“Công ước Bắc Kinh” đã được ký kết như thế nào?

Chủ Nhật, 28/08/2022, 12:15

Giữa thế kỷ 19, nhà Thanh đã có những tháng ngày đen tối: đất nước nằm trong vòng cương tỏa của Khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (do lãnh tụ Hồng Tú Toàn lãnh đạo nông dân và chí sĩ quần hào vùng lên chống lại Thanh triều.

Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc cận đại và cũng là cuộc khởi nghĩa đẫm máu nhất thế kỷ 19) trực tiếp chống lại sự chiếm đóng của ngoại bang và ách cai trị của triều Mãn Thanh; cùng lúc đó, trong 2 cuộc chiến tranh nha phiến, Trung Quốc chịu sức ép cực lớn từ các cường quốc phương Tây đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng kinh tế của họ.

Những lực lượng quân sự Anh và Pháp được vũ trang và huấn luyện tốt hơn đã đánh bại quân nhà Thanh và vào đầu tháng 10 năm 1860, họ đã đứng trước cổng thành Bắc Kinh, sẵn sàng giày xéo kinh thành. Chính trong thời khắc lâm nguy ấy, thành Bắc Kinh đã được cứu bởi một đặc phái viên Nga, Thiếu tướng Nikolai Ignatiev. Việc Đại sứ Nga dưới thời Sa hoàng Alexander Đệ nhị, Nikolai Ignatiev, ra tay giải cứu những người dân Bắc Kinh có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ đối với Trung Quốc mà còn toàn bộ vùng Viễn Đông nước Nga.

11-1.jpg -0
Ảnh vẽ Thiếu tướng Nga Nikolai Ignatiev, người đã có công cứu kinh thành Bắc Kinh và vùng Viễn Đông thoát họa tàn phá của liên quân Anh – Pháp. Ảnh nguồn: Wikipedia.

Dấu ấn vùng Viễn Đông

Đặc phái viên Nikolai Ignatiev được triều đình Sa hoàng Alexander Đệ nhị phái tới Trung Quốc với một nhiệm vụ hầu như bất khả thi: một tay ráng thuyết phục Trung Quốc đồng ý hoàn thành các điều khoản của Hiệp ước phân chia lãnh thổ đã ký kết với Nga trước đây. Vào giữa thế kỷ 19, lợi dụng tình hình suy yếu của người hàng xóm phía Nam, Nga đã tăng cường củng cố những vị trí quan trọng của mình tại Viễn Đông.

Năm 1858, tại thành phố Ái Huy, người Nga đã ký một thỏa thuận với nhà Thanh, theo đó đã xác định đường biên giới giữa 2 đế quốc là nằm dọc theo Hắc Long Giang cho đến điểm xa nhất là sông Ô Tô Lý (Đông Bắc Trung Quốc và phía Nam Viễn Đông của Nga). Riêng vấn đề ranh giới lãnh thổ từ sông Ô Tô Lý sang duyên hải Thái Bình Dương đã được dời sang một ngày khác và sẽ quyết định sau đó.

Tuy nhiên, Thanh Vân Tông Hàm Phong đã ngó lơ Hiệp ước Ái Huy, đồng thời nhà vua cả giận mà biếm chức hàng loạt quan đại thần đã ký hiệp ước này. Bút phê của vua Hàm Phong vạch rõ, “Bờ trái (bờ sông bên trái) tuyệt đối không nhượng lại cho người Nga” nhưng “có thể cho những lưu dân Nga nghèo khổ “vay” đất để ở do thiếu đất đai”. Với ý định tìm kiếm một giải pháp hòa bình, Sa hoàng đã biệt phái thiếu tướng Ignatiev đến Bắc Kinh.

Ông Ignatiev đã lưu trú 1 năm ở chốn kinh kỳ và cố gắng hết sức làm hài lòng Sa hoàng trong việc phân định rõ biên cương 2 nước, đồng thời bắt triều đình Bắc Kinh phải thừa nhận quyền của người Nga đối với các lãnh thổ ven biển. Cuối cùng, Ngoại trưởng Nga, Alexander Gorchakov, đã đề xuất một kế hoạch táo bạo cho đặc phái viên Ignatiev: liên lạc với liên quân Anh – Pháp và cùng họ đến Bắc Kinh, tại đó vị Thiếu tướng sẽ đóng vai trò người hòa giải và thương thuyết, yêu cầu nhà Thanh phải công tâm phê chuẩn Hiệp ước Ái Huy.

11-2.jpg -0
Tàn tích Viên Minh Viên hiện nay, nó đã bị cướp bóc và đốt phá tan tành khi liên quân Anh, Pháp tràn vào thành Bắc Kinh. Ảnh nguồn: Visit Beijing.

Nghệ thuật tình báo ngoại giao

Khoảng tháng 5 năm 1860, Thiếu tướng Nikolai Ignatiev nhận được mật lệnh từ Sa hoàng phải rời thành Bắc Kinh tìm đến doanh trại Anh – Pháp đặt ở thành phố Thượng Hải, tại đó ông đã làm quen với Nam tước Jean-Baptiste Louis Gros và Bá tước James Bruce, những người thay mặt hai chính phủ Paris và London nhằm bắt nhà Thanh phải thuần phục để phê chuẩn tự do buôn bán nha phiến ở Trung Quốc.

Buổi đầu, các nhà ngoại giao còn tỏ vẻ hoài nghi viên tướng Nga, song bằng sự khôn khéo và những tin tức tình báo tuyệt mật của mình, Ignatiev đã xóa tan sự e ngại của họ. Thực ra, ông Ignatiev đã dùng mẹo đánh lừa họ khi mạnh miệng tuyên bố rằng mọi tranh chấp lãnh thổ giữa Nga và Trung Quốc đã được xử lý, và việc ông có mặt ở đây chỉ để hòa giải. Nhờ vậy, Ignatiev đã khiến các đồng minh tin sái cổ, ông trở thành nguồn cung cấp tin giá trị về Trung Quốc cho họ,

Ignatiev đã cung cấp cho các đồng minh những dữ liệu tình báo quan trọng và thống kê, địa hình cùng chi tiết tiểu sử của giới quan lại Thanh triều, và giá trị nhất là sơ đồ tổng thể thành Bắc Kinh. Mặt khác, có một sự thật là không chỉ đồng minh Anh – Pháp tin Ignatiev mà ngay cả người Trung Quốc cũng tin vị tướng này. Nhiệm vụ của người Nga đã rõ: giả vờ chứng tỏ sự tụt hậu của mình trước liên quân Anh – Pháp, hỗ trợ dân Bắc Kinh thoát khỏi sự giày vò của lính lê dương Châu Âu, cũng như tổ chức những cuộc họp quan trọng với giới chức cùng thương nhân địa phương.

11-3.jpg -0
Cung Thân Vương Hòa Thạc, người đã ký Công ước Bắc Kinh với đại sứ Nga, Nikolai Ignatiev, phân định ranh giới Trung – Nga. Ảnh nguồn: Fine Arts America .

Trong hồi ký của mình, thiếu tướng Nikolai Ignatiev nhớ lại: “Điều ngạc nhiên là dân làng hai bờ sông Ô Tô Lý đã chào đón nồng nhiệt chúng tôi ngay cả khi họ nhận thấy con tàu là của người Nga. Họ nhìn chúng tôi bằng thái độ trọng thị, hòa hữu và hỗ trợ cho dân nước họ, với sự khẩn khoản bảo vệ họ trước sức mạnh quân đồng minh đang tàn phá và cướp bóc vô số trong thành Bắc Kinh”. Đầu tháng 10 năm 1860, khi lính liên quân Anh, Pháp tràn vào Bắc Kinh, Thiếu tướng Ignatiev vẫn được 2 phe đối lập tôn trọng như nhau. Sự giúp đỡ của ông đã phát huy tác dụng ngay thời điểm quan trọng.

mot uc anh.jpg -0
Một bức ảnh chụp binh lính nhà Thanh năm 1895.

Giải cứu Bắc Kinh

Sau khi những cuộc đàm phán giữa quân Đồng Minh và các đại thần Thanh triều đổ vỡ, một số người trong lực lượng viễn chinh Anh – Pháp đã rơi vào tay người Trung Quốc, họ bị tra tấn dã man và xử tử. Phẫn nộ trước hành động đó, người Châu Âu đã điên cuồng tiến hành tịch thu và cướp bóc loạn xạ trong cung điện mùa hè Viên Minh Viên, buộc hoàng gia nhà Thanh phải chạy trốn khỏi kinh thành. Bắc Kinh đã tránh bị cướp bóc quy mô lớn khi người em trai cùng cha khác mẹ của Vua Hàm Phong và cũng là nhà cai trị hiện thời lúc bấy giờ là Cung Thân Vương Hòa Thạc đã phong Thiếu tướng Ignatiev thành nhà đàm phán.

Vị tướng Nga chuẩn tấu, song đi kèm một số điều kiện: nhà vua phải phê chuẩn Hiệp ước Ái Huy, cũng như phân định rõ biên giới dọc sông Ô Tô Lý đến tận đất của bán đảo Triều Tiên. Rơi vào thế bí, Hòa Thạc bèn đồng ý. Chỉ chờ có thế, Tướng Ignatiev đã dùng toàn lực để ngăn chặn cuộc tấn công của quân Đồng Minh, cũng như thiết lập một cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên tham chiến.

mot buc tk 20.jpg -0
Bức họa mô tả binh lính nhà Thanh cuối Thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20.

Bằng tài ngoại giao của mình, Thiếu tướng Ignatiev đã thuyết phục Louis Gros và James Bruce: “Nếu triều Thanh sụp đổ, các ngài sẽ ký hiệp ước với ai? Ai sẽ trả tiền bồi thường chiến phí? Theo tôi các ngài nên thành lập một cấu trúc quyền lực mới tại Trung Quốc và tự nghĩ ra những chi phí mới!”. Tin vào lời Ignatiev, người Pháp và Anh đã ngồi xuống bàn đàm phán. Sau khi đảm bảo chắc chắn các đặc quyền buôn bán rộng rãi ở Trung Quốc bao gồm việc hợp pháp hóa buôn bán nha phiến được đảm bảo, phe Đồng Minh đã rời kinh thành.

Để tỏ lòng biết ơn sự phò giúp của người Nga trong xử lý khủng hoảng, Trung Quốc cuối cùng đã nhất trí đàm phán với Ignatiev. Ngày 14 tháng 11 năm 1860, Công ước Bắc Kinh đã được ký kết, theo đó Nga sẽ nhận quyền sở hữu các lãnh thổ ở bờ phải Hắc Long Giang tính từ cửa sông Ô Tô Lý đến bờ biển Thái Bình Dương (ở phía Đông) và giáp biên giới với bán đảo Triều Tiên (ở phía Nam).

Trong một lá thư gửi cho Ngoại trưởng Nga, Alexander Gorchakov, ông Nikolai Muravyov-Amursky, thống đốc Đông Siberia, đã lưu ý: “Chiến công không cần đổ máu này sẽ chỉ có được khi nhờ vào kỹ năng, sự kiên trì và hy sinh quên mình từ đặc phái viên của chúng ta”. Văn kiện phân chia ranh giới giữa Nga và Trung Quốc với một số ít thay đổi vẫn còn giữ nguyên giá trị đến tận ngày nay.

Phan Bình  (Tổng hợp)
.
.