CIA với chiến địa “ngã tư châu Á”

Thứ Ba, 31/08/2021, 21:30

Cuộc chiến ở Afghanistan gần giống với cuộc chiến chống ma túy ở Mỹ Latinh và những chiến dịch trước đó ở Châu Á  với việc quân sự hóa khu vực và việc trao quyền cho giới tinh hoa địa phương. Mỹ - mà đáng chú ý là CIA đã áp dụng những kế sách gì để biến xứ sở tươi đẹp Afghanistan thành một vương quốc ma túy lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Mỹ?

Tài liệu dưới đây của tác giả Alan MacLeod - một nhà văn kỳ cựu của tờ MintPress News sẽ hé lộ những tình tiết chưa từng được công bố về đề tài này.

Đại dịch COVID-19 là hồi chuông báo tử cho nhiều ngành công nghiệp ở Afghanistan. Nhiều tổ chức từ thiện và các cơ quan viện trợ đã từng cảnh báo rằng suy thoái kinh tế có thể kích hoạt nạn đói trên diện rộng. Và còn một lĩnh vực tiếp tục thêm nhức nhối: buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp.

Năm 2020 đã nhìn thấy khai thác thuốc phiên tăng vọt 1/3 ở Afghanistan trong khi các hoạt động chống ma túy đã giảm đáng kể. Quốc gia này được cho là nguồn cung hơn 90% nguồn thuốc phiện phi pháp của thế giới. Đất đai được mở rộng để canh tác thuốc phiện ở Afghanistan hơn là dùng để trồng cây ca cao ở Mỹ Latinh, và hơn nửa triệu người lao đao vì ma túy. Có một thực tế là cây thuốc phiện được canh tác rất ít ở Afghanistan trong thập niên 1970, nhưng tình hình thay đổi trong năm 1979 khi CIA triển khai Chiến dịch gió lốc với dụng ý trao ngân sách cho phiến quân Mujahideen nhằm loại bỏ sự hiện diện của Liên Xô.

Một thập niên sau đó, CIA đã làm việc ăn ý với đối tác Pakistan, IS, để rót 2 tỷ USD vũ khí và phối hợp với những tổ chức này, bao gồm Osama Bin Laden và các lãnh chúa khác. Với sự phát động chiến tranh ngầm phá hoại của CIA, sản xuất thuốc phiện dọc theo biên giới Afghanistan-Pakistan đã tăng vọt, kéo theo đó là nhiều xưởng tinh chế ma túy mọc lên khắp nơi.

Những chiếc xe tải chở đầy vũ khí Mỹ đi từ Pakistan sang các nước láng giềng ở phía Tây và lúc về đã chất đầy thuốc phiện, chúng sẽ chở thẳng tới những xưởng tinh chế mới, và sản phẩm cuối cùng sẽ hiện diện trên hang cùng ngõ hẻm khắp thế giới. GS Alfred McCoy (Đại học Wisconsin, Mỹ) phát biểu: “Để tài trợ cho cuộc chiến trường kỳ, phiến quân Mujahideen phải tìm kế sinh nhai ngoài vũ khí do CIA cung cấp”. Và họ nhắm đến thuốc phiện.

Trong thập niên 1970, Afghanistan sản xuất khoảng 100 tấn thuốc phiện/năm. Trong giai đoạn 1989-1990, tức kết thúc 10 năm hoạt động của CIA, sản lượng thuốc phiện đã đạt 2.000 tấn/năm,  tức chiếm 75% hoạt động buôn bán thuốc phiện bất hợp pháp của thế giới. Đến năm 1999, sản lượng thuốc phiện hàng năm đã vọt lên 4.600 tấn. Cuối cùng Taliban đã nổi lên như một lực lượng thống trị trong nước và thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi dập tắt hoạt động sản xuất thuốc phiện.

Năm 2000, lệnh cấm trồng thuốc phiện do Taliban hạ lệnh khiến cho sản lượng thuốc phiện năm sau đó giảm chỉ còn 185 tấn. Taliban hy vọng Washington sẽ hưởng ứng với chiến dịch tiêu trừ cây thuốc phiện của mình, nhưng người Mỹ lại nghĩ khác. Năm 2001, sau cuộc tấn công của Osama Bin Laden vào 2 tòa tháp đôi WTC, Mỹ phớt lờ nỗ lực của Taliban và không đầy 1 tháng sau đó, lính Mỹ đã tuần tra các cánh đồng thuốc phiện ở Afghanistan.

CIA với chiến địa “ngã tư châu Á”  -0
 Nông dân Afghanistan thu hoạch thuốc phiện tươi trên cánh đồng của mình. Ảnh nguồn: Nisar Ahmad/AP.

Tràn ngập các cánh đồng thuốc phiện

Theo một ước tính của GS Alfred McCoy thì tác động của việc người Mỹ chiếm đóng đã mở rộng việc sản xuất ma túy ở Afghanistan lên mốc chưa từng có và đã biến nước này thành “quốc gia ma túy” thực sự đầu tiên trên thế giới. Theo ông McCoy thì vào năm 2008, thuốc phiện đóng góp một nửa GDP của Afghanistan. Làm một phép so sánh, vào những ngày đen tối nhất thì cocaine cũng chỉ chiếm 3% GDP của Colombia.

Hôm nay, Liên hợp quốc (UN) ước tính rằng khoảng 6.300 tấn thuốc phiện được sản xuất hàng năm (tương đương diện tích 224.000 ha của tiểu bang Rhode Island, Mỹ) trên các cánh đồng cây anh túc. Nhưng trong khi đang trấn áp tội phạm ma túy ở Colombia thì người Mỹ đã từ chối áp dụng tương tự ở Afghanistan. Phát ngôn viên NATO, James Appathurai từng giải thích: “Chúng ta không thể loại bỏ nguồn thu nhập duy nhất ở quốc gia nghèo thứ 2 thế giới mà không trao cho họ sinh kế khác”.

Tuy vậy không phải ai cũng đồng tình với lý do mà NATO đưa ra. Ông Matthew Hoh, nguyên hạm trưởng của Thủy quân lục chiến Mỹ tỏ rõ sự hoài nghi: “Họ (người Mỹ) sợ rằng nếu họ triển khai không chiến chống ma túy thì các phi công Mỹ cũng sẽ phá hỏng toàn bộ, và nhiều cánh đồng anh túc của riêng người Mỹ cũng bị hư hại theo”. Năm 2009, ông Hoh từ nhiệm vị trí của mình tại Sở Ngoại vụ của tỉnh Zabul (Afghanistan) nhằm phản đối việc chính phủ Mỹ tiếp tục đóng quân ở nước này.

Phát biểu với truyền thông, ông Hoh phàn nàn: “Dưới chiêu bài chống nổi dậy, các lực lượng NATO đã lơi lỏng canh gác các cánh đồng anh túc và sản xuất thuốc phiện. Song thực sự những gì mà chúng tôi đang làm khi đó là bảo vệ sự giàu có của những người nắm quyền ở Afghanistan”. Hoh buôn bán ma túy giữa những nhân vật “máu mặt” bao gồm người em trai Ahmed Wali của Tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai, một nhân vật bị cáo buộc nằm trong hàng ngũ của CIA.

Tệ hại hơn, nhờ vào sự ưu ái của các lực lượng NATO, một số lãnh chúa địa phương và “bố già” ma túy đã phá hủy mùa màng của các đối thủ để lấy tiền của Mỹ, vô hình chung vừa khiến họ càng giàu thêm và có quyền lực mạnh hơn trước. GS Alfred McCoy lưu ý rằng Taliban là một trong những thành phần hưởng lợi nhiều nhất trong chuỗi buôn bán ma túy, họ dùng nó để gia tăng quyền lực và chống Mỹ. Ông McCoy giải thích: “Nhờ sản xuất thuốc phiện bùng nổ và Mỹ thất bại trong việc kiểm soát nó đã mang lại rất nhiều ngân lượng cho Taliban, và họ đã dùng tiền đó để tài trợ cho các hoạt động du kích trong vòng 20 năm qua, trở thành một nhân tố quyết định trong thất bại của Mỹ ở Afghanistan”.

CIA với chiến địa “ngã tư châu Á”  -0
 Một lính thủy đánh bộ Mỹ trên cánh đồng Anh Túc trong lúc tuần tra ở Sangin (Afghanistan) Ảnh nguồn: DVIDS.

Chìm ngập trong “đại dịch ma túy”  

Loài cây anh túc đã sinh trưởng mạnh trên khắp Trung và Tây Á và có chỗ đứng ở Afghanistan, nhất là ở các tỉnh phía Nam như Helmand, gần kề 3 điểm hội tụ biên giới với Afghanistan – Pakistan – Iran. Phần lớn hệ thống tưới tiêu ở Helmand đều được “bảo kê” bởi USAID, một tổ chức đóng vai trò bình phong của CIA. Nông dân thu hoạch quả nhựa anh túc và vận chuyển thứ nhựa này thông qua cái gọi là “Tuyến miền Nam” đi qua ngả Pakistan hoặc Iran. Và thuốc phiện cũng tràn ra khắp nơi, gây ra đại dịch cho cả nước.

Theo UN, từ năm 2005 đến năm 2015, số người dùng ma túy ở Afghanistan đã tăng vọt từ 900.000 lên 2,4 triệu người, ước tính cứ 3 hộ gia đình thì sẽ có 1 hộ bập vào ma túy. Trong khi Afghanistan sản xuất một lượng lớn cần sa và ma túy đá (methamphetamine), thì nhóm thuốc giảm đau (opioid) cũng được sử dụng nhiều với khoảng 9% dân số trưởng thành (và ngày càng nhiều trẻ em) nghiện chúng. 

GS Julien Mercille, tác giả cuốn sách “Thu hoạch tàn khốc: Sự can thiệp của Mỹ vào buôn ma túy Afghanistan” cảnh báo: “Việc tiêm ma túy có thể lây lan bệnh HIV do thói quen dùng chung kim tiêm”. Trong 20 năm chiến tranh và Mỹ chiếm đóng, số lượng người Afghanistan sống trong nghèo đói gia tăng từ 9,1 triệu người (năm 2007) lên 19,3 triệu người (năm 2016). Một cuộc thăm dò gần đây của Gallup khẳng định người Afghanistan buồn nhất trên trái đất, cứ 10 người được hỏi thì 9 người phản hồi là “đau khổ”.

Khi Gallup yêu cầu đánh giá cuộc sống trên thang điểm 10, người xứ này trả lời điểm trung bình là 2,7, tỷ lệ thấp nhất trong số các nước được nghiên cứu. Hoạt động của CIA ở Afghanistan cũng khiến nước láng giềng Pakistan bị vạ lây. GS McCoy chỉ ra rằng hồi cuối thập niên 1970, hiếm có người dân Pakistan nào nghiện ma túy, song đến năm 1985, báo cáo của chính phủ Pakistan cho thấy có trên 1,2 triệu người nhiễm, đẩy cả 2 nước vào “tâm điểm toàn cầu về buôn bán ma túy”.

Một báo cáo của UN hồi năm 2013 đã ước tính có khoảng 7 triệu người Pakistan sử dụng ma túy, và 4,25 triệu người yêu cầu điều trị khẩn cấp; gần 2,5 triệu người trong số này đang lạm dụng heroin hoặc opioid. Khoảng 700 người chết mỗi ngày do quá liều. Cùng báo cáo của UN cũng chỉ ra rằng có 11% người dân ở Khyber Pakhtunkhwa (Pakistan) đang dùng các chất cấm, chủ yếu là heroin. Khủng hoảng y tế cùng với sự kỳ thị xã hội đối với người nghiện ngập đang khiến nhiều gia đình tan nát, nhiều thị tứ biến thành các điểm nóng bạo lực. Iran cũng có số người sử dụng opioid cao, từ 2 đến 3 triệu. Tại các thị trấn gần biên giới  của Afghanistan/Pakistan, 1gram thuốc phiện có thể mua được chỉ 50 xu, đẩy quốc gia này thành nơi có tỷ lệ nghiện ma túy cao nhất thế giới. Chính sách tai hại của Mỹ ở Trung Đông đã khiến một bộ phận nhỏ người giàu lên vô kể, trong khi hàng chục triệu dân rơi vào cảnh nghèo túng và nghiện ngập.

Bùng nổ sản xuất ma túy cũng khiến thế giới rơi vào thảm họa. Theo UN, chỉ trong một thập niên qua, số người chết do opioid đã tăng lên 71% trên toàn cầu. gần 841.000 người Mỹ chết do dùng thuốc quá liều kể từ khi chiến tranh bắt đầu ở Afghanistan, chỉ riêng năm 2019 có đến hơn 7 vạn người chết. Phần lớn thủ phạm là opioid. Lực lượng chống ma túy Mỹ (DEA) tuyên bố rằng phần lớn opioid bất hợp pháp ở Mỹ đã được trồng ở Mỹ Latinh.

"Đi đêm" với các thế lực giang hồ

Chính phủ Mỹ có một lịch sử u tối liên quan trực tiếp đến thương mại chất gây nghiện toàn cầu. Tại Colombia, Mỹ làm việc với Tổng thống Alvaro Uribe trong cuộc chiến ma túy quốc tế (tài liệu nội bộ của Mỹ đã xác định Uribe là một trong những trùm ma túy khét tiếng, người này là nhân viên của băng đảng Medellin và còn là “bạn chí thân” của “bố già” Pablo Escobar. Trong 2 cuộc tranh cử vào các năm 2002 và 2006, Uribe đã dùng lợi nhuận từ ma túy để làm việc đó.

Tướng Manuel Noriega cũng là một đồng minh quan trọng của Mỹ. Suốt nhiều năm, người Panama này đã nằm trong biên chế của CIA dù Washington biết ông ta liên quan đến buôn lậu ma túy kể từ năm 1972. Khi Noriega trở thành nhà độc tài Panama hồi năm 1984, tình hình không mấy thay đổi. Và rồi khi Mỹ quyết định xâm lược Panama và bắt giữ Noriega, phạt người này 40 năm tù trong nhà ngục liên bang vì các tội danh ma túy trong khi tù nhân vẫn ăn lương CIA đều đều.

Cùng lúc đó nhà báo điều tra Gary Webb đã phơi bày việc CIA trao tiền cho cuộc chiến bẩn thỉu chống lại chính phủ cánh tả ở Nicaragua thông qua việc bán ma túy đá cho các khu dân cư da màu trên khắp đất Mỹ, liên kết những đội quân bán quân sự cực hữu với các “trùm ma túy” Mỹ như Rick Ross. Cho đến ngày nay, chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Tổng thống Honduras, Juan Orlando Hernandez, bất chấp người này có những mối liên hệ với buôn bán cocaine.

Đầu năm 2021 này, một tòa án Mỹ đã tuyên án tù chung thân với Tony (em trai của Tổng thống Hernandez) vì tội buôn lậu ma túy quốc tế, trong khi bản thân Juan là đồng phạm “không dính dáng tới vụ án”. Sử dụng buôn bán ma túy bất hợp pháp và lợi nhuận của nó để tài trợ cho các mục tiêu đế quốc luôn là chuyện thường ngày của các đế chế trong suốt nhiều thế kỷ qua. Ví dụ như trong 2 thập niên 1940 và 1950, đế quốc Pháp đã thu lợi nhuận thuốc phiện từ khu vực “Tam giác vàng” ở Đông Dương để đánh lui phong trào cách mạng giành độc lập của Việt Nam.

Xa hơn, đế quốc Anh đã dùng cỗ máy thuốc phiện của mình để trang trải cho kế hoạch chinh phạt kinh tế Trung Hoa. Cơn khát vô độ của người Anh đối với trà Tàu đã bắt đầu làm khánh kiệt đất nước khi người Trung Hoa chỉ chấp nhận thanh toán bằng vàng hoặc bạc. Do đó, người Anh đã dùng sức mạnh hải quân của mình để ép Trung Hoa nhượng lại Hong Kong, từ đây người Anh đã làm ngập lụt Trung Hoa rộng lớn bằng thuốc phiện vốn do nước này canh tác ở Nam Á.

Tác động nhân đạo của Chiến tranh Nha Phiến thật kinh khủng: năm 1880, mỗi năm, người Anh đưa vào Trung Quốc tới hơn 6.500 tấn thuốc phiện (tương đương hàng tỷ liều) gây nên nhiều xáo trộn kinh tế và xã hội nghiêm trọng. Tại Ấn Độ và Pakistan, thực dân Anh rất tàn ác khi bắt nông dân trồng những cánh đồng anh túc gây nên nạn đói kém cùng cực chưa từng thấy.  

GS Julien Mercille phê phán: “Quân đội Mỹ và CIA phải có trách nhiệm lớn hơn trong việc làm bùng nổ sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan. Sau vụ 11-9, họ đã liên minh với nhiều lãnh chúa và giới chính trị “máu mặt” Afghanistan để gia tăng sản xuất và buôn lậu thuốc phiện. Các cá nhân này đóng vai trò là đồng minh của Mỹ và NATO, vì lẽ đó đã không bị bắt giữ hay truy cứu trách nhiệm liên quan đến buôn lậu ma túy”. Nhìn chung, hàng triệu người phải trả giá, đau khổ bên trong những khu vực bị quân sự hóa và buộc dùng ma túy để đối phó. Khi thuốc phiện bùng nổ, chỉ có vài kẻ thắng, còn hàng triệu người thua cuộc.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.