Burkina Faso trong vòng xoáy bạo lực
Ngày 11/6/2022, một cuộc tấn công khủng bố đã giết chết ít nhất 100 thường dân ở huyện Seytenga, phía Bắc Burkina Faso, gần biên giới với Niger. Khi các đội cứu trợ đến Seytenga, họ còn phải đối mặt với các thiết bị nổ cài đặt bên trong tử thi nhằm giết hại thêm nhiều người nữa. Vụ khủng bố nêu trên chỉ là một trong hàng trăm trường hợp nhắm vào dân thường, đẩy Burkina Faso ngày càng rơi vào vòng xoáy bạo lực…
Bạo lực nối tiếp bạo lực
Tháng 1/2022, quân đội Burkina Faso phế truất Tổng thống Roch Marc Christian Kabore sau những cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần do các tầng lớp nhân dân tập hợp để phản đối chính phủ thất bại trong việc chống lại tổ chức khủng bố Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).Cuộc đảo chính quân sự đã vấp phải sự lên án của quốc tế, bao gồm các nước láng giềng ở Tây Phi, Pháp và Liên hợp quốc.Bên cạnh đó, Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và Liên minh châu Phi (AU) cũng đình chỉ tư cách của Burkina Faso trong 2 tổ chức này cho đến khi trật tự hiến pháp được khôi phục.
Sau đảo chính, quân đội Burkina Faso chỉ định trung tá Paul-Henri Damiba, Chủ tịch “Phong trào yêu nước để bảo tồn và phục hồi” (MPSR) làm tổng thống đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ đất nước trong cuộc chiến chống lại khủng bố.Tuy nhiên đến tháng 5, một báo cáo của Tổ chức theo dõi nhân quyền Liên hợp quốc khẳng định các hành động tàn bạo vẫn gia tăng ở Burkina Faso với hàng trăm vụ hãm hiếp, giết người, phá hủy nhà cửa của những người tình nghi ủng hộ Al-Qaeda, IS, đã khiến tình hình trở nên u ám, nhất là sau chuyến thăm Burkina Faso của ông Michelle Bachelet, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc, ông Michelle cảnh báo quốc gia này có hơn 3,5 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo, 630.000 người được cho là sắp chết đói.
Trước năm 2014, Burkina Faso hầu như hiếm khi xảy ra những vụ giết chóc bạo lực. Từ tháng 1/2016, sau khi ông Kabore trở thành tổng thống 1 tháng, nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Mourabitoun tấn công khách sạn Splendid và quán cà phê Cappuccino ở thủ đô Ouagadoudou khiến 30 người thiệt mạng, 17 người bị thương. Cuộc tấn công bắt đầu vào khoảng 8 giờ 30 tối khi 3 tay súng ăn mặc như dân tộc thiểu số Turbans, vũ trang súng AK bắn vào những người da trắng. Tại khách sạn Splendid, những người khách chạy xuống sảnh tiếp tân khi nghe tiếng súng nổ dồn dập nên vô hình trung họ là những tấm bia sống cho 3 tên khủng bố. Nhiều nhân chứng nói với Hãng tin Reuters rằng trước khi rút lui, bọn khủng bố còn ném mấy chai bom xăng khiến một số người bị bỏng nặng
Mãi đến 10 giờ tối, quân đội Burkina Faso cùng Lực lượng đặc nhiệm Pháp mới bắt đầu phản công. Sau khi dập lửa, họ vào từng phòng để tìm kiếm những người còn sống. Tại quán cà phê Capuccino, được sự chỉ dẫn của các nhân chứng, lực lượng phản công phát hiện 3 tên khủng bố đang cố thủ trong nhà hàng Bus Taxi gần đó và một cuộc đấu súng đã diễn ra. Sáng hôm sau, Al-Qaeda thông báo 3 chiến binh thánh chiến là Battar al-Ansari, Abu Muhammad al-Buqali al-Ansari và Ahmed al-Fulani al-Ansari đã thực hiện một vụ “trừng phạt bọn ngoại giáo” và “cả ba đã trở về với đức Muhammad”. Vụ khủng bố xảy ra chỉ hai tuần sau khi ông Kabore nhậm chức rồi tiếp theo là những vụ bắt cóc người nước ngoài do nhóm AQIM, chi nhánh của Al-Qaeda thực hiện, cho thấy Burkina Faso bắt đầu rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.
Tháng 10/2016, quân đội kêu gọi ông Kabore từ chức. Đáp lại, ông tuyên bố “tình hình an ninh vẫn nằm trong tầm kiểm soát”. Nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các tổ chức Hồi giáo cực đoan như AQIM, Al-Mourabitoun, Ansar al-Dine, Al-Qaeda, IS…, từ quốc gia láng giếng Mali, ông Kabore ra lệnh triệu hồi lực lượng quân đội làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Sudan và Mali về nước nhưng điều này cũng chẳng giúp ích được gì.
Giọt nước tràn ly
Tháng 11/2020, ông Kabore tái đắc cử tổng thống nhưng an ninh mỗi ngày một xấu hơn, nhất là khi xuất hiện những thông tin cho rằng các đặc phái viên của ông Kabore đã có những cuộc tiếp xúc với Al-Qaeda ở thị trấn Djibo, tỉnh Soum để đàm phán về việc chấm dứt bạo lực trước bầu cử. Đổi lại, 29 tay súng Al-Qaeda được phóng thích. Sự hỗn loạn càng lúc càng tăng lên khi các nhóm “thánh chiến” phát triển mạnh ở Boucle du Mouhoun, nơi được ví như “ổ bánh mì của đất nước”, đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp lương thực chủ yếu cho người dân Burkina Faso. Bên cạnh đó, họ còn tích cực tuyển mộ thành viên là người dân tộc thiểu số Fulani, sống du mục ở Sahel.Nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ đã nổ ra để phản đối Tổng thống Kabora vì không còn khả năng ổn định tình hình đất nước.
Trong bối cảnh ấy, các chi nhánh của Al-Qaeda và IS trong khu vực vẫn tiếp tục gia tăng các cuộc tấn công nhắm vào các mỏ vàng ở Burkina Faso, buộc chủ mỏ phải bán vàng cho họ. Theo trang tin Châu Phi ngày nay, khoảng 36% số vàng khai thác được ở các mỏ Boungou, Tiabongou, phía Đông Burkina Faso rơi vào tay các nhóm khủng bố. Hãng tin AP cho biết chỉ riêng trong tháng 3/2021, có ít nhất 3 cuộc tấn công riêng biệt nhắm vào các mỏ ở phía bắc Burkina Faso, giết chết 70 người, trong đó có 13 cảnh sát còn nếu tính cả năm 2021, con số thường dân và binh lính, sĩ quan quân đội thiệt mạng là gần 2.900 người.
Tình hình bất ổn đến nỗi tháng 6/2021, chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động khai thác tại các khu vực giàu vàng như Oudalan, Solhan và Yagha sau những cuộc tấn công của Al-Qaeda khiến ít nhất 130 người thiệt mạng. Đẫm máu nhất là cuộc tấn công xảy ra ngày 14/11/2021, mục tiêu là một đồn cảnh sát quân sự nằm gần mỏ vàng Inata, giết chết 53 người, trong đó có 49 sĩ quan. Theo những người sống sót, suốt 2 tuần cảnh sát không được tiếp tế lương thực và đạn dược mặc dù họ đã nhiều lần cầu cứu. Nó đã gây ra sự phẫn nộ bằng việc hàng nghìn người biểu tình xuống đường ở thủ đô Ouagadougou, kêu gọi Tổng thống Kabore từ bỏ quyền lực. Đáp lại, Kabore sa thải Thủ tướng Christophe Dabire vào ngày 8/12/2021, dẫn đến toàn bộ nội các nộp đơn từ chức theo ông Dabire.
Ngày 24/1/2022, sau một ngày tranh cãi về việc Tổng thống Kabore vẫn nắm quyền hay từ chức, một nhóm binh sĩ đã chiếm Đài Truyền hình quốc gia rồi phát đi một thông báo, tự giới thiệu mình là “Phong trào yêu nước để bảo vệ và khôi phục” (MPSR) do Trung tá Paul-Henri Damiba đứng đầu, tiến hành phế truất Tổng thống Kabore, giải tán chính phủ, đình chỉ hiến pháp và đóng cửa biên giới.
Thế nhưng chỉ 9 tháng sau, Paul-Henri Damiba lại bị lật đổ khi một nhóm sĩ quan quyết định loại bỏ ông ta vì không có khả năng đối phó với những cuộc nổi dậy vũ trang ngày càng tồi tệ. Để bảo toàn tính mạng, Paul-Henri Damiba đồng ý từ chức rồi chạy sang Togo. Người thay thế ông ta là đại úy Ibrahim Traore. Trên truyền hình quốc gia, Traore hùng hồn tuyên bố: “Sẽ bảo đảm độc lập quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và sự liên tục của nhà nước”.
Trước lúc được đưa lên chức vụ cao nhất sau cuộc lật đổ Tổng thống Paul-Henri Dmaiba, Ibrahim Traore, 34 tuổi là sĩ quan cấp thấp thuộc một trung đoàn pháo binh, đóng quân tại một thị trấn nhỏ phía bắc Burkina Faso. Trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Pháp RFI, Traore cho biết ông không có ý định ngồi lâu trên ghế lãnh đạo, mà một hội nghị quốc gia tổ chức vào cuối năm nay sẽ bổ nhiệm một tổng thống lâm thời, có thể là dân sự hoặc quân sự đồng thời Burkina Faso cam kết vẫn tôn trọng các thỏa thuận với khối Tây Phi trong việc giám sát để Burkina Faso thiết lập chính quyền dân chủ.
Tuy nhiên, những cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn nhưng lần này đối tượng là người Pháp. Người biểu tình tụ tập bên ngoài Sứ quán Pháp, đốt cháy hàng rào rồi ném đá vào. Theo họ, cựu Tổng thống Paul-Henri Damiba không đi Togo mà đang lẩn trốn ở Sứ quán Pháp để âm mưu phản công, giành lại quyền bính. Trả lời những người biểu tình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp tuyên bố: “Mặc dù Burkina Faso trong quá khứ là thuộc địa của Pháp nhưng ở tất cả những nơi mà Pháp đóng quân trên lãnh thổ Burkina Faso, kể cả Đại sứ quán, chưa bao giờ chào đón Paul-Henri Damiba”.
Những thách thức dài hạn
Về mặt mặt địa chính trị, Burkina Faso có vai trò quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố ở Tây Phi. Dưới thời cựu Tổng thống Compaore, quốc gia này đã mở một đường dây liên lạc với Al-Qaeda để đàm phán về việc thả một số người phương Tây bị các tay súng Hồi giáo bắt giữ vào tháng 1/2016. Khi cựu Tổng thống Kabore lên nắm quyền, đường dây này vẫn tiếp tục hoạt động mặc dù Burkina Faso là thành viên của nhóm G-5 Sahel và Tổ chức đối tác chống khủng bố xuyên Sahara do Mỹ hậu thuẫn.Sự chồng chéo ấy đã đặt cộng đồng quốc tế vào một vị trí rất mong manh. Chỉ đến khi Kabore bị lật đổ, các đơn vị đặc nhiệm của cả Mỹ lẫn Pháp hoạt động ở Burkina Faso mới bớt e dè về lá bài hai mặt.
Hiện tại, quân đội chính phủ Burkina Faso vừa yếu về tổ chức, vừa kém về trang thiết bị nên được cho là không đủ khả năng để giải quyết những vấn đề tồn tại trong cuộc chiến chống khủng bố bởi lẽ ngày càng có thêm những yếu tố làm phát sinh sự gia tăng của những nhóm thánh chiến cực đoan. Những yếu tố ấy bao gồm mất an ninh lương thực, y tế, giáo dục, nghèo đói cùng cực, căng thẳng sắc tộc và tham nhũng. Bên cạnh đó, việc giải thế Trung đoàn an ninh trực thuộc Phủ Tổng thống đã góp phần làm suy yếu hoạt động tình báo tạo ra một lỗ hổng cho đến tận ngày nay, chưa kể mô hình “kim tự tháp ngược” trong quân đội, nghĩa là có quá nhiều sĩ quan cao cấp so với những sĩ quan cấp thấp, dẫn đến chỉ khoảng 18% lực lượng được cho là đủ khả năng chiến đấu với kẻ thù.
Theo nhận định của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), những yếu tố nêu trên sẽ là thách thức dài hạn của Burkina Faso cho dù chính phủ dân sự được hình thành bởi lẽ các tổ chức khủng bố đã tìm thấy mảnh đất màu mỡ ở những vùng xa xôi của đất nước, nơi những căng thẳng kéo dài về đất đai, tài nguyên thiên nhiên, chia rẽ xã hội, mối quan hệ lỏng lẻo giữa chính quyền địa phương và trung ương...