“Con chuột chũi” khổng lồ trong lòng FBI
Thuật ngữ “chuột chũi” dùng để chỉ những nội gián, những nhân viên của một cơ quan tình báo nhưng đã được đối phương tuyển mộ để cung cấp tin tức bí mật cho mình. Vụ bắt giữ Aldrich Ames vào năm 1994 là một trường hợp như vậy. Là sĩ quan CIA phụ trách lĩnh vực phản gián chống Liên Xô, từ 1985 đến lúc bị bắt, Ames liên tục bán các tài liệu tuyệt mật của Mỹ cho KGB để đổi lấy số tiền 2,5 triệu USD.
Sau khi Ames bị bắt giữ, Nhà Trắng và lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ nhận thấy các tài liệu tuyệt mật của Mỹ vẫn tiếp tục bị tuồn cho phía Liên Xô, hiển nhiên rằng vẫn còn ít nhất một kẻ nội gián nữa đang ẩn náu ở đâu đó trong guồng máy của CIA hoặc FBI. Đây chính là điểm khởi đầu cho một quá trình điều tra để có thể bắt giữ Robert Hanssen, “con chuột chũi” thứ hai đã ẩn nấp nhiều năm trong guồng máy của FBI.
Cuộc truy lùng kẻ phản bội
Theo yêu cầu của Nhà Trắng, một nhóm hỗn hợp các đặc vụ của cả CIA và FBI đã được thành lập để truy lùng kẻ phản bội thứ hai ngoài Aldrich Ames. Thời gian đầu đã có những cuộc đụng độ gay gắt và những cơn nóng giận giữa hai cơ quan CIA và FBI, xuất phát từ những khác biệt giữa hai bên. Sau một thời gian, sự hợp tác cũng dần trở nên tốt đẹp hơn.
Nhóm chuyên án CIA-FBI cuối cùng cũng đã khoanh vùng một nghi phạm để hướng cuộc điều tra tập trung vào đó: Brian Kelley, một sĩ quan phản gián, đã gia nhập hàng ngũ CIA khá lâu sau khi phục vụ trong không lực Mỹ. Anh này làm việc trong bộ phận chống gián điệp Nga và có những đặc điểm hoàn toàn trùng khớp với tên gián điệp giấu mình trong các cơ quan tình báo Mỹ mà nhóm chuyên án đã dựng hồ sơ và truy tìm từ nhiều năm.
Dịp may hiếm có khi FBI thu được hai tang vật quý báu: cuộn băng ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện giữa “kẻ phản bội thứ hai” với sĩ quan KGB và một túi đựng rác giấu tài liệu mà kẻ phản bội này chuyển cho những ông chủ.
Nhóm chuyên án tràn trề hy vọng rằng họ sẽ nghe thấy giọng của Brian Kelley trên đoạn băng ghi âm, nhưng thực tế đã hoàn toàn ngược lại. Khi một sĩ quan phản gián cao cấp của FBI nghe đoạn băng ghi âm, đột nhiên anh ta đứng phắt dậy và ném tai nghe xuống bàn, anh ta đã nhận ra giọng nói này và nó không phải là của Kelley. Vào cuối năm 2000, Giám đốc FBI đến thăm trụ sở CIA và thông báo kết quả mới nhất về “cuộc săn chuột chũi”, FBI đã xác định được danh tính của điệp viên hai mang bí ẩn này, anh ta cũng sống ở Vienna, Virginia, gần nơi ở của Kelley, đó là một đặc vụ FBI có tên là Robert Hanssen.
Ngày 18-2-2001, 7 năm sau khi Rick Ames bị bắt, Robert Hanssen để lại gói tài liệu bí mật thứ 22 cho người Nga tại khu rừng trong công viên gần nhà anh ta. Ngay khi rời khỏi khu rừng, anh ta bị FBI bắt giữ. Vào thời điểm bắt giữ Hanssen, FBI đã biết chắc chắn rằng anh ta là một kẻ phản bội, một đặc vụ bị tình báo Liên Xô mua chuộc để làm gián điệp cho họ nhưng FBI lại không hề biết gì về cuộc đời nhiều góc khuất tối tăm và đầy ẩn ức của con người này.
Chân dung kẻ nội gián
Hassen sinh năm 1944 trong một gia đình trung lưu ở Chicago. Cha anh ta, Howard Hanssen là cựu sĩ quan cảnh sát và vợ anh ta, Bonnie Wauck, một phụ nữ Công giáo sùng đạo. Gia nhập FBI vào năm 1976, sau một thời gian làm ở văn phòng FBI tại Indianapolis, Hanssen chuyển về làm tại bộ phận phản gián chống Liên Xô ở New York và Washington cho tới khi bị bắt.
Tuổi ấu thơ của Hassen là chuỗi ngày bị sỉ nhục và bạo hành bởi người cha và anh mình. Ngay cả khi Hassen đã trưởng thành, cha anh ta vẫn không ngừng giễu cợt và rêu rao khắp nơi rằng anh ta sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì. Giống như rất nhiều trường hợp khác, vết thương tâm lý mà người cha đã gây ra là một trong những nguyên nhân đã đẩy Hassen đến việc cộng tác với kẻ thù của đất nước mình (như một cách để chứng tỏ năng lực bản thân). Ở FBI, các đặc vụ đã đặt cho Hassen biệt danh là “bác sĩ tử thần” bởi anh ta luôn vận đồ đen, giọng nói lầm bầm và một thái độ lầm lì đáng sợ và khó gần.
Hassen là một kẻ đa nhân cách, mặc dù hay mắng mỏ các đồng nghiệp về việc ghé thăm các quán bar với những cô gái để ngực trần, nhưng anh ta lại thường xuyên lẻn đi một mình đến các câu lạc bộ thoát y ở Washington, tại đây anh ta đã gian díu với một vũ nữ tên là Priscilla Sue Galey, dùng tiền do KGB cung cấp để mua xe Mercedes cho cô và dẫn cô đi du lịch Hong Kong. Không chỉ đến các câu lạc bộ thoát y, Hanssen còn hướng đến những thú vui tình dục bệnh hoạn khác, lắp camera trong nhà để bạn thân là Jack Hoschouer xem mình và vợ làm tình rồi thậm chí cấp thuốc kích dục để anh này làm tình với vợ mình.
Theo các chuyên gia tâm lý, tất cả những biến thái này đều là hệ quả của những tổn thương tâm lý lúc nhỏ làm phát sinh niềm khao khát được chứng minh sức mạnh nam tính và mong muốn gia nhập câu lạc bộ của những kẻ “có đẳng cấp” với những nghi thức đặc biệt của riêng mình.
Sau khi bị bắt, Hanssen đã khai, giống như Rick Ames, ban đầu anh ta chỉ muốn tiếp xúc một lần duy nhất để bán tài liệu và nhanh chóng kiếm được một món tiền trả nợ. Vụ mua bán đầu tiên này liên quan đến tên tuổi một điệp viên của Mỹ đã thâm nhập sâu vào cơ quan tình báo Liên Xô là Đại tá Dmitriy Polyakov của GRU. Đây là nguồn cung cấp tin có giá trị nhất của Mỹ liên quan tới những hoạt động quân sự của Liên Xô. Đang tận hưởng tháng ngày sau khi vừa mới nghỉ hưu, Polyakov nhanh chóng bị bắt giữ và lĩnh án tử hình.
Một ngày nọ, Bonnie Hanssen phát hiện chồng mình đang bí mật viết một lá thư. Nghi ngờ anh ta có bạn gái, Bonnie nổi cơn điên, Hanssen trấn an cô bằng cách nói ra hết sự thật, lá thư này là để gửi cho GRU, những người đang trả lương cho anh ta. Anh ta thề rằng những thông tin anh ta đem bán đều vô bổ, nhưng đó là cơ hội để kiếm thêm thu nhập mà gia đình đang rất cần.
Bonnie Hanssen đã gọi điện cho một vị linh mục. Vị linh mục hứa giữ kín câu chuyện, đã khuyên Hanssen dừng lại và hãy đem số tiền bất chính đã kiếm được đóng góp cho một tổ chức từ thiện tại Washington. Mọi chuyện kết thúc trong yên ả, những ngày tháng làm nội gián ở FBI dường như đã được Hanssen bỏ lại phía sau.
Tháng 10-1985, một lần nữa Hanssen lại tình nguyện làm gián điệp, nhưng lần này làm cho KGB (Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô). Anh ta đã gửi một bức thư, ký duy nhất một chữ “B” cho Viktor Cherkashin, người đứng đầu Văn phòng KGB ở Đại sứ quán Liên Xô tại Mỹ. Hanssen ra giá 100.000 USD để đổi lấy tên 3 người Liên Xô đang bí mật cộng tác với FBI: Sergey Motorin, Valeriy Martynov và Boris Yuzhin. Nhưng vụ việc này thì Rick Ames, gián điệp của KGB đang nằm vùng ở CIA đã ra tay trước Hanssen, anh ta đã cung cấp 3 cái tên này cho KGB trước đó 4 tháng. Tuy vậy thông tin này cũng đã có tác dụng củng cố lòng tin của KGB về nguồn cung cấp tin bí ẩn mới xuất hiện này.
Trong 6 năm tiếp theo, Hanssen không bao giờ lộ diện và từ chối mọi cuộc tiếp xúc với người của KGB ở bất cứ đâu ở bên trong hay ngoài nước Mỹ. Một đồng nghiệp nằm ở bên kia chiến tuyến, Oleg Gordievsky, viên sĩ quan tình báo đào tẩu khỏi KGB đã nhận xét: “Yếu tố quan trọng nhất bảo đảm cho sự sống sót của Hanssen với tư cách một điệp viên, đó là quyết định không gặp mặt trực tiếp bất kỳ ai đến từ KGB”.
Trong 6 năm, Hanssen đã chuyển cho KGB hàng loạt những tài liệu quan trọng, không chỉ liên quan tới FBI mà còn tới tất cả các bộ phận của cộng đồng tình báo Mỹ. Vào cuối năm 1991, Hanssen đột ngột ngừng liên lạc với người Nga. Anh ta nhận lời làm gián điệp cho một cơ quan tình báo của một quốc gia khác.
Mặc dù SVR (Cơ quan tình báo nước ngoài dân sự của Nga), ngay sau khi thành lập đã tìm cách liên hệ và cam kết tiếp tục chi trả để mua thông tin của Hanssen, nhưng hàng loạt những kẻ đào tẩu khỏi KGB đang tìm đến các nước Phương Tây, rất có thể một trong số họ sẽ mách nước cho FBI về tên gián điệp ẩn danh đang trà trộn trong hàng ngũ FBI. Sau khi cân nhắc, Hassen đã quyết định tránh mọi nguy cơ dù là nhỏ nhất. Trong khoảng thời gian 8 năm sau đó anh ta đã dừng mọi liên lạc với SVR.
Cú “tát vét” và 15 bản án tù chung thân
Vào cuối thập niên 90, khi chỉ còn vài năm nữa là sẽ phải về hưu, với 6 đứa con, Hanssen biết rằng mình sẽ cần đến khá nhiều tiền để chu cấp cho con cái và để dưỡng già, vì thế anh ta đã tìm cách liên lạc lại với SVR. Giai đoạn cuối này, Hanssen làm việc ở văn phòng, gắn với mạng máy tính nhiều hơn là với các hoạt động ngoài thực địa cùng các đặc vụ khác, và anh ta thực sự đã trở thành một chuyên gia hàng đầu về tin học ở FBI.
Trước khi tiếp xúc với SVR, sử dụng những kỹ năng thành thạo của một tin tặc, Hanssen đã thâm nhập toàn bộ hệ thống thông tin lưu trữ của FBI, tìm kiếm những gì liên quan tới mình, vị trí hoạt động và tên tuổi của các đặc vụ chống gián điệp của KGB để có thể phát hiện ra những dấu hiệu đáng ngờ hoặc các nguy cơ tiềm năng. Kết quả những cuộc tìm kiếm trên hệ thống thông tin của FBI khiến Hanssen rất vững tâm. Cấp trên hoàn toàn không nghi ngờ gì anh ta và họ đang tập trung mọi nỗ lực để điều tra một sĩ quan CIA.
Mùa thu năm 1999, Hanssen liên hệ lại với SVR. Từ lúc đó cho đến khi bị bắt, trong một quãng thời gian khá ngắn, Hanssen đã kịp chuyển cho người Nga 26 đĩa vi tính, 27 lá thư và 22 túi tài liệu chứa những bí mật tình báo quan trọng nhất, đổi lại anh ta đã nhận được 600.000 USD tiền mặt và kim cương cùng 800.000 USD gửi vào một tài khoản ký quỹ.
Sau khi bị bắt, để tránh án tử hình, Hanssen đã ký thỏa thuận với chính phủ và đồng ý hợp tác. Tháng 7- 2001, anh ta nhận 15 tội danh làm gián điệp. Tháng 5 năm sau, Hanssen bị kết án đồng thời 15 bản án tù chung thân và không được ân xá. Hiện nay anh ta đang thụ án tại nhà tù liên bang gần Florence, Colorado, cùng với những người bạn tù khét tiếng như “người bom” Ted Kaczynski, thủ phạm đánh bom thành phố Oklahoma - Terry Nichols và Ramzi Yousef - kẻ gây ra vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993.