Cái chết của điệp viên Robert Imbrie

Chủ Nhật, 15/09/2024, 14:30

Vụ ám sát Robert Imbrie vào tháng 7/1924 đã tạo thời cơ cho sự trỗi dậy của vương triều Pahlavi và đặt nền tảng cho cuộc đảo chính năm 1953 ở Iran do CIA chống lưng cũng như cuộc khủng hoảng con tin năm 1979.

Bất chấp những vụ bạo lực đáng ngại bùng phát ở Tehran khi đó tại thủ đô Ba Tư (nay là Iran), Phó lãnh sự Mỹ - Robert Imbrie - đã tiếp cận đám đông đang tập trung tại một đài phun nước linh thiêng trong thành phố vào sớm ngày 18/7/1924. Địa vị ngoại giao đã không giúp bảo tồn sinh mạng cho ông khi một gã đàn ông trong nhóm cáo buộc ông đầu độc nguồn nước. Giận dữ, đám đông lao vào đánh Imbrie và truy đuổi ông. Bốn giờ sau đó, Imbrie qua đời với đa chấn thương. Ông trở thành quan chức đầu tiên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bị mưu sát ở nước ngoài.

Hoạt động tình báo ở Châu Âu

Không chỉ là nhà ngoại giao, ông Robert Imbrie còn là một luật sư, tình nguyện viên thời chiến và cả gián điệp. Sinh ở Washington, D.C. vào ngày 23/4/1883, Imbrie được họ hàng nhận nuôi sau khi cha mẹ qua đời. Tốt nghiệp trường luật Yale, Imbrie làm luật sư trong thời gian thực hiện các chuyến đi đến Châu Âu và chuyến thám hiểm năm 1911 đến Congo. Cảm giác phiêu lưu trong ông càng thêm chắp cánh.

Thời Thế Chiến I, Imbrie đã tình nguyện lái xe cứu thương ở Châu Âu với niềm tin vững chắc vào phe Đồng Minh (cuối năm 1915, Mỹ không tham chiến khi Imbrie lưu lạc ở Pháp). Trong cuốn sách viết vào năm 1918 mang tựa đề “Sau bánh xe cứu thương chiến tranh”, Imbrie chợt thấy mình ở bên cạnh đám người cao bồi, lính đánh thuê, người đi tìm vàng và cả cầu thủ bóng đá.

Cái chết của điệp viên Robert Imbrie -0
Nhà ngoại giao kiêm điệp viên Robert Imbrie (trái) và ông George F. Spaulding, thành viên của Cục cứu thương dã chiến Mỹ (AAFS) tại Pháp năm 1916.

Để thử thách lòng dũng cảm của mình, Imbrie đã tham gia làm tình nguyện viên thời chiến. Imbrie không ngần ngại khi nhận nhiệm vụ ở Mặt trận phía Đông đưa ông đến Hy Lạp và Albania. Chính thời gian phục vụ lâu dài đã tạo nên ở ông sự khác biệt. Bà Susan M. Stein, tác giả cuốn sách “Phục vụ chiến trường” xuất bản năm 2020, nhìn nhận về Imbrie: “Sự tò mò, tính thích quan tâm mọi người và thích phiêu lưu chỉ là một phần cá tính của ông ấy”.

Tháng 4/1917, sau khi rời quân đội Pháp, Imbrie xoay sang lĩnh vực ngoại giao. Ông được bổ nhiệm làm phó lãnh sự Mỹ ở Petrograd (nay là St. Petersburg) và đến Nga một thời gian ngắn trước khi những người Bolshevik lên nắm quyền vào tháng 11 năm đó. Nhiệm vụ đầu tiên của Imbrie có rủi ro cao: đầu năm 1918, Đức hành quân đã thúc đẩy việc di dời đội ngũ nhân viên của lãnh sự quán Mỹ. Song chẳng mấy chốc Imbrie trở thành đại diện Mỹ duy nhất ở Petrograd.

Imbrie được giao nhiệm vụ thu thập tình báo và hỗ trợ công dân Mỹ bị giam giữ, một nhiệm vụ khó khăn dẫn đến việc ông phải thường xuyên đối đầu với cảnh sát mật đáng sợ. Trong lần phỏng vấn với tờ New York Times vào năm 1918, Imbrie nói: “Tôi không tìm kiếm rắc rối, nhưng nếu nó đến, tôi sẽ mở rộng vòng tay đón nhận”.

Các nhà ngoại giao Na Uy đã giúp Imbrie trốn thoát. Ông không trở lại Petrograd nữa, nhưng điểm mà ông xác định sẽ đến là gần nhất có thể: Đầu năm 1919, Imbrie đến Viborg (Phần Lan, nay thuộc về Nga), nơi ông thu thập tình báo về Nga như cách tờ New York Times bình luận: “Đó là cuộc sống thú vị”. Năm 1920, Imbrie được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu Imbrie được điều đến Constantinople (nay là Istanbul), ông đã gặp chàng trai trẻ Allen Dulles (giám đốc tương lai của CIA) công tác cùng thời điểm tại đó. Imbrie cũng gặp bà Katherine Gillespie, nữ nhân viên cứu trợ và họ đã nên duyên chồng vợ tại Constantinople vào ngày 26/12/1922. Hai vợ chồng sống trong một toa xe hàng ở Angora (nay là Ankara).

Bối cảnh vụ “ngộ sát”

Gia đình trẻ Imbrie lên đường sang Ba Tư (quốc gia mà Allen Dulles khi đó đang là giám đốc bộ phận quan hệ đối ngoại Cận Đông trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) ủng hộ. Khi vợ chồng họ đến Ba Tư vào tháng 5/1924 thì bộ phận này đã đề nghị Imbrie hoãn công tác ở Tabriz và thế chân cho vị lãnh sự ở Tehran khi người này đang trong thời gian nghỉ phép. Khi đó Ba Tư đang trong thời kỳ biến động. Năm 1906, cuộc cách mạng hiến pháp thành công đã tạo ra một cơ quan nghị viện mới, thách thức những tàn tích đang suy yếu của chế độ quân chủ kéo dài hàng thế kỷ.

Các giáo sĩ đại diện cho phần lớn dân số Hồi giáo Shiite vẫn tại vị chính trị khi có hiến pháp mới. Bị kẹt trong cuộc cạnh tranh lâu năm với Vương quốc Anh và Nga, Ba Tư cũng bị biến đổi trong bối cảnh hỗn độn thời Thế chiến I. Khi Imbrie tới Ba Tư, chính phủ Mỹ khi đó đang để mắt tới dự trữ dầu mỏ của nước này, nơi người Anh đang thống trị nguồn nhiên liệu quý kể từ năm 1908. Mỹ bị tụt hậu và đang tìm cách bước vào ngành công nghiệp hấp dẫn.

Khi đó sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào nền chính trị Ba Tư hãy còn hạn chế. Thời đó, Arthur Millspaugh, một cố vấn tài chính Mỹ (do chính phủ Ba Tư tuyển dụng) đang tái cấu trúc nền tài chính Ba Tư gồm cả việc tăng doanh thu thông qua thuế. Millspaugh vừa là bạn vừa là thù của chính trị gia đang lên: Reza Shah Pahlavi (hoặc Reza Khan) vốn là một sĩ quan trong lữ đoàn Cossack Ba Tư theo phong cách Nga. Năm 1921, Reza được hậu thuẫn để thực hiện cuộc đảo chính nhằm giành quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang Ba Tư. Năm 1923, Reza trở thành Thủ tướng Ba Tư, ông tiến hành thúc đẩy một chính phủ theo đường lối cộng hòa vào tháng 3/1924, song lại vấp phải sự kháng cự từ các lãnh tụ giáo sĩ Shiite như Sayyid Hassan Modarres. Tháng 12/1925, Reza tự xưng mình là quốc vương Ba Tư, thành lập nên vương triều Pahlavi chỉ 1,5 năm sau khi Imbrie bị sát hại. Tác giả Susan M. Stein nhấn mạnh: “Chính trị, tôn giáo và thương mại đã kết hợp cùng với nhau khi Imbrie vào Ba Tư”.

Một lần nữa, Imbrie đã sẵn sàng dấn thân vào vùng đất mới. Khi kể lại chặng hành trình từ Baghdad đến Ba Tư, vị phó lãnh sự đã viết những dòng khô khan cho người bạn của mình là John Oliver La Gorce (phó chủ tịch Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ) rằng: “Tôi bắt đầu cảm nhận mình đang tiến vào một nước mà đàn ông chuyên quyền, một chuyến đi may mắn nhưng không cảm xúc nhiều”. Tại thời điểm đó, nhiều người Mỹ sống ở thủ đô Tehran là những nhà truyền giáo theo đạo Trưởng Lão - họ thành lập các trường học và cơ sở y tế ở đây. Gia đình Imbrie nhanh chóng kết thân với một thành viên nổi bật trong cộng đồng, đó là Harry P. Packard, một thầy thuốc đã có gần 2 thập kỷ sống và làm việc ở Tehran.

Imbrie cảm nhận có sự bùng nổ niềm tin tôn giáo vì mục đích chính trị, như đã lưu lại trong một báo cáo đề ngày 1/6/1924 rằng “có bàn tay sắp đặt của các giáo sĩ do nhà nước chống lưng”. Mùa xuân năm đó, vị thế của Reza đã bị xói mòn khi ông cố gắng biến Ba Tư thành một nước cộng hòa. GS Michael Zirinsky giải thích: “Có sự thù địch lan rộng về ý tưởng cộng hòa, và nhiều cuộc biểu tình chống lại Reza ngay đầu năm 1924. Trông ông ấy như bị mất thăng bằng vậy”. Imbrie đã lao thẳng vào cuộc hỗn loạn này khi bảo vệ 2 phụ nữ Mỹ (tín đồ của đạo Baha’i) là bác sĩ Susan Moody và y tá Elizabeth Stewart sau khi đám đông giận dữ tụ tập bên ngoài nhà họ.

Bác sĩ Susan Moody sau đó kể lại với những phóng viên rằng bằng cách yêu cầu chính phủ bảo vệ, Imbrie lập tức thu hút sự chú ý của đám đông đang bực tức. Khoảng 11 giờ trưa ngày 18/7, Imbrie (đi cùng với Melvin Seymour, tù nhân của tòa lãnh sự Mỹ) đã tiến tới đài phun nước. Một số báo cáo tuyên bố rằng chính chiếc máy ảnh do Imbrie mang theo đã kích động đám đông. Một tài khoản khác kể rằng “một linh mục Hồi giáo đột nhiên thét lớn và chỉ tay về phía Thiếu tá Robert Imbrie: “Ông ta đã hạ độc giếng nước!”.

Một số báo cáo khác cho rằng đám đông nghĩ rằng Imbrie là tín đồ của đạo Baha’i. Khi đám đông quay sang Imbrie và Seymour, họ vội vã lui về xe ngựa, chạy đến doanh trại Cossack gần đó, nơi Reza khi đó nắm quyền chỉ huy. Song họ không tìm thấy bến đỗ nào ở đó. Tiếp theo là những đòn đánh liên tục từ đám người biểu tình và cả lính Cossack. Hai người đàn ông mình mẩy đầy máu trốn đến bệnh viện, nơi bác sĩ Packard tức tốc tới chăm sóc vết thương cho Imbrie, song đám người nổi loạn đã đột nhập vào tòa nhà, móc gạch dưới sàn phòng mổ và dùng chúng táng thẳng vào đầu của Imbrie.

Theo báo cáo khám nghiệm tử thi của bác sĩ Packard thì xác Imbrie có hơn 138 vết thương, nhiều vết hình thành từ các vật sắc nhọn. Nạn nhân vẫn tỉnh táo trong cuộc tấn công. 4 giờ kinh hoàng trôi nhanh. Đến 3 giờ chiều, Imbrie qua đời vì đa chấn thương khi 41 tuổi. Trong khi đó Seymour cuối cùng đã phục hồi và quay về Mỹ. Tin tức về cái chết của Imbrie khiến tất cả sốc nặng và phẫn nộ. Mỹ đe dọa sẽ rút đại diện khỏi Ba Tư và đưa ra một loạt yêu sách, trong đó yêu cầu người Ba Tư phải bồi thường tiền cho việc hồi hương thi hài của Imbrie (với đầy đủ nghi thức quân đội) và bồi thường bổ sung cho vợ Katherine, bà bị tấn công trong xe hơi sau cái chết của chồng. Vào cuối tháng 9, thi thể của Imbrie đã về tới Quantico (tiểu bang Virginia).

Tang lễ của ông được tổ chức tại nhà thờ Trưởng Lão đại lộ New York ở Washington, có sự tham dự của Tổng thống Calvin Coolidge, còn Allen Dulles nằm trong số những người khiêng quan tài. Những dòng chữ “Quân đội Pháp” và “Ngoại giao” đã nhấn mạnh sự khởi đầu và kết thúc sự nghiệp hải ngoại của Imbrie khi chúng được khắc trên bia mộ ông ở nghĩa trang quốc gia Arlington, nơi ông an giấc ngàn thu cùng vợ.

Cái chết của điệp viên Robert Imbrie -0
Vua Ba Tư, Reza Shah Pahlavi, đầu thập niên 1930.

Vụ ám sát hoàn hảo

Ban đầu, chính phủ Ba Tư tuyên bố cái chết của Imbrie và Seymour là một tai nạn do “đến nơi linh thiêng mà vẫn cố tình chụp ảnh”. Cố vấn kinh tế Millspaugh cũng đưa ra lập luận tương tự, “người nước ngoài phải nhận thức được rằng có sự nguy hiểm chực chờ khi bày tỏ lòng tôn kính với bất kỳ biểu hiện tôn giáo nào, chớ nên có hành động khiêu khích hoặc không phù hợp”. Các đại diện Ba Tư đã hành động cực nhanh khi cam đoan với giới chức Mỹ rằng “những kẻ phạm tội sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc sau phiên tòa” như tờ Times đưa tin. Phiên tòa diễn ra theo luật do Reza áp đặt. Reza đã giám sát việc bắt giữ và xét xử 3 thiếu niên bị coi là “dê tế thần”.

Mặc dù phiên tòa tuyên cả 3 tội chết, nhưng chính phủ Ba Tư đã giảm án 2 trong số này xuống còn tù chung thân - sự đảo ngược này khiến Allen Dulles và các chính trị gia chóp bu của Washington tức giận. Cuối cùng người Ba Tư tuyên 3 án tử hình, thực hiện lời hứa rằng các đại diện Mỹ có thể làm chứng cho những thủ tục tố tụng.

Những thiếu niên tuổi từ 14 đến 19 đã trả giá cho hành động của đám đông bằng sinh mạng của họ. Trong một bài báo vào năm 1986, Giáo sư danh dự Michael Zirinsky viết: “Dù có bằng chứng mạnh mẽ về sự tham gia của quân đội cấp cao trong đám người biểu tình dẫn đến cái chết của Imbrie, nhưng Mỹ vẫn không nhấn mạnh việc trừng phạt các sĩ quan cấp cao này cũng như không xa lánh vị thủ tướng có liên lụy”.

Về phần mình khi phát biểu với giới truyền thông, bác sĩ Packard cho rằng cái chết của một người Mỹ ở Ba Tư là một động thái chính trị được lên kế hoạch tinh vi như một cái cớ để ban bố thiết quân luật. Các vụ hành quyết có vẻ như làm dập tắt sự phẫn nộ ngoại giao, một phần là do Reza có cơ hội để tự giới thiệu mình với Mỹ như là giải pháp thay thế khả thi để chống “bọn côn đồ cuồng tín”. Cuối năm 1925, Reza tự phong làm quốc vương. Ngày 24/4/1926, Reza được trao vương miện đăng quang, ngự trên ngai vàng Chim Công nổi tiếng của Ba Tư.

Hai thập kỷ sau, sự trị vì của Reza bị gián đoạn vì địa chính trị của Thế chiến II. Từ năm 1935, Ba Tư đổi tên mới là Iran. Sau khi Đức xâm lược Liên Xô vào năm 1941 (giáp ranh với Iran tại thời điểm đó), Vương quốc Anh đã bắt buộc Reza phải thoái vị, nhường ngôi cho con trai (dễ nghe lời hơn) là Thái tử Mohammad Reza Pahlavi. Năm 1951, chính trị gia Iran Mohammed Mossadegh (người phản đối việc trao quyền lực quân chủ cho Reza từ năm 1925) đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng Iran. Mossadegh khiến người Anh tức giận khi đã nỗ lực quốc hữu hóa nguồn dầu mỏ của Iran vốn đang nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu sau Thế chiến II. Để hạ bệ Mossadegh, người Anh đã nhờ tới CIA (do Allen Dulles lãnh đạo). Lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô đối với Iran, CIA đã dàn dựng một cuộc đảo chính nhằm hất cẳng ông Mossadegh vào tháng 8/1953.

Trong thời kỳ Mossadegh bị lật đổ, cựu hoàng Iran đã nhanh chóng được phục chức, nhưng sự cai trị tàn bạo của ông đã khiến dân chúng phẫn nộ. Ngày 4/11/1979, các sinh viên ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite, Ayatollah Ruhollah Khomeini đã tràn vào đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt công dân Mỹ làm con tin suốt 444 ngày. Cuộc cách mạng Hồi giáo đã đưa Khomeini (cựu học sinh của giáo sĩ Modarres) lên cầm quyền Iran và chấm dứt 54 năm trị vì của triều đại Pahlavi.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.