CIA sử dụng công nghệ để phân tích tình báo

Thứ Ba, 14/06/2022, 13:05

Những thành tựu khoa học và công nghệ (S&T) của Cục tình báo trung ương Mỹ (C.I.A) đã chịu trách nhiệm cho nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực phân tích tình báo.

Tình báo được thu thập thông qua những hệ thống kỹ thuật bao gồm máy bay trinh sát và vệ tinh, đã cho phép xác minh và giám sát các thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn vốn là trọng tâm của sự ổn định chiến lược giữa các cường quốc hạt nhân. Những hệ thống tương tự đã theo dõi các hệ thống chiến lược ở Trung Quốc và Nga cũng như giám sát các trại huấn luyện khủng bố ở Afghanistan, Iraq, Libya và Syria.

Những đóng góp thầm lặng

Những chương trình S&T này sẽ giúp Mỹ hạn chế nguy cơ bị tấn công bất ngờ, đồng thời cho phép Lầu Năm Góc đánh giá mối đe dọa chiến lược thực tế và mua sắm loại vũ khí thích hợp nhất.

Chẳng hạn như tình báo kỹ thuật về giới hạn của các chương trình chiến lược của Liên Xô đã dẫn đến các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hồi cuối các thập niên 1970 và 1980, cho phép Không lực Mỹ giảm lực lượng tiêm kích đánh chặn. Hiện nay, khả năng xác minh của cộng đồng tình báo đủ tốt để giám sát việc đóng băng toàn diện thử nghiệm vũ khí, điều này sẽ cho phép giảm lực lượng chiến lược lẫn nhau và ngăn cản quyết định triển khai phòng thủ tên lửa quốc gia.

Cho đến nay vẫn không có cuốn sách hay bản thảo nào liệt kê chi tiết về sự đóng góp của CIA đối với những thành tựu S&T của cộng đồng tình báo nhằm thay mặt cho các lợi ích an ninh quốc gia Mỹ. Ông Jeffrey T. Richelson, tác giả cuốn sách “Phù thủy Langley” đã lấp đầy khoảng trống này bằng cách cung cấp những hiểu biết vô giá về Tổng cục Công nghệ và khoa học, và tầm quan trọng của gián điệp khoa học tại CIA.

Vào thời điểm năm 1961, việc khai thác S&T nhằm đeo đuổi tình báo mật đã trở thành một thành phần quan trọng của các hoạt động CIA. Ông Richelson đã ghi lại những thành tích của C.I.A bao gồm máy bay trinh sát U-2 và vệ tinh thám báo hình ảnh Corona.

Mặc dù ban đầu còn tỏ ra hoài nghi về những chương trình như vậy, nhưng dần dà Tổng thống Eisenhower và giám đốc CIA-Allen Dulles đã trở thành “fan ruột” của thu thập tình báo từ các sứ mạng U-2 nhằm chứng minh rằng không hề tồn tại khoảng trống của oanh tạc cơ chiến lược. Thêm nữa, việc thu thập tình báo cuối cùng đã thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng không có “lỗ hổng tên lửa” trong thập niên 1960, và không có “cửa dễ bị tổn thương” trong thập niên 1980.

Tuy vậy cách xử lý thiếu năng lực của CIA trong sự kiện Vịnh Con Lợn vào năm 1961 đã khiến Tổng thống Kennedy lên cơn giận dữ và dẫn đến việc sa thải Richard Bissell vốn là trưởng ban điều hành của sự kiện này. Richard Bissell từng dẫn đầu các nỗ lực thành công của CIA trong việc phát triển các loại phương tiện trinh sát vệ tinh và không gian nhằm theo dõi thách thức chiến lược của Liên Xô.

Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, mặc dù ông Kennedy cố gắng tách mình ra khỏi CIA càng xa càng tốt, nhưng chủ tịch MIT là ông James Killian, nhà sáng lập Polaroid là ông Edwin Land, và các nhà khoa học đã thuyết phục tổng thống  rằng quân đội không dính dáng đến các chương trình này, và sau tất cả S&T nên được tập trung vào một ban giám đốc mới của CIA. Là một nhà khoa học tương đối trẻ, Albert Wheelon của TRW, đã được 2 ông Killian và Land tuyển làm người đứng đầu ban giám đốc S&T mới của CIA.

Đổi lại Albert Wheelon sẽ chiêu mộ và sáng lập một phòng thí nghiệm khoa học chất lượng đại học để tiến hành những nghiên cứu cấp cao trong lĩnh vực quân sự và tình báo cũng như các lĩnh vực y học chính. Ông Richelson đã ghi lại những nỗ lực của các nhà khoa học CIA trong việc đi tiên phong về khai thác dữ liệu và những hệ thống phục hồi bao gồm các máy dịch ngôn ngữ và công nghệ vi ba giúp nâng cao tốc độ các máy tính.

54-2.jpg -0
Bức ảnh chụp nhà toán học Woody Bledsoe trong một cuộc nghiên cứu vào năm 1965. Ảnh nguồn: Dan Winters.

Các hoạt động do thám nguyên tử

Ngoài công việc đột phá trong các lĩnh vực về thám báo không gian và vệ tinh do thám, các nhà khoa học CIA còn phát triển ra những phương pháp luận để quyết định mức độ hoạt động của các địa điểm nguyên tử Liên Xô và ngay cả một công nghệ mới giúp phát hiện bệnh ung thư vú. Các nhà khoa học CIA cũng phát triển một hệ thống chiếu “máy bay ma” trên radar địch.

Sự phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt của CIA có thể là đóng góp quan trọng đối với sự thành công của  chính sách bảo vệ quê hương trong cuộc chiến chống khủng bố. Song thật không may là các nhà khoa học và kỹ thuật viên CIA cũng đóng vai trò then chốt trong việc ám sát các nhà lãnh tụ Fidel Castro và Patrice Lumumba. Các kỹ thuật viên của cơ quan này đã thiết kế những loại vũ khí giết người kỳ quặc như vỏ sò phát nổ và súng lục hình thuốc lá cỡ nòng 22. CIA đã phát triển ra những viên thuốc độc và giao cho một sát thủ mafia, tay này đóng vai trò là trung gian trong vài âm mưu ám sát chống lại Chủ tịch Fidel Castro.

CIA cũng thất bại trong việc dọn nhà tại S&T cho đến khi truyền thông khai thác ra nhiều nỗ lực chế tạo thuốc tại cơ quan này, mà cuối cùng dẫn đến cái chết của một nhà sinh hóa quân đội vào thập niên 1950. Nhiều thí nghiệm khác nhau trong lĩnh vực cận tâm lý đã khiến CIA trở thành trò cười cho thiên hạ. Các quan chức cao cấp như Richard Helms từng tin rằng sức mạnh tâm linh có thể được khai thác để “quan sát từ xa” các cơ sở quân sự của Liên Xô cùng những mục tiêu khác.

Tác giả Jeffrey T. Richelson đã cẩn thận ghi lại khả năng của CIA trong việc khai thác S&T cho các hoạt động gián điệp, bao gồm những loại công cụ tối tân nhằm tăng cường nỗ lực cho các sĩ quan mật bằng cách ngụy trang giọng nói của các đặc vụ, đồng thời thay đổi ngoại hình của họ. Còn có một âm mưu bị bóc trần mang tên “Acoustic Kitty” (Mèo âm thanh), nôm na là kết nối con mèo với thiết bị truyền tín hiệu để biến nó hoạt động như một trụ nghe di động. Xui xẻo là con mèo chết đột ngột khi đụng một chiếc taxi ở Paris.

Về mặt cân bằng, ban giám đốc S&T đã tập hợp một đội ngũ kỹ thuật mạnh nhất lịch sử cộng đồng tình báo, và các thành tựu của họ đặc biệt phi thường. Tình báo thu thập từ các hệ thống giám sát đã giúp các nhà hoạch định chính sách ra những quyết định tối quan trọng trong lĩnh vực kiểm soát và giải trừ quân bị. Mục đích là Liên Xô sẽ không thể qua mắt được CIA trong việc mua sắm vũ khí mới dùng cho các hoạt động triển khai, thử nghiệm hoặc trong thời gian phát triển.

CIA dùng tình báo thu thập được từ những hệ thống này để giành chiến thắng trong các cuộc chiến quan liêu ở những cấp độ cao nhất. Thời thập niên 1970, CIA đã phân tích tình báo vệ tinh nhằm giúp cho Tổng thống Nixon tham gia vào các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, thường là trước sự phản kháng của quân đội mặc thường phục và các nhà hoạch định chính sách cấp cao. Chẳng hạn như CIA thuyết phục những người hoài nghi trong chính quyền của ông Nixon rằng hệ thống tên lửa đất đối không của Liên Xô không thể hoàn thành nhiệm vụ của một hệ thống tên lửa diệt đạn đạo, từ đây mở đường cho Hiệp ước ABM (hiệp ước chống tên lửa đạn đạo) năm 1972.

Tương tự như vậy, CIA khẳng định rằng tên lửa SS-9 của Liên Xô không chứa nhiều phương tiện tấn công mục tiêu độc lập, việc này đã dọn đường cho Hiệp ước SALT I (nhằm kiềm chế cuộc chạy đua vũ trang tên lửa đạn đạo chiến lược (tầm xa hoặc liên lục địa) được trang bị vũ khí hạt nhân) trong cùng năm. Không như các đối tác quân sự của mình, buổi ban đầu các nhà phân tích của CIA đã nhận ra rằng oanh tạc cơ Backfire của Liên Xô không có tầm bắn liên lục địa, và rằng các tên lửa chiến lược của Liên Xô không đạt độ chính xác cao bằng các chiến cơ của Không lực Mỹ.

54-1.jpg -0
Máy bay đang triển khai vệ tinh thám báo chụp hình ảnh Corona của CIA. Ảnh nguồn: Army.

Can dự chính trị

Nếu CIA tiếp cận vào một lượng lớn các thông tin tình báo nhạy cảm thì tại sao họ lại thất bại trong việc dự báo sự suy tàn và sụp đổ của Liên Xô? Tác giả Jeffrey T. Richelson cũng không đề cập gì đến điểm này, do đó cần phải đòi hỏi sự hiểu biết về chính trị hóa thông tin tình báo đã diễn ra dưới thời giám đốc William Casey và cấp phó của ông là Robert Gates. Họ đã ảnh hưởng đến ước tính của CIA về sức mạnh quân sự của Liên Xô nhằm biện minh cho việc gia tăng chi tiêu quốc phòng Mỹ và củng cố ý đồ của chính quyền Reagan về phòng thủ tên lửa.

Lấy ví dụ như mặc dù Robert Gates tuyên bố rằng Liên Xô đã chi hơn 150 tỷ USD cho chương trình phòng thủ tên lửa của họ thì các bức ảnh vệ tinh đã cho thấy rằng nguồn tiền đó đi vào phòng không. Chưa hết, CIA còn thổi phồng phạm vi bay của oanh tạc cơ Backfire (nhằm biện minh cho việc xem nó là oanh tạc cơ liên lục địa chiến lược) và độ chính xác của SS-19 ICBM (góp phần tạo nên huyền thoại về “cửa lỗ hổng”). Bằng cách bỏ qua việc chụp ảnh vệ tinh nhạy cảm, CIA đã thất bại trong vai trò nhà môi giới trung thực giữa tình báo và chính sách.

Một thiếu sót lớn khác đề cập đến trong cuốn sách của tác giả Jeffrey T. Richelson là thất bại trong theo dõi sự suy tàn của S&T tại CIA, nơi mà các giám đốc tình báo và điều hành đã không hiểu được tầm quan trọng của và ý nghĩa của các khám phá khoa học, trong trường hợp này người bị chỉ đích danh là cựu phó giám đốc tình báo Ray Cline, khi ông phẫn nộ về sự quan tâm cấp cao mà ban giám đốc S&T đã nhận được từ các lãnh đạo CIA và cộng đồng chính sách Washington.

Khi các ông William Colby và William Casey làm giám đốc Tình báo trung ương trong 2 thập niên 1970 và 1980, Ban giám đốc S&T đã bắt đầu mất nhiều sự ủng hộ cấp cao, điều này khiến các nhà phê bình nội bộ bắt đầu tấn công các văn phòng của ban giám đốc và các cá nhân khác. Tác giả Richelson nên viết một cuốn sách khác nhằm theo dõi và phân tích sự suy tàn ban giám đốc S&T và tác động của nó đến tình báo chiến lược Mỹ nói chung.

Sự suy yếu của cơ sở khoa học của CIA đã dẫn đến những thất bại tình báo quan trọng, mà cụ thể là giám sát việc thử nghiệm chương trình vũ khí hạt nhân của Ấn Độ trong năm 1998, vụ đánh bom nhà máy dược phẩm Sudan năm 1998, và vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999. Vụ thử nghiệm thất bại ở Ấn Độ và lời khai man của giám đốc CIA, George Tenet, rằng CIA không thể phê chuẩn hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện mà nó đã trực tiếp gây nên sự thất bại của chính quyền Clinton khi không thể đạt được sự phê chuẩn của Thượng viện Mỹ đối với hiệp ước.

Ông George Tenet còn làm đảo lộn S&T tại CIA khi gần đây đã bổ nhiệm một người phi khoa học trở thành phó giám đốc của S&T, dẫn đến làm mất sự đoàn kết của các nhà khoa học và kỹ thuật viên trong cộng đồng tình báo. Việc CIA bỏ bê S&T kết hợp với việc quân đội kiểm soát mọi hệ thống thu thập kỹ thuật là nguyên nhân khiến cộng đồng tình báo Mỹ hiện tại không đủ khả năng cập nhật trong lĩnh vực đánh chặn tín hiệu và tình báo liên lạc.

Thêm nữa khả năng công nghệ của các quốc gia đối thủ và những tổ chức khủng bố đang tiến hành truyền phát thông điệp tốc độ cao bằng cách sử dụng các mạch phức tạp đã làm thiệt hại đến khả năng thu thập kỹ thuật của cộng đồng tình báo Mỹ. Chính việc yếu kém thu thập này đã khiến cộng đồng tình báo không thể phân tích mọi thứ trong số thông tin thu thập được, từ đây khiến CIA mất khả năng lường trước những cuộc tấn công sắp xảy ra trong sự kiện 11-9.

Điều đáng tiếc là Ủy ban tuyển chọn tình báo thượng viện Mỹ (SSCI), cơ quan chịu trách nhiệm cho việc giám sát của CIA, chưa từng có ý định tìm hiểu về sự suy tàn của S&T tại CIA, cũng như tác động của sự suy giảm cơ sở khoa học của cộng đồng tình báo. CIA nên nghiên cứu về các nỗ lực của Killian, Land và Wheelon nhằm áp dụng nghệ thuật khoa học vào cấu trúc tình báo cũng như các hành động cần thiết của ban giám đốc – những người hầu như đã kết thúc nghiên cứu khoa học ban đầu và ứng dụng khoa học. Việc gần đây CIA tung ra In-Q-Tel (công ty đầu tư mạo hiểm) cuối cùng đã thuyết phục ủy ban giám sát rằng CIA vẫn không từ bỏ khoa học. Không gì chối bỏ sự thật.

Phan Bình  (Tổng hợp)
.
.