“Cuộc chiến bí mật” của CIA và WikiLeaks
Trang tin tức Yahoo News lần đầu tiên tiết lộ một trong những “bí mật” tình báo gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump và tiết lộ những chi tiết mới về cuộc chiến của CIA với WikiLeaks. Trong đó có những chi tiết đáng chú ý như CIA đã bàn tính “xử lý” Julian Assange, nhà sáng lập trang web WikiLeaks.
Từ gã vô danh đến “kẻ thù của nước Mỹ”
Trang web WikiLeaks ra đời vào tháng 12-2006. Lúc bấy giờ, đây là một mô hình sáng tạo mới chưa có tiền lệ: Bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có thể gửi tài liệu ẩn danh để xuất bản trên trang web này. Chủ đề thông tin đăng tải cũng rất đa dạng, từ những bí mật gia đình cho đến các chi tiết về hoạt động giam giữ ở Vịnh Guantanamo của Chính phủ Mỹ.
Tên tuổi nhà sáng lập Assange lúc bấy giờ vẫn chưa được ai biết đến cho đến năm 2010, khi WikiLeaks đăng tải một đoạn video ngắn quay lại một vụ xả súng từ trực thăng của quân đội Mỹ làm chết hàng chục người, trong đó có cả 2 nhà báo của hãng tin Reuters, ở Baghdad, Iraq vào năm 2007.
Lầu Năm Góc đã từ chối cung cấp đoạn video cho báo chí, nhưng ai đó đã đăng nó lên trang WikiLeaks. Vài tháng sau, WikiLeaks tiếp tục công bố một loạt hồ sơ tài liệu mật và nhạy cảm của Chính phủ Mỹ liên quan đến các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, cùng hơn 250.000 bức điện ngoại giao của Mỹ.
Assange bỗng chốc được nhiều giới ca ngợi như một “người hùng”, còn những người khác thì xem ông như “kẻ phản loạn”. Đối với các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đối phó với nhóm WikiLeaks. Một số người xem WikiLeaks như một tổ chức báo chí độc lập, trong khi những người khác khẳng định đó là “tay sai” cho các tổ chức gián điệp nước ngoài.
Nhưng vì lo ngại nhiều vấn đề phát sinh không mong muốn, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã hạn chế các cuộc điều tra đối với Assange và WikiLeaks. Chính quyền Obama đã rất thận trọng khi cho phép các cơ quan tình báo sử dụng một số biện pháp hạn chế để thu thập thông tin, theo dõi Assange và WikiLeaks.
Điều đó bắt đầu thay đổi vào năm 2013, khi Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), bỏ trốn sang Hong Kong mang theo một kho tài liệu mật, trong đó tiết lộ các hoạt động nghe lén, theo dõi trộm của Chính phủ Mỹ đối với không chỉ người Mỹ mà còn nhiều nước trên thế giới. WikiLeaks đã giúp sắp xếp cho Snowden từ Hong Kong chạy sang Nga ẩn náu.
Từ thời điểm đó trở đi, tình báo Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan tình báo “chiến hữu” để lần ra mạng lưới quan hệ của WikiLeaks. CIA đã tập hợp một nhóm các nhà phân tích, được gọi một cách không chính thức là “nhóm WikiLeaks” tại Văn phòng Các vấn đề xuyên Quốc gia, với nhiệm vụ theo dõi, giám sát WikiLeaks. Các quan chức CIA đã vận động Nhà Trắng xác định lại WikiLeaks và cả một số nhà báo nổi tiếng là những “nhà môi giới thông tin” thay vì nhà báo, một động thái hướng đến việc điều tra, thậm chí truy tố những nhà báo bị CIA ghép tội. Trong số này có 2 nhà báo của tờ The Guardian của Anh từng hợp tác đăng tải các tài liệu mật do Snowden cung cấp.
Đến năm 2015, nước Mỹ tiếp tục tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề nên giao WikiLeaks cho các cơ quan thực thi pháp luật xử lý hay để cho cơ quan tình báo “làm việc”. Một số người cho rằng FBI nên lãnh trọng trách duy nhất trong việc điều tra WikiLeaks, không có vai trò nào cho CIA hay NSA. Sau đó, vào mùa hè năm 2016, đỉnh điểm của mùa bầu cử tổng thống, lại một vụ việc “động trời” xảy ra.
Đó là vụ việc WikiLeaks cho xuất bản các email của đảng Dân chủ. Cộng đồng tình báo Mỹ sau đó kết luận rằng cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU) đã tấn công các email. Tình báo Mỹ bắt đầu theo dõi tài khoản Twitter của các nhân viên tình báo Nga bị tình nghi đang phổ biến các email của đảng Dân chủ bị rò rỉ. Từ việc thu thập thông tin này tiết lộ các cuộc trao đổi giữa các tin tặc mang biệt danh Guccifer 2.0 với tài khoản Twitter của WikiLeaks.
Cuộc chiến bí mật xung quanh Đại sứ quán Ecuador
CIA xem những người có liên hệ với WikiLeaks là mục tiêu hợp lệ cho nhiều hoạt động gián điệp khác nhau, bao gồm đặt bọ nghe lén, gián điệp trực tiếp và “gián điệp từ xa”, tức là bẻ khóa truy cập thiết bị di động của các thành viên WikiLeaks.
Quan điểm của chính quyền Obama đối với WikiLeaks đã có sự thay đổi lớn do vụ việc WikiLeaks công bố các email vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Khi ông Trump thắng cử lên làm Tổng thống, bộ sậu an ninh quốc gia của ông vào vị trí thay thế bộ sậu cũ, người ta đặt câu hỏi liệu bộ sậu mới này sẽ cứng rắn hơn đối với WikiLeaks? Quả đúng như thế thật.
Vào ngày 13-4-2017, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mike Pompeo có bài phát biểu đầu tiên cương vị Giám đốc CIA. Thay vì đưa ra cái nhìn tổng quan về những thách thức toàn cầu hoặc bất kỳ kế hoạch, chiến lược nào mới cho CIA, Pompeo dành phần lớn bài phát biểu của mình để nói về “mối đe dọa từ WikiLeaks”. Ông tuyên bố: “WikiLeaks hoạt động như một cơ quan tình báo thù địch”.
Đã 5 tuần kể từ khi WikiLeaks gây choáng váng cho CIA khi thông báo họ đã thu được một loạt hồ sơ khổng lồ có tên gọi là “Vault 7” từ bộ phận chiến tranh mạng siêu bí mật của CIA. Mặc dù CIA đã theo dõi, thu thập dữ liệu đối với WikiLeaks, thông báo vẫn gây bất ngờ cho cơ quan này. Và ngay sau khi WikiLeaks đăng những tài liệu đầu tiên lên trang web của mình, CIA biết rằng mình đang đối mặt với một thảm họa. Một cựu quan chức CIA nói rằng Vault 7 đã gây tổn hại cơ quan này “đến tận xương tủy”.
Vault 7 đã thúc đẩy một sự thay đổi tư duy hoàn toàn mới đối với trong chính quyền Mỹ về việc xem WikiLeaks như một kẻ thù nghịch. Thông tin cập nhật về Assange thường xuyên được đưa vào Báo cáo tóm tắt hàng ngày trình Tổng thống Trump.
Vấn đề trước mắt dành cho Pompeo và CIA là làm thế nào để đáp trả WikiLeaks và Assange. Và các quan chức CIA đã tìm ra câu trả lời. Thông thường, để tình báo Mỹ bí mật can thiệp vào hoạt động của bất kỳ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào, Tổng thống phải ký một văn bản cho phép hành động bí mật đó, đồng thời thông báo ngắn gọn cho các ủy ban tình báo của Hạ viện và Thượng viện. Trong những trường hợp rất nhạy cảm, thông báo được giới hạn cho cái gọi là “Nhóm Tám” (Gang of Eight) trong Quốc hội - bốn nhà lãnh đạo của Hạ viện và Thượng viện, cộng với chủ tịch và thành viên cấp cao của hai ủy ban.
Không lâu sau bài phát biểu, Pompeo đã yêu cầu một nhóm các sĩ quan CIA cấp cao nghiên cứu “nghệ thuật biến cái có thể xảy ra” khi nói đến WikiLeaks. Trụ sở CIA ở Langley đã gửi tin nhắn chỉ đạo các trạm và căn cứ của CIA trên toàn thế giới ưu tiên thu thập thông tin về WikiLeaks.
CIA đã thu được một số thành công bước đầu. Vào giữa năm 2017, các điệp viên Mỹ đã nắm được thông tin tình báo tuyệt vời không chỉ về Assange mà còn nhiều thành viên và cộng sự của WikiLeaks. Các cơ quan tình báo Mỹ đã phát triển thông tin tình báo tốt về thói quen sinh hoạt của các cộng sự WikiLeaks.
Tại CIA, phương án đối phó Assange và WikiLeaks thay đổi từ “thu thập tình báo” thành “gây rối nội bộ”. Các đề xuất bắt đầu được lan truyền trong CIA và NSC để thực hiện các hoạt động gây rối khác nhau đối với WikiLeaks, bao gồm: làm tê liệt cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, làm gián đoạn liên lạc, kích động tranh chấp nội bộ và đánh cắp thiết bị điện tử của các thành viên WikiLeaks.
Vào mùa hè năm 2017, các đề xuất của CIA đã gióng lên hồi chuông báo động tại Hội đồng An ninh Quốc gia. Một cựu quan chức an ninh quốc gia của chính quyền Trump cho biết: “WikiLeaks hoàn toàn là nỗi ám ảnh của Pompeo”. Tại các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của chính quyền Trump sau khi WikiLeaks bắt đầu công bố các tài liệu về Vault 7, Pompeo đã bắt đầu thảo luận về việc bắt cóc Assange.
Một số cuộc thảo luận thậm chí còn vượt ra ngoài vấn đề bắt cóc. Mọi thứ trở nên phức tạp hơn vào tháng 5-2017, khi Thụy Điển đình chỉ điều tra cáo buộc hiếp dâm đối với Assange. Không có cáo buộc hình sự nào thì lấy đâu ra căn cứ để dẫn độ ông ta về Mỹ đây?
Trong khi các quan chức Mỹ còn tranh luận về ý tưởng bắt cóc Assange, thì các báo cáo tình báo cảnh báo rằng Nga có kế hoạch riêng để bí mật đưa ông chủ WikiLeaks ra khỏi Đại sứ quán Ecuador và đưa ông tới Moscow.
Các quan chức CIA đã vạch nhiều kế hoạch chiến thuật để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Điện Kremlin, trong đó có cả việc đụng độ với lực lượng đặc nhiệm Nga ở London. Cuối cùng, Mỹ và Anh đã xây dựng một “kế hoạch chung” để ngăn chặn Assange bỏ trốn. Kế hoạch được vạch ra trên cơ sở thông tin tình báo từ Công ty UC Global được Ecuador thuê bảo vệ Đại sứ quán ở London.
Tháng 12-2017, kế hoạch đưa Assange đến Nga dường như đã sẵn sàng. UC Global đã biết rằng Assange sẽ “nhận được hộ chiếu ngoại giao từ các nhà chức trách Ecuador, với mục đích rời đại sứ quán để quá cảnh sang nước thứ ba”. Vào ngày 15-12, Assange trở thành nhà ngoại giao chính thức của Ecuador và dự định được bổ nhiệm đến Đại sứ quán của Ecuador ở Moscow.
Vào ngày 21-12, Bộ Tư pháp Mỹ đã bí mật buộc tội Assange, làm tăng cơ hội dẫn độ hợp pháp sang Mỹ. Cùng ngày, UC Global đã ghi âm lén một cuộc họp giữa Assange và người đứng đầu cơ quan tình báo của Ecuador để thảo luận về kế hoạch trốn thoát của Assange. Vài giờ sau cuộc họp, Đại sứ Mỹ đã chuyển thông tin mình nắm được về kế hoạch trốn thoát này cho những người đồng cấp Ecuador. Vì vậy kế hoạch đã bị hủy vào giờ chót.
Ở Washington, ý tưởng “xử lý” Assange cũng ngày càng đi vào quên lãng vì những lý do chính trị, ngoại giao như đã nêu ở trên.