Chiêu trò “móc túi” quân đội Mỹ của người Afghanistan và Iraq

Chủ Nhật, 15/08/2021, 13:47

Bao giờ cũng vậy, sau khi Mỹ đưa quân đến một quốc gia khác họ cũng “bơm” rất nhiều tiền vào nước đó.  Số tiền này ban đầu được dùng để xây dựng căn cứ, trả cho thông dịch viên bản địa, v.v…sau đó là chi cho các hoạt động tái thiết. Mục đích của Mỹ là tái thiết lập trật tự - ổn định để chính phủ đồng minh của mình có thể cầm quyền hiệu quả.

Chiến lược này từng đạt được một số thành công trong quá khứ, nhưng kể từ đầu thế kỷ XX lại liên tiếp thất bại. Mỹ đã bỏ ra cả trăm tỷ USD cho công cuộc tái thiết Iraq và Afghanistan, nhưng chất lượng sống của người dân hai nước này không thay đổi nhiều so với khi quân đội Mỹ mới đặt chân đến. Thực tế này đã khiến dư luận Mỹ phải đặt câu hỏi: “Tiền đã đi đâu?”.

linh my.jpg -0
Lính Mỹ kiểm kê số tiền viện trợ Washington gửi cho chính phủ Iraq.

Cứ chi thoải mái

Trên bảng xếp hạng tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Iraq chiếm vị trí 160; còn Afghanistan đứng thứ 165 trong số 179 nước được khảo sát.

Nhà báo nổi tiếng người Anh Patrick Cockburn từng viết: “Chính quyền Iraq tổ chức gọi thầu chỉ là cho có lệ. Ai cũng biết công ty nào sẽ thắng thầu bằng cách xem ban giám đốc doanh nghiệp có ai là người nhà của vị bộ trưởng nào không… Người ta tranh nhau chức vị cũng chỉ mong một ngày mình được cầm bút ký hợp đồng nhà nước”.

Tiền là do Mỹ viện trợ mà lại không bị kiểm soát nên các nhà thầu cứ thoải mái đút tiền vốn công trình vào ví mình. Lấy ví dụ như dự án Học viện Cảnh sát Iraq trị giá 75 triệu USD. Không lâu sau khi đưa vào sử dụng công trình đã xuống cấp nghiêm trọng đến mức “Phân và nước tiểu rơi từ trên mái xuống đầu học viên ngủ trong doanh trại”, tờ New York Times mô tả. Hoặc là tại Trại cải tạo Khan Bani Saad ở Baghdad không có một cái toa-lét nào hoạt động trong khi công trình tiêu tốn tổng cộng 40 triệu USD.

Chiêu trò “móc túi” quân đội Mỹ của người Afghanistan và Iraq -0
 Những người lính chính phủ Afghanistan.

Ở Afghanistan, quân đội Mỹ cho rằng các đồn cảnh sát sẽ là mục tiêu đầu tiên bị phiến quân Taliban tấn công nên họ đã đổ ra không biết bao nhiêu tiền của để xây dựng đồn cảnh sát kiên cố. Nay khi quân đội Mỹ đang rời khỏi Afghanistan, số đồn cảnh sát kiên cố ở đất nước này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có những nơi đồn còn chưa được xây, sỹ quan cảnh sát phải dựng lều ngoài trời hay dùng tạm nhà dân. Hay là trường hợp của ngôi trường sư phạm xây tại thành phố Sheberghan, Afghanistan. Dự án khởi công từ 15 năm trước nhưng nay vẫn chưa hoàn thành vì nhà thầu đã ôm toàn bộ tiền rồi bỏ trốn.

Khi không còn có gì để xây nữa thì các quan chức lại “vẽ” ra đủ thứ để có dự án trình duyệt, như nhà máy chế biến gia cầm ở thành phố Basra, Iraq, nơi mà người dân hầu như chỉ nuôi… bò, dê và cừu. Theo ước tính của Ủy ban Đấu thầu thời chiến do Quốc hội Mỹ thành lập năm 2011, khoảng từ 31 đến 60 tỷ USD tiền viện trợ từ Mỹ cho Iraq đã bị thất thoát vì những dự án “ma”. Và việc đội giá, bòn rút công trình từ phía Iraq. Đối với Afghanistan, con số này là 70-101 tỷ trong tổng số 109 tỷ USD tiền viện trợ từ Mỹ.

Kiếm tiền trên… từng cây số

Trước khi rời khỏi quân ngũ, Matt Tyler là một sỹ quan pháo binh Mỹ đóng tại miền Đông Afghanistan. Matt kể lại: “Một buổi sáng nọ tôi đi vào phòng chỉ huy tác chiến thì thấy cảnh tượng không tưởng nổi trên màn hình vô tuyến. Đó là một đoàn xe tải nằm ỳ ra trên quốc lộ nối Kabul với Kandahar. Phải đến nửa tiếng sau ban chỉ huy mới nhận được thông tin từ hiện trường. Hóa ra binh lính quân đội Chính phủ Afghanistan tự  ý lập rào chắn rồi bắt các tài xế phải trả tiền cho họ thì mới được qua. Các cấp chỉ huy phải làm ầm lên thì họ mới chịu dỡ bỏ rào chắn”.

Chiêu trò “móc túi” quân đội Mỹ của người Afghanistan và Iraq -0
 Một công trình xây dựng tại thủ đô Baghdad của Iraq.

Quốc lộ Kabul-Kandahar còn gắn liền với một “kỷ niệm” khác mà Matt không thể nào quên: “Lúc nào bên vệ đường cũng có những chiếc xe bồn chở xăng bốc cháy, khói đen mù mịt che kín tầm mắt. Chúng tôi ngồi trong xe không dám mở cửa sổ vì sợ chết ngạt…Mỗi lần đi qua quốc lộ là một lần sợ. Sợ không phải vì bom đạn địch mà sợ tài xế không nhìn thấy đường rồi tông vào xe đi ngược chiều”.

Không ai khác ngoài chính tài xế của những chiếc xe bồn cháy đã châm lửa đốt chúng. Bình thường họ chở xăng thuê cho quân đội Mỹ, nhưng rồi họ nghĩ ra cách rút gần hết xăng trong bồn  rồi đốt luôn xe nhưng nói dối là bị phiến quân phục kích bắn cháy xe. Người Mỹ có nghi ngờ thì cũng chỉ có cái xác xe đã cháy rụi, chẳng điều tra được gì. Kết quả là các ông lái xe vừa nhận được tiền công của Mỹ, vừa có xăng đem  bán ngoài chợ đen.

Nhưng cách kiếm tiền tốt nhất trên các cung đường ở Afghanistan và Iraq là thành lập một đường dây bảo kê. Ngày nay họ làm như thế này: Một công ty quân sự tư nhân có trụ sở ở Mỹ hay Ảrập Xêút (nơi tập trung phần lớn các doanh nghiệp này) nhận hợp đồng hộ tống đoàn xe chở hàng của quân đội Mỹ. Trừ một số công ty lớn, phần lớn các công ty quân sự tư nhân không có khả năng hoạt động ngoài lãnh thổ. Vậy là họ thuê những tay súng ở Iraq và Afghanistan để làm việc hộ tống thay mình. Nhưng những tay súng này cũng không muốn chết, vậy là họ lại dùng tiền trả cho các nhóm phiến quân địa phương. Các đối tượng phiến quân nhận tiền để đổi lại việc không tấn công đoàn xe hộ tống. Vậy là sau ba bước, tiền của Lầu Năm Góc đã rơi vào túi những nhóm cực đoan như Taliban và Saray as-Salam.

Thủ đoạn “làm tiền” nói trên chỉ được công luận Mỹ chú ý sau khi 100 gia đình có con trai hy sinh kiện một số công ty quân sự tư nhân vì trả tiền cho Taliban. Theo họ thì các công ty này không những đã vi phạm bộ luật chống khủng bố của Chính phủ Mỹ mà còn tiếp tay cho Taliban mua sắm vũ khí, tuyển mộ thêm tay súng dẫn đến cái chết của con cháu họ. Theo ý kiến của các chuyên gia như Barnett Rubin, nguyên cố vấn đặc biệt về các vấn đề Afghanistan và Iraq cho Bộ Ngoại giao Mỹ thì: “Đây là một việc bình thường… Chúng ta phải lựa chọn giữa việc trả tiền cho quân nổi dậy, hoặc để cho binh sỹ đói vì không chở được hàng đến căn cứ”. Đến nay vụ kiện vẫn chưa ngã ngũ trước tòa.

“Lính…ma”

Trong một bức thư gửi Lầu Năm Góc, ông John Sopko, Tổng thanh tra đặc phái của Mỹ tại Afghanistan đã viết: “Ai cũng biết về sự khác biệt giữa số lượng binh sỹ trên giấy tờ của lực lượng An ninh Afghanistan và số lượng binh sỹ trên thực tế của họ…Các cấp có thẩm quyền ở cả hai nước chưa làm tròn trách nhiệm và vẫn đang để cho tiền thuế của Mỹ thất thoát vì những “người lính ma”.

Chiêu trò “móc túi” quân đội Mỹ của người Afghanistan và Iraq -0
 Vũ khí do Mỹ viện trợ mà ISIS thu giữ được từ quân đội chính phủ Iraq.

Theo bản báo cáo đính kèm bức thư, ông John Sopko cho biết trên giấy tờ, quân đội và cảnh sát Afghanistan có tổng cộng 320.000 người, nhưng con số thực tế có thể chỉ bằng khoảng 3/5 con số đó. Washington sau đó đã gây sức ép lên chính quyền Kabul giải quyết ngay vấn đề này. Kết quả là Bộ Quốc phòng Afghanistan phát hiện ra khoảng 42.000 “lính ma”. Họ cũng có kế hoạch lập một cơ sở dữ liệu sinh trắc học để ngăn chặn những vụ lừa đảo tương tự, nhưng bản thân Kabul thừa nhận khó thực hiện kế hoạch thành công vì ngay cả hệ thống cấp phát, quản lý chứng minh thư của họ cũng đang có vấn đề.

Iraq không phải ngoại lệ. Cả một sư đoàn của quân đội Iraq tháo chạy trước ISIS vào năm 2013, khiến cho thành phố Mosul rơi vào tay những kẻ khủng bố. Chỉ khi chính phủ vào cuộc điều tra mới phát hiện ra 25% số binh lính trong sư đoàn này chỉ tồn tại trên giấy tờ. Nhiều cá nhân có tên trong danh sách nhưng chưa từng một ngày tại ngũ hoặc thậm chí đã… chết từ lâu. Những cuộc điều tra tương tự đã phát hiện ra tổng cộng 50.000 “lính ma” trong hàng ngũ quân đội Iraq.

Không có hy vọng

Trong bản báo cáo cuối cùng về Afghanistan của mình, ông John Sopko nhận xét: “Chính phủ Afghanistan không thể tiếp tục tồn tại nếu không nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính và quân sự từ bên ngoài. Nhưng chính sự hỗ trợ đó lại là động lực thúc đẩy các hoạt động tham nhũng trong bộ máy chính quyền - quân đội và cả nền kinh tế.”

Đặt sang một bên sự tham nhũng của mọi cấp chính quyền Iraq và Afghanistan, hai quốc gia này quả thật không có khả năng tự duy trì ổn định đất nước mình. Nền nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của họ đều bị chiến tranh tàn phá  nặng nề trong khi thị trường chịu xáo trộn từ tiền và hàng viện trợ của Mỹ. Cũng dễ hiểu khi điều đầu tiên nhiều người Iraq và Afghanistan nghĩ đến là tìm cách sinh tồn bằng việc “ăn cắp” viện trợ từ Mỹ. Mặt khác, lâu nay Washington luôn “giơ cao đánh khẽ” vấn đề tham nhũng tại các nước đồng minh nhằm gìn giữ quan hệ. Thái độ này chỉ khiến việc tham ô, hối lộ, ăn trộm công trình… càng thêm trầm trọng.

Người dân Iraq vì chán nản trước việc bất ổn kinh tế -  xã hội và thực trạng tham nhũng tràn lan đã xuống đường biểu tình từ năm ngoái đến nay. Thủ tướng Mustafa Al-Kadhimi mới lên cầm quyền từ tháng 5-2020 thì đến tháng 6 mức độ tín nhiệm của người dân dành cho ông đã hạ xuống một con số. Ở Afghanistan, phiến quân Taliban đang tiến gần về thủ  đô Kabul. Không ít người dân ủng hộ Taliban vì tuy họ sử dụng vũ lực để áp đặt luật lệ hà khắc, nhưng phiến quân không đòi hối lộ.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.