Bí mật hỗ trợ ngành công nghiệp vũ khí của các ngân hàng Mỹ
Sau khi Ngân hàng thung lũng Silicon (SVB) gần như sụp đổ, các nhà bình luận đã đúng khi tập trung vào sự can thiệp không công bằng của Nhà nước đối với một tổ chức đã hành động vô trách nhiệm. Nhưng có rất ít sự chú ý đến vai trò của các ngân hàng như SVB trong việc tài trợ cho chủ nghĩa quân phiệt của Hoa Kỳ.
Tác giả bài viết, Corey Payne, nghiên cứu viên tại Trung tâm nghiên cứu toàn cầu Arrighi (Đại học Johns Hopkins). Ông Corey có bằng Tiến sĩ xã hội học tại Đại học Johns Hopkins.
Hồi tuần trước sự sụp đổ của SVB đã làm khuấy động không ít tranh cãi: Phải chăng “SVB quá lớn nên thất bại?”. Phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden có phải là một sự “cứu trợ tài chính” không? Các giám đốc điều hành (CEO) công nghệ theo chủ nghĩa tự do có phải là những kẻ đạo đức giả không? Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy việc tăng lãi suất của FED sẽ kết thúc? Còn một yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của SVB đã bị mất trong mọi cuộc tranh luận: tầm quan trọng của ngân hàng, của ngành công nghiệp công nghệ, và dự án quyền lực toàn cầu của Hoa Kỳ. Như tờ Fortune đã chỉ rõ “SVB là động mạch trung tâm cho việc tài trợ hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Gần như tất cả những người gửi tiền qua SVB đều là những công ty công nghệ trẻ, họ được hậu thuẫn bởi vốn đầu cơ mạo hiểm, và sự sụp đổ của ngân hàng này đã đe dọa tới sự sinh tồn của cả các ngành công nghiệp và đầu cơ mạo hiểm (VC). Trong khi nhiều nhà bình luận đã tập trung đúng vào khả năng gây ra sự sụp đổ đối với hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ thì những động lực địa chính trị của những sự kiện này hầu như hiếm khi được chú ý. Tờ Thời báo tài chính (Financial Times) báo cáo rằng: “Trong bối cảnh lo ngại chính phủ chuẩn bị để cho SVB và những người gửi tiền không được bảo hiểm của họ đi đến chân tường, các nhà đầu cơ mạo hiểm đã phát động một nỗ lực vận động hành lang phối hợp thông qua nhóm công nghiệp của họ có tên là Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm quốc gia (NVCA)”.
Những người vận động hành lang cho NVCA đã lập luận rằng sự thất bại của SVB “sẽ không chỉ gây ra hậu quả kinh tế to lớn với những công ty đang vận lộn để viết phiếu lương, mà còn là một thất bại toàn cục dẫn đến sự phân nhánh địa chính trị”. Một người tham gia trong cuộc họp vận động hành lang đã nói với tờ Thời báo tài chính rằng: “Đây không phải là chuyện của riêng ngân hàng, đây là nền kinh tế đổi mới. Là khi Mỹ đấu với Trung Quốc”. Nói dễ hiểu thì đây là sự phản ánh của một hệ tư tưởng đặt các công ty khởi nghiệp được hỗ trợ bởi vốn đầu cơ mạo hiểm lên những biên giới mới của chủ nghĩa tư bản. Quả vậy, trong khi mọi khía cạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 (từ sản xuất đến tiêu dùng) phụ thuộc vào khả năng tiếp cận tín dụng, thì những đặc thù của SVB khiến cho mối quan hệ giữa loại hình tài chính này cùng tổ hợp quân sự Hoa Kỳ trở nên rõ ràng hơn.
Trong danh sách những công ty lớn đã mất khoảng 5 tỷ USD tiền gửi ở SVB (cùng với các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực truyền thông, phần mềm, và dược phẩm) có ít nhất 1 nhà sản xuất chất bán dẫn và 2 hãng hàng không vũ trụ và quốc phòng. Một trong số họ còn có Rocket Lab, hãng mà gần đây đã đưa tin về “vũ khí hóa không gian”; trong khi đó hãng Astra lại làm việc cạnh kề với Cơ quan Các dự án nghiên cứu Bộ Quốc phòng (DARPA) đối với một số dự án. Mối quan hệ quân sự giữa các công ty này không phải là duy nhất. Thung lũng Silicon có lịch sử lâu đời về sự hợp tác với quân đội Mỹ. Thật vậy, lần đầu chào bán công khai ở thung lũng Silicon là Varian (năm 1956) khi hãng này bán các loại ống vi sóng cho mục đích quân sự.
Sang thập niên 1960, Fairchild Semiconductor (một trong những hãng tiên phong của thung lũng Silicon ngày nay) đã bắt đầu kinh doanh thông qua các hợp đồng quân sự. Những liên kết quan hệ này được phát triển để bao gồm các công nghệ từ vi mạch để khai thác dữ liệu cho Siri (trợ lý cá nhân thông minh của Apple). Sử gia Leslie Berlin của Thung lũng Silicon đã lưu ý: “Tất cả công nghệ hiện đại mà Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng đều có gốc gác từ thung lũng Silicon”. Nhưng hơn thế nữa, đầu cơ mạo hiểm hỗ trợ cho những công ty khởi nghiệp này đang ngày càng gắn liền với mua sắm quân sự trong những năm gần đây, khi mà Lầu Năm Góc đang chuyển sang tài trợ tư nhân để trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu và phát triển quân sự. Đây chỉ là hình thức mới nhất của một mối quan hệ đã có hàng chục tuổi.
Bắt đầu từ thập niên 1990, cổ phần tư nhân đã trở thành một nhân tố quan trọng trong bùng nổ sáp nhập của các công ty vũ khí. Sự bùng nổ sáp nhập này là chìa khóa trong sự chuyển đổi của ngành công nghiệp quốc phòng từ một tập hợp hàng trăm công ty công nghiệp vừa và nhỏ thành một nhóm nhỏ các công ty niêm yết đại chúng mà chúng ta biết ngày nay. Sự bùng nổ này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ Mỹ trong một nỗ lực gia tăng tính hiệu quả và cắt giảm chi phí trong thời kỳ suy thoái quốc phòng hậu Chiến tranh lạnh. Mặt khác, đầu thập niên 1990, nhiều tổ chức tài chính đã chuyển sang công nghiệp quốc phòng như một kênh sinh lãi. Các nhà đầu tư đặt cược rằng một ngành công nghiệp được hậu thuẫn bởi chi tiêu quân sự liên bang Mỹ sẽ là một gói đầu tư an toàn.
Những ngân hàng lớn chẳng hạn như JP Morgan đã cung cấp vốn cho một số vụ sáp nhập lớn như vụ hãng Lockheed Martin mua lại Loral Corporation với cái giá 9,1 tỷ USD vào năm 1996. Ngoài ra ngành công nghiệp quốc phòng còn thu hút sự quan tâm của một số nhóm cổ phần tư nhân, và những tổ chức như Carlyle Group và Vanguard Group đã trở thành những chuyên gia trong việc đầu tư vào các công ty quân sự. Ngày nay cổ phần tư nhân thậm chí còn có vai trò rộng lớn trong ngành công nghiệp vũ khí hơn so với thời thập niên 1990, chịu trách nhiệm cho hàng ngàn gói đầu tư vào các công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng. Thậm chí Lầu Năm Góc còn thành lập một văn phòng chuyên xử lý những mối quan hệ giữa các công ty khởi nghiệp với tiềm lực quân sự cùng các nhà công nghiệp mạo hiểm. Vì vậy có thể khẳng định rằng cổ phần tư nhân và đầu cơ mạo hiểm là tương lai của đổi mới quân sự.
Trở lại vấn đề SVB, sự sụp đổ của ngân hàng này cũng đã phá vỡ hệ sinh thái công nghiệp – quân sự ngay tại thời điểm leo thang xung đột với Nga và gia tăng sự cạnh tranh với Trung Quốc. Hệ thống tài chính Mỹ đã đan xen với việc gây chiến tranh của nước này trong thế kỷ 21 – tạo ra tình hình nguy hiểm cho thế giới. Nhiều thập kỷ mải mê chiến tranh đã làm gia tăng cơ hội kiếm tiền từ hoạt động quân sự hóa và ngày càng có nhiều công ty tài chính đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực quân sự của họ. Việc các công ty và những người ủng hộ tài chính của họ đã sử dụng lợi nhuận này nhằm vận động hành lang cho chiến tranh (tài trợ cho các viện nghiên cứu và cố vấn ủng hộ chiến tranh) đã gây ảnh hưởng cho các phương tiện truyền thông khi đưa tin về những vấn đề thế giới. Toàn bộ dự án khôi phục vị thế bá chủ Mỹ dựa trên sức mạnh quân sự của nước. Chỉ trong vòng vài thập kỷ qua, một lượng lớn tài chính đã tập trung vào dự án này.