Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tiết lộ bí mật của Liên Xô

Thứ Sáu, 07/07/2023, 08:05

Những năm 1970-1980 của thế kỷ trước được nhiều nhà sử học coi là thời kỳ hoàng kim của Liên Xô và các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Warszawa. Thực ra, mọi chuyện không êm đềm như vậy. 

Mỹ và NATO biết rất rõ mục đích và nhiệm vụ đặt ra trước các nước xã hội chủ nghĩa. Điều này khiến các nhà lãnh đạo của khối hết sức lo lắng. Chỉ vài thập kỷ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hungary Oláh István từ trần, sự việc mới được làm sáng tỏ.

Kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ Nam Tư

Sự tồn tại của nước Nam Tư xã hội chủ nghĩa dựa trên ba trụ cột: Nguyên soái Josip Broz Tito, lực lượng vũ trang và đảng Cộng sản. Nhưng Josip Broz Tito càng già đi thì khủng hoảng chính trị trong nước càng tăng. Cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng ở Nam Tư giữa phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ngày càng trở nên gay gắt. Không phải vô cớ mà Mỹ và NATO lo sợ rằng sau khi Tito từ trần, cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến việc các tướng thân Liên Xô lên cầm quyền, nội chiến và sự can thiệp quân sự của Liên Xô. Lưu ý đến vị trí địa lý của Nam Tư, không thể để xảy ra điều đó. Nếu Liên Xô "khuất phục" được quốc gia này, thì quân đội của Tổ chức Hiệp ước Warszawa có thể thẳng đường tiến tới Ý và Hy Lạp.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tiết lộ bí mật của Liên Xô -0
Đại tướng Oláh István (trái) trong một cuộc tập trận của khối Warszawa.

Nỗi lo sợ của người Mỹ được minh chứng bởi sự hiện diện của Tập đoàn quân phương Nam của Liên Xô ở Hungary, đơn vị này luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Theo ước tính, từ khu vực hồ Balaton, quân đội Liên Xô có khả năng áp sát biên giới Nam Tư trong vòng 12 giờ và nổ súng. Vì lý do này, Tập đoàn quân phương Nam, cũng như quân đội Hungary và Bulgaria, thường xuyên bị tình báo Nam Tư giám sát chặt chẽ. Nhưng để giải quyết "vấn đề Nam Tư", Liên Xô còn có kế hoạch điều động các sư đoàn từ vùng Baltic.

Đại tướng Vladislav Achalov, Thứ trưởng Quốc phòng Liên Xô, lúc bấy giờ là Sư đoàn trưởng Sư đoàn Đổ bộ đường không cận vệ số 7 ở Litva, nhớ lại: “Nhiệm vụ tác chiến của sư đoàn chúng tôi ở miền nam Nam Tư, ven bờ Adriatic, đã được vẽ trên bản đồ, với chỉ dẫn cụ thể trung đoàn nào đổ bộ ở đâu, những căn cứ nào cần đánh chiếm...”. Dựa vào hồi ức của Vladislav Achalov, có thể kết luận rằng quân đội Liên Xô đã từng có kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Nam Tư. Đáp lại, các đơn vị xe tăng và cơ giới chủ lực của quân đội Nam Tư đã tập trung ở vùng Đông Bắc Croatia, Slavonia, Vojvodina và đồn trú ở đây cho đến năm 1988. Cần lưu ý rằng chiến dịch quân sự do Liên Xô chuẩn bị không phải là một hoạt động thông thường, vì vậy, phải được giữ bí mật tuyệt đối. Nhưng trái với mong muốn của Liên Xô và các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Warszawa, chiến dịch quân sự đã được biết đến rộng rãi.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tiết lộ bí mật của Liên Xô -0
Đoàn đại biểu Hungary với sự tham gia của Oláh István đến thăm Nam Tư.

Trò chơi gián điệp

Rõ ràng là có một kênh rò rỉ thông tin nào đấy. Về phía mình, Bộ Chỉ huy quân sự của Tổ chức Hiệp ước Warszawa khá quan tâm đến công tác bảo vệ bí mật. Nhưng ngay cả khi một khối lượng công việc rất lớn đã được tiến hành theo hướng này, xét về mức độ bảo mật, dù sao Liên Xô vẫn chưa thể theo kịp Mỹ.

Không thể ngay lập tức xác định kẻ thù đã nhận được các thông tin bí mật  như thế nào. Nhiều phương án có thể xảy ra. Những kẻ chống đối chế độ thỉnh thoảng xuất hiện ở các nước khác nhau trong Tổ chức Hiệp ước Warszawa. Đã có những âm mưu lật đổ chính phủ cộng sản ở Hungary và Tiệp Khắc vào năm 1956 và 1968. Trong những trường hợp này, vấn đề buộc phải giải quyết bằng can thiệp quân sự. Những tâm trạng tương tự cũng tồn tại ở các quốc gia khác trong Tổ chức Hiệp ước Warszawa. Ở CHDC Đức, sự bất mãn được "nảy nở" bởi tính kỷ luật Đức, ở Bulgaria - bởi  thiện cảm với nước Nga trong suốt chiều dài lịch sử, ở Romania - bởi sự tàn bạo của chế độ Nicolae Ceausescu. Còn ở Ba Lan, phần lớn dân chúng ủng hộ công đoàn “Đoàn kết”, tổ chức này mưu toan lật đổ chính quyền cộng sản mà không cần đấu tranh vũ trang. Tất cả các quốc gia này đều đáng ngờ và bắt đầu bị theo dõi.

Tuy nhiên, mọi ánh mắt lại hướng về phía Romania. Vào thời điểm đó, Bucharest không còn hợp tác với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Warszawa theo đường tình báo nữa, vì vậy không có điều kiện tiến hành kiểm tra khách quan. Chính vì lý do này mà các cơ quan tình báo của Tổ chức Hiệp ước Warszawa đề ra nhiệm vụ dài hạn khám phá mối liên hệ của các nước NATO với "Đối tượng 24", tức Romania. Họ đã bỏ ra rất nhiều thời gian và sức lực để giải quyết nhiệm vụ này, nhưng hầu như không có kết quả. Phải chăng các cơ quan tình báo đã đi lệch hướng? Vâng, đúng vậy. Hungary, nước láng giềng của Nam Tư, không được giám sát chặt chẽ.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tiết lộ bí mật của Liên Xô -0
Nguyên soái Josip Broz Tito (phải) và đô đốc Branko Mamula.

Tướng quân đội  Oláh István giữ chức vụ Bộ trưởng  Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Hungary không lâu - chỉ hơn một năm. Trung tuần tháng 12/1985, ông qua đời vì một cơn đau tim ở Budapest. Ông được coi là bộ trưởng quốc phòng duy nhất của nước Hungary xã hội chủ nghĩa là quân nhân chuyên nghiệp. Tất cả những người tiền nhiệm khác của ông đều là cán bộ đảng. Nhưng Oláh cũng không gắn bó với binh nghiệp suốt cả cuộc đời.

Giáo dục là lĩnh vực gần gũi với ông hơn. Năm 1945, đang học dở trường sư phạm, ông tình nguyện gia nhập quân đội Hungary mới. Cùng năm, ông được kết nạp vào đảng Cộng sản Hungary. Mùa đông năm 1945, ông giải ngũ với cấp bậc hạ sĩ, năm 1947, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Debrecen và nhận bằng giáo viên. Sau đó, ông trở thành bí thư Đoàn Thanh niên Dân chủ Hungary và cán bộ đảng. Năm 1947, ông lại tình nguyện nhập ngũ. Năm 1949, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự mang tên Kossuth, năm 1952 - theo học các khóa sĩ quan cao cấp tại Học viện quân sự, năm 1964 - tham gia các khóa  nâng cao trình độ chuyên môn tại Học viện Quân sự cao cấp mang tên K. Voroshilov ở Liên Xô.

Trong thời gian diễn ra các sự kiện ở Hungary năm 1956, Oláh là hiệu trưởng Trường Quân sự số II hai mang tên Rákóczi Ferenc ở thị trấn Matyashfeld, ngoại ô Budapest. Khi quân đội Liên Xô tiến vào thành phố, ông cho các học học viên của mình về nhà và yêu cầu họ không can thiệp vào các sự kiện đang diễn ra.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Oláh nổi bật trong thời gian tiến hành các cuộc tập trận của quân đội Hungary. Bắt đầu từ cuộc tập trận Oral năm 1971, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tương lai đã  đặc biệt chú ý vấn đề thiết lập các điểm vượt sông Danube. Nhiệm vụ khó khăn này là một tính năng thường xuyên trong tất cả các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Warszawa. Theo sáng kiến của ông, các kỹ sư quân sự Hungary đã nỗ lực tối đa để giải quyết nhiệm vụ chuyên môn hẹp có ý nghĩa kinh tế lớn này. Tháng 9/1977, trong cuộc diễn tập “Lá chắn-77”, quân đội Hungary đã bắc một cây cầu đường sắt qua sông Danube bằng cách sử dụng các sà lan sông. Trong điều kiện chiến tranh hạt nhân, việc xây dựng các phương pháp tiếp cận như vậy có tầm quan trọng rất lớn. Phát minh này đã nhận được các giải thưởng nhà nước, còn trong Tổ chức Hiệp ước Warszawa, kỹ thuật bắc cầu của quân đội nhân dân Hungary được đánh giá cao.

Ít lâu sau, tướng Oláh bắt đầu chịu trách nhiệm về quan hệ quốc tế với các nước thứ ba (Nam Tư là một trong số đó). Và trên cương vị này, ông đã đạt được những thành tích đáng kể. Quan hệ Hungary-Serbia và Hungary-Nam Tư luôn căng thẳng. Không phải ngẫu nhiên mà năm 1956, nhà lãnh đạo  cuộc cách mạng chống cộng Hungary, Imre Nagy, đã chạy trốn quân đội Liên Xô trong Đại sứ quán Nam Tư.

Năm 1966, Oláh tham gia phái đoàn quân sự Hungary đến thăm đất nước Balkan. Sau đó, theo sáng kiến của ông, đã diễn ra một loạt các chuyến thăm qua lại giữa hai nước. Oláh đích thân tháp tùng các nhà quân sự Nam Tư khi đến thăm các trường quân sự của Hungary. Trong một lần như vậy, vị tướng Hungary đã làm quen với đô đốc tương lai Branko Mamula, người Serbia.

Cuộc gặp gỡ này đóng vai trò lớn trong việc bình thường hóa quan hệ Hungary-Nam Tư. Cả hai nhà lãnh đạo trên lãnh thổ "của mình" đã nỗ lực hết sức để chấm dứt mối thù lịch sử giữa các quốc gia láng giềng. Song song, họ vẫn tiếp tục thăng tiến.  Oláh trở thành Tổng tham mưu trưởng quân đội Hungary, còn Mamula trở thành Tư lệnh hải quân. Năm 1979, Mamula đứng đầu Bộ Tổng tham mưu quân đội Nam Tư, năm 1982, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nam Tư. Còn Olah giữ chức vụ tương đương hai năm sau, 1984.

Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tiết lộ bí mật của Liên Xô -0
Bộ trưởng Quốc phòng Hungary tham gia duyệt binh ở Budapest.

Lời thú nhận chân thành

Gần 30 năm sau khi Oláh István qua đời, người ta mới biết rõ nguyên nhân thực sự của tình bạn giữa hai quan chức cao cấp. Đô đốc Mamula quyết định tiết lộ tất cả những bí mật của mối quan hệ khăng khít này: “Mùa thu năm 1980, Tổng tham mưu trưởng quân đội Hungary, tướng Oláh István đã đến thăm chúng tôi. Ông nói với tôi rằng vào thời điểm đó quân đội của Tổ chức Hiệp ước Warszawa có thể tấn công chúng tôi từ Hungary. Quân đội Hungary cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ đồng minh của mình theo Tổ chức Hiệp ước Warszawa mà cả ông và ban lãnh đạo Hungary đều không thể từ chối. Nhưng ông đảm bảo với tôi rằng ông, Oláh István, sẽ tìm cách thông báo kịp thời cho tôi tất cả mọi việc. Ông là một sĩ quan, một con người tuyệt vời. Tôi không phổ biến cuộc trò chuyện này, vì không muốn gây rắc rối cho người bạn chân thành”.

Các kế hoạch của Liên Xô được chuyển cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nam Tư rất đúng lúc. Nam Tư chưa sẵn sàng phòng thủ. Ban lãnh đạo đã mất quá nhiều thời gian để triển khai hệ thống phòng thủ trong trường hợp bị Liên Xô tấn công.

Không khó để dự đoán rằng thông tin này đã  “bay” đến đến Bộ Tổng tham mưu NATO nhanh như thế nào. Bằng chứng gián tiếp là việc Mỹ đột ngột xem xét lại các lệnh cấm vận đã áp dụng trước đây. Mỹ đồng ý bán máy bay chiến đấu F-5 và tên lửa chống tăng TOW cho Nam Tư. Trong khi đó, tại Tổ chức Hiệp ước Warszawa, người ta truy lùng những kẻ phản bội ở Romania và đánh giá cao các bản thiết kế cầu bắc qua sông Danube của Hungary.

Anh Duy (Tổng hợp)
.
.