“Cơn địa chấn” rò rỉ tài liệu mật giữa Mỹ và đồng minh

Thứ Hai, 17/04/2023, 13:00

Một vụ rò rỉ tài liệu mật mới đây của Lầu Năm Góc cho thấy Mỹ đang theo dõi các nước đồng minh, khiến các đối tác của Washington lo lắng và gây ra loạt bất đồng ở nhiều nước. Các quan chức Mỹ hiện đang ra sức trấn an các nước đồng minh, kể cả Ukraine.

Tài liệu mật bị rò rỉ chứa những gì?

Israel, Hàn Quốc, Ukraine và các đồng minh khác của Mỹ đã công khai phản ứng trước vụ rò rỉ tin tình báo mật được cho là từ Lầu Năm Góc. Một loạt hơn 100 tài liệu mới, ghi lại các hoạt động tình báo ở Hàn Quốc, Canada, Ukraine và Israel, đã được đăng trên Twitter vào ngày 7/4/2023. Trước đó, hơn 50 tài liệu mật khác đã bị “rò rỉ”.

image001.jpg -0
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (trái) cùng Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksi Reznikov, tại Brussels hồi tháng 2-2023.

Các tài liệu mật này ghi rõ tình hình cuộc xung đột ở Ukraine và đã được phát hiện trên các trang web trò chơi. Các quan chức người Mỹ tin rằng hầu hết các tài liệu bị rò rỉ là thật. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ chỉ ra rằng một số tài liệu đã bị chỉnh sửa. Nhiều khả năng đã bị chỉnh sửa số lượng thương vong của quân đội Nga và Ukraine. Nếu những tài liệu bị rò rỉ trên mạng là sự thật, thì đây là vụ rò rỉ tài liệu mật lớn nhất của Mỹ kể từ năm 2013.

Trong quá khứ, cựu điệp viên CIA và NSA, ông Edward Snowden, đã làm rò rỉ hàng nghìn tài liệu mật cho thấy Mỹ có ý tưởng giám sát hoạt động của các nước trên thế giới. Mặc dù lần này lượng thông tin bị rò rỉ giảm đi nhiều nhưng lại mang tính thời sự, xảy ra ngay từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 vừa qua.

Các cơ quan an ninh quốc gia và Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra sự việc để đánh giá mức độ thiệt hại đối với an ninh quốc gia và mối quan hệ với các đồng minh và các quốc gia khác, kể cả Ukraine. Các tài liệu xuất hiện trên các trang mạng xã hội bao gồm Discord, một nền tảng nhắn tin tức thời khá phổ biến dành cho game thủ, nền tảng nhắn tin trực tuyến 4Chan, ứng dụng nhắn tin toàn cầu Telegram và Twitter. Mặc dù các tài liệu chỉ mới thu hút sự chú ý của công chúng trong vài ngày gần đây, nhưng trang web điều tra nguồn mở Bellingcat cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy các tài liệu, hoặc ít nhất là một số trong số đó, đã xuất hiện trên mạng xã hội kể từ đầu tháng 3 hoặc thậm chí là từ tháng 1 năm nay.

Các tài liệu được đánh dấu là “Mật” hoặc “Tuyệt mật” bao gồm các slide tóm tắt nhạy cảm về tình hình chiến sự ở Ukraine vào tháng 2 và tháng 3 năm nay. Hôm 10/4, Lầu Năm Góc cho biết các tài liệu này có vẻ giống với các bản cập nhật hàng ngày được cung cấp cho các quan chức cấp cao của Mỹ cũng như các bản cập nhật tình báo khác, mặc dù dường như có một số điểm không chính xác. Các tài liệu này được đánh dấu phân loại là NONFORN, nghĩa là không được phép chia sẻ các tài liệu này với các cơ quan tình báo nước ngoài. Các tài liệu được đánh dấu FVEY (Five Eyes) là trường hợp ngoại lệ. Các tài liệu này đề cập đến các dịch vụ gián điệp của các quốc gia nói tiếng Anh là Canada, Anh, Australia và New Zealand. Các tài liệu được đánh dấu phân loại như vậy sẽ được hàng nghìn người có quyền kiểm tra an ninh nhìn thấy. Nhưng, vì không phải tất cả các tài liệu đều được đánh dấu FVEY, nên các quan chức Hoa Kỳ tin rằng người làm rò rỉ tin mật có thể là người Mỹ.

Một số tài liệu cũng được đánh dấu FISA, nghĩa là chúng được thu thập theo Đạo luật Giám sát Tình báo nước ngoài, luật chi phối việc giám sát thông tin điện tử của Hoa Kỳ. Các quan chức Mỹ vẫn chưa biết làm thế nào mà các tài liệu mật bị tung lên mạng. Hình ảnh các tài liệu bị nhàu nát đăng trên các trang mạng xã hội cho thấy chúng có thể đã được gấp lại để che giấu và sau đó mang ra khỏi khu vực tối mật để cất giữ và chụp ảnh.

Các tài liệu bị rò rỉ chứa nhiều chủ đề mà các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ quan tâm, bao gồm: Ukraine: Những thông tin chi tiết về các cuộc không kích của Ukraine, những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của nước này và thậm chí cả quy mô của một số đơn vị quân đội Ukraine. Nhóm Wagner: Mô tả về một số nỗ lực tiếp cận của nhóm lính đánh thuê Nga, đáng chú ý là các “đầu mối liên hệ” của Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức Chính phủ Haiti và sự hiện diện ngày càng tăng của tổ chức này ở Mali. Trung Đông: Các cập nhật liên quan đến hoạt động hạt nhân của Iran cũng như thông tin về cuộc đàm phán giữa Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Nga để xây dựng trung tâm bảo trì một số loại vũ khí. Trung Quốc: Dự báo về phản ứng của Trung Quốc trước các cuộc tấn công của Ukraine bên trong Nga, cũng như những thông tin chi tiết về các kế hoạch của Anh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. CHDCND Triều Tiên: Những thông tin chi tiết về các vụ thử phóng tên lửa do Bình Nhưỡng tiến hành và bản đánh giá cuộc duyệt binh hồi tháng 2 có khả năng đã đánh giá quá cao mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đối với Mỹ. Nam Mỹ: Những thông tin về kế hoạch thăm Moscow vào tháng 4 sắp tới của các quan chức Brazil để thảo luận về kế hoạch hòa giải ở Ukraine. Châu Phi: Một bản đánh giá cho rằng Pháp có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu an ninh ở Tây và Trung Phi.

Phản ứng của các nước

Ngoài ra, một phần lớn thông tin bị rò rỉ có liên quan đến Israel. Báo cáo của Lầu Năm Góc vào ngày 1/3 đã đề cập đến việc các thành viên cấp cao của Cơ quan tình báo Mossad của Israel đã khuyến khích nhân viên và người dân nước này ủng hộ các cuộc biểu tình chống lại cải cách pháp lý do Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu triển khai. Báo cáo không nói rõ các đại diện của cơ quan đặc nhiệm Israel đã hành động như thế nào, nhưng cần lưu ý rằng thông tin về vụ việc này đã được thu thập thông qua các tin tình báo điện tử.

Tờ “The New York Times” cho rằng thông tin này chưa chắc đã đúng vì Cơ quan tình báo Mossad của Israel “chủ yếu quan tâm đến tình báo nước ngoài và cơ quan có các quy tắc cấm nhân viên tham gia vào các hoạt động chính trị”. Tuy nhiên, một số nhân viên của Mossad đã viết yêu cầu tham gia các cuộc biểu tình.

Văn phòng Thủ tướng Israel đã đưa ra một tuyên bố cho rằng “công bố trên báo chí nước Mỹ là hoàn toàn vô lý và sai sự thật”. Tuyên bố còn nhấn mạnh rằng cơ quan đặc nhiệm của Israel và các nhân viên cấp cao của họ “không khuyến khích và không ủng hộ nhân viên Mossad tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ hay các cuộc biểu tình cũng như bất kỳ hoạt động chính trị nào khác”.

Một tài liệu bị rò rỉ khác có tiêu đề “Israel: Con đường cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine” đã không nhận được phản hồi chính thức từ Chính phủ Netanyahu. Tài liệu mật này cho rằng Israel “có thể sẽ xem xét việc cung cấp viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine dưới áp lực ngày càng tăng từ Mỹ hoặc sự xuống cấp rõ ràng trong mối quan hệ với Nga”. Tài liệu mật mô tả 4 kịch bản có thể xảy ra, trong đó khả năng cao nhất theo mô tả của Washington là “mô hình Thổ Nhĩ Kỳ”, trong đó Israel sẽ bán các hệ thống phòng không của mình cho Ukraine thông qua một nước thứ 3, sau đó công khai đưa ra các nỗ lực hòa giải để giải quyết xung đột.

Lúc đầu, Seoul đã phản ứng kiềm chế trước vụ rò rỉ tin mật. Một đại diện của Tổng thống Hàn Quốc đã thông báo ý định thảo luận với Washington về các nghi vấn xoay quanh vụ rò rỉ tin mật này. Korea Herald trích lời một quan chức cấp cao nói với các phóng viên rằng thông tin trong các tài liệu bị rò rỉ là “chưa được xác nhận” và việc xác minh sự thật nên đặt lên hàng đầu. Ông không loại trừ khả năng dữ liệu trong các báo cáo là do bên thứ 3 bịa đặt, vì có liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

Các tài liệu mật bị công bố trên Internet cho thấy các cơ quan đặc nhiệm của Mỹ có thể đã nghe lén thông tin của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Trong tài liệu mật trình bày chi tiết cuộc trò chuyện giữa hai thành viên cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc, thảo luận về yêu cầu cung cấp đạn dược của Washington. Các quan chức Hàn Quốc lo ngại rằng sau đó Mỹ có thể chuyển số đạn dược này đến Ukraine, điều này sẽ vi phạm chính sách của Seoul về việc không cung cấp viện trợ quân sự cho các quốc gia đang diễn ra xung đột vũ trang.

Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ rò rỉ tin mật, vì các tài liệu mật tiết lộ những điểm yếu quan trọng trong lực lượng phòng không của Ukraine, cũng như các vấn đề về vũ khí, quân số và khả năng sẵn sàng tác chiến của các đơn vị trước một cuộc phản công có kế hoạch. Thông tin rò rỉ cho thấy Washington đã nghe lén các cuộc đối thoại của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

CNN trích dẫn một nguồn tin thân cận với Tổng thống Ukraine cho biết Kiev không ngạc nhiên về vụ gián điệp nhưng thất vọng vì các tài liệu mật bị công khai. Nguồn tin cũng cho biết Ukraine đã phải điều chỉnh một số kế hoạch quân sự do thông tin bị rò rỉ. Tuy nhiên, người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhaylo Podoliak, đã viết trên kênh Telegram của mình rằng các tài liệu bị rò rỉ “không liên quan gì đến kế hoạch thực tế của Ukraine” và cáo buộc Nga dàn dựng một “vụ rò rỉ giả”.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã đáp trả cáo buộc này, cho rằng “bị coi là có liên quan trong mọi việc, mọi lúc, mọi nơi và đổ lỗi mọi thứ cho Nga là một xu hướng chung, một căn bệnh chung”.

Washington muốn trấn an Ukraine bằng sức mạnh của liên minh và sự ủng hộ của Mỹ sau vụ rò rỉ tài liệu mật đáng xấu hổ. Trước tiên là ông Anthony Blinken, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, đã gọi điện cho người đồng cấp Ukraine Dmytro Kouleba để nói về vụ việc và để đảm bảo sự ủng hộ vững chắc của Mỹ đối với Ukranie. Tiếp theo đó, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Ukraine Oleksi Reznikov. Sau cuộc điện đàm, ông tuyên bố rằng lực lượng quân đội Ukraine có “những năng lực cần thiết để tiếp tục đạt được thành công”.

Trong các tài liệu mật bị rò rỉ của Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ không che giấu được những nghi ngờ và lo ngại về khả năng quân sự của Ukraine, không phải để tự vệ như cách Ukraine đã thành công từ một năm trước, mà để thực hiện cuộc phản công đã được công bố nhằm giúp lực lượng quân đội Ukraine giành lại lãnh thổ ở phía Đông hoặc phía Nam nước mình từ tay lực lượng quân đội Nga.

“Cơn địa chấn” rò rỉ tài liệu mật giữa Mỹ và đồng minh -0
Những bản chụp được cho là tài liệu mật bị tiết lộ.

Tác động của vụ rò rỉ

Liên minh Tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) gồm Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và Anh, được thành lập với mục đích chia sẻ dữ liệu thông tin tình báo giữa các quốc gia trong nhóm, cũng lo ngại về tình hình vụ việc, CNN đưa tin, dẫn lời hai đại diện của cơ quan tình báo các nước này. Một người trong số đó nói rằng Mỹ nên chia sẻ đánh giá của mình về tác hại do vụ rò rỉ tin mật gây ra đối với các thành viên liên minh trong những ngày tới, khi Mỹ tiến hành cuộc điều tra riêng và cố gắng xác định xem liệu có vụ rò rỉ nào từ phía Mỹ hay không. Một người đối thoại khác của kênh truyền hình CNN nói rằng việc tiết lộ thông tin về Ukraine là việc đáng báo động.

Sky News Australia dẫn lời một quan chức tình báo Australia đã đưa tin rằng vụ rò rỉ này có thể trở thành cơn ác mộng đối với Five Eyes.

Đồng thời, các tài liệu bị rò rỉ cũng cho thấy Mỹ đã lấy được thông tin về đồng minh Canada, vi phạm thỏa thuận giữa các cộng đồng tình báo của 5 quốc gia trong nhóm này. Tài liệu mô tả vụ tấn công do tin tặc Nga thực hiện nhằm vào một công ty đường ống dẫn khí đốt của Canada vào đầu năm 2023, gây ra thiệt hại đáng kể. The Globe and Mail lưu ý rằng vụ tấn công chưa từng được công khai. Trước thông tin này, nhân viên báo chí của Bộ An ninh Công cộng Canada, bà Audrey Champoux, cho biết: “Canada có một chương trình chia sẻ thông tin tình báo mạnh mẽ với Mỹ, Anh, Australia và New Zealand [...] và sẽ tiếp tục hợp tác với họ”. Bà từ chối xác nhận hoặc phủ nhận tính chính xác của thông tin bị rò rỉ.

Mộc Thạch (Tổng hợp)
.
.