Bí ẩn về trùm mật vụ SS - Rudolf Hoss

Thứ Tư, 12/06/2024, 21:05

Trong cuốn tự truyện của mình, Rudolf Hoss viết: “Mọi mong ước mà vợ con tôi bày tỏ đều được đáp ứng. Vườn hoa của vợ tôi là một thiên đường”. 5 đứa trẻ nhà Rudolf nô đùa với rùa, mèo và thằn lằn tại biệt thự của họ nằm gần thành phố Krakow (Ba Lan). Vào mùa hè, tụi nhỏ thoải mái vẫy vùng trong hồ bơi ngoài sân hoặc dòng sông cạnh đó.

Những khung cảnh thanh bình trong gia đình này đã che giấu một thực tế hắc ám: Rudolf Hoss là sĩ quan Đức Quốc xã (ĐQX) phụ trách quản lý trại tập trung và hủy diệt Auschwitz, nơi chúng đã thẳng tay sát hại ước tính 1,1 triệu người, phần lớn trong số các nạn nhân là người Do Thái Âu Châu. Rudolf Hoss trực tiếp chịu trách nhiệm về các hoạt động giết người này với tư cách là chỉ huy phục vụ lâu nhất của Auschwitz.

Trong “Khu đặc quyền”, bộ phim mới được viết và đạo diễn bởi Jonathan Glazer, cuộc sống thường nhật của gia đình Hoss hiếm khi mạo hiểm vượt khỏi ranh giới tòa biệt thự nơi bên kia đang diễn ra những hoạt động diệt chủng hết sức tàn ác. Bằng cách nhấn mạnh vào sự trần tục, nhà làm phim Jonathan Glazer hy vọng sẽ bộc lộ con người thật của Rudolf Hoss (do nam diễn viên Christian Friedel thủ vai chính) và người vợ Hedwig (do nữ diễn viên Sandra Huller thủ vai) với những nhân cách không bình thường. Không giống như “Danh sách của Schindler” hay “Nghệ sĩ dương cầm” và những tác phẩm chủ chốt khác của nền điện ảnh về nạn tàn sát người Do Thái của ĐQX (viết tắt Holocaust), “Khu đặc quyền” chưa từng mô tả rõ ràng nỗi kinh hoàng về sự sống và cái chết gây ra bởi ĐQX.

Bí ẩn về trùm mật vụ SS - Rudolf Hoss -0
Bức ảnh chụp năm 1944 của Richard Baer, đặc tả Josef Mengele và Rudolf Hoss.

Thay vào đó bộ phim dựa vào sức mạnh của sự gợi ý, ám chỉ đến vụ giết người hàng loạt thông qua những cái nhìn thoáng qua các ống khói lò hỏa táng cùng nhạc nền xung quanh được nhấn mạnh bởi tiếng súng và tiếng la hét. Câu chuyện không nói nhiều về ĐQX mà là câu hỏi lớn hơn về bản chất con người. Báo Guardian dẫn lời nhà làm phim Jonathan Glazer: “Tiếng nói bên trong thôi thúc chúng ta hết thảy, khả năng bạo lực mà ai cũng có. Với cá nhân tôi, đây không phải là bộ phim về quá khứ, mà nó đang cố gắng nói về hiện tại, về chúng ta, và sự tương đồng giữa chúng ta với thủ phạm, không phải sự giống nhau giữa chúng ta với các nạn nhân”.

Kịch tính hóa các sự kiện

Bộ phim khác xa rất nhiều so với tài liệu gốc, đó là cuốn tiểu thuyết của nhà văn Martin Amis phát hành năm 2014 với cùng tên tiêu đề. Trong cuốn sách này, tay sĩ quan ĐQX đã phải lòng vợ của viên chỉ huy trại Auschwitz (một kết nối lỏng lẻo với Rudolf Hoss nhưng không lấy tên nhân vật lịch sử này). Khi nhận câu chuyện, nhà làm phim Jonathan Glazer đã cắt bỏ mối tình tay ba và làm rõ hơn mối liên hệ giữa các nhân vật trong sách với những nhân vật ngoài đời thực. Nhằm khiến người xem đắm chìm vào các hoạt động thường nhật của gia đình Hoss và tạo ra một môi trường giống như tình trạng bị giám sát, ông Glazer đã quay những cảnh nội thất bằng camera giấu kín. Xung đột trọng tâm trong phim là bà Hedwig phản đối việc chồng mình được thăng chức, việc này sẽ đưa ông ta đến Berlin và vì thế buộc bà phải rời bỏ ngôi nhà thân yêu của mình nằm bên ngoài trại Auschwitz.

Theo yêu cầu của vợ, Rudolf Hoss đã thuyết phục cấp trên để những người thân ở lại trong lúc bản thân mình chuyển đi. Gia đình Hoss chỉ được trùng phùng khi Rudolf được giao trọng trách lớn hơn: trục xuất và thủ tiêu hơn 400.000 người Do Thái Hungary, tất cả diễn ra không đầy 2 tháng của năm 1944. Câu hỏi về những gì gia đình Hoss biết (và họ phải chịu trách nhiệm ở mức độ nào) đã lờ mờ hiện ra trong “Khu đặc quyền”. Hedwig và con cái của bà ta không trực tiếp tham gia vào việc quản lý Auschwitz, nhưng bộ phim đã cho thấy sự đồng lõa theo cách này hay cách khác của họ.

Có thời điểm, Hedwig thử chiếc áo lông sang trọng vốn thuộc về một phụ nữ đã bị hạ sát. Ở cảnh phim khác, Klaus (con trai cả của hai vợ chồng Rudolf) đã dùng đèn pin để kiểm tra những chiếc răng giả của những người Do Thái bị giết trong các phòng hơi ngạt. Khi Rudolf và các con đi bơi trên sông, vô tình ông ta vớ phải một cái xương hàm người – một tình tiết rùng rợn khiến gã vội vã quay về nhà để tắm.

Bí ẩn về trùm mật vụ SS - Rudolf Hoss -0
Lính Mỹ chở Rudolf Hoss (ngồi ở giữa) và Kurt von Burgsdorff bị cùm .

Rudolf Hoss là ai?

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ là những người Công giáo Đức vào năm 1900, Rudolf tham chiến từ Thế chiến I trước khi gia nhập một nhóm bán quân sự theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 1922, lần đầu tiên nghe Adolf Hitler diễn thuyết, Rudolf liền gia nhập Đảng Quốc xã chỉ một thời gian ngắn sau đó. Năm 1923, Rudolf và các đồng đội đã sát hại một giáo viên khi người này phản bội một người lính bán quân sự cho người Pháp.

Bị tuyên án 10 năm tù, Rudolf được phóng thích năm 1928 chiếu theo lệnh ân xá chung. Vài năm sau đó anh ta làm đồng áng rồi lập gia đình nhưng cuối cùng bỏ lối sống điền viên để đầu quân cho SS - đơn vị bán quân sự tinh nhuệ của ĐQX. Trong khoảng giữa các năm 1934 và 1940, Rudolf làm việc cho các trại tập trung Dachau và Sachsenhausen, có thời điểm những nơi này giam giữ chủ yếu là tù chính trị. Gây ấn tượng mạnh với cấp trên nên họ đã bổ nhiệm anh ta làm chỉ huy của trại Auschwitz mới thành lập.

Với vai trò này, Rudolf đã biến Auschwitz thành trung tâm giết người chính của ĐQX, coi Zyklon B là phương pháp sử dụng khí độc hiệu quả nhất. Như sau này chính Rudolf đã thừa nhận: “Việc dùng độc khí được ưa thích hơn là xử bắn vì cách thứ 2 sẽ đặt gánh nặng to lớn lên binh sĩ SS (những người chịu trách nhiệm thực hiện việc giết người) bởi vì phụ nữ và trẻ em nằm trong số các nạn nhân”. Rudolf tiếp cận viễn cảnh giết người hàng loạt một cách chính xác và có hệ thống.

Năm 2020, trong cuốn sách mang tiêu đề “History Extra”, sử gia Laurence Rees viết: “Rudolf Hoss không chỉ là một con robot tuân theo mệnh lệnh một cách mù quáng mà còn là một kẻ đổi mới việc tổ chức giết người”. Lúc đỉnh cao của Auschwitz, các phòng hơi ngạt của trại này đủ khả năng để “tiễn” 2.000 người/ giờ. Gia đình Hoss sống trong một biệt thự tại “Khu đặc quyền” của Auschwitz, đó là một khu vực do SS quản lý nằm xung quanh trại tập trung.

Ông Stanislaw Dubiel (một người Ba Lan từng làm vườn cho nhà Hoss) đã ra làm chứng sau khi kết thúc chiến tranh: “Họ có mọi thứ trong nhà, chả thiếu gì cả khi mà có hẳn nguồn cung hàng hóa khổng lồ tích lũy từ trại Auschwitz”. Chưa hết, hai vợ chồng nhà Hoss cùng tỏ thái độ bài Do Thái sâu sắc. Theo ông Stanislaw Dubiel: “Bà ta (Hedwig) tin rằng người Do Thái phải biến mất khỏi trái đất, và đến thời điểm nào đó cũng đến lượt người Do Thái ở Anh”.

Sử gia Laurence Rees viết: “Rudolf gia nhập SS bởi niềm tin hết lòng vì tầm nhìn đại cục của ĐQX”. Trong phim, Rudolf được điều động đến Berlin vào cuối năm 1943 để nhậm chức giám sát các hoạt động của toàn bộ các trại tập trung và thủ tiêu của ĐQX. Viên chỉ huy SS hài lòng với sự tiến bộ của mình khi tự mô tả bản thân là “Người tiên phong thực sự trong lĩnh vực này với những ý tưởng và phương pháp giáo dục mới”.

Tháng 5/1944, Rudolf quay lại Auschwitz để giám sát Chiến dịch Hoss nhằm mục đích mang 440.000 người Do Thái Hungary đến Auschwitz chỉ trong 56 ngày. Album Auschwitz (một bộ sưu tập các bức ảnh được lưu giữ tại Yad Vashem (Israel)) đã ghi lại những cá nhân đã đặt chân đến “trại tử thần”, nơi mà phần lớn trong số họ được lập tức đưa tới phòng hơi ngạt. Những bức ảnh này hoàn toàn trái ngược với các bức chụp nhanh được thu giữ của sĩ quan SS, Karl Hocker, cùng thời điểm này.

Trong các bức ảnh đó, Rudolf Hoss, Josef Mengele và các sĩ quan SS khác đồn trú ở Auschwitz tham gia hát và thư giãn, cũng như tham dự các buổi lễ chính của trại Auschwitz. Gắn liền với những thời khắc cuối cùng của những người Do Thái mới tới là niềm vui thú của các sĩ quan SS với những sinh hoạt thường nhật, cái cảm xúc vừa nhẫn tâm vừa dễ hiểu một cách kỳ lạ, nó nhắc khán giả trong phim “Khu đặc quyền” về lòng nhân đạo của ĐQX.

Bí ẩn về trùm mật vụ SS - Rudolf Hoss -0
Nghệ sĩ chơi đàn Accordion một bài hát dành cho các sĩ quan SS tại nơi trú ẩn của họ bên ngoài Auschwitz năm 1944.

Số phận sau chiến tranh

Khi chiến tranh kết thúc, gia đình Höss ẩn trú ở miền Bắc nước Đức hy vọng chờ thời cơ đến sẽ trốn sang Nam Mỹ, nơi mà nhiều tên ĐQX đã tìm cách định cư sau chiến tranh. Hedwig và lũ trẻ sống ngay trên một xưởng đường cũ kỹ tại ngôi làng biển St. Michaelisdonn, trong khi Rudolf dọn tới Flensburg và làm việc trong một trang trại với bí danh Franz Lang. Phải mất một năm, cơ quan chức năng mới tóm được hắn. Tháng 3/1946, binh lính Anh xuất hiện tại nhà của Hedwig.

Bà Brigitte (con gái của Rudolf) nhớ lại: “Anh trai Klaus và mẹ tôi cùng bị đưa đi. Bọn Anh đánh anh ấy tơi tả. Mẹ tôi nghe tiếng con trai kêu khóc thảm thiết vì đau từ phòng bên cạnh. Như những người mẹ khác, bà quyết bảo vệ con, vì thế bà ấy đã tiết lộ cha tôi đang ở đâu”. Phụ trách cuộc săn lùng là Hanns Alexander, đó là một người Đức gốc Do Thái đã đào tẩu khỏi Berlin vào thập niên 1930 và sang Anh. Một đêm nọ khi Hanns Alexander đến trước cửa nhà Rudolf, hắn phủ nhận mình là cựu chỉ huy. Nhưng chiếc nhẫn cưới khắc 2 cái tên “Rudolf” và “Hedwig” đã tố cáo hắn nói dối.

Sau khi bị bắt, Rudolf đã khai tại phiên tòa Nuremberg, cung cấp các tài khoản chi tiết về cỗ máy giết người ĐQX và vai trò riêng của mình trong việc giết người ở Auschwitz. Rudolf là thành viên cấp cao đầu tiên của ĐQX thú nhận những tội ác như vậy, chịu trách nhiệm cho các hành động của mình, trong khi nhiều tên ĐQX khác khước từ thừa nhận chuyện sai trái. Được chuyển đến Ba Lan, Rudolf bị xét xử vì tội giết người và bị tuyên án tử bằng hình thức xử giảo. Trong thời gian chờ ngày ra pháp trường, Rudolf đã viết nên cuốn tự truyện, tự nhận mình là “một cái bánh răng trong bánh xe của cỗ máy hủy diệt vĩ đại do nền Đệ Tam sáng tạo ra”.

Ngày 16/4/1947, Rudolf Hoss bị treo cổ tại Auschwitz, trước một đám đông khổng lồ gồm các cựu tù nhân. Sau khi Rudolf bị xử tử, gia đình ông ta phải vật lộn để kiếm sống ngay tại đất nước đang cố gắng quên đi quá khứ ĐQX. Là góa phụ của một tội phạm chiến tranh bị kết án, Hedwig chả nhận được khoản trợ cấp hay tài trợ nào từ chính phủ.

Hedwig cũng không có việc làm, điều này khiến người cháu trai Rainer Höss suy đoán rằng người bà sống được là nhờ “tiền bạc từ mạng lưới ĐQX cũ chu cấp”. Cuối cùng, người con cả Klaus chuyển đến Australia, trong khi người con gái Brigitte lần đầu tiên đến Tây Ban Nha và sau đó sang Mỹ. Những đứa trẻ còn lại vẫn ở Đức như mẹ của họ. Gia đình này hiếm khi nói về Rudolf, cố che giấu quan hệ của họ với ĐQX và hạ thấp tội ác của người quá cố. Người cháu trai của ông Hanns Alexander là một nhà báo tên là Thomas Harding đã phỏng vấn bà Brigitte trong lúc ông đang viết cuốn sách về hành trình truy lùng Rudolf của người chú.

Năm 2013, tờ Globe and Mail dẫn lời nhà báo Harding về buổi phỏng vấn với bà Brigitte: "Bà ấy nói với tôi rằng cha bà (Rudolf) là người cha tốt nhất thế giới, ông ấy thường xuyên đọc truyện và đưa các con đi thuyền. Cả nhà đều yêu ông ấy. Có 2 khía cạnh của Rudolf: người cha và người chỉ huy. Điều tôi phát hiện ra rằng một người vừa có thể là người vừa có thể là quái vật, điều đó thật đáng sợ. Nó có thể xảy ra lần nữa, đó là lý do tại sao chúng ta cần phải cảnh giác”.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.