Chuyện về 5 phi công Mỹ trên đất Liên Xô

Thứ Ba, 16/05/2023, 20:43

Ngày 18/4/1942, lần đầu tiên trong Thế chiến II, Không quân Mỹ với 16 máy bay B-25 thực hiện cuộc ném bom thủ đô Tokyo, Nhật Bản để trả thù cho việc người Nhật bất ngờ tấn công Trân Châu cảng. Do không đủ nhiên liệu để bay về nên ngoài những chiếc rơi trên đất Trung Quốc, một chiếc khác với 5 thành viên phi hành đoàn phải hạ cánh xuống vùng Viễn đông Liên Xô…

Cú hạ cánh bắt buộc

Cuối tuần lễ đầu tiên của tháng 4/1942, dưới sự hộ vệ của 14 chiến hạm, tàu sân bay USS Hornet mang theo 16 máy bay ném bom hạng nặng B-25, gọi là Liên phi đội 17 rời Trân Châu Cảng tiến về vùng biển phía tây Thái Bình dương. Trong hồi ký, trung tá James Jimmy Doolitle, chỉ huy Liên phi đội 17 viết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là  ném bom thủ đô Tokyo, Nhật Bản, để trả đũa vụ quân Nhật tập kích Trân Châu cảng ngày 7/12/1941”.

doolitle1.jpg -0
Liên phi đội 17 trước giờ xuất kích ném bom Tokyo.

7 giờ 38 phút sáng 18/4, tàu sân bay USS Hornet bị tàu tuần tra Dai-23 Nitto Maru của Hải quân Nhật phát hiện khi còn cách bờ biển Nhật Bản 1.050km. Khoảng nửa giờ sau, một bức điện gửi từ Bộ Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương, Mỹ, đến tàu USS Hornet, nội dung cho biết sau khi giải mã bức điện của tàu tuần tra Dai-23 Nitto Maru gửi Bộ Tư lệnh Hải quân Nhật, cảnh báo nước Nhật có thể sẽ bị tấn công, trung tá James Jimmy Doolitle quyết định thay đổi kế hoạch. Ông nói: “Theo dự kiến, khi còn cách bờ biển Nhật Bản 600km thì Liên phi đội 17 mới xuất phát. Với cự ly ấy, ném bom xong vẫn đủ xăng trở về tàu nhưng bây giờ, cất cánh sớm nghĩa là quãng đường bay cũng dài hơn. Các máy bay sau khi ném bom sẽ không còn đủ nhiên liệu, chưa kể chiếc USS Hornet và các tàu hộ vệ cũng có khả năng phải quay lại nhằm đề phòng những cuộc tấn công của tàu Nhật”.

Vì thế, kế hoạch được Doolitle vạch ra là sau khi hoàn tất nhiệm vụ, Liên phi đội 17 sẽ hạ cánh trên lãnh thổ Trung Quốc, ở những khu vực do Quốc Dân đảng kiểm soát. Phi công đại úy Edward J. York, người lái chiếc B-25 số hiệu 2242 và cũng là người sau này phải đáp xuống vùng Viễn Đông, Liên Xô nhớ lại: “9 giờ 19 phút sáng 18/4, chiếc máy bay cuối cùng của Liên phi đội 17 rời khỏi boong tàu SS Hornet. Sau gần 3 tiếng, chúng tôi đã đến mục tiêu gồm 10 nhà máy công nghiệp quân sự ở Tokyo, 2 nhà máy ở Yokohama còn tại Yokosuka, Nagoya, Kobe và Osaka, mỗi nơi 1 nhà máy”.

Trận oanh tạc kết thúc và chỉ có vài chiếc B-25 bị hư hại nhẹ vì đạn phòng không. Theo trung tá Doolitle, Liên phi đội 17 sẽ bay qua biển Nhật Bản rồi nhắm hướng đông Trung Quốc để đáp xuống một sân bay dã chiến ở tỉnh Chiết Giang. Sau khi lấy thêm xăng, điểm đến cuối cùng của họ là Trùng Khánh, thủ đô kháng chiến chống Nhật của Quốc Dân đảng.

Tuy nhiên với chiếc B-25 của phi công Edward J. York, sau khi bay được 30 phút, ông nhìn đồng hồ đo nhiên liệu và nhận ra rằng với số lượng xăng còn lại, ông không thể nào đến được Chiết Giang mà sẽ rơi xuống một nơi nào đó trên biển. Ông nói: “Dựa vào bản đồ, điểm gần nhất mà tôi có thể hạ cánh là vùng Viễn Đông thuộc lãnh thổ Liên Xô. Vì vậy tôi gọi cho trung tá Doolitle, báo cho ông ấy là máy bay của tôi sẽ đáp xuống đó”.

doolitle2.jpg -0
 Phi hành đoàn của chiếc B-25 hạ cánh xuống đất Liên Xô.

Thời điểm này, Mỹ và Liên Xô có mối quan hệ đồng minh nhưng chỉ ở mặt trận châu Âu chống Đức Quốc xã còn tại châu Á, sau khi ký hiệp ước trung lập với Tokyo ngày 13/4/1941, Moscow đứng ngoài cuộc chiến giữa Mỹ và Nhật ở Thái Bình Dương. Vì thế phi công Edward J. York tin rằng việc hạ cánh xuống lãnh thổ Liên Xô sẽ không có gì phức tạp.

Vẫn theo Edward J. York, lúc bay dọc bờ biển Liên Xô rồi vòng qua Vladivostok, chiếc B-25 đi vào không phận của quốc gia này ở khu vực mũi Sysoyev. 5 giờ 30 chiều, Edward J. York nhìn thấy đường băng sân bay quân sự Unashi, cách cảng Nakhodka 30km. Cũng ngay lúc ấy, 2 chiến đấu cơ I-15 của Liên Xô bay lên nghênh chiến nhưng khi nhận được tín hiệu của chiếc B-25 là máy bay đã cạn nhiên liệu, cả hai chiếc I-15 lượn vòng ra xa, tạo điều kiện cho B-25 đáp xuống.

13 tháng trên đất Liên Xô

Khi chiếc B-25 dừng lại trên đường lăn sân bay Unashi, những người lính Liên Xô vô cùng ngạc nhiên khi thấy 5 người Mỹ từ trên máy bay bước xuống. Bằng cách ra dấu và vẽ minh họa vào mấy tờ giấy, phi công Edward J. York đã khiến họ hiểu ra sự việc nên phi hành đoàn được đón tiếp rất nồng nhiệt. Edward J. York nhớ lại: “Họ cho chúng tôi ăn, sắp xếp cho chúng tôi chỗ ngủ. Chúng tôi không bị thu giữ vũ khí cá nhân cùng các thiết bị phi hành như bản đồ bay, bản mật lệnh chiến dịch oanh tạc…”.

Hôm sau, Đại tá Gubanov, Phó Tư lệnh lực lượng phòng không Liên Xô thuộc Hạm đội Thái Bình Dương đến Unashi cùng một thông dịch viên. Edward J. York kể: “Tôi hỏi Đại tá Gubanov rằng chúng tôi có thể xin nhiên liệu để sáng mai bay đi Trung Quốc được không thì ông ấy đồng ý”. Tuy nhiên khi Gubanov gọi về Moscow để hỏi ý kiến thì nơi này từ chối bởi lẽ Liên Xô không thể để các phi công đã ném bom Tokyo ra đi mà không gây phản ứng quyết liệt từ phía Nhật.

Ngày 21/4/1942, chỉ huy sân bay Unashi chính thức thông báo với phi hành đoàn của chiếc B-25 rằng họ quyết định tạm giữ máy bay vì đã “xâm nhập không phận Liên Xô khi chưa được phép”. Thông báo này cũng được gửi tới William Standley, đại sứ Mỹ tại Liên Xô nhưng trong chỗ riêng tư, Moscow cam kết “tất cả đều không bị giam và được đối xử tử tế, máy bay sẽ được trả lại khi chiến tranh kết thúc”. Bên cạnh đó, Moscow cũng hứa với Washington rằng “sẽ cố gắng giải quyết vụ việc bằng những ứng xử phù hợp với tình hình”.

Đầu tháng 5, phi hành đoàn của chiếc B-25 được đưa đến Khabarovsk. Từ đó, bằng xe lửa, máy bay, tàu biển, họ vượt qua Siberia đến Urals rồi cuối cùng là Volga. Suốt 8 tháng, các phi công Mỹ trú ngụ tại thị trấn Okhansk trong một căn nhà gỗ nhưng không có lính canh. Họ được tự do dạo quanh thị trấn và mọi người Nga ở Okhansk đều biết họ là ai. Phi công Edward J. York kể: “Chúng tôi học được một ít tiếng Nga nên việc giao tiếp tương đối thuận lợi”. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Mỹ ở Moscow cũng thường xuyên liên lạc để biết về tình hình của họ.

doolitle3.jpg -0
Tokyo trong trận mưa bom.

Tháng 9/1942, tướng Mỹ Omar Bradley làm nhiệm vụ giám sát cầu hàng không viện trợ thiết bị chiến tranh cho quân đội Liên Xô đến gặp 5 thành viên phi hành đoàn. Khi biết phi công Edward J. York có ý định dẫn anh em đào thoát, tướng Omar Bradley khuyên họ nên kiên nhẫn chờ đợi vì Washington đã có một kế hoạch dành cho họ.

Đầu năm 1943, vợ của phi công Edward J. York gửi một bản kiến ​​​​nghị đến Tổng thống Mỹ Roosevelt về việc trả tự do cho phi hành đoàn. Sau cuộc nói chuyện với nguyên soái Stalin, ông Roosevelt nhận ra rằng Liên Xô đã có cái nhìn khác về cuộc chiến và về những quan hệ với Đế quốc Nhật, nhất là sau khi Hồng quân Liên Xô đánh bại quân Đức ở Stalingrad và quân Mỹ chiến thắng quân Nhật trong trận Guadalcanal. Về sau, khi 5 phi công đã được tự do, Thế chiến II cũng đã kết thúc, Tổng thống Roosevelt mới tiết lộ việc giải cứu phi hành đoàn của chiếc B-25 trong một buổi nói chuyện với các tướng lĩnh Không quân Mỹ: “Trao đổi với nguyên soái Stalin, chúng tôi thống nhất rằng Liên Xô mà cụ thể là Bộ Dân ủy nội vụ (NKVD - Cơ quan an ninh nội địa Liên Xô) sẽ trực tiếp làm việc này”.

Cuộc trốn thoát kỳ lạ

Tháng 3/1943, phi hành đoàn B-25 đột ngột bị chuyển đến một sân bay ở Ashkhabad, nước Cộng hòa Turkmenistan. Trên xe lửa, Thiếu tá Vladimir Boyarsky của NKVD, đóng giả là thiếu tá Alexander Yakimenko thuộc quân đội Liên Xô khi nói chuyện với các phi công đã úp mở rằng họ sẽ được về nhà. Phi công Edward J. York nhớ lại: “Lúc ấy tôi cùng anh em rất hoài nghi về câu nói của Alexander Yakimenko. Nếu sẽ được về nhà thì tại sao họ lại đưa chúng tôi đi xa thế!”.

Theo hồi ký của thiếu tá Vladimir Boyarsky, vài ngày sau khi đến Turkmenistan, ông đã làm việc với bộ đội biên phòng ở vùng này. Ông nói: “Điều quan trọng là bộ đội biên phòng phải xem việc 5 phi công Mỹ bỏ trốn là việc của riêng họ, không liên quan gì đến người Nga. Tôi cũng yêu cầu bộ đội biên phòng sắp xếp một vùng đất không dân cư, cách sân bay Ashkhabad khoảng 20 km về phía đông nam, gần Iran và dựng ở nơi này những hàng rào, cột mốc biên giới”. Song song với những việc ấy, Vladimir Boyarsky còn giới thiệu với 5 phi công một người tên Klimov mà ông nói là “dân buôn lậu” nhưng thực chất Klimov cũng là sĩ quan NKVD. Phi công Edward J. York kể: “Sau vài cuộc tiếp xúc, Klimov đồng ý với chúng tôi rằng ông ấy sẽ chở chúng tôi bằng xe tải đến biên giới Turkmenistan, Iran rồi chúng tôi tự mình vượt qua. Khi đã qua được đất Iran, Klimov đón chúng tôi cũng bằng xe tải, đưa chúng tôi đến thành phố Mashhad, nơi có Lãnh sự quán Anh với giá 250 USD cho cả 5 người”.

Đêm 11/5/1943, 5 phi công lên chiếc xe tải do Klimov cầm lái. Nửa tiếng trước đó, Thiếu tá Vladimir Boyarsky đột ngột ghé thăm họ mà theo lời Edward J. York: “Trước khi ra khỏi nhà, ông ấy bắt tay tôi rất chặt, mắt ông ấy rơm rớm. Lúc ấy tôi không biết rằng Boyarsky đến để tạm biệt - hoặc cũng có thể là vĩnh biệt chúng tôi…”. 

Sau hơn nửa tiếng, chiếc xe tải đến một chỗ được Klimov gọi là “gần biên giới” rồi dừng lại cho 5 người nhảy xuống. Tiếp theo, cả 5 phi công bò qua những hàng rào thép gai do Biên phòng Liên Xô dàn cảnh dựng lên mà không gặp bất kỳ một cản trở nào. Ở cách đó gần 1km, xe tải của Klimov đã chờ sẵn, đưa họ đến thành phố Mashhad. Sau này khi trở về Mỹ, phi công Edward J. York mới biết kịch bản “vượt biên” đều do người Nga đạo diễn nhằm tránh gây căng thẳng với Đế quốc Nhật.

Ông nói: “Thời điểm chúng tôi bỏ trốn, quân đội Liên Xô và quân đội Anh đã kiểm soát miền bắc Iran vì quốc gia này có khuynh hướng ủng hộ Đức Quốc xã. Việc kiểm soát ấy nhằm mục đích không để Đức Quốc xã mượn đất Iran tấn công Liên Xô. Biên giới mà chúng tôi vượt qua chỉ là biên giới giả”.

Ngày 12/5/1943, sau khi trình diện Lãnh sự quán Anh ở thành phố Mashhad để nhờ nơi này báo tin cho phía Mỹ, Edward J. York cùng 4 thành viên phi hành đoàn B-25 đặt chân lên đất Mỹ ngày 24/5, kết thúc 13 tháng giam lỏng ở Liên Xô. Cũng đến lúc ấy,  Edward J. York mới biết 15 chiếc máy bay B-25 cùng tham gia ném bom Tokyo với ông đều rơi trên lãnh thổ Trung Quốc vì không đủ xăng bay đến Chiết Giang.

Ngoài 8 người bị quân Nhật bắt, trong đó 3 người bị tử hình, 5 người chết trong tù vì bệnh tật và 2 người chết khi máy bay rơi, 70 người còn lại sau khi nhảy dù được dân Trung Quốc che giấu. Để trả thù, quân Nhật tổ chức săn lùng các phi công thực hiện vụ ném bom Tokyo kéo dài suốt 6 tháng, tàn sát 25.000 người Trung Quốc trong một chiến dịch được gọi là Chiết Giang - Giang Tây….

Vũ Cao (Theo War History)
.
.