Có một cuộc chiến bí mật từ hạt nhân đến AI

Thứ Hai, 20/01/2025, 11:29

Các cường quốc đã có lịch sử dài giành giật nhân tài khoa học, từ các nhà khoa học hạt nhân trong Thế chiến II và Chiến tranh lạnh, nay lại đến các nhân tài trí tuệ nhân tạo (AI).

Những kẻ “săn đầu người” đặc biệt

Ngày 18/12/1944, Moe Berg, điệp viên OSS, tổ chức tiền thân của tình báo Mỹ CIA, lặng lẽ bước vào một phòng họp chật hẹp ở Zurich, Thụy Sỹ. Giả danh một sinh viên vật lý, người đàn ông Do Thái cao lớn này chăm chú lắng nghe diễn giả chính: nhà vật lý người Đức đoạt giải Nobel, Werner Heisenberg. Berg nhận nhiệm vụ đơn giản nhưng đầy nguy hiểm: nếu Heisenberg tiết lộ bất cứ điều gì cho thấy Đức Quốc xã đã thành công trong chương trình vũ khí hạt nhân mà nhà vật lý này có liên quan, Berg phải rút khẩu súng lục giấu sẵn xử tử Heisenberg ngay lập tức.

Suốt buổi diễn thuyết, Berg không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy Heisenberg đang ăn mừng chiến thắng. Ông cũng không nghe thấy bất kỳ gợi ý nào, dù mơ hồ, về một "siêu vũ khí" có thể xoay chuyển cục diện Thế chiến II. Sau hội nghị, Berg tiếp cận Heisenberg và cùng ông đi dạo qua những con phố tối, phủ đầy băng giá của Zurich. Trong cuộc trò chuyện, Heisenberg tỏ ra bi quan, tin rằng Đức đã thua. Berg quyết định tha mạng cho ông. Lựa chọn này sau đó được chứng minh là đúng: phe Đồng minh phát hiện rằng do nhiều vấn đề quan liêu và sai sót khoa học, Đức Quốc xã còn rất xa mới tạo ra được vũ khí hạt nhân.

Có một cuộc chiến bí mật từ hạt nhân đến AI -0
Nhà khoa học người Đức Werner Heisenberg.

Gần 8 thập kỷ sau, một nhà khoa học hạt nhân khác không may mắn như vậy. Tháng 11/2020, Mohsen Fakhrizadeh, nhân vật quan trọng trong chương trình hạt nhân Iran, bị ám sát trên một con đường vùng quê gần Tehran. Hung khí là một khẩu súng máy điều khiển từ xa, hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Dù Israel không nhận trách nhiệm, hầu hết các chuyên gia đều tin rằng cơ quan tình báo Mossad của Israel đứng sau vụ này. Fakhrizadeh chỉ là nạn nhân mới nhất trong chuỗi vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân Iran mà Israel được cho là đã thực hiện trong nhiều năm qua. Mặc dù Israel chưa công nhận trực tiếp, nhưng các quan chức Israel thường đưa ra các tuyên bố ngầm hoặc bóng gió về sự tham gia của họ trong các vụ ám sát này.

Theo Iskander Rehman, nhà khoa học chính trị cao cấp của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation (Mỹ), cả hai vụ việc nêu trên đều phản ánh một quan điểm chiến lược: đôi khi, việc loại bỏ một cá nhân có thể làm chậm đáng kể sự phát triển công nghệ của đối thủ. Washington cũng hiểu rõ điều này. Vài tháng sau hội nghị Zurich, chính phủ Mỹ khởi động Chiến dịch Paperclip, kế hoạch tuyệt mật và gây tranh cãi về mặt đạo đức, để đưa hơn 1.600 nhà khoa học hàng đầu của Đức Quốc xã sang Mỹ. Những bộ óc này sau đó đóng vai trò quan trọng trong công nghệ tên lửa, vũ trụ và cả vũ khí sinh học, hóa học của Mỹ.

Các sử gia Phương Tây cho rằng, sau chiến tranh, quân đội Liên Xô tập hợp khoảng 3.000 nhà khoa học, kỹ sư và chuyên gia Đức, cùng gia đình và tài sản của họ, đưa họ lên tàu sang phía Đông mà không cần giải thích hay cho phép phản đối. Đến cuối những năm 1940, hàng trăm nhà khoa học Đức, theo nhận định của Phương Tây, đã bị ép làm việc tại Viện A, một cơ sở bí mật gần Sukhumi, thuộc nước cộng hòa Georgia, để phục vụ chương trình hạt nhân của Moscow.

Có một cuộc chiến bí mật từ hạt nhân đến AI -0
Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học Iran Mohsen Fakhrizadeh.

Từ lĩnh vực hạt nhân đến AI

Khi thế giới bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới với những hệ lụy khó lường, được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của AI, lịch sử đầy biến động này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của yếu tố con người trong cuộc cạnh tranh quân sự - công nghệ. Trong cuộc đua toàn cầu nhằm phát triển trí tuệ nhân tạo tổng quát, việc giám sát chặt chẽ các cụm máy tính, kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và các mô hình ngôn ngữ lớn đóng vai trò quan trọng. “Tuy nhiên, yếu tố then chốt hơn cả là xây dựng một chiến lược chặt chẽ và thực dụng trong việc quản lý nhân tài AI”, ông Rehman nhận định.

Chiến lược này có thể được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính, không tách biệt mà bổ trợ lẫn nhau, bao gồm: bảo tồn nhân tài AI trong nước, thu hút nhân tài AI nước ngoài và “nhòm ngó”  nhân tài AI của đối thủ.

Theo tạp chí War on the rocks, một trong các ưu tiên hàng đầu của các cường quốc hiện nay là giữ chân, phát triển và bảo vệ nguồn nhân lực AI trong nước. Dù Mỹ vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhân tài quốc tế, nhưng lực lượng lao động trong nước lại quá mỏng để có thể cạnh tranh với đối thủ lớn nhất của họ: Trung Quốc.

Trong các bảng xếp hạng toàn cầu, hệ thống giáo dục Mỹ vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia công nghiệp phát triển khác, đặc biệt là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Theo báo cáo năm 2021 của Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về AI, Washington đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng trong lĩnh vực này. Mặc dù nhu cầu tuyển dụng kỹ sư phần mềm không còn cao như vài năm trước, họ vẫn là nhân tố không thể thiếu trong toàn bộ ngành an ninh quốc gia.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng sự thiếu hụt nhân lực STEM trong ngành công nghiệp quốc phòng hiện nay có thể khiến Mỹ bỏ lỡ một cơ hội tương tự "khoảnh khắc Sputnik", khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957, buộc Mỹ phải tập trung vào phát triển công nghệ để không bị tụt lại trong cuộc chạy đua khoa học và quân sự.

Trong khi đó, khoảng cách nhân tài AI giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục mở rộng. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào giáo dục đại học và sau đại học trong lĩnh vực AI. Các trường đại học nước này hiện đào tạo khoảng 50% số nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới, trong khi “thị phần” của Mỹ chỉ là 18%. Xu hướng này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực AI: ước tính vào năm 2026, số lượng tiến sĩ STEM tốt nghiệp tại Trung Quốc sẽ gấp đôi so với Mỹ.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều nhà khoa học AI Trung Quốc được đào tạo trong nước quyết định ở lại quê hương thay vì tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài. Điều này càng thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp AI trong nước. Một phần nguyên nhân là nhờ các chính sách của Bắc Kinh nhằm thu hút nhân tài trở về, với các gói đãi ngộ hấp dẫn như tiền thưởng và tài trợ nghiên cứu, tạo điều kiện cho họ thành lập các phòng thí nghiệm tại Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách an ninh Mỹ nhận thức rõ về mối đe dọa này. Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia vừa được ban hành nhấn mạnh sự cần thiết của việc đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình tuyển dụng và đào tạo nhân tài, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân. Một số chuyên gia đề xuất khởi động một chiến lược nhân tài khoa học - công nghệ toàn quốc mới, lấy cảm hứng từ Đạo luật Giáo dục Quốc phòng năm 1958, sáng kiến của chính quyền Tổng thống Eisenhower nhằm đối phó với cú sốc vệ tinh Sputnik năm 1957.

“Mặc dù những nỗ lực này rất đáng khích lệ, nhưng chúng sẽ cần nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ để phát huy hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ cần những giải pháp ngắn hạn và trung hạn để thu hẹp khoảng cách nhân tài AI với Trung Quốc”, ông Rehman nhận định.

Có một cuộc chiến bí mật từ hạt nhân đến AI -0
Nhà khoa học vũ trụ Tiền Học Sâm.

Cuộc chạy đua không có điểm dừng

Theo ông, việc Mỹ từng khai thác hiệu quả nhân tài nhập cư không có nghĩa là điều đó sẽ tự động tiếp tục trong tương lai, đặc biệt là khi các đối thủ cạnh tranh có chính sách thu hút nhân tài ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong khi các nước châu Âu, Canada và Úc đang tinh chỉnh chính sách nhập cư để chào đón nhân tài công nghệ, Mỹ vẫn đang phải vật lộn với một hệ thống thị thực bị đình trệ, thường xuyên bị cản trở bởi các cuộc tranh cãi chính trị và những hạn chế không cần thiết. Nếu không có những cải cách chính sách kịp thời, Washington có thể đánh mất lợi thế vốn có của mình trong việc thu hút những bộ óc xuất sắc nhất từ khắp nơi trên thế giới.

Một ví dụ về điều này là chương trình thị thực H-1B, vốn từ lâu đã là kênh quan trọng để đưa các chuyên gia công nghệ nước ngoài đến Mỹ. Tuy nhiên, với giới hạn 85.000 suất mỗi năm, không thay đổi đáng kể trong nhiều thập kỷ, nhiều ứng viên tài năng đã bị loại bỏ một cách ngẫu nhiên, thay vì được tuyển chọn dựa trên năng lực thực tế. Trong khi đó, các công ty công nghệ ở Trung Quốc và các nước khác sẵn sàng chào đón những nhân tài bị từ chối này, cung cấp cho họ mức lương cạnh tranh và cơ hội làm việc trong các dự án tiên phong.

Và mặc dù thường nói về việc trọng dụng nhân tài bất kể xuất thân, Mỹ từng phạm phải những sai lầm mà chính họ tự nhận là “ngu ngốc”, xuất phát từ nghi kỵ. Vào năm 1955, một trong những chuyên gia tài năng nhất thế giới về tên lửa và động cơ phản lực đã bị trục xuất khỏi Mỹ một cách đột ngột. Người đàn ông sinh ra ở Trung Quốc nhưng học tại Mỹ này phục vụ trong Ban cố vấn khoa học của chính phủ Mỹ, sau đó được cử đến Đức để thẩm vấn các nhà khoa học Đức Quốc xã hàng đầu như Werner Von Braun.

Bị buộc tội gián điệp một cách sai trái, ông cùng với vợ và hai đứa con sinh ra ở Mỹ thề rằng ông sẽ không bao giờ quay lại nước này nữa. Người đàn ông đó là Tiền Học Sâm, sau này trở thành cha đẻ của chương trình tên lửa đạn đạo và không gian của Trung Quốc. Câu chuyện này được coi là ví dụ điển hình cho thấy các chính sách nhập cư loại trừ quá mức của Mỹ có thể phản tác dụng. Bộ trưởng Hải quân Mỹ Dan Kimball sau này phàn nàn rằng trục xuất ông Tiền "là điều ngu ngốc nhất mà nước Mỹ từng làm".

Theo ông Rehman, vấn đề của Mỹ không chỉ nằm ở việc thu hút mà còn là giữ chân nhân tài. Rất nhiều sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ, nhưng sau khi tốt nghiệp, họ phải đối mặt với những rào cản phức tạp về thị thực và nhập cư. Nhiều người, dù muốn ở lại và đóng góp, buộc phải tìm kiếm cơ hội ở các quốc gia khác có chính sách linh hoạt hơn. Nếu không có một chính sách thông minh và hiệu quả để thu hút và giữ chân những bộ óc hàng đầu trong lĩnh vực AI, Mỹ có nguy cơ không chỉ bị tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh công nghệ mà còn mất đi lợi thế chiến lược quan trọng trong các ứng dụng quân sự và quốc phòng.

Trong khi Mỹ có nguy cơ tụt hậu, các đối thủ của họ, ví dụ Trung Quốc, nhận thức rõ tầm quan trọng của việc kiểm soát và thu hút nhân tài AI. Một minh chứng cho điều này là việc Bắc Kinh đã bắt đầu phát triển một nền tảng khổng lồ chạy bằng AI có tên 'Supermind' (Siêu trí tuệ) nhằm liên tục theo dõi hàng triệu chuyên gia công nghệ thông tin và nhà khoa học AI trên toàn thế giới.

Sự xuất hiện của các nền tảng giám sát dựa trên AI như "Supermind" của Trung Quốc cho thấy rằng Bắc Kinh không chỉ muốn giữ chân nhân tài mà còn tích cực theo dõi và khai thác các nhà khoa học AI trên toàn cầu. Điều này không chỉ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh công nghệ của Mỹ mà còn đặt ra câu hỏi về khả năng bảo vệ các cá nhân quan trọng trong cuộc đua AI.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.