Bí mật “công nghiệp rửa tiền” ở biên giới Mexico-Mỹ
Từ lâu, một trong những vấn đề cốt lõi của các tổ chức tội phạm là làm cách nào để biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”, nhất là ở một số các quốc gia có nền tài chính minh bạch. Vì thế, họ đã nghĩ ra nhiều cách để “rửa tiền”…
Kỹ nghệ rửa tiền
8 giờ sáng, Carlos, tay buôn ma túy người Mexico ở thành phố Guadalajara, Mexico giao cho một nhân vật, tiếng lóng trong nghề rửa tiền gọi là “người vận chuyển” những tờ giấy bạc 100 USD nhăn nhúm, buộc thành từng bó bằng giây thun, tổng cộng 215.500 USD. Đó là tiền thu được từ việc bán cocain. Vài phút sau, trên chiếc xe tải chở vật liệu xây dựng, “người vận chuyển” lái nó đến thành phố biên giới Laredo nằm bên bờ con sông Rio Grande thuộc bang Tamaulipas, Mexico. Tại đây, anh ta đưa 215.500 USD cho một thiếu phụ, gọi là “người mua hàng”.
Nhận xong, “người mua hàng” lái xe thẳng đến trạm kiểm soát biên giới Mexico, Mỹ và dừng lại trước một cửa hàng miễn thuế nằm trên đất Mexico. Cầm theo 40.000 USD, thiếu phụ này bước vào, xuất trình hộ chiếu Mỹ rồi mua một loạt những chai nước hoa La Coste, Bulgari, Hugo Boss... Sau đó, cô ta sang một cửa hàng khác rồi cứ tiếp tục như vậy, 215.500 USD “tiền bẩn” biến thành hàng tiêu dùng hợp pháp.
Xế trưa, “người giao hàng” quay lại thành phố Laredo. Những chai nước hoa nhanh chóng được chuyển đến một số trung tâm thương mại và các siêu thị lớn mà băng nhóm tội phạm Cali Cartel có cổ phần. James Ferguson, sĩ quan Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) giải thích: “Người tiêu dùng ở Mexico khi mua nó sẽ thanh toán bằng đồng peso (tiền Mexico) rồi những đồng peso ấy được gửi vào ngân hàng. Khi rút ra để quay vòng, họ sẽ dùng peso mua USD - cũng từ ngân hàng và dĩ nhiên đó là “tiền sạch”. Vì thế, nếu không phá vỡ những mắt xích đầu tiên của quy trình rửa tiền thì sẽ rất khó để bắt những kẻ chủ chốt đứng đằng sau”.
Nói một cách chính xác, việc rửa tiền của những băng nhóm tội phạm Mexico đã bắt đầu vào những năm 1980, khi Bộ Tài chính Mỹ phối hợp cùng Hải quan, Biên phòng và DEA, tiến hành những biện pháp nghiêm ngặt nhằm xác định nguồn gốc của những lượng tiền mặt lớn, thông qua hệ thống ngân hàng chuyển vào Mỹ.
Theo Aristedes Jimenez, đặc vụ DEA trong vai một kẻ chuyên đổi USD chợ đen, đã từng là cố vấn tài chính cho Jose Santacruz Londono, kẻ cầm đầu băng nhóm Cali Cartel khét tiếng thì từ tiền bán ma túy, Londono trả công cho một số khách du lịch Mỹ để nhờ họ mua giúp một số hàng hóa trong các cửa hàng miễn thuế như thịt gà đông lạnh, tivi, lò vi sóng, điện thoại di động, lốp xe, máy điều hòa, tủ lạnh và thậm chí là cả chảo chiên không dính… Mua xong, tất cả sẽ được bán trong những chuỗi bách hóa mà Cali Cartel có cổ phần hoặc bảo kê.
Một số du khách Mỹ nhận thấy việc “mua giùm” rất nhẹ nhàng nhưng lại được tiền công hậu hĩnh nên họ tình nguyện trở thành người mua chuyên nghiệp. Jimenez, đặc vụ DEA nói: “Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy có những người Mỹ cuối tuần nào cũng từ bang Texas đi Mexico. Trước lúc lên đường, các chân rết ở Texas làm việc cho các băng nhóm tội phạm Mexico sẽ chuyển vào thẻ tín dụng của họ một số tiền, hoặc đưa thẳng tiền mặt cho họ, thường là dưới 10.000 USD để tránh vi phạm các quy định về việc mang tiền qua biên giới. Sau khi mua hàng rồi giao cho băng nhóm, lúc quay về họ sẽ nhận được tiền công, thường là 800 hoặc 1.000USD”.
Khi Chính phủ Mexico đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đốivới các giao dịch ngoại tệ khiến những băng nhóm ma túy khó có thể gửi về Mỹ hàng triệu USD đã được “rửa sạch” thì họ chuyển sang hình thức “đầu tư”. Bằng cách cho một số chân rết sống hợp pháp ở Mỹ thành lập những công ty kinh doanh, tiền “bẩn” sẽ được chuyển vào những công ty này bằng những hợp đồng đúng luật pháp.
Năm ngoái, một trong những công ty đầu tư bất động sản quốc tế có trụ sở ở Mỹ đã phải trả cho Bộ Tư pháp Mỹ 29 triệu USD như một phần của việc dàn xếp dân sự trước những cáo buộc họ đã nhận tiền đầu tư từ Mexico. Nhưng theo đặc vụ Jimenez, việc “rửa tiền” thông qua các cơ sở kinh doanh nhỏ như các cửa hàng nước hoa ở thành phố Laredo vẫn là cách được các băng nhóm tội phạm Mexico xem là an toàn nhất.
Cuối tháng 12-2020, DEA cất một mẻ lưới lớn. Nghi ngờ 357.000 USD có trong một tài khoản tại một ngân hàng ở bang Kentuky, Mỹ, được chuyển đến từ Mexico là tiền ma túy, DEA đã làm việc với lãnh đạo ngân hàng rồi đề nghị họ chuẩn bị sẵn số tiền ấy, tất cả đều là tờ 100 USD. Tiếp theo, DEA chụp ảnh, ghi lại số seri.
Vài ngày sau, một phụ nữ đến rút 100.000 USD. Tình nghi cô này là “người mua hàng”, các đặc vụ DEA bám sát khi cô ta lái xe về hướng biên giới Mỹ, Mexico. Khi đến trước chuỗi cửa hàng miễn thuế nằm trên đất Mỹ, cô ta lấy ra từng bó, mỗi bó 10.000 rồi kín đáo đưa cho một số du khách đã đợi sẵn. Tiếp theo, những du khách này chia nhau vào từng cửa hàng miễn thuế, mua một số mặt hàng đắt tiền như rượu, nước hoa. Trước đó, vài đặc vụ DEA đã giả làm nhân viên bán hàng với máy chụp hình và micro ghi âm bí mật giấu trong nút áo, ghi lại tất cả mọi lời nói và hành động của du khách.
Kết quả đối chiếu cho thấy số USD mà khách thanh toán sau khi mua hàng trùng khớp với hình ảnh, số seri do DEA ghi lại. Đặc vụ Jimenez nói: “Chúng tôi không vội bắt “người mua hàng” cùng những du khách khi họ làm thủ tục qua biên giới mà phối hợp với cảnh sát Mexico, chúng tôi muốn xác định hàng hóa sẽ được chuyển đến những chỗ nào ở thành phố Laredo để từ đó, tìm ra các băng nhóm tội phạm và nhất là hàng triệu USD hiện đang nằm trong các ngân hàng Mỹ…”.
Hàng tỷ USD từ buôn ma túy được rửa mỗi năm
Ngược dòng thời gian, rửa tiền được định nghĩa vào năm 1990 bởi Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về ma túy và khủng bố, là “việc chuyển đổi lợi nhuận của các hoạt động bất hợp pháp thành tài sản có nguồn gốc hợp pháp". Theo các nhà điều tra, số tiền có nguồn gốc từ buôn bán ma túy được rửa từ Mexico lên đến 10-15 tỷ USD/ năm, tương đương với khoảng 3%- 5% GDP của Mexico.
Sở dĩ có điều này là vì từ năm 1990, thành phố Laredo đã trở nên thu hút nhiều người mua sắm, không chỉ ở Mexico mà còn ở một số các quốc gia lân cận bởi mức thuế cao đánh vào một số các mặt hàng tiêu dùng đã khiến ngay cả tầng lớp trung lưu cũng phải cân nhắc khi móc tiền ra trong lúc ở Laredo, một số hàng “chính hãng” có giá rẻ hơn 20 - thậm 30% so với mua trong siêu thị. Nó không chỉ là miếng ăn béo bở với các băng nhóm tội phạm Mexico mà còn cả với những người nước ngoài.
Gan Xianbing, 59 tuổi, người Trung Quốc chẳng hạn. Là chủ một công ty sản xuất giày ở thành phố Ôn Châu, Trung Quốc. Năm 2011, Xianbing đến Guadalajara, Mexico. Tại đây, ông ta thành lập một doanh nghiệp xuất khẩu sứa sang Trung Quốc, nơi được xem là món ăn có tính kích thích tình dục.
Việc kinh doanh của Xianbing gặp nhiều thuận lợi với những đầu mối ở cả Mexico lẫn Trung Quốc, đã khiến ông ta lọt vào “mắt xanh” của một trong những băng nhóm ma túy lớn nhất Mexico là Jalisco. Dưới sự chỉ đạo của Jalisco, Xianbing thành lập một doanh nghiệp ma để chuyển tiền về Trung Quốc rồi từ Trung Quốc, một số những công ty có quan hệ mật thiết với Xianbing sẽ chuyển nó quay lại Mexico dưới hình thức những hợp đồng mua sứa để trở thành “tiền sạch”.
Chìa khóa phá vỡ vụ án Xianbing là Lim Seok Pheng, người Singapore. Sau khi bị bắt hồi tháng 5-2018 tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ, vì có liên quan đến một vụ rửa tiền, Pheng khai rằng lúc còn ở Ôn Châu, Trung Quốc, cô làm nghề bán rong giày dép và thường xuyên lấy hàng từ nhà máy của Xianbing. Khi sang thành phố Guadalajara, Mexico năm 2016, Xianbing đã tuyển mộ cô tham gia hoạt động rửa tiền cùng với một người Hoa khác là Pan Haiping.
Để nhận được sự khoan hồng, Peng đồng ý cho Cơ quan An ninh nội địa Mỹ gắn vào túi xách của cô một thiết bị ghi âm. Bên cạnh đó, Peng còn giới thiệu với Xianbing một người rất chuyên nghiệp trong việc “giao hàng” (người này là đặc vụ ngầm của Cơ quan An ninh nội địa Mỹ). Kết quả thu được cho thấy từ năm 2012 đến năm 2019, Gan Xianbing, Pan Haiping và 3 thương nhân người Hoa khác ở Mexico đã chuyển sang Trung Quốc 65 triệu USD tiền mặt có nguồn gốc từ ma túy.
Lời khai của Peng đã chỉ rõ một trong những hình thức chuyển tiền: Các đầu mối ở nhiều thành phố lớn trên đất Mỹ thu gom tiền ma túy từ những kẻ bán lẻ, thường từ 150.000 đến 1 triệu USD/ lần. Sau đó băng nhóm Jalisco sẽ gửi Peng một tin nhắn qua điện thoại, cho biết ngày, giờ, địa điểm nơi cô sẽ gặp “người giao hàng”. Cũng trong tin nhắn này còn có số sêri và mã của tờ 1 USD.
Khi Peng và “người giao hàng” gặp nhau, họ sẽ đưa cho cô tờ 1 USD với số seri và mã trùng khớp với những gì cô đã nhận được trong tin nhắn. Tờ 1 USD khi ấy có giá trị như một “biên lai”, xác định việc giao, nhận đã hoàn tất. Tiếp theo Peng chuyển toàn bộ số tiền nhận được cho một công ty bình phong của Xianbing để nơi này xử lý nó thành “tiền sạch”. Không lâu sau đó, Gan Xianbing, Pan Haiping và một số người khác trong đường dây rửa tiền ở Mexico bị bắt và đang chờ dẫn độ sang Mỹ.
Cho đến nay, rất khó để có được số liệu chính xác về quy mô của các doanh nghiệp làm công việc rửa tiền ở Mexico bởi lẽ những kẻ rửa tiền có trăm phương nghìn kế nhằm che dấu hoạt động của họ. Với một ma trận kinh doanh hợp pháp, hàng ngày xử lý những dòng tiền lớn từ các siêu thị, chuỗi cửa hàng dược phẩm, đồ điện tử, mỹ phẩm, đồng hồ đeo tay, quần áo hàng hiệu và hoạt động nhượng quyền thương mại, tiền liên quan đến ma túy được trộn lẫn với tiền bán hàng hợp pháp để trở thành tiền sạch. Bên cạnh đó, nó còn cho phép ma trận này triệt hạ những doanh nghiệp không tham gia rửa tiền bằng cách hạ giá hàng hóa. Hệ quả là những doanh nghiệp ấy hoặc phá sản, hoặc phải giải thế, nhường lại sân chơi cho các tập đoàn ma túy.
Theo một quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ, với mối quan hệ mật thiết giữa hệ thống tài chính của hai nước Mỹ, Mexico nhưng lại không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Mexico đã khiến quốc gia này trở thành một trong những trung tâm rửa tiền trên thế giới, đặc biệt là với đồng USD. Khi được hỏi việc rửa tiền có ảnh hưởng đến nền kinh tế Mexico cũng như có gây khó khăn trong việc cân đối nguồn tiền lưu hành trên thị trường hay không?
Ông Miguel Mancera, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Mexico cho biết: “Rất khó để tách các giao dịch hợp pháp ra khỏi các giao dịch bất hợp pháp”. Nghiêm trọng hơn là theo Harold D. Wankel, đặc vụ chống ma túy Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ: “Các nguồn tin do DEA thu thập chứng minh những băng nhóm ma túy Mexico đã mua một lượng lớn cổ phần trong một số ngân hàng Mexico và đã đưa các thành viên của họ vào hội đồng quản trị”.
Theo một quan chức cao cấp thuộc Bộ Tài chính Mỹ, nếu điều này là sự thật thì cuộc chiến chống rửa tiền sẽ bước sang một trang mới...