Bà Burton” thường đi chợ bằng xe đạp, một chiếc túi treo trên ghi-đông, bên trong có cuốn sổ nhỏ ghi chép thực đơn cần mua trong ngày. “Bà Burton” rất thân thiện với mọi người, chào hỏi bằng giọng nói của người nước ngoài, hơi yếu ớt, nhưng không mấy ai để tâm đến điều đó.
Đó chỉ là vẻ bề ngoài. Hàng xóm của “bà Burton” không biết bí mật phía sau cánh cổng ngôi nhà The Firs, nơi “bà Burton” sống cùng với chồng và ba đứa con. Trong ngôi nhà đó, “bà Burton” đã lắp đặt một máy phát vô tuyến cực mạnh để gửi tin tức từ Anh về trụ sở cơ quan tình báo Liên Xô ở Moscow. “Bà Burton” thực chất là Đại tá Ursula Kuczynski, chiến sĩ cộng sản của Hồng quân Liên Xô, một điệp viên được đào tạo bài bản. “Bà Burton” đã tham gia các hoạt động tình báo ở Trung Quốc, Ba Lan và Thụy Sĩ, trước khi đến Anh theo mệnh lệnh của Moscow.
“Bà Burton” tên thật là Ursula Kuczynski, sinh năm 1907 ở Berlin (Đức) trong một gia đình trí thức Do Thái cực hữu. Lớn lên trong một môi trường cấp tiến, năm 16 tuổi, Ursula tham gia cuộc diễu hành “Ngày tháng Năm” ở Berlin và bị cảnh sát bắt giam. Cô bị cảnh sát buộc tội và dùng dùi cui đánh dã man vào lưng. Sau khi được thả, vết bầm tím trên lưng mờ đi nhưng sự phẫn nộ và quyết tâm thay đổi thế giới của cô ngày một rõ nét hơn. Cô muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp cộng sản.
Cô gái tuổi teen Ursula không xinh đẹp kiểu cổ điển nhưng ở cô luôn tỏa ra một sức hấp dẫn kỳ lạ. Năm 1929, Ursula kết hôn với một sinh viên kiến trúc tên là Rudolf Hamburger (còn gọi là Rudi Hamburger). Một năm sau, Rudi tốt nghiệp đại học đúng thời điểm nền kinh tế Đức suy thoái nên không thể tìm kiếm được việc làm tại quê hương. Vì thế, khi được một công ty ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhận, hai vợ chồng đã khăn gói hành lý, bắt đầu cuộc hành trình mới.
Thượng Hải ngày đó được ví như “thủ đô gián điệp” của phương Đông, nơi mà các đặc vụ của Quốc dân đảng do thám những người cộng sản trong và ngoài nước. Trong khi đó, những người cộng sản bí mật do thám chính phủ và do thám lẫn nhau. Liên Xô, vốn coi Trung Quốc là cái nôi cho giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng thế giới, đã triển khai một nhóm điệp viên và người cung cấp tin ở Thượng Hải, trong khi Anh, với sự giúp đỡ của Mỹ, theo dõi tất cả mọi người.
Tình hình này khiến Ursula ngán ngẩm. Cô nhớ lại: “Tôi thấy sự bẩn thỉu, nghèo đói và sự tàn ác. Tôi tự hỏi bản thân rằng phải chăng tôi chỉ là một người cộng sản trên lý thuyết?”. Ursula luôn tự hỏi liệu cô có tồn tại được trước thực tế tồi tệ, mâu thuẫn về mặt đạo đức và thường xuyên bạo lực hay không.
Sự bấn loạn trong suy nghĩ của Ursula đã thay đổi khi cô gặp Agnes Smedley – nữ nhà báo người Mỹ bị chính phủ Trung Quốc xếp vào “danh sách đen” những kẻ lật đổ nguy hiểm. Agnes luôn mang một khẩu súng lục ổ xoay trong túi xách. Chính Agnes đã giới thiệu Ursula với một mạng lưới ngầm gồm những người ủng hộ chế độ cộng sản.
Một ngày nọ, Ursula được báo có “ngài Richard Johnson” sẽ đến nhà chơi. Đó là một người đàn ông 35 tuổi, điển trai với mái tóc dày gợn sóng, đôi mắt xanh dương được viền bởi hàng mi đen và cái miệng khá duyên. Bàn tay trái của anh ta bị mất ba ngón. Từ trong con người anh ta toát lên vẻ quyến rũ và nguy hiểm.
Với giọng phát âm tiếng Đức không mấy lưu loát, “ngài Richard Johnson” tiết lộ tên thật là Richard Sorge, là bạn trai của Agnes và là một điệp viên cao cấp của Liên Xô hoạt động ở Thượng Hải. Richard Sorge ngồi bên cạnh Ursula trên ghế sofa và hỏi cô có sẵn sàng hỗ trợ những người cộng sản Trung Quốc trong cuộc đấu tranh của họ không. Ursula gật đầu. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn đó, cuộc sống một điệp viên của cô bắt đầu.
Ursula đồng ý làm việc cho Sorge, cho phép anh sử dụng nhà của cô để tổ chức các cuộc họp kín. Một lần, Sorge hỏi cô có muốn đi chơi với anh không và tất nhiên cô đồng ý. Chiếc xe chở hai người lao vun vút trên đường, vòng tay của Ursula ôm chặt lấy Sorge và thúc giục anh phóng nhanh hơn nữa. “Khi dừng lại, tôi là một người đã thay đổi. Tôi đã cười phá lên và nói chuyện không ngừng”, Ursula kể.
Mọi sự ức chế tan biết, Ursula trở thành trợ lý đắc lực cho Sorge và tham gia tích cực vào tổ chức tình báo của anh. Ban đầu, Sorge giao cô nhiệm vụ chuyển tin nhắn. Cô đánh máy nội dung thông tin mà Sorge bí mật thu thập được về các chủ đề quân sự, kinh tế, sau đó gửi về Moscow. Cô giấu súng trường, súng ngắn, súng máy và đạn dược của Sorge trong tủ phòng ngủ của mình.
Theo yêu cầu của Sorge, Ursula bắt đầu chú ý đến những câu chuyện phiếm ngoài đường. Cô nhập vai bà nội trợ trẻ, thích mua sắm và chẳng màng đến chuyện thế sự. Tại nhà cô, khách đến chơi nói chuyện thoải mái mà không biết rằng bà chủ là một điệp viên. Những thông tin thu thập của cô đều được Sorge gửi về Trung tâm Moscow. Anh đặt cho cô mật danh “Sonya”, có nghĩa là “nhà trọ” như một sự công nhận khả năng tình báo của cô.
Sau hai năm làm việc bí mật cùng với Sorge, Ursula đã trưởng thành, trở thành một điệp viên chuyên nghiệp, tận tụy và ngày càng tự tin. Cô kể lại: “Tôi nhận thức được khả năng mình có thể bị bắt, vì vậy tôi đã tập luyện thể chất để nâng cao sức đề kháng”.
Một buổi tối, khi đang ở nhà, Sorge gọi điện thoại cho Ursula để nói lời tạm biệt. Anh được triệu hồi về Moscow ngay ngày hôm sau và sẽ không trở lại Trung Quốc. Ursula cảm thấy căn phòng chao đảo khi nghe anh nói: “Cảm ơn em đã giúp đỡ anh. Đây chỉ là sự khởi đầu của em, còn nhiều điều phía trước. Nhưng bây giờ tốt nhất là tạm biệt”.
Trở về Moscow, Sorge đã gặp Tướng Yan Berzin, Cục trưởng Cục 4 của Hồng quân để báo cáo về mạng lưới điệp viên ở Thượng Hải, trong đó có Ursula - “Đặc vụ Sonya”. Tướng Berzin tỏ ra khá ấn tượng khi nhắc tới “đặc vụ Sonya”.
Một tuần sau, Ursula nhận được một tin nhắn từ Trung tâm Moscow. Nội dung tin nhắn vừa là lời mời, vừa là gợi ý và cũng giống như mệnh lệnh. Cô sẽ đến Moscow để tham gia một khóa đào tạo 6 tháng. Và không có gì bảo đảm cô sẽ quay lại Thượng Hải. Nếu chấp nhận, điều đó có nghĩa là cô phải bỏ chồng Rudi và quan trọng hơn là rời xa con trai Michael. Ursula chưa bao giờ phải đối mặt với một quyết định khó khăn như vậy. Nhưng cô cũng không có ý định từ bỏ công việc. Cô quyết định đến Moscow.
Tại Moscow, cô làm việc tại Phòng thí nghiệm huấn luyện vô tuyến điện thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô, nơi được trang bị các phòng thí nghiệm, xưởng và công nghệ không dây mới nhất. Cùng với các học viên khác đến từ nhiều nước, cô đã nghiên cứu cách vận hành sóng vô tuyến ngắn, chế tạo máy phát và máy thu, lắp ráp và cất giấu thiết bị không dây, mã hóa và giải mã thông điệp bằng Morse. Các học viên cũng được nghe giảng về chủ nghĩa Mác-Lênin, được đào tạo về chiến đấu không vũ trang và vũ trang, phá hoại, trộn và xử lý chất nổ, giám sát…. Ursula đã nỗ lực vượt qua tất cả các bài kiểm tra. Cô cam kết trở thành một điệp viên hoạt động vì lợi ích của giai cấp vô sản.
Kết thúc khóa đào tạo ở Moscow, Ursula nhận nhiệm vụ đầu tiên ở Mãn Châu, một khu vực thuộc Trung Quốc đang bị Nhật Bản chiếm đóng, để hỗ trợ các đảng cộng sản ở đó. Được đoàn tụ với con trai Michael, cô đã đưa cậu bé đi cùng. Cùng đi với hai mẹ con là viên chỉ huy trực tiếp Johann Patra, có mật danh “Ernst”. Patra, 34 tuổi, là một kỹ thuật viên vô tuyến giàu kinh nghiệm, rất thông minh dù thất học. Anh cũng biết cách chế tạo bom xuất sắc. Theo lệnh của cấp trên, Ursula phải đóng giả làm vợ của Patra. Họ hoạt động bí mật, cung cấp chất nổ và thiết bị truyền phát sóng radio cho những người cộng sản, đồng thời gửi thông tin tình báo về cho Liên Xô. Nhiệm vụ đã trở thành chất xúc tác khiến hai người có tình cảm nhau. “Chúng tôi yêu nhau, hoạt động cùng nhau trong nguy hiểm”, cô viết sau đó.
Một thời gian sau, do có 2 thành viên trong tổ chức điệp viên của Hồng quân bị bắt, Moscow lệnh cho Patra ở lại Trung Quốc, còn Ursula nhanh chóng rời đi trước khi bị lộ. “Điệp viên Sonya” đã tới Ba Lan mà không nói với Patra rằng cô đã có thai với anh.
Thật không ngờ, ở Ba Lan, Ursula gặp lại chồng cô, Rudi, giờ cũng là một điệp viên của Moscow. Họ ở bên nhau như một gia đình, ngoài cậu bé Michael còn có thêm cô con gái mới chào đời, Janina. Theo nhiệm vụ được phân công, Ursula thành lập một đội quân kháng chiến chuyên phá hoại các tàu ngầm Đức Quốc xã đang được đóng trong các xưởng đóng tàu ở Danzig. Moscow đánh giá cao thành tích và sự cống hiến của Ursula và trao tặng cô Huân chương Biểu ngữ Đỏ - huân chương quân sự cao nhất của Liên Xô cho lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng vào thời kỳ đó.
Khi đến Moscow nhận thưởng, Ursula tham gia khóa đào tạo bồi dưỡng như trộn thuốc nổ, chế tạo cầu chì, ngòi nổ. Cô tình cờ gặp Patra ở đó và cho anh xem những bức ảnh của con gái Nina. Nhưng mối quan hệ lãng mạn đã không còn, họ coi nhau như những người bạn.
Sau Ba Lan, Ursula đến Thụy Sĩ, nơi cô tiến thêm một bậc trong nghề tình báo. Nhiệm vụ của cô là cử điệp viên đến Đức để khai thác thông tin tình báo về việc xây dựng quân đội bên trong Đệ tam Quốc xã cho Moscow. Làm việc dưới quyền của cô có những điệp viên gốc Anh. Một trong số đó là Len Beurton, người cộng sản nhiệt thành từng chiến đấu trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Len Beurton đã phải lòng Ursula ngay khi nhìn thấy cô.
Châu Âu đang lâm vào tình trạng chiến tranh. Các nhà chức trách Thụy Sĩ, vì muốn giữ thái độ trung lập, nên ra sức truy quét gián điệp. Nếu bị bắt, Ursula bị đưa về Đức và sẽ chết. Vì vậy, cô ly hôn với Rudi với lý do anh ngoại tình (điều này thật không công bằng với anh). Sau đó, Ursula kết hôn với Len Beurton, xin hộ chiếu Anh và lên đường đến Anh cùng các con. Năm 1942, Ursula sinh con với Len Beurton, đặt tên là Peter. Gia đình 5 người đã di chuyển nhiều nơi để phục vụ cho hoạt động tình báo.
Tại thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp vào năm 1942-1943, Ursula và đồng nghiệp đã chuyển về cho Moscow nhiều thông tin giá trị về hoạt động chế tạo bom của Anh cũng như những bí mật từ phòng thí nghiệm của Mỹ ở Los Alamos. Năm 1943, Ursula được thăng chức lên Đại tá. Bà là người phụ nữ duy nhất lên được quân hàm cao như vậy trong lực lượng tình báo quân sự Liên Xô. Bà tiếp tục một cuộc sống với vai bà nội trợ ở Anh, kết bạn, uống trà với hàng xóm.
Năm 1947, vỏ bọc của Ursula bị một đặc vụ người Anh lật tẩy. Tuy nhiên bà vẫn ở lại Anh hơn hai năm, kiếm sống khiêm tốn bằng nghề dạy tiếng Đức. Cuối năm 1949, Ursula cùng gia đình chuyển từ Anh đến Đông Đức, nơi bà dành phần đời còn lại và trở thành nhà văn. Nữ điệp viên huyền thoại qua đời ngày 7-7-2000, thọ 93 tuổi.