Chiến tranh du kích - Chiến thuật mới của Mỹ để lật đổ chính phủ bất hợp pháp
Từ ngày 22-1, quân đội Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tập huấn “chiến tranh du kích” kéo dài hai tuần ở Bắc Carolina để huấn luyện “Lực lượng đặc biệt” cách lật đổ một “chính phủ bất hợp pháp”. Hoạt động này được thực hiện chỉ vài tuần sau khi Bộ Tư pháp Mỹ thành lập một đơn vị chống khủng bố trong nước.
Cuộc diễn tập gây tranh cãi
Theo tin từ hãng Business Insider, cuộc tập huấn này có tên gọi Robin Sage, diễn tập “chiến tranh không theo quy luật” kéo dài từ 22-1 đến 4-2 với bài kiểm tra cuối cùng là trình độ chuyên môn của các binh sĩ khi đối đầu với các thành viên quân đội dày dạn kinh nghiệm và dân thường được huấn luyện đặc biệt. Cuộc tập huấn được thực hiện trên đất thuộc sở hữu tư nhân ở 25 quận thuộc Bắc Carolina và 3 quận ở Nam Carolina gồm cả Trung tâm Chiến tranh đặc biệt John F. Kennedy và Trường của quân đội Mỹ.
Robin Sage đưa thành viên của lực lượng đặc nhiệm này vào một quốc gia hư cấu mang tên Pineland đang trong tình trạng ổn định về chính trị và sử dụng chiến tranh du kích độc đáo để đánh bại kẻ thù vượt trội về số lượng. Tin tức về cuộc tập trận được đưa ra chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm một năm vụ tấn công vào Điện Capitol và sau khi Bộ Tư pháp thông báo thành lập đơn vị chống khủng bố trong nước mới để giải quyết những gì mà giới chức Mỹ cho là “mối đe dọa gia tăng từ những kẻ cực đoan bạo lực trong nước”.
Nhiều người đã đặt câu hỏi về thời điểm gần kề của các sự kiện, trong khi những người khác thì bày tỏ lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Biden đang “chuẩn bị cho cuộc nổi dậy của Mỹ”. Thậm chí, có người dùng Twitter đã đăng dòng trạng thái “Chiến tranh quân sự của Biden chiến đấu và giết chết “chiến binh Tự do" của Mỹ trong chiến tranh du kích” để phản ứng trước tin tức về cuộc huấn luyện chiến tranh du kích trên đất Mỹ. Những người khác thì ám chỉ cuộc tập trận là để chuẩn bị cho các binh sĩ Mỹ ngăn chặn một cuộc nổi dậy có thể xảy ra.
Bất chấp những lời chỉ trích trực tuyến, những người quen thuộc với khóa học lại lập luận rằng, sự tương tác giữa “ quân đội” và “du kích” có thể quyết định sự thành công hay thất bại của một nhiệm vụ trên chiến trường. John Black, một lính mũ nồi xanh đã nghỉ hưu, nói với Business Insider rằng cuộc tập trận Robin Sage rất khắc nghiệt.
“Chúng tôi đã đóng gói mọi thứ để chuẩn bị trong hơn hai tuần trên thực địa mà không có tiếp tế. Hai trực thăng Blackhawk đã thả chúng tôi sau chiến tuyến của kẻ thù, nơi chúng tôi sẽ gặp lực lượng đối tác của mình vào giữa đêm. Chúng tôi phải đi bộ hàng giờ trong những cung đường vòng vèo, thậm chí nhiều khi bị lạc. Chúng tôi học cách định hướng bằng bản đồ để rồi phát hiện ra mình đã đi một vòng tròn”, John Black nhớ lại một lần tham gia tập trận.
Theo cựu lính mũ nồi xanh này thì khía cạnh quan trọng nhất của cuộc tập trận là các bài học thực hành mà nó cung cấp về các hoạt động của lực lượng đặc biệt và việc ngăn chặn lực lượng kháng chiến nổi dậy nắm chính quyền. “Là một lính mũ nồi xanh, tôi cảm thấy Robin Sage là bắt buộc và thực sự khiến bạn phải suy nghĩ nghiêm túc về nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt, cách làm việc thông qua một lực lượng đối tác. Robin Sage chắc chắn đã giúp tôi chuẩn bị cho cuộc sống với tư cách là người điều hành một đội đặc nhiệm”, John Black khẳng định.
Những hoạt động thực tế
Các bài tập huấn chiến tranh du kích (hay còn gọi là Robin Saga) từng diễn ra trên đất Mỹ nhiều lần kể từ những năm 1970. Trong quá trình huấn luyện Robin Sage, các binh sĩ trẻ tuổi của Mỹ sẽ phải đối đầu với các thành viên phục vụ trong quân ngũ dày dạn kinh nghiệm đến từ nhiều đơn vị. Những người này sẽ đóng giả là thành viên của lực lượng đối lập hoặc các chiến binh du kích tự do hay dân thường được huấn luyện đặc biệt. Với bài tập ở quốc gia Pineland giả định lần này, các binh sĩ trẻ tuổi của Mỹ phải tiến hành trinh sát, đột kích, phục kích và thực hiện nhiều hoạt động khác.
“Các thành viên của lực lượng đặc biệt phải gặp gỡ và tạo mối quan hệ với một lực lượng du kích của quốc gia thứ ba, huấn luyện họ và sau đó làm việc cùng rồi thông qua lực lượng du kích đó để tiến hành các hoạt động chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng của kẻ thù vượt trội hơn nhiều so với trước”, sĩ quan cảnh sát đặc nhiệm đã nghỉ hưu Steve Balestrieri, người từng tham gia hướng dẫn trong khóa huấn luyện nói với hãng Business Insider.
Thông tin từ Trung tâm Chiến tranh đặc biệt John F. Kennedy và Trường học của Quân đội Mỹ - nơi tiến hành cuộc tập trận Robin Sage cho hay, các đội tham gia huấn luyện được đặt trong một “bối cảnh thế giới thực đặc trưng bởi xung đột vũ trang” và được trình bày với các tình huống tội phạm chiến tranh, chẳng hạn như một lực lượng đối tác muốn hành quyết một tù nhân hoặc phá hủy một ngôi làng. Những người lính sau đó được giao nhiệm vụ đàm phán các tình huống mà không vi phạm luật chiến tranh hoặc mất sự ủng hộ của đồng minh.
Các thành viên quân đội hoạt động như các lực lượng đối lập thực tế và các chiến binh du kích tự do, còn được gọi là phong trào kháng chiến ở Pineland. “Để tăng thêm tính hiện thực của cuộc tập trận, các tình nguyện viên dân sự trên toàn tiểu bang cũng tham gia. Sự tham gia của những tình nguyện viên này là rất quan trọng cho sự thành công của khóa đào tạo này và các học viên trước đây chứng thực tính hiện thực mà họ thêm vào bài tập”, thông cáo từ Trung tâm Chiến tranh đặc biệt John F. Kennedy và Trường học của Quân đội Mỹ viết.
Một nguồn tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho hay, từ năm 2002, các cuộc tập trận chiến tranh du kích không theo quy luật đã trở thành ưu tiên trong việc huấn luyện binh sĩ đặc nhiệm ở Mỹ. Và để người dân yên tâm, giới chức quân sự Mỹ tuyên bố rằng tất cả “các phong trào và sự kiện” của Robin Sage đã được phối hợp với giới chức địa phương và những người có trách nhiệm trong các quận, thị trấn nơi diễn ra khóa huấn luyện. Người ta cũng cảnh báo cư dân xung quanh rằng có thể nghe thấy tiếng súng, trống và thỉnh thoảng nhìn thấy pháo sáng, nhưng “các biện pháp kiểm soát đã được thực hiện để đảm bảo không mang đến rủi ro nào cho người hoặc tài sản”.
Đáng chú ý là không chỉ huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm, Mỹ còn mang những bài học ở Robin Sage đến dạy cho các binh sĩ nước ngoài. Chẳng hạn, hồi tháng 12-2021, tình báo Mỹ đã bí mật lên kế hoạch huấn luyện quân đội Ukraine cách tiến hành chiến tranh du kích chống lại Nga. Theo đó, các lực lượng Ukraine được hướng dẫn cách tiến công binh sĩ Nga từ phía sau nếu họ tiến qua chiến tuyến. Một nguồn tin khác cho hay, năm 2022, Mỹ dành hơn 600 triệu USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trong đó có cả việc huấn luyện thực hiện chiến tranh du kích cũng như cung cấp vũ khí hạng nặng, bao gồm hệ thống phòng không đối đất chống lại trực thăng tấn công và máy bay ném bom.
Chiến tranh du kích là một hình thức chiến tranh không thường xuyên, trong đó các nhóm nhỏ tham chiến, chẳng hạn như quân nhân bán quân sự, dân thường có vũ trang… sử dụng các chiến thuật quân sự bao gồm phục kích, phá hoại, đột kích, chiến tranh nhỏ, chiến thuật đánh và chạy cơ động, để chiến đấu với một quân đội truyền thống lớn hơn và ít cơ động hơn.
Mặc dù thuật ngữ "chiến tranh du kích" được đặt ra vào thế kỷ XIX nhưng trên thực tế, các phương pháp chiến thuật của chiến tranh du kích đã được sử dụng từ lâu. Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, Tôn Tử đã đề xuất việc sử dụng chiến thuật kiểu du kích trong “Nghệ thuật của chiến tranh”. Vị tướng La Mã thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên Quintus Fabius Maximus Verrucosus cũng được ghi nhận là người đã phát minh ra nhiều chiến thuật của chiến tranh du kích. Chiến tranh du kích đã được sử dụng bởi nhiều phe phái khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử thế giới và đặc biệt gắn liền với các phong trào cách mạng và cuộc kháng chiến của quần chúng nhân dân chống lại quân đội xâm lược hoặc chiếm đóng.
Chiến thuật du kích tập trung vào việc tránh đối đầu trực diện với quân đội của kẻ thù, thay vào đó tham gia vào các cuộc giao tranh hạn chế với mục tiêu làm kiệt sức đối phương và buộc chúng phải rút lui. Các nhóm du kích thường phụ thuộc vào sự hỗ trợ về hậu cần và chính trị của người dân địa phương hoặc những người ủng hộ nước ngoài, những người không tham gia vào một cuộc đấu tranh vũ trang nhưng thông cảm với nỗ lực của các nhóm du kích.