Bí mật cuộc sống của các bà vợ mafia

Thứ Sáu, 13/01/2023, 14:45

Chuyện cuộc sống đời thường của bà vợ các ông trùm mafia đã từ lâu là đề tài được công chúng trong và ngoài nước Ý bàn tán. Từ phim truyện như “Mob Wives” đến series truyền hình thực tế như “I Married A Mobster” đều miêu tả đối tượng này gồm những phụ nữ “sống trong nhung lụa”, vàng bạc lẫn quyền lực đều có đủ.

Thực tế tất nhiên chẳng được hoa mỹ như vậy, bởi dù các bà vợ được hưởng lợi từ đồng tiền máu mà chồng họ kiếm được, nhưng điều đó cũng có nghĩa là một phần tội lỗi của chồng sẽ đặt lên vai họ...

Đằng sau màn nhung

Bà Teresa (tên giả) ở Naples, Ý đã có hơn 40 năm làm vợ của trùm mafia. Chồng bà, ông Giuseppe, từng là capo zona (sếp quận) của băng đảng Camorra. Bà Teresa tâm sự với phóng viên tờ The Conversation: “Đa số mafia lấy vợ là bạn thuở nhỏ hay hàng xóm của họ. Họ muốn cả sự trinh nguyên lẫn lòng trung thành của người con gái... Trong khi người phụ nữ phải luôn chung thủy, các ông chồng của họ được phép bồ bịch. Nhiều bà vợ tuy vậy chỉ cho phép chồng quan hệ với những người phụ nữ đến từ Đông Âu, phần do phân biệt sắc tộc, phần vì cho rằng đàn bà Romania, Modolva, Ba Lan, v.v... không thể xây dựng gia đình bền vững như đàn bà Ý”.

Bí mật cuộc sống của các bà vợ mafia -0
Mafia phủ bóng đen lên từng ngóc ngách ở nước Ý.

Bà Teresa ví việc một trùm mafia cặp bồ với phụ nữ Ý, hay nghiêm trọng hơn là với người mà cả hai vợ chồng đều biết chẳng khác nào tự “nhổ cọc” ngôi nhà họ. Mafia Ý được xây dựng trên nền tảng gia đình và dòng tộc. Một mối tình tay ba sẽ khiến những mối quan hệ này bị xáo trộn. Chẳng ông trùm nào muốn lấy vợ sếp mình làm tình nhân hay phản bội em gái bằng hữu. Những hành động trên vi phạm luật danh dự của mafia, và kẻ phạm luật hoàn toàn có thể bị xử tử.

Tất cả các bà vợ mafia thừa nhận rằng họ là “cái bóng phản chiếu” của chồng mình. Khi chồng họ ăn nên làm ra, họ cũng ăn chơi tiêu xài thoải mái, sống cuộc sống của các bà hoàng. Đấy không chỉ là chuyện có điều kiện hay không. Bà Angela Calvacante thuật lại: “Bà vợ càng xinh đẹp, càng giàu có thì càng khiến người ta nghĩ rằng chồng họ nam tính và lắm quyền. Nhiều ông trùm vì thế coi vợ mình giống như cái cúp để trưng bày... Tôi biết một số người từng biếu xén hay đe dọa ban giám khảo các cuộc thi hoa hậu để người yêu hoặc vợ họ thắng giải. Đấy là cách để họ tự đánh bóng bản thân mình”.

Bà Angela từng làm vợ Sal Bonina, con trai ông trùm Nick “Bá Tước” Bonina quản lý toàn bộ hoạt động tại Mỹ của băng đảng Luchese. Từng có thời bà Angela sống cuộc sống vương giả chẳng kém gì vợ của các tỷ phú. Bà và chồng là những “khuôn mặt thân quen” trong giới thượng lưu New York. Họ từng “kề vai sát cánh” với không ít nhân vật “máu mặt”. Sau vì chẳng thể chịu nổi cuộc sống đầy rẫy nguy hiểm mà bà Angela buộc phải ly dị chồng. Nick Bonina, bố chồng bà bị cảnh sát Mỹ “sờ gáy”, còn chồng cũ của bà không lâu sau cũng chết vì sốc ma túy.

Bí mật cuộc sống của các bà vợ mafia -0
Phụ nữ hoàn toàn có thể trở thành các trùm mafia sừng sỏ.

Mối nguy hiểm và cái chết luôn rình rập cuộc sống của những bà vợ mafia. Các băng đảng lại yêu cầu họ biết cách thích nghi với mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra. Nhà báo, nhà văn Ý Roberto Saviano giải thích: “Trong các băng đảng mafia, người vợ được coi như cái bóng của chồng... Bao giờ các bà vợ đi cùng chồng của họ đến tòa án cũng không trang điểm, đầu tóc rối bù, quần áo lôi thôi. Còn giả sử chồng hoặc con họ bị ám sát, người phụ nữ sẽ mặc toàn đồ đen, nhưng áo lót bên trong lại là màu đỏ. Màu đỏ đấy tượng trưng cho máu của người đã khuất. Không ai được phép quên nỗi đau mất người thân. Máu phải trả bằng máu”.

Ông Roberto còn miêu tả cảnh những ngôi làng, thị trấn ở miền Nam nước Ý có toàn bộ phụ nữ đều mặc đồ đen. Họ không tiếc thương chồng con thì tưởng nhớ đến chú bác, cháu chắt, hàng xóm, đồng nghiệp. Bóng ma của cái chết bám đuổi những người đàn bà đó suốt cả cuộc đời.

Bí mật cuộc sống của các bà vợ mafia -0
Rafaella DAlterio bị cảnh sát Ý bắt giữ.

Những bà hoàng

Tất cả những điều đã nói ở trên không có nghĩa rằng phụ nữ chỉ là người đứng ngoài trong những tội lỗi của chồng họ. Trái lại, nhiều bà vợ tham gia những tội ác với vai trò cố vấn, liên lạc hay che giấu. Một trong những người như vậy là Lucia sống tại Naples, kể lại: “Tôi sinh ra trong một gia đình mafia. Chồng tôi cũng vậy, nhưng anh ấy ban đầu chỉ làm nghề đại lý bán xe chứ không phải tội phạm. Chỉ đến khi chúng tôi lấy nhau thì anh ấy mới làm dưới trướng em trai tôi lúc ấy là ông trùm của băng Camorra. Cửa hàng xe trở thành bình phong để tiêu thụ xe trộm và buôn lậu ma túy. Ban đầu chồng tôi giao nhiệm vụ giữ liên lạc với các đầu mối sửa xe, làm giấy tờ giả, v.v..., rồi sau này tôi được làm cả việc “do thám” các đối tác cho anh ấy. Đàn ông trong thế giới ngầm hay coi nhẹ phụ nữ. Họ không biết rằng đàn bà biết hết và cũng sẵn sàng nói hết”.

Vào thập niên 1990, em trai bà Lucia bị ám sát bởi cấp dưới trong khi băng Camorra xảy ra tranh giành quyền lực nội bộ. Hai năm sau đó, chồng bà cũng bị cảnh sát bắt bởi vì lời khai của anh trai ông ta, một thành viên gia đình tội phạm Licciardi. Ông ta không chịu khai gì và được thả, nhưng chỉ hai hôm sau đã bị bắn chết. Cho đến lúc này Lucia, 80 tuổi, vẫn tin rằng chồng bạ bị nhà chức trách trả thù.

Một số ít các bà vợ ông trùm không chịu đứng sau tấm màn the mà dám ra ngoài đối mặt ngang ngửa với cánh đàn ông. Thế giới ngầm đến nay vẫn còn nhắc đến Immacolata Capone, người được đặt tên là “bà mẹ đỡ đầu”. Immacolata là bộ mặt hướng ngoại của tổ chức tội phạm Casalesi, một liên minh giữa các gia đình tội phạm ở tỉnh Caserta. Bà ta đứng tên hàng loạt doanh nghiệp bình phong được chính quyền xác nhận là “không dính dáng đến tội phạm có tổ chức”, tại Ý thì phải có chứng nhận này công ty tư nhân mới được đấu thầu hợp đồng chính phủ. Sự khôn khéo trong ngoại giao của Immacolata đã giúp Casalesi vươn “vòi bạch tuộc” khắp mọi ngóc ngách Caserta.

Một cấp dưới giấu tên của Immacolata kể lại: “Có một lần cả hai chúng tôi gần như bị bắt cóc đến một biệt thự. Ngay từ khi lên ô tô thì tôi đã nghe thấy tiếng lục cục trong cốp xe. Khi đến nơi thì từ trong cốp xe bước ra Don Michele Zagaria (kẻ từng chạy trốn cảnh sát Ý 16 năm cho đến khi bị bắt vào năm 2011). Tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ gặp ông trùm của Casalesi theo một cách như thế. Trong khi tôi còn đang vừa đứng vừa run thì bà Immacolata đã thản nhiên bàn bạc công chuyện với trùm tổng. Tôi không hiểu bà ta lấy sức mạnh từ đâu để ăn nói sòng phẳng với một người từng “tiễn đưa” cả chục kẻ thù của mình lên thiên đường”.

Bí mật cuộc sống của các bà vợ mafia -0
Thi thể của Immacolata Capone.

Trong vòng 14 năm ròng, Immacolata Capone là “bộ óc” điều hành gia đình tội phạm Moccia, một thành viên của Casalesi. Dưới thời Immacolata, ngay cả ông trùm của cả băng đảng cũng không lấn át nổi vợ. Phụ nữ bắt đầu được đề đạt lên các vị trí quan trọng trong gia đình vì Immacolata cho rằng đàn bà  có cái đầu “nguội” hơn đàn ông nên đáng được làm thủ lĩnh. Sự nghiệp của bà trùm chỉ kết thúc sau khi Immolata bị bắn chết bên ngoài một cửa hàng thịt vào tháng 11/2004, chỉ hai tháng sau khi chồng bà ta bị ám sát.

Phụ nữ trong những băng đảng mafia ngày nay không chỉ chịu đứng sau đàn ông mà còn sẵn sàng đặt mình vào giữa làn tên mũi đạn. Nước Ý đến nay vẫn còn rúng động vì vụ xả súng dẫn đến cuộc chiến dai dẳng hàng chục năm giữa hai gia đình tội phạm Cava và Graziano. Bốn người đàn bà thành viên gia đình Cava, trong đó có con gái ông trùm, vu vơ xả súng tiểu liên vào một chiếc xe chạy ngược chiều họ. Trên chiếc xe bị bắn kia lại là Stefania và Chiara Graziano, cháu ông trùm Anthony Graziano khét tiếng ở cả Mỹ lẫn Ý. Hai người đàn bà Graziano quay trở về nhà, gọi thêm bốn tay chân được vũ trang đầy đủ, rồi đi phục kích kẻ thù. Vụ xả súng sau đó đã giết chết bốn người nhà Cava và châm ngòi cho một cuộc chiến âm ỷ nhiều năm sau.

Một “bóng hồng” khác từng làm mưa làm gió trong thế giới ngầm tại Ý là Rafaella Dalterio. Bà này là vợ của Nicola Pianese, trùm tổng của Camorra, kẻ còn được mệnh danh là “vua Castello di Cisterna” (Castello di Cisterna là một thị trấn ngoại ô Naples). Sau khi Nicola bị ám sát vào năm 2006, Rafaella ngồi vào vị trí của chồng. Camorra dưới thời của Rafaella là một tổ chức sừng sỏ đủ sức đối đầu trực tiếp với cartel Mexico và hội Tam Hoàng khi đó đang tìm cách đặt địa bàn ở Tây Nam nước Ý. Mặt khác Camorra cũng mở rộng hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ và Colombia để tự biến mình thành một đầu mối quan trọng trên tuyến đường vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ và Afghanistan đến Nam Âu.

Rafaella Dalterio làm được tất cả những việc trên trong khi lúc nào cũng sống cùng nỗi sợ bị ám sát. Năm 2009, bà ta suýt nữa thiệt mạng sau khi xe bị gài bom. Có tin đồn rằng khi đó Rafaella đã ra lệnh bắt những kẻ đánh bom, sau đó đưa súng cho cô con gái 13 tuổi của mình để giết người. Cũng từ đó bà trùm luôn có hai vệ sỹ nữ vốn là cựu vận động viên thể hình kè kè bên cạnh. Một trong số họ bị bắn chết trong cuộc đấu súng với cảnh sát. Ngoài việc bắt Rafaella, cảnh sát còn tịch thu từ biệt thự của bà ta 10 triệu USD, hai xe Ferrari và một cái đĩa vàng nặng 5kg là của hồi môn của con rể cũng là trùm quận của 'Ndrangheta.

Nhà xã hội học Anna Maria Zacharia tại trường Đại học Naples nhận xét: “Cũng như cấu trúc gia đình phải thay đổi vì kinh tế, cơ cấu tổ chức tội phạm cũng có những bước chuyển biến. Trong một gia đình bình thường, phụ nữ hiện đại đóng vai trò người kiếm cơm thứ hai. Trong một băng đảng mafia, các bà vợ bây giờ chiếm luôn vị trí lãnh đạo của ông chồng họ. Ngoại giao và quản lý tài chính là hai lĩnh vực mà những bà trùm tỏ ra ưu thế rõ rệt nhất so với cánh mày râu”.

Mặt khác cũng không thể loại trừ tác động của việc chính phủ Ý áp dụng những biện pháp chống mafia mạnh tay hơn. Tống hàng loạt ông trùm vào tù thường dẫn đến chuyện các bà vợ lên nắm quyền thay chồng.

Nhà báo, nhà văn Ý Roberto Saviano có một lời nhận xét rất sâu sắc vì sự thay đổi này: “Thế giới ngầm Ý bị “đè nặng” bởi những truyền thống, nhưng những truyền thống đó tồn tại được vài trăm năm cũng nhờ thế giới ngầm biết tự thay đổi và thích nghi. Việc những phụ nữ đi từ chỗ là vợ, mẹ, con gái trở thành bà trùm không phải là một bước chuyển biến lớn. Họ chỉ đang phục vụ “gia đình” theo một cách khác thôi”.

Lê Công Vũ
.
.