Câu chuyện của một kẻ đào tẩu điên rồ

Thứ Ba, 13/09/2022, 11:03

Nói nhiều, hay bịa chuyện hoang tưởng nhưng Anatoliy Mikhailovich Golitsyn, cựu điệp viên Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) của Liên Xô đào tẩu sang Mỹ, đã gieo rắc nghi ngờ và gây sự xáo trộn trong nội bộ Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Điệp viên mang biệt danh “hiệp sĩ áo đen”

Ở KGB, Trung tá Golitsyn không được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao. “Anh ta biết nhiều thứ hơn người khác, anh ta có giải pháp cho mọi tình huống. Nhưng anh ta nói nhiều thứ hoang tưởng”, Piotr Deriabine, một đồng nghiệp cũ của  Golitsyn ở KGB, nhận xét. Nhưng cấp trên vẫn tin tưởng và cử sĩ quan tham mưu Golitsyn đến Phần Lan vào năm 1960 dưới vỏ bọc là nhân viên Đại sứ quán Liên Xô tại thủ đô Helsinki. Một sai lầm chết người.

anh 01.jpg -0
Kẻ đào tẩu Anatoliy Mikhailovich Golitsyn. Ảnh: providencemag.com.

Tối 15-12-1961, Trưởng bộ phận tình báo của CIA ở Helsinki, nghe thấy tiếng chuông cửa reo khi ông ta đang chuẩn bị đi dự một bữa tiệc. Khi mở cửa, ông thấy một người đàn ông thấp đậm với mái tóc đen và những đặc điểm không thể lẫn vào đâu được của người xứ Slave đang đứng dưới hiên nhà.

Người đàn ông đó không ai khác là Golitsyn. Bước vào trong nhà, vị khách giới thiệu là một điệp viên KGB nhưng đang cảm thấy chán tổ quốc. Anh ta muốn đào tẩu để làm việc cho phương Tây. “Trong vòng 48 giờ sau khi đào tẩu, Golitsyn đã cung cấp rất nhiều thông tin, bao gồm toàn bộ mệnh lệnh trận chiến của KGB ở Helsinki, đến nỗi hầu hết các sĩ quan CIA ở đó đều tin tưởng vào thiện chí của anh ta. Golitsyn được gửi đến “trang trại”, một trại huấn luyện của CIA ở Maryland, nơi anh ta bị thẩm vấn rất lâu. Điều tồi tệ đã diễn ra. Kẻ đào tẩu không muốn nói tiếng Nga trong khi tiếng Anh của anh ta rất sơ sài. Anh ta từ chối cộng tác với một số sĩ quan CIA, gọi họ là những kẻ ngốc, hoặc nếu họ nói tiếng Nga thì đó là đặc vụ KGB. Golitsyn đã khiến các nhân viên CIA nghi ngờ lẫn nhau và đẩy cơ quan tình báo này vào một sự rối loạn nghiêm trọng”, cựu Trưởng bộ phận tình báo của CIA ở Helsinki nhớ lại.

Tuy nhiên, có một người sau đó rất cần kẻ đào tẩu Golitsyn. Đó là James Jesus Angleton, người đứng đầu Phòng Phản gián thuộc CIA. Angleton và Phòng phản gián được giao nhiệm vụ thẩm định thông tin liên quan tới Golitsyn. Vào thời điểm đó, Angleton không có một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy nào của riêng mình. Vì thế đối với Angleton, Golitsyn là một “phần thưởng” do Chúa gửi đến. Là người yêu hoa lan và thơ ca, Angleton đã gọi Golitsyn là “một người đàn ông kỳ lạ”, “hiệp sĩ áo đen” và coi đây là điệp viên có giá trị nhất của Liên Xô từng đào tẩu sang phương Tây.

Một cặp điệp viên hoang tưởng

Mối quan hệ giữa Golitsyn và Angleton được xây dựng trên đống tro tàn của một tình bạn giữa Angleton và Kim Philby, một trong những người đứng đầu cơ quan tình báo Anh. Theo tờ Le Point của Pháp, Angleton và Philby được ví là một cặp đôi phản gián huyền thoại sinh ra vào giữa Chiến tranh thế giới thứ hai. “Chuột chũi” Angleton săn lùng điệp viên của Đức Quốc xã cho Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS), tiền thân của CIA, còn  Philby săn lùng điệp viên của Đức Quốc xã cho cho Cơ quan tình báo Hải ngoại Anh (MI-6).

Nhưng Angleton không hề biết Philby là điệp viên nhị trùng của Liên Xô. Trong những năm 1950, Angleton từ chối nghe các nhân viên CIA cáo buộc người bạn Philby là kẻ phản bội. Nhưng cuối cùng Golitsyn đã khiến Angleton phải mở mắt khi cung cấp những bằng chứng về sự phản bội của Philby. Ngay khi bị lộ, Philby bỏ trốn đến Moscow, gây ra cho Angleton một vết thương không bao giờ lành.

Từ lâu, Angleton luôn bị ám ảnh bởi những âm mưu lớn từ đối thủ chính KGB về những kế hoạch tung tin giả, hay về những gián điệp đang “chui sâu, leo cao” tại các cơ quan trọng yếu của nước Mỹ. Vì vậy, quan điểm hoang tưởng của Golitsyn về việc gián điệp Liên Xô có mặt ở khắp mọi nơi lại trùng lắp với quan điểm của Angleton. Điều này càng khiến Angleton coi Golitsyn như là một kho báu chứa các thông tin có giá trị về hoạt động của KGB. Quan chức CIA tin sái cổ tất cả những gì mà kẻ đào tẩu Golitsyn nói.

anh 02.jpg -0
Anatoliy Mikhailovich Golitsyn và vợ ở Los Angeles năm 1961. Ảnh: spartacus-educational.com.

Niềm tin của Angleton với Golitsyn ngày càng lớn. Golitsyn cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là điệp viên Liên Xô và Angleton chấp thuận. Bị ám ảnh với những kịch bản hoang tưởng, Angleton tin rằng mối quan hệ băng giá giữa Trung-Xô là mồi nhử của KGB. Angleton và Golitsyn đã chia sẻ những phân tích điên rồ về sự kiện Mùa xuân Praha năm 1968. Đối với họ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Alexander Dubcek và sự bất đồng chính kiến của Tiệp Khắc là một phần của cái bẫy do KGB giăng ra cho phương Tây.

Sự hoang tưởng của cặp điệp viên Angleton-Golitsyn đã khiến các cơ quan mật vụ phương Tây phải bó tay trong suốt một thập niên mà nạn nhân đầu tiên chính là CIA. Golitsyn thuyết phục Angleton về sự hiện diện “chuột chũi” Liên Xô có mật danh “Sacha” được cài cắm vào trong ban lãnh đạo CIA. Angleton đã cho phép Golitsyn quyền tham khảo hồ sơ của tất cả các sĩ quan CIA nói tiếng Nga và của các điệp viên từng lãnh đạo các hoạt động chống Liên Xô.

Sau đó, Angleton đến Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khởi động Chiến dịch Honatol (từ viết tắt của Hoover (Giám đốc FBI) và Anatoliy (Angleton-Golitsyn). Sau 6 tháng triển khai không có kết quả, Giám đốc FBI Edgar Hoover tuyên bố chấm dứt chiến dịch. Nhưng lãnh đạo Phòng Phản gián của CIA Angleton không bỏ cuộc.

Cuộc săn lùng kéo dài gần 10 năm và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được trong CIA. Hậu quả là hàng chục sĩ quan CIA đã bị rơi vào vòng nghi ngờ, bị triệu hồi từ nước ngoài, điều chuyển tới những vị trí kém ảnh hưởng hay thậm chí bị sa thải. Một vài người trong số này thậm chí còn bị chính thức điều tra, thẩm vấn nhưng về cơ bản không đạt được kết quả nào.

Theo Le Point, trong nhiều năm, các hoạt động của CIA ở Đông Âu bị tê liệt. Cựu giám đốc Phòng Liên Xô của CIA, David Murphy, cho biết ông đã yêu cầu ngừng mọi liên hệ với những người đưa tin về Liên Xô. Bởi nếu những người này không phải là điệp viên hai mang tìm cách làm say lòng CIA thì họ có nguy cơ bị lật tẩy bởi “chuột chũi” của Liên Xô nằm vùng ở CIA.

Sự hoang tưởng của cặp điệp viên Angleton-Golitsyn còn gây sự xáo trộn nghiêm trọng ở các cơ quan tình báo phương Tây khác. Một lần, Golitsyn thông báo cho Angleton về một kế hoạch truyền thông giả của KGB phát động vào năm 1959 nhằm đánh lạc hướng các cơ quan tình báo của Anh.

Theo lệnh của Angleton, Golitsyn đến London vào năm 1963. Ông ta được các cơ quan tình báo nước này chào đón nồng nhiệt như một người hùng. Cũng như với CIA, Golitsyn không gặp khó khăn gì khi thuyết phục họ rằng xứ sở sương mù đang bị đe dọa bởi “chuột chũi” của Liên Xô. Golitsyn tiết lộ với các cơ quan tình báo Anh rằng có 5 người Cambridge, gồm Philby, Burgess, Maclean, Blunt và Cairncross vừa mới vượt sang miền Đông. Golitsyn không biết rõ về Blunt và Cairncross nhưng nắm rõ lai lịch của những người còn lại.

Mặt khác, Golitsyn còn gieo nghi ngờ về lòng trung thành của một trong những quan chức tình báo cấp cao phương Tây. Tệ hại hơn, ông ta từng thuyết phục MI-5 rằng cựu Thủ tướng Anh Harold Wilson là một điệp viên KGB. MI-5 đã lên kế hoạch chống lại Harold Wilson. 30 sĩ quan tham gia vào một chiến dịch sai lệch thông tin chưa từng có.

Báo chí Anh khi đó đã kể lại rất nhiều chuyện sai sự thật để làm mất uy tín của ông Wilson như tham nhũng, bê bối tình dục, gián điệp... Các văn phòng của Thủ tướng bị xâm nhập cả chục lần. Thậm chí, theo tờ Times, khoảng 40 nhóm bán quân sự còn lên kế hoạch tiến hành đảo chính. Chiến dịch gây bất ổn chỉ chấm dứt vào ngày 16-3-1976 khi Thủ tướng Harold Wilson, vì quá mệt mỏi với những thông tin sai sự thật, tuyên bố từ chức.

Mối liên hệ giữa Angleton-Golitsyn còn làm chao đảo ở Phần Lan, nơi họ cáo buộc Tổng thống Urho Kekkonen là một điệp viên KGB. Ở Pháp, cặp đôi Angleton-Golitsyn đã tạo ra cơn địa chấn trong Cơ quan thu thập thông tin tình báo hải ngoại và phản gián (SDECE) (nay là Tổng cục An ninh Đối ngoại-DGSE). Theo tờ Le Point, Angleton đã tung thông tin nắm bắt được dấu vết của một mạng lưới điệp viên Liên Xô có tên là Saphir. Hàng loạt vụ bắt giữ đã diễn ra khi một thông tin được chuyển từ Tổng thống Mỹ John Kennedy tới Tướng de Gaulle có nội dung: “Một “chuột chũi” Liên Xô đã làm tổ tại Điện Élysée”.

anh 03.jpg -0
Điệp viên siêu hoang tưởng của CIA, James Jesus Angleton. Ảnh: spartacus-educational.com.

Nỗi đau khổ của Nosenko

Sự nghi ngờ đã len lỏi vào thế giới tình báo phương Tây trong một thời gian dài. Golitsyn đã phụ trách việc này bằng cách chỉ cho Angleton thấy sự xuất hiện của những kẻ đào tẩu. Trong số những người mới đến, có một người thu hút sự chú ý của Angleton.

Youri Nosenko, sĩ quan KGB phụ trách liên lạc với một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ tên là Lee Harvey Oswald trong quá trình Oswald đào tẩu sang Liên Xô. Oswald là kẻ ám sát Tổng thống John Fitzgerald Kennedy ngày 22-11-1963 ở thành phố Dallas, bang Texas. Cả nước Mỹ bị sốc. Sau đó hai ngày, Oswald bị bắn chết, mang theo toàn bộ bí mật về vụ sát hại tổng thống. 

Ngày 4-2-1964, Nosenko bay đến Mỹ để CIA thẩm vấn. Mọi thứ trở nên tệ đi. Nosenko tuyên bố rằng KGB luôn coi Oswald là một kẻ vui tính và đã làm mọi cách để loại bỏ anh ta. Ông nói thêm rằng, KGB không liên quan gì đến vụ ám sát Kennedy, tất nhiên, điều đó không đúng với mong muốn của Angleton. Vì thế, Angleton làm mọi thứ để chứng minh rằng Nosenko được KGB cử sang Mỹ nằm vùng.

Sự đau khổ của Nosenko kéo dài 1.277 ngày. Bị biệt giam, anh ta phải chịu 292 ngày thẩm vấn, thường xuyên bị tra tấn. Đối mặt với việc thiếu bằng chứng, CIA đã đưa Nosenko khỏi nanh vuốt Angleton và chuyển anh ta đến một căn hộ ở Washington vào tháng 11-1967. Ở đây, một nhân viên CIA khác tra hỏi anh ta theo cách nhẹ nhàng hơn. CIA không còn có ý định bẻ khóa Nosenko mà thay vào đó là khai thác càng nhiều thông tin càng tốt về các điệp viên KGB và các hoạt động trên khắp thế giới.

Kết quả bội thu bất ngờ. Nosenko đã tiết lộ cho Washington về vài trăm điệp viên tiềm năng đang hoạt động của KGB, về hàng chục hộp thư bí mật, về những chiếc microphone được gắn trong đại sứ quán Mỹ ở Moscow, cũng như tên tuổi của vài trăm sĩ quan tình báo và phản gián của Liên Xô. Sau 9 tháng, CIA tin rằng Nosenko là một kẻ đào tẩu thực sự. CIA đã cho anh ta một danh tính mới và thuê anh ta, vào tháng 3-1969, làm cố vấn về KGB.

Trong khi đó, với sự ủng hộ và giúp đỡ của Angleton, bí ẩn về Golitsyn vẫn được giữ kín. CIA trả Golitsyn một khoản tiền lớn và tạo cho hắn một vỏ bọc mới dưới cái tên John Stone. Nhờ đó, Golitsyn có thể mua một ngôi nhà ở khu bờ đông Manhattan và một trang trại ở vùng quê thuộc bang New York. Angleton còn tìm cho hắn công việc của một luật sư kiêm môi giới chứng khoán ở Phố Wall. Golitsyn bảo vệ vị trí của mình trong bộ máy CIA bằng cách tuyên bố rằng, bất kỳ kẻ nào đào tẩu từ Liên Xô sau hắn đều là giả mạo; và những điệp viên này được KGB cử sang nhằm làm cho CIA nghi ngờ Golitsyn mà thôi.

Tuy nhiên, cho đến khi qua đời vào mùa xuân năm 1987, Angleton vẫn không lật mặt được “chuột chũi Sacha” của Liên Xô nằm vùng ở CIA. Đặc vụ KGB duy nhất từng được CIA phát hiện là vào năm 1996. Tên anh ta là Aldrich Ames. Nhưng đây là một câu chuyện khác..

Yên Bình
.
.