CIA và chiến dịch phá hoại lô đường Cuba
Mùa thu năm 1962, CIA đối mặt với hai vấn đề lớn ở khu vực Caribe: Tên lửa hạt nhân Liên Xô ở Cuba và 1.300 tấn đường bị hỏng ở Puerto Rico. Câu chuyện về lô đường được đưa ra ánh sáng nhờ hơn 2.000 tài liệu từ “Kho lưu trữ Kennedy” vừa mới được công bố. Những tài liệu này trước đây được coi là bí mật vì liên quan đến cuộc điều tra vụ ám sát tổng thống thứ 35 của Mỹ John F. Kennedy. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vài nét bối cảnh
Năm 1959, cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo đã giành chiến thắng ở Cuba. Chế độ độc tài cánh hữu của Fulgencio Batista là chế độ thân Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư rất nhiều tiền vào Cuba, đặc biệt là ngành công nghiệp đường. Chính quyền mới đã quốc hữu hóa toàn bộ tài sản này.

Tại Mỹ, chủ yếu là ở Florida, một cộng đồng lớn người Cuba lưu vong chống lãnh tụ Fidel Castro đã hình thành. Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và CIA bắt đầu lên kế hoạch đảo chính tại Cuba với sự tham gia của lực lượng những người di cư này. Khả năng phá hoại ngành công nghiệp đường - nguồn thu xuất khẩu chính của Cuba, cũng được thảo luận.
Pierre Salinger, phát ngôn viên, cố vấn và bạn thân của John F. Kennedy, nhớ lại rằng vào năm 1961, Tổng thống đã gọi ông đến Phòng Bầu Dục và nói ông cần 1.000 điếu xì gà Cuba vào sáng hôm sau. Đúng hẹn, Salinger đến gặp Tổng thống. “Thế nào rồi?” - Kennedy hỏi. Salinger trả lời rằng ông đã xoay được 1.200 điếu xì gà. “Rất tốt”, Kennedy nói, rồi lấy một tờ giấy từ ngăn kéo và ký ngay tại chỗ. Đó là lệnh cấm vận hàng hóa Cuba vào Mỹ.
Cùng thời gian đó, Kennedy đã phê duyệt kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Cuba. Về nhiều mặt, kế hoạch này là sự tái diễn cuộc cách mạng năm 1959: những người Cuba lưu vong được CIA trang bị và huấn luyện, sẽ đổ bộ lên đảo, tiến hành chiến tranh du kích, và lật đổ chế độ.
Chiến dịch này đã thất bại. Khoảng 1.500 binh lính đổ bộ lên Playa Girón ở bờ biển phía nam Cuba vào tháng 4/1961, nhưng đã nhanh chóng bị lực lượng chính phủ đánh bại. Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố cuộc cách mạng của ông là cuộc cách mạng Xã hội chủ nghĩa. Cuba nhanh chóng xích lại gần Liên Xô, khiến cho chính quyền Mỹ hết sức lo sợ.

CIA làm hỏng đường
Vào tháng 8/1962, tàu chở hàng Streatham Hill của Anh do Liên Xô thuê đã rời cảng Havana hướng tới Odessa. Tàu chở 7.000 tấn đường do Công ty Prodintorg của Liên Xô mua ở Cuba. Ngay sau khi khởi hành, tàu va phải rạn san hô, khiến chân vịt bị hỏng và cần phải sửa chữa. Ngày 22/8, Streatham Hill cập cảng gần nhất - San Juan ở Puerto Rico.
Cảng đăng ký của con tàu là Hong Kong. Trong số 44 thành viên thủy thủ đoàn, 11 người là người Anh, còn lại là người Trung Quốc. Tại Havana, chính quyền Cuba không cho phép thủy thủ Trung Quốc lên bờ vì lo ngại có thể có gián điệp của Quốc Dân đảng.
Trong thời gian sửa chữa, tàu cần phải dỡ bớt hàng hóa. Khó khăn ở chỗ Puerto Rico là lãnh thổ của Mỹ, và theo quy định, hàng hóa của Cuba không được phép đưa vào. 14.000 bao đường (khoảng 1.300 tấn) tạm thời được lưu giữ tại kho hải quan.

Các điệp viên CIA đã xâm nhập vào kho và trộn vào 800 bao đường một loại hóa chất làm cho đường có vị đắng. Dự tính rằng khi giao cho Liên Xô, toàn bộ số đường này sẽ được xử lý cùng lúc, vì vậy cả 7.000 tấn đường sẽ bị hỏng.
Chiến dịch này theo đuổi một số mục tiêu. Thứ nhất, như CIA đã báo cáo với Bộ phận Tác chiến đặc biệt của Lầu Năm Góc, thiệt hại kinh tế trực tiếp đối với Liên Xô ước tính lên tới 350.000 - 400.000 USD (khoảng 4 triệu USD theo thời giá năm 2025). Thứ hai, các nguồn tin của The New York Times nói về tầm quan trọng chiến lược của hành động phá hoại này: niềm tin của Liên Xô vào chất lượng sản phẩm Cuba sẽ bị xói mòn, và Chủ tịch Fidel Castro sẽ mất đi khách hàng lớn nhất của mình. Thứ ba, người ta hy vọng rằng chủ tàu Streatham Hill sẽ bị lôi kéo vào các tranh chấp giữa Liên Xô và Cuba, điều này sẽ khiến ông ta và các nhà vận chuyển phương Tây khác không muốn tham gia vào hoạt động thương mại giữa hai quốc gia.
Trong vòng vài tuần, vụ việc đã lọt đến tai Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, và sau đó là Tổng thống Kennedy. Nếu CIA hy vọng sẽ nhận được lời khen ngợi vì một chiến dịch được thực hiện hoàn hảo, thì họ đã nhầm.

Kennedy nổi giận với CIA. Cuộc khủng hoảng Caribe đang đến gần
Hơn một năm trước khi xảy ra câu chuyện này, Arthur Schlesinger, cố vấn của Kennedy đã trình cho ông một bản báo cáo về nhu cầu cải tổ CIA.
Nói nôm na, nội dung chính của bản báo cáo cho thấy CIA đã mất phương hướng. Cơ quan này thực chất không chịu sự kiểm soát của ai và cũng không báo cáo với bất kỳ ai. Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại, Lầu Năm Góc phụ trách quốc phòng, còn CIA lại tự thực hiện chính sách đối ngoại và quốc phòng của riêng mình: can thiệp vào các cuộc bầu cử và xung đột quân sự trên khắp thế giới, dàn dựng các cuộc đảo chính và phá hoại, mà không tham khảo ý kiến của ai.
Câu chuyện về lô đường bị hỏng đã hoàn toàn xác nhận những đánh giá của Schlesinger. Chính quyền Kennedy đang cố gắng định hình chính sách của mình đối với Cuba, phá vỡ liên minh của nước này với Liên Xô bằng con đường ngoại giao, thuyết phục các đồng minh (bao gồm cả Anh) tham gia lệnh cấm vận thương mại - thì đột nhiên CIA xuất hiện và gây ra vụ phá hoại.

Khi biết tin về chiến dịch ở San Juan, cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Abram Chayes vô cùng kinh hoàng và giận dữ - điều này thể hiện rõ ngay cả trong bản báo cáo chính thức của ông về vụ việc này. Liên Xô chắc chắn sẽ phát hiện ra dấu hiệu phá hoại. Mà ngay cả khi không có bằng chứng xác thực rằng Mỹ đứng sau, Liên Xô vẫn sẽ rêu rao khắp nơi về việc này. Mỹ chỉ có thể đổ lỗi cho phong trào chống lãnh tụ Fidel Castro ở Cuba. Nhưng nếu ai đó ở Liên Xô bị nhiễm độc vì loại đường này thì sao?
CIA khẳng định rằng chất được sử dụng để làm hỏng đường không gây hại cho sức khỏe, nhưng liệu điều đó có đáng tin cậy không? Tin đến mức nào để đặt cược cả danh tiếng quốc tế của Mỹ? Chưa kể đến việc phá hoại thực phẩm là sai trái về mặt đạo đức. Và tất cả điều này chỉ để gây ra một thiệt hại kinh tế nhỏ bé đến hài hước…
Kennedy nhận được báo cáo về chiến dịch đồng thời với những ý kiến của Chayes. Theo nguồn tin của The New York Times, Kennedy đã nổi giận với CIA. Điều khiến ông lo lắng nhất là tạo ra tiền lệ: nếu Liên Xô phát hiện ra các điệp viên Mỹ đã trộn chất gì đó vào đường của họ, thì tại sao các điệp viên Liên Xô lại không thể làm điều tương tự, chẳng hạn, với cà phê của Mỹ?
Tổng thống Mỹ ra lệnh làm mọi cách để lô đường bị hỏng không đến được bờ biển Liên Xô. CIA buộc phải gấp rút nghĩ ra một chiến dịch mới để che giấu chiến dịch trước đó.
Ngày 18/9/1962, một ngày trước khi tàu Streatham Hill rời cảng San Juan, một người tên là Terry Kane đã đệ đơn kiện lên tòa án Puerto Rico, yêu cầu tịch thu lô đường. Trước cách mạng, ông ta từng kinh doanh cho thuê thiết bị nông nghiệp ở Cuba, nhưng chính phủ Cuba đã quốc hữu hóa doanh nghiệp của ông. Tòa án Mỹ phán quyết rằng Cuba nợ Kane và các đối tác của ông hơn 800.000 USD. Để bù đắp khoản nợ này, ông ta yêu cầu được nhận chính lô đường đó.
Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng điều này là vô lý: số đường này không thuộc về chính phủ Cuba mà là sở hữu của công ty Prodintorg của Liên Xô, nên không thể bị tịch thu để trừ vào khoản nợ của Cuba. Tuy nhiên, tòa án vẫn áp dụng biện pháp tạm thời trong khi chờ xét xử: đường không được rời khỏi San Juan.
Ngày 21/9, nhà kho bốc cháy. Thật không may cho CIA, lực lượng cứu hỏa Puerto Rico đã làm việc quá xuất sắc - lô đường vẫn nguyên vẹn!
Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Liên Xô gửi công hàm phản đối tới Bộ Ngoại giao Mỹ về việc lô hàng bị tịch thu. Liên Xô hoàn toàn có lý do để phẫn nộ: họ đã mua số đường này, trả một khoản tiền không nhỏ, nhưng người Mỹ lại chiếm giữ và không chịu trả lại.
Cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, Abram Chayes trả lời như sau: Các tòa án Mỹ hoạt động độc lập, vì vậy Liên Xô nên sử dụng con đường tư pháp, chứ không phải ngoại giao.
Ngày 24/9, tờ Sự Thật đăng bài "Chấm dứt sự lộng hành trên tuyến hàng hải", cáo buộc rằng cướp biển đang trỗi dậy ở vùng biển Caribe. Bài báo không chỉ đề cập đến vụ tịch thu lô đường trên tàu Streatham Hill mà còn liệt kê một số vụ việc khác mà họ gọi là "hành vi ngang ngược của hải tặc". Bài báo cũng nhắc đến một “hành động khiêu khích khác” nhằm vào tàu buôn Liên Xô Michurinsk: một máy bay của Hải quân Mỹ đã bay vòng quanh con tàu này trên vùng biển Caribe.
Sau này, người ta mới biết rằng ngày 11/9/1962, tàu hàng Michurinsk đã chở một phi đội tiêm kích MiG từ căn cứ hải quân ở Baltysk đến Havana. Con tàu là một phần trong chiến dịch “Anadyr”, trong đó Liên Xô bí mật triển khai quân đội và vũ khí hạt nhân ở Cuba.
Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Liên Xô gửi một công hàm mới, yêu cầu Mỹ ngay lập tức trả lại lô đường và bồi thường thiệt hại.
Ngày hôm sau, CIA thông báo với Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc rằng các bức ảnh chụp trên không cho thấy Liên Xô đã triển khai tên lửa ở Cuba. Cuộc khủng hoảng Caribe chính thức bắt đầu.
Lúc này, mọi sự chú ý - đặc biệt là của Tổng thống Kennedy - đều dồn vào mối đe dọa hạt nhân. Không ai quan tâm đến lô đường bị hỏng nữa.

CIA tiêu hủy lô đường bị hỏng
Cuộc khủng hoảng Caribe kết thúc vào ngày 28/10. Liên Xô bắt đầu rút tên lửa khỏi Cuba.
Không lâu sau đó, tòa án Puerto Rico đưa ra một phán quyết mang tính thỏa hiệp: tàu Streatham Hill được phép rời khỏi San Juan, nhưng 14.000 bao đường đang được lưu trữ tại kho hải quan (kể cả 800 bao đã bị hỏng) phải ở lại. Cuối cùng, ngày 11/11, con tàu cũng nhổ neo.
Liên Xô phải mất hơn 6 tháng theo đuổi vụ kiện để đòi lại 14.000 bao đường bị giữ. Đến ngày 29/8/1963, điệp viên CIA Bruce Cheever báo cáo với McGeorge Bundy, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, rằng vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa: lô đường hỏng đã bị đổ xuống biển.
Bruce Cheever không nói CIA thực hiện điều đó như thế nào.