Cái kết bi thảm của nhóm phản kháng “Hoa hồng trắng” ở Đức Quốc xã

Thứ Tư, 17/05/2023, 08:22

Sau khi xuất hiện thông tin về những tội ác khủng khiếp của Hitler và Chủ nghĩa Quốc xã, các nhóm phản kháng bắt đầu lần lượt xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Được thành lập năm 1942 bởi 5 sinh viên và một giáo sư Đại học Munich, nhóm phản kháng “Hoa hồng trắng” tự đặt ra nhiệm vụ lên án Hitler vì những hành động tàn bạo của y. Bài viết sau đây kể về sự hình thành, quá trình hoạt động và cái kết bi thảm của nhóm.

Khởi đầu

Trước hết, "Hoa hồng trắng" được thành lập bởi một nhóm sinh viên đồng chí hướng về các vấn đề văn hóa. Khi các thành viên của nhóm nhận thức  được sự đối xử tàn bạo đối với người Do Thái dưới chế độ Đức Quốc xã, “Hoa hồng trắng” kêu gọi người dân Đức chống lại Hitler. Nhóm bắt đầu viết truyền đơn và in roneo để phân phát qua đường bưu điện khắp thành phố Munich.

hoa hồng 1.jpg -0
Hans Scholl, nhân vật cốt cán của nhóm “Hoa hồng trắng”.

Mùa hè năm 1942, Hans Scholl, người thành lập nhóm “Hoa hồng trắng”, và bạn đồng môn Alexander Schmorell, đã dùng một chiếc máy chữ để viết 4 tập truyền đơn đầu tiên. Mục đích của các tập sách này là tuyên truyền cho dân chúng Đức và sinh viên đại học về tội ác của đảng Quốc xã, đồng thời kêu gọi phản kháng.

Đến mùa thu năm 1942, hàng nghìn tờ truyền đơn đã được phân phát cho các hộ gia đình trên khắp nước Đức. Những tờ truyền đơn cuối cùng do nhóm “Hoa hồng trắng” in ấn đã được phân phát vào tháng 1 và tháng 2 năm 1943. Đến thời điểm này, các quan chức Đức Quốc xã đã phát hiện ra nhóm phản kháng ẩn danh và truyền đơn của họ. Hans và các thành viên khác của “Hoa hồng trắng” phải rút lui vào vòng bí mật một thời gian khá dài.

hoa hong 4.png -0
Willi Greaf.

Các thành viên của nhóm “Hoa hồng trắng”

“Hoa hồng trắng” do Hans Scholl, sinh viên y khoa, thành lập. Ban đầu Hans tham gia phong trào thanh niên của Đức Quốc xã, nhưng dần dần, anh bắt đầu phê phán chế độ Đức Quốc xã khi phải ra hầu tòa vì đồng tính luyến ái và tham gia một nhóm thanh niên bị cấm.

Các bạn cùng lớp Alexander Schmorell, Christoph Probst và Willi Graf cũng là những thành viên nổi bật của nhóm phản kháng bí mật. Năm 1942, Hans và các bạn của anh buộc phải nghỉ học vì bị điều động ra mặt trận phía Đông. Chứng kiến sự khủng bố người Do Thái của bọn Đức Quốc xã, nhóm quyết định tiếp tục chiến dịch ẩn danh chống lại Adolf Hitler và chế độ độc tài của y, đồng thời xuất bản thêm nhiều tập truyền đơn nhỏ sau khi trở lại trường đại học.

Tháng 5 năm 1942, Sophie Scholl, em gái của Hans, vào học triết học và sinh học tại Đại học Munich. Cô nhìn thấy những tờ truyền đơn do nhóm “Hoa hồng trắng” phân phát trong trường và khen ngợi chúng vì sự thật về Hitler. Chẳng bao lâu, phát hiện ra Hans là người phục trách việc in ấn truyền đơn, cô bắt đầu giúp anh phân phát chúng.

Kurt Huber là giáo sư triết học và lý luận âm nhạc nổi tiếng tại Đại học Munich. Ông đã liên lạc với nhóm phản kháng bí mật ngay khi Alexander và Hans còn là sinh viên của ông. Kurt Huber kịch liệt phê phán đảng Quốc xã và đã giúp viết tập truyền đơn  thứ sáu và cũng là tập cuối cùng mà nhóm “Hoa hồng trắng” cần phân phát.

hoa hồng 2.jpg -0
Alexander Schmorell, một trong hai người thành lập nhóm “Hoa hồng trắng”.

Nội dung của những tập truyền đơn

Tổng cộng, “Hoa hồng Trắng” đã xuất bản và phân phát được sáu tập truyền đơn khắp các thành phố của Đức, kể cả Munich. Tất cả các tập đều được đánh máy bằng chiếc máy chữ Remington mà Alexander mượn của một người bạn. Để xuất bản bốn tập truyền đơn đầu tiên nhóm sử dụng máy in roneo. Còn để nhân bản tập thứ năm và thứ sáu với số lượng lớn nhóm sử dụng loại máy khác. Hans và Alexander đã mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị 4 tập truyền đơn đầu tiên vì phải sao chép bằng tay, còn giá cả các vật liệu cần thiết để in ấn rất tốn kém.

Tập thứ nhất

Tập này nói lên những lạm dụng có hệ thống của chính phủ Đức Quốc xã và ám chỉ rằng sẽ sớm xuất hiện nhiều truyền đơn mới. Hans và Alexander muốn người dân Đức nhận thức được sự tàn phá mà Adolf Hitler đã gây ra cho đất nước của họ, rằng nếu họ không có những hành động phản kháng thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Tập thứ hai

Chủ đề của tập truyền đơn thứ hai là thái độ đối xử với người Do Thái. “Hoa hồng trắng” lý giải rằng họ không muốn nói lời xin lỗi, thay vào đó muốn người dân Đức nhìn thấy những tội ác vô nhân đạo của Đức Quốc xã gây ra cho người Do Thái. “Hoa hồng trắng” đã phê phán thứ tiếng Đức tồi tệ của Quốc trưởng trong cuốn “Mein Kampf” (Cuộc chiến đấu của tôi) và dã tâm phản bội người dân Đức của y để cai trị đất nước.

Tập thứ ba

Tập truyền đơn thứ ba của nhóm “Hoa hồng trắng”  trực tiếp đề cập đến "tai họa độc tài" của chính phủ Đức. Nhóm hỏi người dân Đức: vì sao họ cho phép đảng Quốc xã tước đoạt quyền tự do của mình. Tập này cũng bao gồm cả lời tuyên bố về việc người dân Đức có thể chống lại đảng Quốc xã bằng con đường phản kháng thụ động. Tuy nhiên, nhóm không đề ra những biện pháp cụ thể cho người Đức  thực hiện, mà chỉ trình bày những giả thuyết chung chung.

Tập thứ tư

Tập truyền đơn thứ tư gửi thông điệp mạnh mẽ tới người dân Đức và khẳng định rằng tất cả những lời nói của kẻ độc tài đều là dối trá. Hứa hẹn hòa bình của Adolf Hitler đồng nghĩa với chiến tranh, và "Hoa hồng trắng" coi y là quỷ Satan. Mỗi tập truyền đơn chứa một thông điệp ngắn được in ở cuối mỗi bức thư. Những truyền đơn trước kêu gọi người Đức sao chép và phân phát chúng, nhưng tập truyền đơn thứ tư hơi khác một chút. Dòng áp chót có nội dung như sau: "Chúng tôi không im lặng, chúng tôi luôn luôn đồng hành cùng các bạn, "Hoa hồng trắng" sẽ không để các bạn yên!".

Thông điệp này chứng minh cho nhân dân Đức thấy rằng nhóm phản kháng “Hoa hồng trắng” hết sức nghiêm túc chống lại chế độ độc tài, và quyết tâm thường xuyên nhắc nhở về những hành động tàn ác của nó.

Tập thứ năm

Do giáo sư Kurt viết và Hans biên tập, tập truyền đơn thứ 5 của nhóm “Hoa hồng trắng” nói rằng chiến tranh sắp kết thúc và một "cuộc chiến tranh giải phóng mới" sắp bắt đầu. Nhận định của Hans và Kurt rất chính xác, vì một tháng sau khi công bố tập truyền đơn này, tháng 2/1943, quân đội Đức Quốc xã đã bị đánh bại trong trận chiến Stalingrad.

Tập thứ sáu

Tập này do giáo sư Kurt Huber tự tay in ấn, và được Sophie và Hans rải tại các giảng đường trường đại học trước khi buổi học bắt đầu. Sophie đã trèo lên tầng cao nhất của tòa nhà trung tâm và tung truyền đơn xuống dưới.

Jakob Schmid, nhân viên tạp vụ của Đại học Munich, nhìn thấy Sophie thả truyền đơn và ngay lập tức báo cho cảnh sát Gestapo. Các cánh cửa của tòa nhà đã bị khóa, khiến hai anh em không thể trốn thoát. Cảnh sát Gestapo đã bắt giữ Sophie và Hans, và trong khi khám xét, chúng tìm thấy bản nháp của tập truyền đơn thứ bảy trong túi của anh. Cùng ngày, cảnh sát Gestapo đã tìm được và bắt Christoph Probst.

hoa hong 6.jpg -0
Chiếc máy in roneo dùng để in truyền đơn.

Ra toà

Sophie, Hans và Christoph bị "Tòa án Nhân dân" (Volksgerichtshof) xét xử. Tòa án này không tuân theo những quy định của một hệ thống tư pháp công bằng. Các bị cáo thường bị giễu cợt và kết án tử hình với rất ít chứng cứ chống lại họ. Phiên tòa do Roland Freisler làm chủ tọa và kết thúc trong một ngày. Hai  anh em Hans và Sophie bị tra khảo, khởi tố, nhưng nhất quyết không tiết lộ danh tính những thành viên còn lại của nhóm.

Ngày 22/02/1943, Roland tuyên án tử hình Hans, Sophie và Christoph. Họ bị xử tử bằng máy chém chỉ vài giờ sau khi kết thúc phiên tòa. Alexander, Kurt và Willi bị bắt vào tháng 4 năm 1943 và cũng bị kết án tử hình. Alexander và Kurt bị xử tử vào tháng 7, còn Willi bị xử tử vào tháng 10 năm đó.

hoa hồng 5.jpg -0
Giáo sư Kurt Hubert.

Di sản

Sau khi bị xét xử, nhóm phản kháng “Hoa hồng Trắng” không được các sinh viên cùng trường hoặc công dân Đức đánh giá cao. Thực ra, ngay cả trước khi chiến tranh kết thúc, báo chí Đức gọi các thành viên “Hoa hồng trắng” là những kẻ phản bội. Tuy nhiên, báo chí  nước ngoài và báo chí Đức ở hải ngoại đã tìm mọi cách thu hút sự chú ý đối với các thành viên của nhóm với hy vọng tiếp tục di sản của họ trong thời gian còn lại của cuộc chiến.

Hoạt động của “Hoa hồng trắng” bắt đầu được cả nước Đức quan tâm, sau khi truyền đơn của họ được biết đến ở các nước khác như Na Uy, Thụy Điển, Scandinavia và Vương quốc Anh. Hai tháng sau khi chiến tranh kết thúc, lễ tưởng niệm nhóm phản kháng đã diễn ra ở Munich. Nhiều trường phổ thông và đường phố ở Đức đã được mang tên các thành viên của nhóm. Đài tưởng niệm họ được dựng cạnh  tòa nhà của Đại học Munich, và hằng năm, người ta tổ chức một buổi diễn thuyết tưởng niệm họ tại trường.

Ở ngoại ô Munich có một số địa danh gắn liền với tên tuổi của các thành viên "Hoa hồng trắng". Những tấm biển tưởng niệm Hans, Sophie và Willi được đặt tại nơi họ sống trước khi bị bắt. Sophie, Hans, Christoph và Alexander có những ngôi mộ tưởng niệm ở nghĩa trang Perlacher Forst. Còn ngôi mộ tưởng niệm của Kurt Huber được đặt tại nghĩa trang Waldfriedhof ở Munich.

Là những người dũng cảm và sáng suốt, các thành viên của nhóm phản kháng đã giúp các bạn đồng môn của mình và nhiều người Đức thấy rõ  tội ác mà đảng Quốc xã đã gây ra cho nước Đức và các nước châu Âu khác. Trong khi nhiều người Đức ẩn mình trong bóng tối và quay lưng lại với nỗi đau của người Do Thái, bằng hành động thiết thực của mình, nhóm “Hoa hồng trắng” đã dũng cảm thách thức kẻ độc tài và chế độ tàn ác của y, đồng thời thức tỉnh hàng nghìn con người.

Kim Thanh Hằng (Tổng hợp)
.
.