Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực

Thứ Hai, 02/01/2023, 12:32

Bắc Cực là một trong những khu vực cuối cùng chưa được khai thác trên thế giới. Khí hậu và nhiệt độ khắc nghiệt ở nơi đây là rào cản tự nhiên đối với sự phát triển và khai thác, nhưng cuộc khủng hoảng khí hậu đang nhanh chóng thay đổi điều này.

Giờ đây, vùng đất hoang vu hẻo lánh này đang thay đổi. Sự cạnh tranh quốc tế gia tăng sẽ đẩy nhanh chi tiêu quân sự và việc triển khai các lực lượng chuyên biệt đến khu vực để bảo vệ các yêu sách và lợi ích riêng của mỗi quốc gia. Cuộc đua đang diễn ra giữa các quốc gia xung quanh Bắc Cực để khẳng định các tuyên bố chủ quyền trong khu vực và các nguồn tài nguyên quan trọng dưới bề mặt đại dương.

Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực -0
Băng ở Bắc Cực đang tan với tốc độ nhanh chóng, khiến khu vực trở thành điểm nóng cạnh tranh quân sự mới.

Nguồn tài nguyên chưa được khai thác

Cuộc khủng hoảng khí hậu đang có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới và đang nhanh chóng trở thành mối quan tâm chiến lược khi các mô hình thời tiết thay đổi. Băng ở vùng cực đang tan với tốc độ ngày càng nhanh và một số ước tính dự đoán rằng Bắc Cực sẽ hoàn toàn không có băng biển mùa hè vào năm 2035. Giờ đây, các tàu có thể đi qua Bắc Cực trên đường đến và đi từ châu Âu và Bắc Á trong những tháng mùa hè. Các tuyến đường mới này ngắn hơn đáng kể so với các tuyến đường thương mại cổ điển qua kênh đào Suez hoặc Panama.

Bắc Cực có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và các khoáng chất như niken, bạch kim, palađi và các kim loại đất hiếm nằm dưới đáy đại dương và các vùng cực Bắc của các quốc gia xung quanh nó. Theo các ước tính, Bắc Cực có khoảng 16% lượng dầu chưa được khai thác của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được phát hiện nằm dưới đáy đại dương.

Thêm vào đó là số lượng lớn các loài cá sống ở vùng biển Bắc Cực giàu sinh vật phù du. Khu vực với nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác này ngày càng trở nên đáng mơ ước. Đối với vận chuyển thương mại, lợi thế tiềm tàng của các tuyến đường Tây Bắc và Đông Bắc là rất lớn.

Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực -0
Mỹ thúc đẩy chiến lược Bắc Cực mới để đối phó với Nga và Trung Quốc.

Nga: chú gấu Bắc Cực thức giấc

Ngay cả trước cuộc chiến của Nga với Ukraine, Nga đã nhanh chóng mở rộng và hiện đại hóa quân đội của mình và Bắc Cực là một khu vực được chú trọng đặc biệt. Mặc dù quân đội Nga đã được trang bị và huấn luyện tốt hơn, nhưng ý tưởng về một lực lượng vũ trang mới chuyên nghiệp và hiệu quả của Nga đã bị thổi phồng quá mức - quân đội của họ gặp khó ở Ukraine trong khi binh lính của họ không được trang bị vũ khí đầy đủ. Lớp băng không thể vượt qua ở vùng cực từng bảo vệ sườn phía Bắc của đất nước giờ không còn như vậy nữa.

Nga, quốc gia lớn nhất thế giới, đã nhận ra rằng sự tan chảy của băng ở Bắc Cực giờ đây đồng nghĩa với việc biên giới dài nhất của nước này - hơn 24.000 km - nằm phía trên Vòng Bắc Cực, bị lộ ra. Lỗ hổng mới này làm thay đổi tư duy quân sự của Nga và nước này đã tiến hành mở rộng các căn cứ ở Bắc Cực.

Nga đã mở lại hơn 50 tiền đồn quân sự cũ của Liên Xô cũ ở phía Bắc, nâng cấp 10 trạm radar, thiết lập các trạm tìm kiếm cứu nạn và cải tạo các đồn biên phòng. Với sự tan chảy của băng ở Bắc Cực, Nga hiện phải xem xét một góc nhìn 360 độ về khả năng phòng thủ tổng thể của mình.

Bộ chỉ huy phía Bắc của hải quân Nga đã được nâng cấp vào năm 2021 để trở thành một trong 5 quân khu của Nga, điều nêu bật tầm quan trọng của khu vực. Họ đã bắt đầu thử nghiệm 13 tàu mới được đưa vào hạm đội của mình và sẽ trang bị cho máy bay và tàu hải quân của mình bằng Kinzhal - tên lửa siêu thanh mới được thiết kế. Lính thủy đánh bộ và các binh sĩ khác đã tiến hành các cuộc tập trận dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga, thực hành việc bảo vệ và chiếm lại các cảng từ kẻ thù tưởng tượng.

Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực -0
Ngày càng nhiều quốc gia muốn chia sẻ “miếng bánh” Bắc Cực.

Lợi ích Trung Quốc ở Bắc Cực

Với tầm nhìn về nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn nằm dưới Bắc Băng Dương, Trung Quốc coi khu vực này có tầm quan trọng quốc tế chứ không chỉ là nơi bảo tồn của các nước láng giềng ở Bắc Cực. Để bảo vệ các tuyến đường thương mại và mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc đã đóng các tàu nghiên cứu để khảo sát vùng biển phía Bắc băng giá phía trên nước Nga.

Thừa nhận tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực Bắc Cực, Trung Quốc đã cử 10 chuyến thám hiểm khoa học đến Bắc Cực và đang xem xét xây dựng các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc muốn kết nối Bắc Cực với Sáng kiến Vành đai và Con đường - mạng lưới đường sắt, đường cao tốc và cảng ngày càng phát triển rộng lớn, đóng vai trò là huyết mạch chính để Trung Quốc tiếp nhận các nguồn lực quan trọng từ khắp nơi trên thế giới. Các đề nghị mua các cảng Scandinavia đã được đưa ra và các tuyến đường sắt từ Phần Lan đến Trung Quốc đã được thảo luận.

Sự tập trung ngày càng tăng này đã được nêu bật bởi lời đề nghị của Trung Quốc vào năm 2018 để xây dựng 3 sân bay ở Greenland và một sân bay ở quần đảo Svalbard phía Bắc của Na Uy. Vào tháng 3/2021, Phần Lan đã từ chối yêu cầu của Trung Quốc giúp Phần Lan mở rộng căn cứ không quân ở phía Bắc để các máy bay tầm xa của Trung Quốc có thể hoạt động từ đó, dưới bề ngoài là vì mục đích nghiên cứu.

Hải quân Trung Quốc cũng quan tâm đến tuyến đường phía Bắc này vì các tàu hải quân Trung Quốc sẽ tiếp cận gần hơn tới Đại Tây Dương - một khu vực trọng tâm lâu nay của Trung Quốc khi họ mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực -0
Quân đội Nga tập trận ở Bắc Cực.

Chiến lược của Mỹ ở Bắc Cực

Chính sách Bắc Cực của Mỹ dựa trên 6 mục tiêu chính - bảo vệ môi trường của Bắc Cực, tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu an ninh và quốc phòng, giám sát khoa học và tăng cường thể chế cho sự hợp tác của 8 quốc gia ở Bắc Cực. Các chiến lược khác nhau của lục quân, hải quân và không quân Mỹ đều nhấn mạnh đến các cách thức nâng cao năng lực và khả năng tác chiến trong khu vực. Do sự tham gia tích cực của quân đội Nga ở Bắc Cực, chiến lược của Mỹ đang chuyển hướng sang tập trung mới vào khu vực.

Mới đây, ngày 7/10, Mỹ đã công bố một chiến lược mới cho Bắc Cực, trong đó dự đoán sự cạnh tranh ngày càng tăng với Nga và Trung Quốc ở khu vực Bắc Cực. Chiến lược mới của Mỹ - bản cập nhật của chiến lược năm 2013 - cho biết Mỹ tìm kiếm một khu vực Bắc Cực “hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác”. Chiến lược tìm cách giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với mức độ cấp bách hơn và hướng các khoản đầu tư mới vào phát triển bền vững để cải thiện sinh kế cho cư dân Bắc Cực và bảo tồn môi trường.

Cuộc chạy đua ảnh hưởng tại Bắc Cực -0
Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Bắc Cực.

Chia sẻ “miếng bánh” Bắc Cực

Biển ấm lên và các chỏm băng ở hai cực mỏng dần hứa hẹn biến Bắc Cực thành một trung tâm của hoạt động kinh tế và một điểm nóng mới cho cạnh tranh quân sự. Các quốc gia trên thế giới đang tranh giành để trở thành người chơi chính ở Bắc Cực. Cuộc đua này đặc biệt nổi bật trong số 13 quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực. Ví dụ, trong khi Anh muốn được xác định là “nước láng giềng gần nhất”, thông qua quần đảo Shetland, thì Trung Quốc muốn được thừa nhận là một quốc gia “gần Bắc Cực”.

Nga coi Bắc Cực như một “chiếc bánh”, với các lát cắt được phân bổ theo đường bờ biển bao quanh nó và cho đến nay Nga là nước tiếp nhận lớn nhất. Ý tưởng này phức tạp bởi thực tế là Bắc Cực không phải là một hình dạng hoàn hảo và được tạo thành từ các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh, đường biên giới dài và vùng biển quốc tế. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) không xác định rõ ai sở hữu khu vực nào.

Sự kết hợp giữa các tuyên bố chủ quyền không rõ ràng và các lực lượng quân đội lớn ở gần nhau sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột không chủ ý. Để tránh bất kỳ kịch bản thảm khốc nào như vậy, các nước cần phải có sự hợp tác quốc tế và đã tiến hành những bước đi để thực hiện điều này. Một thỏa thuận giữa các nước láng giềng của Bắc Cực, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có hiệu lực vào tháng 6/2021 về việc cấm đánh bắt cá trên diện rộng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rủi ro cao trong môi trường khắc nghiệt này. Làm thế nào để chia sẻ nguồn tài nguyên tiềm năng này là câu hỏi mà các cường quốc trên thế giới hiện đang xem xét.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.