Bi kịch của người dân Afghanistan dưới thời Taliban

Thứ Sáu, 18/02/2022, 13:31

Trung tuần tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp dỡ bỏ phong tỏa 7 tỷ USD tài sản Afghanistan bị đóng băng ở Mỹ. Số tiền này sẽ dùng tài trợ cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại Afghanistan và thành lập quỹ ủy thác của bên thứ ba để bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Con đường cứu nạn

Sắc lệnh nói trên kêu gọi các tổ chức tài chính của Mỹ tạo điều kiện tiếp cận với 3,5 tỷ USD cho các nhu cầu cơ bản và cứu trợ của Afghanistan. 3,5 tỷ USD còn lại sẽ vẫn ở Mỹ và được sử dụng để tài trợ cho các vụ kiện tụng đang diễn ra của các nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11-9-2001.

Trên thực tế, sau khi Taliban giành lại quyền kiểm soát và điều hành Afghanistan hồi tháng 8 năm ngoái, các nguồn tài trợ quốc tế cho quốc gia này đã bị đình chỉ. 9 tỷ USD tài sản của Afghanistan ở nước ngoài, bao gồm 7 tỷ USD dự trữ được giữ ở Mỹ; phần còn lại phần lớn là ở Đức, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Thụy Sĩ đã bị đóng băng. Nền kinh tế gặp khó khăn kéo dài của Afghanistan vì thế càng rơi vào khủng hoảng bởi gần 80% ngân sách của chính quyền Kabul trước đây đến từ cộng đồng quốc tế. Sự tuyệt vọng đối với những nhu cầu thiết yếu lại càng trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 cũng như tình trạng thiếu chăm sóc sức khỏe, hạn hán và suy dinh dưỡng. Việc thiếu kinh phí dẫn đến gia tăng nghèo đói và các nhóm viện trợ phải cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang cận kề. Nhân viên nhà nước, từ bác sĩ đến giáo viên và công chức hành chính, đã không được trả lương trong nhiều tháng. Trong khi đó, các ngân hàng đã hạn chế số tiền mà chủ tài khoản có thể rút.

Bi kịch của người dân Afghanistan dưới thời Taliban -0
Tại Bệnh viện Mirwais ở Kandahar, khoa nhi chật ních những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính. (ảnh: The Washington Post).

Tính đến tháng 1, Taliban đã xoay sở để trả lương cho các bộ nhưng đang phải vật lộn để giữ nhân viên làm việc. Họ đã hứa sẽ mở trường học cho trẻ em gái sau năm mới ở Afghanistan vào cuối tháng 3, nhưng các tổ chức nhân đạo nói rằng cần phải có tiền để trả cho giáo viên. Trong những tháng gần đây, người Afghanistan chỉ có thể rút 200 USD/ tuần và bằng tiền Afghanistan. Tháng trước, Liên hiệp quốc (LHQ) đã đưa ra lời kêu gọi gần 5 tỷ USD, mức kêu gọi lớn nhất từ trước đến nay dành cho một quốc gia bởi dự đoán gần 90% trong số 38 triệu người của đất nước đang sống dưới mức nghèo đói 1,90 USD/ngày. LHQ cũng cảnh báo rằng có tới 1 triệu trẻ em có nguy cơ chết đói.

Gia tăng đói nghèo

Hơn 22 triệu người, hơn một nửa dân số Afghanistan, đang phải đối mặt với nạn đói ở mức khủng hoảng, phần lớn trong số họ không thể đảm bảo bữa ăn tiếp theo của họ sẽ đến khi nào, theo Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ. Con số này đánh dấu sự gia tăng đáng kể kể từ tháng 9-2021, khi hơn 14 triệu người có nguy cơ bị đói. Tình trạng hạn hán kéo dài ở Afghanistan từ tháng 10-2020 khiến nguồn cung thực phẩm trong nước cũng cạn kiệt. Giá thực phẩm cơ bản đã tăng mạnh và nhiều gia đình Afghanistan buộc phải làm thức ăn bằng gạo và đậu thay vì thịt gà và các loại thịt khác. Mary-Ellen McGroarty, Giám đốc WFP tại Afghanistan cho biết: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy tình hình xấu đi nhanh như thế này. Tỷ lệ suy dinh dưỡng đang tăng gấp đôi so với tuần trước. Những đứa trẻ hốc hác đang được đưa vào bệnh viện. Sự bùng nổ kinh tế của giá lương thực và nhiên liệu, tác động của hạn hán và di sản tàn khốc của cuộc xung đột… tạo ra một cơn sóng thần về nạn đói và suy dinh dưỡng trên khắp đất nước”.

Bi kịch của người dân Afghanistan dưới thời Taliban -0
Các gia đình đến từ Afghanistan sống trong những chiếc lều tạm bợ khi họ trú ẩn gần ga xe lửa ở Chaman, Pakistan. ảnh: Reuters.

Ingy Sedky, Giám đốc truyền thông tại Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ở Afghanistan cho biết: “Chúng tôi đang phải chứng kiến một vòng luẩn quẩn ở Afghanistan. Việc thiếu tiền mặt và không trả lương dẫn đến việc không có đủ thức ăn và dinh dưỡng thích hợp. Và bây giờ với điều kiện mùa đông khắc nghiệt, có nhiều nguy cơ về sức khỏe". Ingy Sedky thậm chí còn mô tả rằng các y tá ở bệnh viện phụ sản chỉ có tiền mua một chiếc máy sưởi di động nhỏ trong một khu lớn. Họ buộc phải “ép ba đứa trẻ trong một lồng ấp vì chúng không có hệ thống sưởi ấm hoặc không đủ thiết bị để chăm sóc”…

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đã thúc đẩy các tổ chức viện trợ và LHQ tăng cường kêu gọi tài trợ mới. Đến nay, khoản viện trợ, trị giá 4,4 tỷ USD trong số 5 tỷ USD mà LHQ kêu gọi được, sẽ được dành để giúp đỡ những người Afghanistan trong nước. Phần còn lại sẽ hướng tới hàng triệu người tị nạn Afghanistan ở các nước láng giềng như Iran và Pakistan. Điều phối viên Cứu trợ Khẩn cấp của LHQ Martin Griffiths cho biết, nếu không có những khoản tiền đó, "sẽ không có tương lai" cho người dân Afghanistan. Bên cạnh đó, có một vấn đề mà LHQ cùng các nhóm viện trợ và các nước tài trợ đang nỗ lực tìm cách là  đưa tiền đến Afghanistan mà không để tiền rơi vào tay Taliban.

Bi kịch của người dân Afghanistan dưới thời Taliban -0
Ngày càng nhiều người ăn xin trên đường phố tại thủ đô Kabul. (Ảnh: The Guardian).

Sống trong sợ hãi

Một vấn đề nữa khiến LHQ và các nhóm viện trợ lo ngại chính là nỗi sợ hãi của những người Afghanistan từng làm việc cho chính phủ cũ. Khi Taliban tiếp quản Kabul ngày 15-8-2021, nhiều người đã muốn rời khỏi đất nước nhưng không thể thoát, vì thế họ luôn thường trực nỗi lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình. Mohamed Shaheed, 33 tuổi, cựu sĩ quan Phòng Điều tra hình sự (CID) sống ở Afghanistan là một ví dụ. Anh đã cố gắng che giấu danh tính thực của mình và đang lẩn trốn cùng vợ, con ở một địa điểm không được tiết lộ. “Trong suốt sự nghiệp của mình, tôi đã bắt giữ rất nhiều người  là chiến binh Taliban. Tôi đã bắt họ vì tội chế tạo chất nổ, bom, ăn cắp và hối lộ các sĩ quan. Bây giờ họ đang theo đuổi tôi và muốn giết tôi. Kể từ khi họ tiếp quản, các vụ giết người đã gia tăng. Khi các chiến binh Taliban được thả tự do, chúng bắt đầu tấn công nhà tôi, buộc tôi phải chạy trốn cùng gia đình đến nhà của anh trai mình rồi lại bỏ trốn lần nữa. Sau đó Taliban đến nhà anh trai tôi, đánh đập và tra tấn anh ta, nhưng anh không nói tôi đang ở đâu và vì vậy họ đã thả anh ấy”, Shaheed kể. Shaheed từng là sĩ quan CID trong 13 năm, cung cấp thông tin tình báo về các mối đe dọa khủng bố. Anh nói sau khi chính phủ cũ sụp đổ, những người bị bắt giữ trong nhà tù được Taliban thả tự do. Không chỉ anh mà các quan CID khác đang phải đối mặt với tình trạng tương tự. Một số con trai của họ đã mất tích và có thể đã bị bắt cóc.

Những người cảm thấy bị đe dọa phải đối mặt với những trở ngại trong việc giao tiếp điều đó với thế giới bên ngoài. Phương tiện truyền thông xã hội đã bị hạn chế rất nhiều để che giấu những gì đang xảy ra ở Afghanistan. Công dân không được phép đăng tải video hoặc hình ảnh về các hành vi sai trái của Taliban trên Facebook và các mạng xã hội khác. “Ở đây, cuộc sống không còn tốt đẹp như trước khi chính quyền trước đây cầm quyền. Họ đang đối xử tệ với công dân như họ trừng phạt mọi người mỗi ngày. Tôi chỉ muốn các nhà lãnh đạo thế giới giúp chúng tôi cứu sống và cho phép chúng tôi thoát khỏi Afghanistan”, Shaheed nói.

Bi kịch của người dân Afghanistan dưới thời Taliban -0
Một chiếc xe bán tải của cảnh sát Afghanistan bị phá hủy (ảnh: The New York Times).

 Zaheer, 45 tuổi, một cựu sĩ quan CID khác, người đã bắt giữ các chiến binh Taliban trước khi chính phủ sụp đổ thì kể rằng anh liên tục nhận được những lời đe dọa và đã phải bỏ trốn khỏi nhà của mình. Anh ta hiện đang ở một địa điểm an toàn nhưng không được tiết lộ ở Afghanistan. “Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình bởi khi Taliban tìm thấy tôi, tôi sẽ không còn sống để kể nó. Tôi đã bắt nhiều chiến binh Taliban trong suốt sự nghiệp của mình nhưng chúng không bao giờ quên mặt tôi. Tất cả các đồng nghiệp của tôi đều lo lắng cho cuộc sống của họ. Một số đã bị Taliban giết. Tôi biết rằng một khi chúng được thả ra ngoài, chúng sẽ theo dõi chúng tôi và tôi không thể làm gì với điều đó”, Zaheer buồn nói.

Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, một số quốc gia đã tiến hành các nỗ lực tái định cư để giải cứu người Afghanistan khỏi đất nước bao gồm Anh, Mỹ, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Đức và Italia. Tuy nhiên, nhiều người Afghanistan vẫn sống ở đó dưới sự cai trị của Taliban với lo sợ rằng họ sẽ không bao giờ có thể trốn thoát. Đối với nhiều người, thật quá rủi ro khi rời đi trong lúc Taliban đã nắm toàn quyền kiểm soát đất nước. Sự không chắc chắn về tương lai của Afghanistan luôn tăng cao. Và những người bảo vệ trật tự và công lý trước đây như Shaheed và Zaheer như sống  bên bờ vực, không biết liệu họ có bị Taliban tìm thấy hay không.

 “Chúng tôi sống để chờ đợi một chút hy vọng, ai đó giúp chúng tôi nhưng tôi không biết liệu ngày đó có đến hay không”, Zaheer buồn bã nói.

Khánh Chi
.
.