Bên trong cuộc chiến chống khủng bố ở Kenya

Thứ Hai, 21/03/2022, 22:44

Tháng 9-2011, tổ chức khủng bố al-Shabaab chính thức xuất hiện bằng những vụ bắt cóc, đánh bom, nhắm vào một số khu vực ở Kenya nhưng chủ yếu vẫn là quận Lamu, nơi có đường biên giới chung với Somali. Và mặc dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ Mỹ nhưng dường như cuộc chiến chống khủng bố ở đất nước này vẫn giậm chân tại chỗ…

1. Chỉ cách biên giới Somalia chưa đầy 100 km, thị trấn Lamu nằm trong quận cùng tên là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Các bãi biển xinh đẹp và 65 hòn đảo nhỏ xung quanh từ lâu đã thu hút khách du lịch trên thế giới. Bên cạnh đó, một cảng biển gồm 32 bến tàu được người Mỹ xây dựng với kinh phí 5 tỉ USD cùng kỹ nghệ đánh bắt hải sản và nông nghiệp đã khiến Lamu trở thành một trung tâm thương mại hàng hải của cả vùng Đông Phi.

Tháng 9-2011, một cặp vợ chồng người Anh bị tổ chức khủng bố al-Shabaab bắt cóc tại một khách sạn ở thị trấn Lamu. Ba tuần sau, al-Shabaab bắt thêm một phụ nữ Pháp. Đó là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy al-Shabaab đã từ Somali vươn vòi sang Kenya và điều này dẫn đến sự ra đời của Chiến dịch Linda Nchi (bảo vệ đất nước), phát động bởi Lực lượng phòng vệ Kenya (KDF) vào tháng 10 cùng năm.

Trước đó, nhằm tạo một vùng đệm an toàn ở khu vực biên giới, Chính phủ Kenya đã hỗ trợ các nhóm dân quân ở Somali chống lại al-Shabaab khi cảng Kismayo của Somali lọt vào tay tổ chức này hồi năm 2011. Tiếp theo, năm 2012, với sự hợp tác của Phái bộ Liên minh châu Phi (AMISOM), Somali lấy lại được cảng Kismayo.

Đối mặt với thực tế các vùng kiểm soát bị thu hẹp, những kẻ lãnh đạo al-Shabaab chuyển hướng phát triển sang Kenya. Bằng cách tuyển dụng người Kenya theo đạo Hồi, al-Shabaab tổ chức những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào quận Lamu rồi thành lập Trung tâm thanh niên Hồi giáo al-Hijra với sự giúp sức của Jaysh Ayman, một phe nhóm có liên hệ với al-Shabaab.

Bên trong cuộc chiến chống khủng bố ở Kenya -0
Vũ khí và trang phục chứng tỏ nguồn tài chính của al-Shabab. Ahmed Umar (ảnh nhỏ), thủ lĩnh hiện nay của al-Shabaab.

Trong những năm sau đó, al-Shabaab  hướng sự chú ý đến người Hồi giáo Kenya qua các bài tuyên truyền viết bằng ngôn ngữ Swahili, đăng trên tạp chí Gaidi Mtaani cùng các video mang tên “Khoảnh khắc Mujahideen”, nội dung nêu ra những kỳ thị mà người Hồi giáo Kenya phải đối mặt để khai thác sự bất mãn, đồng thời kêu gọi tín đồ Hồi giáo tiến hành chiến tranh giải phóng bằng hình thức bạo lực.

Hệ quả là từ 2011 đến 2016, đã có hơn 1.000 thường dân Kenya thiệt mạng vì các cuộc tấn công khủng bố, trong đó đẫm máu nhất là tháng 9-2013, al-Shabaab đánh bom trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nairobi, giết chết 67 người và làm bị thương hơn 100 người, hầu hết là dân thường. Đến tháng 4-2015, chỉ với 5 tay súng al-Shabaab xông vào trường Đại học Garissa, 150 sinh viên đã thiệt mạng.

Ngay sau vụ khủng bố nói trên, một trong những vấn đề  khiến người dân bất mãn là phản ứng quá chậm chạp và phối hợp kém giữa các cơ quan an ninh Kenya, dẫn đến lòng tin của họ với chính phủ giảm sút, nhất là trong vụ tấn công nhắm vào Mpeketoni. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy cảnh sát đã biết trước nhờ những thông tin tình báo nhưng họ vẫn không có bất kỳ một biện pháp nào để ngăn chặn.

Nếu như năm 2011, 82% người dân Kenya ủng hộ chính phủ về cách xử lý những mối đe dọa do al-Shabaab gây ra thì đến năm 2014, con số này chỉ còn là 51%. Chưa hết, tháng 5-2014, cơ quan truyền thông của al-Shabaab chính thức tuyên bố cuộc đấu tranh của họ đã hoàn toàn chuyển sang Kenya, khiến Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đánh giá Kenya là 1 trong 20 quốc gia trên thế giới có tình hình an ninh bất ổn nhất.

Trước sự đã rồi, Lực lượng Cảnh sát chống khủng bố Kenya (ATPU) phản ứng bằng cách “làm biến mất” những người bị tình nghi là al-Shabaab cùng các nhà hoạt động Hồi giáo, cụ thể như Sheikh Aboud Rogo Mohamed, giáo sĩ đạo Hồi ở thành phố Mombasa. Sự “biến mất” của Sheikh Aboud Rogo Mohamed đã gây ra một làn sóng bạo loạn ở các khu vực dân cư ven biển Kenya và đây cũng là nơi xảy ra nhiều vụ “biến mất”.

Tổ chức theo dõi nhân quyền thế giới HRW ước tính ít nhất 21 giáo sĩ Hồi giáo đã bị các cơ quan an ninh Kenya giết hại từ tháng 4-2014 đến tháng 7-2016. Ngược lại, các tay súng al-Shabaab cũng thủ tiêu nhiều giáo sĩ Hồi giáo theo đường lối ôn hòa như một cách “ăn miếng trả miếng”, cùng những vụ tấn công đẫm máu nhắm vào các nhà thờ Cơ Đốc giáo và mạng lưới xe buýt công cộng. Nó đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng trong suốt chiều dài các tỉnh thành ven biển ở Kenya.

Để lập lại trật tự, Chính phủ Kenya khởi động một chiến dịch mang tên Usalama Watch (đồng hồ hòa bình). Hơn 6.000 cảnh sát và nhân viên an ninh tiến hành vây bắt những người Somalia sống trong khu dân cư Eastleigh ở thủ đô Nairobi. Ngay tuần lễ đầu tiên, hơn 4.000 người đã bị tạm giam.

Chính phủ Kenya biện minh rằng hoạt động ấy là biện pháp chống khủng bố nhằm xác định và loại bỏ “người nước ngoài” ra khỏi Kenya. Nó đã khiến 51% người Somali sống ở Kenya tin rằng đang bị đối xử bất công nên những kẻ lãnh đạo al-Shabaab cho rằng “đây là cơ hội trong việc lấy lại lòng tin của tín đồ Hồi giáo ở Kenya, là mảnh đất màu mỡ để gieo mầm thánh chiến”.

Cũng với mục đích lập lại trật tự, chính quyền quận Lamu ban bố lệnh cấm ngư dân đánh cá vào ban đêm. Các ghe thuyền khi ra khơi đều phải có giấy phép đặc biệt của Hải quân Kenya. Chưa hết, lệnh giới nghiêm ở Lamu đồng nghĩa với việc các đám cưới phải chấm dứt tiệc tùng trước 6 giờ chiều, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối.

Một báo cáo của HRW và Ủy ban Nhân quyền Kenya (KHRC) trong giai đoạn này cho thấy: “Chính phủ Kenya đã tiến hành nhiều hoạt động lạm dụng ở các quận Tana River và Lamu, trong đó mục tiêu là người Somali cùng nam giới và trẻ em trai Kenya theo đạo Hồi. Nhiều người trong số họ bị bắt giam, đánh đập, tịch thu tài sản…”.

Bên trong cuộc chiến chống khủng bố ở Kenya -0
Thanh niên và trẻ em trai ở Lamu bị al-Shabaab bắt phải gia nhập hàng ngũ.

2. Giải thích vì sao quận Lamu lại trở tành tâm điểm của al-Shabaab trong chiến lược bành trướng sang Kenya, các nhà phân tích chính trị thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các đặc điểm tự nhiên của vùng này đã cung cấp những điều kiện lý tưởng cho các hoạt động nổi dậy và khủng bố. Nằm cách Somali chỉ khoảng 100km, các phần tử al-Shabaab dễ dàng vượt qua biên giới rồi ẩn náu trong khu rừng Boni, chiếm 21,4% diện tích đất đai của quận Lamu.

Từ khu rừng này, al-Shabaab tiến hành các chương trình huấn luyện quân sự và đồng thời còn là nơi tổ chức những cuộc tấn công khủng bố theo phương châm “đánh rồi chạy”. Những cuộc đột kích của al-Shabaab vào các thị trấn, làng mạc trong quận như Pandanguo Basuba, Pangani, Gamba, Milihoi, Bargoni, Mpeketoni, Amu, Witu, Kiunga, Faza, Pate, Siu và Dar es salaam Point cùng một số căn cứ do người Mỹ thiết lập, diễn ra từ năm 2016 đến 2020 đã cho thấy al-Shabaab quyết tâm biến Lamu thành một đầu cầu chiến lược.

Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói: “Lamu có ý nghĩa biểu tượng về du lịch với những bãi biển hoang sơ, hệ sinh thái biển phong phú, động vật hoang dã trên bờ, nên đã thu hút rất nhiều khách du lịch từ các nước phương Tây. Là một phần của chiến thuật chiến tranh, al-Shabaab bắt cóc khách du lịch để đòi tiền chuộc, tấn công khủng bố để tạo ra tình trạng bất ổn  nhằm phá hoại nền kinh tế của Lamu nói riêng và Kenya nói chung”. Một trong những vụ bắt cóc nổi tiếng nhất xảy ra ở Mandera hồi đầu năm 2019, khi hai bác sĩ Cuba nằm trong nhóm 100 bác sĩ được cử sang làm việc tại Kenya theo một thỏa thuận giữa hai nước, rơi vào tay al-Shabaab.

Tháng 1-2020, al-Shabaab tiến thêm một bước nữa bằng cách tấn công căn cứ quân sự vịnh Manda. Đây là nơi Hải quân Mỹ và Hải quân Kenya cùng phối hợp để bảo vệ hành lang giao thông giữa Lamu và Nam Sudan, Ethiopia, là cơ sở hạ tầng lớn nhất ở phía đông châu Phi, đồng thời nó còn được Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng như một trạm tiền phương, nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Đặc nhiệm hỗn hợp Sừng Châu Phi, trụ sở tại Djibouti.

Cuộc tấn công đã giết chết một lính Mỹ là Henry Mitch Mayfield Jr. và hai phi công Dustin Harrison, Bruce Triplett, 3 người Mỹ khác bị thương đồng thời phá hủy 1 máy bay cùng một số cơ sở hạ tầng. Nó được xem là cuộc tấn công đầu tiên của al-Shabaab nhắm vào người Mỹ ở Kenya kể từ năm 2017.

Kết quả điều tra cho thấy sáng hôm ấy, Henry Mitch Mayfield Jr. cùng một lính Mỹ khác trong khi tuần tra bảo vệ đường băng sân bay thì qua ống nhòm cảm ứng nhiệt, Henry phát hiện một vật thể lạ trong một bụi cây nhưng anh ta cho rằng nó chỉ là con linh cẩu. Vài phút sau đó, các chiến binh al-Shabaab bắn súng cối vào sân bay. Một trong những viên đạn súng cối rơi trúng chiếc máy bay do Harrison và Triplett điều khiển, cả hai chết ngay lập tức.

Ở ven rìa đường băng, một tay súng al-Shabaab bắn 1 quả B40 vào chiếc xe của Henry Mitch Mayfield Jr. cùng một lính Mỹ khác. Nó xuyên qua kính chắn gió nhưng không nổ. Và trong lúc Henry chưa kịp phản ứng thì 1 quả B40 khác lao đến. Lần này Henry Mitch Mayfield Jr tử vong còn người lính đi cùng anh ta bị thương.

Vài ngày sau cuộc tấn công, máy bay không người lái Mỹ phóng tên lửa tiêu diệt thủ lĩnh al-Shabab là Ahmed Abdi Godane. Lên thay Ahmed là Ahmed Umar, còn được gọi là Abu Ubaidah. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu an ninh châu Phi (ISS Africa) cho thấy ngay khi lên nắm quyền, Ahmed Umar đã thay đổi chiến lược tuyển dụng. Bằng cách nhắm vào những thanh niên Kenya không có cơ hội được học hành đến nơi đến chốn, hoặc phải bỏ học nửa chừng vì thiếu tiền, al-Shabab đưa ra một mức lương hấp dẫn với họ.

Bên cạnh đó, Ahmed Umar còn nêu ra khẩu hiệu: “Hệ thống chính trị ở Kenya có nghĩa là mọi người như bạn bị cô lập và phớt lờ.Vì vậy bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để được lắng nghe và phản ứng lại với những gì bạn đang phải chịu đựng”. Chưa hết, Ahmed Umar còn khoét sâu những hành vi lạm dụng quyền lực của các cơ quan cảnh sát, an ninh Kenya: “Khi một người thân của bạn bị xử tử, máu bạn có sôi lên và bạn có muốn trả thù không?”.

Bên trong cuộc chiến chống khủng bố ở Kenya -0
al-Shabaab tấn công căn cứ quân sự và sân bay vịnh Manda.

3. Hiện tại, theo đánh giá của ISS Africa, lực lượng al-Shabaab ở Kenya có khoảng từ 7.000 đến 12.000 tay súng nhưng con số này tăng giảm tùy vào lượng chiến binh tăng cường từ Somalia. Vẫn theo ISS Africa, bất chấp đại dịch COVID-19, al-Shabaab đã chi 24 triệu USD để mua sắm vũ khí trong năm 2021. Doanh thu của họ trong năm này ước tính vào khoảng 180 triệu USD, đến từ việc thu thuế những nhóm phá rừng lấy gỗ, tiền chuộc con tin và do một số những tổ chức Hồi giáo cực đoan đóng góp.

Hoạt động gần đây nhất của al-Shabaab được ghi nhận là ngày 7-1-2022, 4 sĩ quan cảnh sát Kenya đã thiệt mạng khi rơi vào ổ phục kích của al-Shabaab ở quận Lamu. Trước đó, ngày 2 và 3-1, al-Shabaab cũng tấn công hai ngôi làng trong quận này, giết chết 13 ngư dân. Đến ngày 18-1, cảnh sát mở cuộc hành quân tảo thanh khu rừng Boni và đã tiêu diệt 15 phần tử al-Shabaab, tịch thu một số súng đạn, chất nổ, quân phục và thiết bị liên lạc. Một sĩ quan cảnh sát Kenya cho biết biện pháp tốt nhất là xóa sổ rừng Boni nhưng điều này không thể thực hiện vì sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường sinh thái…

Vũ Cao (Theo Africa Today)
.
.