Bí mật “Đội tuần đêm” E-4B của Mỹ

Thứ Hai, 28/08/2023, 20:21

“Màn đêm buông xuống, và bây giờ phiên gác của tôi bắt đầu. Nó sẽ không kết thúc đến khi tôi chết” * (The Nights Watch - Game of Thrones)

Ngày tận thế là nỗi ám ảnh của thế giới từ khi vũ khí hạt nhân thành hình và được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thế đối đầu hạt nhân trong Chiến tranh lạnh cũng từng gia tăng những đe dọa và nguy cơ về “ngày tận thế”.

Và để dự phòng cho những tình huống tồi tệ nhất, các nhà khoa học quân sự Mỹ đã phát triển sở chỉ huy trên không tiên tiến Boeing E-4B, một kế hoạch dự phòng khi xảy ra xung đột hạt nhân. Nói một cách dễ hiểu, đây là những pháo đài bay để đảm bảo hoạt động và duy trì kiểm soát của các lãnh đạo và chỉ huy sau một cuộc khủng hoảng hạt nhân, tránh xa ảnh hưởng của bức xạ và các rủi ro khác.

Nhiệm vụ chính của E-4B là thực hiện các nhiệm vụ mang tầm chính trị của quốc gia. Khi xảy ra một cuộc tấn công khủng bố, chiến tranh hay xâm lược trên quy mô lớn, Boeing E-4B sẽ là nơi để Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh, các tham mưu trưởng hay những nhân vật đầu não đưa ra quyết định chỉ đạo đến toàn bộ các lực lượng vũ trang của Mỹ, bao gồm cả lực lượng hạt nhân.

Bí mật “đội tuần đêm” E-4B của Mỹ -0
Bên trong khoang lái một chiếc máy bay E-4B (CBS).

“Đội tuần đêm”

Boeing E-4 thuộc dự án Nightwatch tối mật, loại máy bay được Không quân Mỹ vận hành và sử dụng trong những trường hợp đặc biệt như phục vụ và bảo vệ tổng thống. Về mặt kỹ thuật, phi đội không phải là bí mật, nhưng rất hiếm khi được nhắc tới. Không quân Mỹ thậm chí còn không công khai thừa nhận một số máy bay trong phi đội, dù chúng luôn sẵn sàng phục vụ tổng thống bất cứ lúc nào. Bí mật lớn nhất xung quanh phi đội này không nằm ở lực lượng máy bay, mà chính là nơi chúng dự kiến hạ cánh.

Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 càng nhấn mạnh hơn sự cần thiết của các kế hoạch dự phòng khủng hoảng và những chiếc máy bay “ngày tận thế” đã được phát triển, nâng cấp và điều chỉnh trong khoảng 60 năm để phục vụ nhiều mục đích phòng thủ chứ không bị giới hạn trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm ẩn.

Theo tạp chí chuyên ngành Air Force Times, nhiệm vụ của các máy bay ngày tận thế ban đầu là đóng vai trò trung tâm chỉ huy và điều phối các tài sản quân sự trong Chiến tranh lạnh. Ban đầu, những chiếc máy bay được nâng cấp từ Boeing 747-200 chỉ được trang bị các thiết bị liên lạc cần thiết phục vụ thông tin liên lạc đầu não song quân đội nhanh chóng nhận ra những lợi ích tiềm năng của một trung tâm chỉ huy quân sự di động.

Khi cất cánh, các máy bay được gọi là Trung tâm Tác chiến trên không quốc gia (NAOC). Hoạt động từ thập niên 1970, E-4B luôn được xem là lựa chọn tốt nhất giúp tổng thống Mỹ sống sót trong một vụ tấn công hạt nhân.

Các máy bay E-4B được chế tạo trên cơ sở Boeing 747 cùng loại với chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) của Tổng thống Mỹ, song khác với sự tiện nghi trên Air Force One, E-4B là trung tâm chỉ huy chiến tranh di động, đảm bảo có thể mang theo hàng chục chuyên gia phân tích quân sự, chiến lược gia và trợ lý liên lạc để trợ giúp tổng thống Mỹ. Máy bay được trang bị nhiều linh kiện đặc biệt, như ăng-ten dây dài tới 8km để duy trì liên lạc với lực lượng tàu ngầm hạt nhân, ngay cả khi các trạm liên lạc mặt đất bị phá hủy.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, luôn có một chiếc E-4B được đặt trong tình trạng sẵn sàng cất cánh tại căn cứ không quân Andrews, có thể cất cánh sau 15 phút kể từ khi cảnh báo được phát ra nhằm sơ tán tổng thống đến nơi an toàn. Hiện tại, một trong số này vẫn bay cùng hoặc triển khai gần Tổng thống Mỹ trong các chuyến công du nước ngoài. Một chiếc E-4B được bố trí tại căn cứ không quân Offutt tại Omaha, bang Nebraska với động cơ nổ máy 24/7 để sẵn sàng cất cánh trong mọi trường hợp khẩn cấp. 

Bí mật “đội tuần đêm” E-4B của Mỹ -0
E-4B Trung tâm tác chiến trên không của Không quân Mỹ.

Bên trong E-4B

Những chiếc máy bay phản lực khổng lồ E-4B có không gian tương đương văn phòng di động rộng 1.524 m2, bao gồm phòng hội nghị, phòng họp báo và khoang nghỉ. Mỗi chiếc có trọng lượng rỗng 190.000kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 374.850kg.

Để tạo ra E-4B, các nhà khoa học quân sự và các kỹ sư đã hoán cải và điều chỉnh khung thân của 4 chiếc Boeing 747-200B làm sở chỉ huy cơ động. E-4B được thiết kế có chiều dài 70,5m; độ sải cánh 59,7m và cao 19,3m. Loại máy bay này sử dụng 4 động cơ trên cấu hình hai tầng trong phần thân được dùng ở phiên bản chở khách, chở hàng hay ở các phiên bản khác.

E-4B có thể đạt vận tốc cực đại lên tới 523 knot (602mph, 969km/h); với vận tốc hành trình khoảng Mach 0,84 (555mph, 895km/h). Máy bay có thể bay ở độ cao 11.000m với thời gian bay tối đa là hơn 150 giờ, đồng nghĩa với việc có thể di chuyển và ở trên trong nhiều ngày liền. Về lý thuyết, trong thời gian đó các quan chức và lãnh đạo an ninh quốc gia vẫn có thể giữ liên lạc với nhau. Những chiếc máy bay này có thể sẵn sàng hoạt động 24/7 suốt 365 ngày trong năm, luôn được đảm bảo rằng 42 hệ thống liên lạc khác nhau được kết nối khi cần, với sự bảo vệ nghiêm ngặt.

Với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thực tế khá bất ngờ khi các thiết bị bên trong máy bay E-4B được thiết kế đơn giản nhất nhằm giảm thiểu mọi tác động gây ra bởi vụ nổ hạt nhân. Theo Sputnik năm 2021, một thành viên phi hành đoàn Boeing E-4B đã tiết lộ rằng hầu hết thiết bị trên phi cơ này đều thuộc kỷ nguyên tiền kỹ thuật số. Theo đó E-4B không có màn hình kỹ thuật số trong buồng lái hoặc bất cứ nơi nào khác. Máy bay hoạt động nhờ công nghệ analogue, bởi công nghệ kỹ thuật số sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Thân của chiếc Boeing E-4B cùng trang thiết bị của máy bay được bảo vệ đặc biệt để chống lại tác động của một vụ nổ hạt nhân. Cửa sổ có lưới kim loại chống bức xạ, và buồng lái có mặt nạ chuyên dụng để tránh nguy cơ các vụ nổ và bức xạ khiến phi công bị mù. Hệ thống liên lạc và trung tâm chỉ huy có khả năng chống lại xung điện từ (EMP) do một vụ nổ hạt nhân tạo ra. Đặc biệt, hầu hết thiết bị trên máy bay đều ở trong kỷ nguyên tiền kỹ thuật số, ví dụ không có màn hình cảm ứng kỹ thuật số trong buồng lái hoặc những nơi khác. Chiếc Boeing E-4B được trang bị khoảng 67 đĩa vệ tinh và ăng-ten.

Bí mật “đội tuần đêm” E-4B của Mỹ -0
Thử nghiệm E-4B với thiết bị mô phỏng xung điện từ (EMP).

“Thay máu” phi đội E-4B?

Ý tưởng ban đầu về các sở chỉ huy bay này được hình thành từ những năm 1973 với nguyên mẫu E-4A. Trải qua 6 năm điều chỉnh và thay đổi một số thiết kế, phiên bản E-4B được Boeing bàn giao vào tháng 12/1979.

Kế hoạch triển khai các máy bay E-4B ban đầu ước tính tiêu tốn khoảng 250 triệu USD. Năm 2005, Không quân Mỹ đã ký một hợp đồng 5 năm trị giá 2 tỷ USD với Boeing để phát triển và hiện đại hóa các máy bay “ngày tận thế”. Lực lượng Không quân cũng yêu cầu nguồn ngân sách khoảng 160.000 USD mỗi giờ để vận hành các máy bay này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld ban đầu dự kiến dừng hoạt động dự án vào năm 2009 song kế hoạch buộc phải thay đổi vì nhiều lý do. Một chiếc E-4B đã dừng phục vụ vào năm 2007, nhưng sau đó được đưa vào sử dụng trở lại. Theo kế hoạch mới nhất, các máy bay này dự kiến “nghỉ hưu” vào năm 2039.

Rõ ràng là quân đội nhận thấy giá trị của việc duy trì một trung tâm chỉ huy trên không, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu điều này có còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại hay không?

Năm 2018, việc thiếu nhà chứa máy bay làm hai chiếc E-4B bị hỏng nặng trong một cơn lốc, khiến Mỹ chỉ còn một máy bay "ngày tận thế" trực chiến và đảm bảo khả năng hoạt động trong ba tháng liền. Một sự cố về thiên tai đã nhanh chóng cho thấy sự dễ tổn thương của phi đội quan trọng hàng đầu trong kế hoạch phòng thủ hạt nhân của Washington.

Tổng thiệt hại sau sự cố trên ước tính vào khoảng 20 triệu USD, trong đó chi phí sửa chữa hai chiếc E-4B đã chiếm tới 8 triệu USD. Không quân Mỹ khi đó chỉ có 4 máy bay Nightwatch, ngoài 2 chiếc bị hỏng do lốc, chiếc thứ ba đang trong quá trình bảo dưỡng tại nhà máy của Boeing. Nói đơn giản, 75% lực lượng chỉ huy chiến tranh di động của Washington đã bị vô hiệu hóa dù không tham gia chiến đấu.

Trước sự cố, chỉ huy Không đoàn số 55 tại căn cứ không quân Offutt, miền Trung nước Mỹ, quyết định chuyển hai chiếc E-4B vào nhà chứa máy bay do lo ngại mưa đá. Điều đáng nói là các hạ tầng này không đủ sức chứa toàn bộ chiếc E-4B với kích thước khổng lồ và chỉ che chắn được phần buồng lái, cánh, động cơ, cùng nhiều khoang chứa ăng ten và thiết bị điện tử dọc thân máy bay.

Thêm vào đó, vị trí căn cứ Offutt được cho là nằm sâu trong "thung lũng lốc xoáy" của Mỹ càng làm tăng nguy cơ hư hại tới các khí tài trọng yếu tại đây tại đây. Thông thường, phi đội E-4B và RC-135 sẽ phải sơ tán tới khu vực khác khi có cảnh báo bão lốc. Tuy nhiên, quy trình này cần lên kế hoạch trước và mất rất nhiều thời gian, và gần như bất khả thi trong phần lớn trường hợp xảy ra lốc xoáy và hiện tượng thời tiết cực đoan bất ngờ.

Sau sự cố, Không quân Mỹ mất 3 tháng để đưa hai chiếc E-4B trở lại tình trạng sẵn sàng hoạt động, nhưng vụ việc rõ ràng là hồi chuông cảnh tỉnh về điểm yếu và khó khăn trong việc duy trì phi đội cũ kỹ. Các máy bay ra đời từ những năm 1970 và không còn được sản xuất, khiến chi phí vận hành và bảo dưỡng tăng vọt trong những năm gần đây.

Theo một số thông tin, Không quân Mỹ đang phát triển một loại máy bay thay thế cho E-4B, nhưng không rõ khi nào một chương trình mới sẽ được công bố, dự kiến tên gọi Trung tâm tác chiến sinh tồn trên không (SAOC). Trung tâm Điều hành An toàn Không quân đầu năm 2022 tiết lộ chương trình này vẫn “đang trong giai đoạn phát triển”, và đã đề xuất khoản chi 203 triệu USD cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá chương trình trong ngân sách cho năm 2023.

SAOC được thông báo sẽ là một thành phần quan trọng trong hệ thống quản lý của lực lượng vũ trang quốc gia của Tổng thống, Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng liên quân. Theo đó, trong trường hợp khẩn cấp ở cấp quốc gia hoặc kịch bản các trung tâm chỉ huy mặt đất bị phá hủy, máy bay SAOC sẽ trở thành nền tảng đảm bảo quyền chỉ huy, kiểm soát và liên lạc có độ tin cậy cao để quản lý lực lượng Mỹ, triển khai các lệnh quân sự khẩn cấp và phối hợp các hành động của chính quyền dân sự.

Thực tế Mỹ chưa hề tiết lộ lý do thay thế E-4B, song cũng có ý kiến cho rằng điều này còn phần nào bắt nguồn từ việc Nga nâng cấp máy bay “ngày tận thế” Il-80 của nước này, phiên bản phát triển từ thời Liên Xô. Năm 2021, lãnh đạo quân sự Nga đã xác nhận việc Công ty Ilyushin - đơn vị đã phát triển Il-80 cách đây hơn 30 năm - sẽ đảm trách nhiệm vụ cải tiến 4 chiếc “ngày tận thế” hiện có. Phiên bản Il-80 được cải tiến dựa trên thiết kế máy bay Il-96-400M.

(*) Lời thề của The Nights Watch (Đội tuần đêm), nhóm lính gác ở “Bức tường ngăn thế giới loài người khỏi sự tấn công của Quỷ Bóng trắng” trong truyện “Game of Thrones” của George R. R. Martin.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.