Cuộc chạy đua của các tuần dương hạm

Chủ Nhật, 06/04/2025, 13:19

Tương tự như cuộc chạy đua hải quân giữa Anh và Đức trước Thế chiến I, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đang gấp rút phát triển các tàu chiến tên lửa lớn, có hỏa lực mạnh, để mong chiếm ưu thế cho một cuộc đối đầu trên biển có thể xảy ra trong tương lai.

Các tuần dương hạm thường là những tàu chiến mặt nước lớn nhất (không tính tàu sân bay), có hỏa lực mạnh nhất, lớn hơn đáng kể so với khu trục hạm hoặc hộ vệ hạm. Chúng có thể đóng vai trò là soái hạm của các nhóm tác chiến mặt nước (SAG) hoặc làm trung tâm chỉ huy phòng không của hạm đội.

Các loại tàu chiến mặt nước được phân loại theo kích thước, vai trò chiến đấu và hệ thống vũ khí, gồm các loại tàu tuần dương, khu trục hạm, khinh hạm và tàu tuần tra. Tàu tuần dương có lượng giãn nước 10.000 - 30.000 tấn. Chúng có vai trò chỉ huy hạm đội, phòng không tầm xa, tác chiến chống hạm, chống ngầm và tấn công mặt đất.

Cuộc chạy đua  của các tuần dương hạm -0
Tuần dương hạm Ticonderoga của Hải quân Mỹ.

Khu trục hạm nhỏ hơn tuần dương hạm, nhưng lớn hơn khinh hạm, lượng giãn nước 5.000 - 12.000 tấn. Vai trò của chúng là phòng không tầm trung - xa (hỗ trợ hạm đội), tác chiến chống hạm, chống ngầm, hộ tống tàu sân bay, tàu đổ bộ.  Loại tàu này là xương sống của hạm đội hiện đại.

Khinh hạm nhỏ hơn khu trục hạm, lượng giãn nước 2.000 - 6.000 tấn. Đặc điểm của loại tàu này là chi phí thấp hơn khu trục hạm, nhưng vẫn có uy lực mạnh, dễ sản xuất hàng loạt, thích hợp cho các nước có ngân sách hạn chế.

Tàu tuần tra nhỏ nhất, lượng giãn nước từ 500-3.000 tấn, hoạt động gần bờ với các nhiệm vụ chủ yếu là chống cướp biển, thực thi pháp luật, bảo vệ môi trường…

Nhu cầu tàu chiến hạng nặng

Hiện tại, chỉ có Mỹ và Nga vận hành các tàu chiến chính thức được phân loại là tuần dương hạm (battle cruiser). Tuy nhiên, một số tàu được phân loại là khu trục hạm có kích thước và năng lực tương đương.

Naval News đưa tin hồi đầu tháng 4 rằng nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin vừa giới thiệu mô hình tàu chiến tiên tiến AEGIS System Equipped Vessel (ASEVphát triển cho Hải quân Nhật Bản tại triển lãm IDEX ở Abu Dhabi (Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất).

Dự kiến sẽ trở thành khu trục hạm tên lửa tàng hình lớn nhất thế giới, chỉ sau lớp Zumwalt của Mỹ, ASEV được kỳ vọng tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo của Nhật Bản.

Với chiều dài 190 mét và lượng giãn nước hơn 14.000 tấn, ASEV vượt trội so với khu trục hạm Type 055 của Trung Quốc (NATO phân loại Type 055 là tuần dương hạm) về nhiều mặt, bao gồm radar AN/SPY-7 AESA, 128 ống phóng thẳng đứng (VLS), tên lửa đánh chặn siêu thanh Glide Phase Interceptors (GPI) và tên lửa Tomahawk.

Trước tình hình căng thẳng trong khu vực ngày càng gia tăng, ASEV dự kiến được bàn giao vào năm 2028, thể hiện sự chuyển hướng chiến lược của Nhật Bản từ các hệ thống phòng thủ trên đất liền sang việc đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực.

Tương tự ASEV của Nhật, chương trình phát triển khu trục hạm tiên tiến DDG(X) của Hải quân Mỹ cũng đang tiến triển ở giai đoạn thiết kế ý tưởng. The War Zone đưa tin hồi tháng 1 rằng chương trình này nhằm thay thế các tuần dương hạm lớp Ticonderoga đã lỗi thời, tốn kém trong bảo trì, cũng như các khu trục hạm lớp Arleigh Burke, vốn đã đạt giới hạn nâng cấp.

Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ Bill Daly gần đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế “từ đầu”. Con tàu được nói là có công suất dự trữ 40 megawatt để vận hành vũ khí năng lượng định hướng và các cảm biến tiên tiến, được hỗ trợ bởi hệ thống điện tích hợp lấy cảm hứng từ lớp tàu Zumwalt đắt đỏ nhưng chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, chi phí gia tăng đang đặt ra nhiều thách thức. Ban đầu, chi phí dự kiến cho mỗi tàu DDG(X) là 3,3 tỷ USD, nhưng có thể tăng lên 4,4 tỷ USD, khiến việc sản xuất bị trì hoãn ít nhất đến năm 2034. Dù có kế hoạch đóng 28 tàu, tiến độ sản xuất chậm có thể làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến lược của Hải quân Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các cường quốc.

Cuộc chạy đua  của các tuần dương hạm -0
Tàu Type 055 của Hải quân Trung Quốc.

Trái ngược với Mỹ và Nhật Bản, vốn vẫn đang trong giai đoạn thiết kế tàu khu trục thế hệ mới, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất lô thứ hai lớp tàu Type 055. SCMP đưa tin hồi tháng 2 rằng các xưởng đóng tàu ở Đại Liên và Giang Nam đang đóng thêm một số tàu Type 055.

Tính đến 24/3, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế 8 tàu khu trục Type 055 có lượng giãn nước khoảng 12.000 tấn và được trang bị 112 ống phóng VLS, cho phép phóng đa dạng các loại tên lửa, bao gồm tên lửa phòng không, chống hạm và tấn công mặt đất.

Theo SCMP, lớp tàu này có giá khoảng 827,4 triệu USD mỗi chiếc, với thiết kế tàng hình tiên tiến, hệ thống radar hiện đại, được trang bị vũ khí siêu thanh và chống ngầm, giúp nâng cao khả năng tác chiến đa nhiệm.

Tuần dương hạm Type 055 của Trung Quốc được thiết kế để hộ tống tàu sân bay, tàu đổ bộ tấn công và đóng vai trò trung tâm chỉ huy trong các chiến dịch hải quân quy mô lớn.

Việc gia tăng số lượng tàu chiến mặt nước lớn ở Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh các hải quân khu vực đang chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh trên biển quy mô lớn. Các nước này đang mua sắm những khí tài quan trọng, đặc biệt là hệ thống phòng thủ trước tên lửa hành trình, đạn đạo và các mối đe dọa đường không.

Tuy nhiên, việc tích hợp nhiều ống phóng VLS đòi hỏi không gian nội thất và diện tích boong tàu đáng kể, đồng thời yêu cầu hệ thống radar lớn, lắp ở vị trí cao để phát hiện sớm các mối đe dọa lướt sát mặt biển, dẫn đến nhu cầu về những loại tàu chiến cỡ lớn như tuần dương hạm.

Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2024 của Bộ Quốc phòng Mỹ nói Lực lượng tên lửa của Trung Quốc hiện có khoảng 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), 500 tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), 1.300 tên lửa đạn đạo tầm vừa (MRBM), 900 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) và 400 tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM).

Ngoài ra, Politico đưa tin hồi tháng 2/2023 rằng CHDCND Triều Tiên có thể đã sở hữu đủ số lượng ICBM để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Trong một cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng, nước này đã phô diễn 10-12 tên lửa Hwasong-17. Politico nhận định rằng nếu CHDCND Triều Tiên trang bị 4 đầu đạn trên mỗi ICBM, họ có thể làm quá tải hệ thống phòng thủ GMD của Mỹ, vốn chỉ có 44 tên lửa đánh chặn.

Học giả Johannes Fischbach viết trong một bài báo trên trang của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hồi tháng 12/2024, rằng Trung Quốc đã thu hẹp đáng kể khoảng cách hỏa lực với Hải quân Mỹ. Số VLS của Trung Quốc giờ đây đã đạt hơn 50% tổng số ống phóng của Mỹ.

Theo Fischbach, Hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, hiện có khoảng 4.300 ống phóng VLS trên 84 tàu chiến mặt nước, so với 8.400 ống phóng trên 85 tàu của Hải quân Mỹ.

Ông lưu ý rằng tiến bộ này xuất phát từ tốc độ đóng tàu nhanh chóng của Trung Quốc, bao gồm cả việc sản xuất thêm các tuần dương hạm Type 055 và khu trục hạm Type 052D. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đang đối mặt với sự sụt giảm số lượng ống phóng VLS do việc loại biên các tuần dương hạm lớp Ticonderoga và tốc độ đóng mới khu trục hạm Arleigh Burke chậm lại.

Khi cuộc chạy đua hải quân ở Thái Bình Dương tiếp tục leo thang, không chỉ công nghệ, mà cả số lượng hỏa lực tên lửa và năng lực đóng tàu sẽ là yếu tố quyết định kẻ thắng - người thua trong các trận chiến trên biển trong tương lai.

Cuộc chạy đua  của các tuần dương hạm -0
Mô hình tuần dương hạm ASEV của Hải quân Nhật Bản, bên cạnh là một khu trục hạm lớp Maya đang khai hỏa tên lửa.

Các nước hiện có bao nhiêu tuần dương hạm?

Hải quân Mỹ hiện vận hành 17 tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Chúng được trang bị 122 ống VLS, radar AN/SPY-1 và có vai trò chủ chốt trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis. Tuy nhiên, do chi phí bảo trì cao và khả năng chiến đấu bị giới hạn so với các thiết kế mới, lớp tàu này dự kiến sẽ bị loại biên vào những năm 2030.

Một cường quốc trên biển khác là Nga cũng đang vận hành tuần dương hạm nhưng số lượng nhỏ. Hải quân Nga có trong tay lớp tàu Kirov (Project 1144), tuần dương hạm hạt nhân lớn nhất thế giới với lượng giãn nước lên đến 28.000 tấn. Nga hiện chỉ còn duy trì một chiếc đang hoạt động là Pyotr Velikiy, và một chiếc khác (Admiral Nakhimov) đang được nâng cấp với hệ thống vũ khí mới, bao gồm tên lửa siêu thanh Zircon.

Ngoài Kirov, Nga còn có lớp Slava (Project 1164) với hai tàu đang hoạt động là Varyag và Marshal Ustinov. Một tàu khác là Moscow đã bị đánh chìm trên Biển Đen hồi năm 2022. Các tàu Slava có 16 tên lửa hành trình chống hạm P-1.000 Vulkan, nhưng đã lỗi thời so với các thiết kế hiện đại.

Trung Quốc có 8 chiếc Type 055 đang hoạt động. Mặc dù được NATO phân loại là tuần dương hạm, Trung Quốc chính thức gọi đây là khu trục hạm. Với lượng giãn nước 12.000-13.000 tấn, Type 055 được trang bị 112 ống phóng VLS có thể mang tên lửa chống hạm, phòng không và tấn công mặt đất.

Nhật Bản tuy chưa có tuần dương hạm, nhưng hiện vận hành nhiều loại khu trục hạm, bao gồm các lớp Maya, Atago, Kongo, Asahi, Akizuki, Murasame, Takanami và khu trục hạm thế hệ mới Mogami.

Nếu được đưa vào vận hành, các tuần dương hạm ASEV với lượng giãn nước hơn 14.000 tấn và hệ thống radar AN/SPY-7 AESA sẽ là tàu chiến lớn nhất của Hải quân Nhật Bản.

Một số đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Đức không vận hành tàu tuần dương mà tập trung vào khu trục hạm đa nhiệm, như các lớp Type 45 (Anh), Horizon (Pháp-Ý), F124 Sachsen (Đức). Ấn Độ không có tàu tuần dương nhưng đang phát triển các khu trục hạm lớp Visakhapatnam (P15B) có khả năng tương đương.

Việc gia tăng số lượng tàu chiến mặt nước lớn ở Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh các hải quân khu vực đang chuẩn bị cho các kịch bản chiến tranh trên biển cấp cao. Trung Quốc đang tăng cường đóng Type 055 để cạnh tranh với Mỹ về số lượng tàu trang bị VLS.

Mỹ tập trung vào DDG(X) nhưng đối mặt với thách thức về chi phí và tốc độ đóng tàu. Nhật Bản nâng cấp năng lực phòng thủ tên lửa bằng ASEV. Nga giữ lại Kirov và nâng cấp hệ thống vũ khí, dù nguồn lực có hạn.

Khi cuộc chạy đua hải quân tiếp tục leo thang, không chỉ công nghệ, mà cả số lượng hỏa lực tên lửa và năng lực đóng tàu sẽ quyết định kẻ thắng - người thua trong các trận chiến trên biển trong tương lai.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.