Cơ quan đặc biệt Anh - Mỹ đặt tại đảo Cyprus?

Thứ Bảy, 16/04/2022, 11:10

Hoạt động giám sát mạng của Anh và Mỹ tại Trung Đông và những vùng lân cận được cho là đang diễn ra tại một căn cứ bí mật trên đảo Cyprus, như tiết lộ gần đây của tuần báo l’Espresso (Ý), nhật báo Sueddeutsche Zeitung (Đức), nhật báo Ta Nea (Hy Lạp) và kênh AlphaTV (Hy Lạp).

Vùng đất này chỉ có khoảng 1 triệu dân và đóng vai trò nhỏ trong các vấn đề quốc tế, nhưng lại là một nơi quan trọng để lắp đặt nhiều hệ thống giám sát đại trà, theo tiết lộ của “người thổi còi” Edward Snowden. 

Cơ quan giám sát của GCHQ

Báo The Guardian (cơ quan đầu tiên nhận được thông tin tiết lộ của Snowden) cho hay các hoạt động gián điệp mạng của Anh được thực hiện từ 2 địa điểm khác nhau trên đất Anh và “một địa điểm hải ngoại mà tờ Guardian sẽ không xác định”. Tờ Independent (Anh) cũng miêu tả về một “trạm giám sát mạng mật ở Trung Đông” chuyên đánh chặn một lượng lớn e-mail, các cuộc gọi thoại và lưu lượng web được truyền đi bởi các cáp quang dưới biển đi xuyên qua khu vực.

Tờ báo này cũng từ chối hé lộ địa điểm đó. Nhưng, địa điểm bí mật đó là Cyprus, một hòn đảo dài 240 km nằm ở phía Đông biển Địa Trung Hải. Khi chính quyền Anh trao trả độc lập cho Địa Trung Hải vào năm 1960, người Anh đã duy trì 2 căn cứ quân sự lớn ở đây, và giờ đây quốc đảo này được cho là nơi đang tồn tại những hoạt động gián điệp quốc tế quan trọng nhất của Trụ sở truyền thông chính phủ Anh (GCHQ).

Tin tức này được phơi bày trong bối cảnh Đức và các nước Tây Âu khác đang hết sức giận dữ trước những hoạt động giám sát quy mô lớn đối với công dân và các lãnh tụ chính trị của họ. Anh đối mặt với sức ép phải chấm dứt gián điệp đối với các hàng xóm Châu Âu (EU) thay mặt các cơ quan tình báo Mỹ.

Việc giám sát cũng là một vấn đề gây tranh luận ngay trong chính quyền Cyprus. Họ dựa vào tính bí mật các hoạt động do thám của Anh để tránh phải giải thích với các nước láng giềng, rằng tại sao các cơ quan tình báo Anh, Mỹ lại do thám họ từ những căn cứ đặt ngay trên lãnh thổ Cyprus. Việc giám sát mạng đã diễn ra tại trạm tình báo Ayios Nikolaos, một phần của Khu căn cứ chủ quyền phía Đông của Anh. Căn cứ tình báo tuyệt mật này được nhận dạng trên công cụ Google Earth, nhìn lờ mờ có thể thấy một cụm các tòa nhà, vài đĩa vệ tinh nghe lén, một hệ thống ăng-ten tìm hướng vô tuyến...

Những mục tiêu trong các hoạt động của tình báo từ Cyprus sẽ bao gồm lãnh đạo các chính phủ của tất cả các quốc gia xung quanh cùng các lãnh đạo cấp cao quân sự, doanh nghiệp và công chúng khác. Theo mô hình gián điệp của Anh và Mỹ ở những khu vực khác, Cyprus cũng bao gồm các cơ quan Liên hợp quốc, những tổ chức thương mại, các công ty tư nhân, các lực lượng cảnh sát, quân đội và những tổ chức chính trị.

Những tài liệu tình báo Anh do Snowden rò rỉ đã hé lộ một dự án của GCHQ có cái tên thật kêu “Thống trị mạng”. Theo báo Guardian, một chương trình gọi là “Tempora” đã cho phép GCHQ truy cập vào cáp mạng đi xuyên qua lãnh thổ, đánh chặn hàng trăm gigabyte dữ liệu mạng mỗi giây. Hoạt động đánh chặn này bao gồm những trang web thường xuyên có người truy cập, e-mail, tin nhắn tức thì, cuộc gọi và mật khẩu.

36-1.jpg -0
Bức không ảnh chụp trạm giám sát tình báo Ayios Nikolaos của GCHQ trên đảo Cyprus. Ảnh nguồn: Crytome.org.

Giải mật tài liệu của Snowden

Các tài liệu khẳng định rằng Anh hiện đang giám sát mạng còn nhiều hơn cả Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Dữ liệu cá nhân luôn có sẵn cho GCHQ từ mạng và lưu lượng di động đã tăng 7.000% chỉ trong vòng 5 năm. Phần lớn các hoạt động giám sát mạng đang diễn ra ở Cyprus. Trong số hàng ngàn tài liệu mà Snowden đã sao chép trước khi ông rời công việc tình báo và trở thành “người tố giác” là một tài liệu GCHQ ít người biết tới có manh mối về “địa điểm giám sát mạng nước ngoài” của cơ quan này.

Tài liệu đó đã được Snowden chuyển cho báo Bưu điện Washington. Báo cáo năm 2012 nói về giám sát mạng bao gồm một dự án mang tên Chiến dịch Mullenize, nó đề cập đến công việc giám sát mạng diễn ra ở 3 địa điểm, và nhiều công việc vất vả do một số cá nhân thực hiện. Nhân viên giám sát mạng có trụ sở ở “Benhall, Bude và Sounder”.

Những cái tên trên phù hợp với các địa điểm giám sát mạng đã được báo Guardian nhắc đến: trụ sở GCHQ, trạm của nó đặt ở Bude, và một địa điểm hải ngoại chưa xác định. Benhall là địa chỉ của trụ sở GCHQ, còn Bude là trạm quốc tế chính của Anh đặt ở Cornwall. Địa điểm thứ 3, “Sounder”, là một bí mật được giữ kín nhưng hóa ra nó là cái tên của cơ quan tình báo mật đối với các hoạt động ở Cyprus.

Cái tên Sounder đã được đề cập trong cuốn nhật ký của Tướng William Odom, người từng đứng đầu NSA, và nhà văn tình báo Mỹ-Matthew Aid đã khám phá ra nó trong các tài liệu lưu trữ của ông Odom. Cuốn nhật ký đó ghi lại cuộc thảo luận năm 1988 giữa ông Odom và giám đốc GCHQ - Peter Marychurch, lưu ý rằng Sounder là nằm ở Cyprus, và khẳng định rằng NSA “sẽ chia sẻ một phần chi phí”. Ông Matthew Aid xác nhận Sounder cụ thể là trạm tình báo Ayios Nikolaos.

Vương quốc Anh có vị trí chiến lược để giám sát mạng. Các tài liệu Snowden như đã được báo cáo bởi tờ nhật báo Süddeutsche Zeitung (Đức) tiết lộ GCHQ giám sát ít nhất 14 tuyến cáp biển chính đi qua đây. Còn có các tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương, châu Phi, Tây Âu và  Âu-Á mà GCHQ tiếp cận trên đất Anh. Tuy nhiên, Anh lại không có vị thế tốt cho vai trò gián điệp ở Trung Đông lâu dài. Câu trả lời là Cyprus.

Các tấm bản đồ cáp biển cho thấy Cyprus là trung tâm của nhiều tuyến cáp biển, khẳng định nơi này là địa điểm thuận tiện để gián điệp liên lạc Đông Địa Trung Hải và Trung Đông. Một số cáp kết nối Cyprus tới Israel và Syria, những mục tiêu rõ ràng của gián điệp Anh-Mỹ. Những tuyến cáp khác chạy từ Cyprus đến Lebanon, Cyprus đến Ai Cập, Cyprus đến Thổ Nhĩ Kỳ, Cyprus đến Hy Lạp và Ý và hơn thế.

Tuyến cáp chính SEA-ME-WE3 kết nối Đông Nam Á, Trung Đông và Tây Âu cũng đặt trên bờ đảo Cyprus. Tổng cộng có hàng chục cáp chiến lược đặt ở Cyprus. Quốc đảo này là một vị trí lý tưởng để giám sát các liên lạc ở Trung Đông và những quốc gia xung quanh.

Báo L’Espresso (Ý) hé lộ rằng theo hồ sơ Snowden về chương trình Tempora thì GCHQ đã khai thác 3 cáp ngầm có địa điểm hạ cánh ở Sicily: Fea, SeaMeWe3 và SeaMewe4. Vì Cyprus đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giám sát hàng loạt nhắm mục tiêu Trung Đông nên 14 tuyến cáp đã hạ cánh ở đảo này; Sicily đóng vai trò then chốt với 19 tuyến cáp mà điểm hạ cánh ở đảo Ý nằm giữa biển Địa Trung Hải: ngã tư cho hoạt động liên lạc mạng giữa EU, Bắc Phi, Trung Đông và Châu Á.

Mặt khác, SeaMewe3 và SeaMeWe4 có chủ nhân là tập đoàn viễn thông quốc tế bao gồm Telecom Italia Sparkle (Ý) cũng là đồng chủ nhân của nhiều cáp ngầm có các điểm hạ cánh ở Cyprus, như SeaMewe3, Lev Submarine System, Cadmos, MedNautilus Submarine System, Ugarit, Cios.

4 b.jpg -0
Những ăng-ten parabol khổng lồ có thể nhìn thấy từ xa của trạm Ayios Nikolaos trên đảo Cyprus.

Lợi ích liên tình báo Anh – Mỹ ở Cyprus

Telecom Italia Sparkle là công ty dính líu tới một vụ bê bối trốn thuế khá lớn bao gồm Gennaro Mokbel – doanh nhân Ý dính dáng đến các cơ quan tình báo Ý và cũng theo chủ nghĩa cực đoan cực hữu bị phạt tù 15 năm vì âm mưu gian lận thuế. Để được cấp quyền truy cập vào các tuyến cáp biển, cần phải có sự hợp tác từ các cơ quan quản lý viễn thông.

Ở Anh, GCHQ có mối quan hệ lâu năm với British Telecom nhằm cho phép các tuyến viễn thông được thiết kế sao cho mang lại tiện lợi cho hoạt động nghe trộm. Điều này cũng khiến Cyprus trở thành một địa điểm hoàn hảo cho việc giám sát của GCHQ. Chính phủ Anh trực tiếp quản lý Cyprus cho đến năm 1960. Kể từ đó, hiệp ước trao quyền độc lập đã bao gồm một điều khoản rất đặc biệt: tại mục 6 nêu rõ rằng giới chức Cyprus phải “tham vấn và hợp tác” với Anh đối với những quyết định viễn thông của hòn đảo.

Nói cách khác thì Cơ quan quản lý viễn thông do chính quyền đảo Cyprus làm chủ có nghĩa vụ pháp lý hỗ trợ chính phủ Anh, mà hiểu rộng ra là hỗ trợ cho các căn cứ tình báo Anh. Một số tuyến cáp biển thuộc sở hữu trực tiếp bởi Cơ quan quản lý viễn thông Cyprus (CYTA). Ông Lefteris Christou, phát ngôn viên của Cyta, phát biểu: “CYTA hoàn toàn tuân thủ luật pháp EU liên quan đến Bảo vệ dữ liệu các khách hàng, và không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào vi phạm pháp luật”.

Nên biết rằng các quy tắc về quyền riêng tư trong Chỉ thị bảo vệ dữ liệu EU (DPD) đã không áp dụng “các hoạt động liên quan đến an ninh công cộng, quốc phòng, an ninh quốc gia”. Các kỹ sư cáp biển nói rằng sự can thiệp cáp ngầm đã diễn ra sau khi một tuyến cáp nổi lên tại một trạm hạ cánh và di chuyển trên đất liền đến một trung tâm dữ liệu, từ đó kết nối với các mạng cáp khác.

Họ giải thích rằng cáp biển được sao chép ngay bên trong trung tâm dữ liệu bằng cách sử dụng bộ tách sợi quang thụ động. Một sợi cáp quang riêng biệt sẽ mang thông tin liên lạc bị can thiệp đến một trạm tình báo, trong trường hợp này chính là Ayios Nikolaos. NSA đặc biệt quan tâm tới khả năng giám sát của GCHQ.

Tài liệu của Snowden mô tả cách mà NSA tài trợ trực tiếp cho các dự án của GCHQ trong các hoạt động tình báo. Theo đó, năm 2010, NSA tài trợ số tiền tương đương 39,9 triệu USD chủ yếu cho dự án “Thống trị mạng” của GCHQ và phát triển địa điểm đánh chặn cáp biển của GCHQ tại Bude. Theo báo Guardian, tới năm 2011, NSA đã trả “nửa chi phí cho một trong các khả năng nghe trộm chính của Anh ở Cyprus”.

Đây không phải là lần đầu tiên. Khi cuộc khủng hoảng tài chính buộc Anh phải rút lực lượng khỏi “Đông Suez” và đóng cửa nhiều căn cứ trên thế giới, chính phủ Anh đã tìm cách đóng các căn cứ trên đảo Cyprus. Trong quá khứ, năm 1974, Chính phủ Mỹ khẳng định rằng các căn cứ ở Cyprus sẽ mở cửa và nhất trí trả tiền để duy trì chúng. Sau đó đến năm 1988, nhật ký của giám đốc NSA, Tướng William Odom, đã ghi lại nhiều khoản tiền tài trợ của Mỹ, một ngày trùng với việc mở rộng sang đánh chặn liên lạc vệ tinh tại trạm Ayios Nikolaos.

Tài liệu gần đây của GCHQ đề cập đến tương lai các hoạt động ở Cyprus có đề cập rằng các hoạt động trên đảo vẫn duy trì nguồn lực và trang bị nhằm gắn chặt với mối quan hệ lành mạnh với các khách hàng Mỹ”. Theo một tài liệu của Snowden và được các nhà báo của nhật báo Süddeutsche Zeitung đọc, thì các viên chức tình báo Mỹ cũng đóng tại các căn cứ của Anh trên đảo Cyprus.

Tài liệu trên cho hay rằng viên chức tình báo Mỹ được yêu cầu ăn mặc như khách du lịch vì Anh hứa với chính phủ Cyprus rằng chỉ có nhân viên Anh mới làm việc ở đó. Văn phòng báo chí của GCHQ trả lời câu hỏi không chuẩn về hoạt động giám sát ở Cyprus: “Chính sách thường trực lâu dài là chúng tôi không bình luận về các vấn đề tình báo”.

Điều này đi kèm với vai trò dài hạn của GCHQ nhắm vào thu thập tình báo Trung Đông và đóng góp cho liên minh tình báo do NSA dẫn đầu. Liên minh tình báo Anh - Mỹ đang điều phối các hoạt động Trung Đông từ 2 trung tâm tình báo khổng lồ: Tổng hành dinh GCHQ ở Anh và trung tâm tình báo khu vực của NSA đặt ở Fort Gordon, phía Nam tiểu bang Georgia (nơi nổi tiếng với tên gọi “NSA-G”).

Cả 2 trung tâm tình báo trên được cho là nơi làm việc của hàng trăm nhà phân tích, họ nói các ngôn ngữ Trung Đông và các ngôn ngữ xung quanh. Họ kết nối thời gian thực đối với dòng chảy các cuộc gọi công cộng bị đánh chặn và tin nhắn bị thu giữ bởi những địa điểm nghe lén trong khu vực. Tuy nhiên, địa điểm nghe lén chiến lược vẫn là đảo Cyprus, nhưng nơi này vẫn bị che giấu, do đó ảnh hưởng của hoạt động gián điệp ở Cyprus đối với nền chính trị các quốc gia Trung Đông vẫn chưa được hiểu biết rộng rãi.

Phan Bình (Tổng hợp)
.
.