Cuộc giải cứu các chiến binh Gurkha

Thứ Tư, 05/06/2024, 10:25

Năm 2000, đặc nhiệm quân đội Ấn Độ đã nhảy dù xuống đất Sierra Leone giải cứu hơn 200 chiến binh Gurkha và một số quan sát viên quân sự Liên hợp quốc bị bao vây nhiều tháng trong sự chống trả dữ dội của phiến quân.

Khukri là chiến dịch giải cứu quân sự được triển khai trong Phái bộ Liên hợp quốc tại Sierra Leone nhằm phá vỡ cuộc bao vây của phiến quân Mặt trận Thống nhất Cách mạng (RUF) đối với hai đại đội thuộc Tiểu đoàn bộ binh súng trường Gurkha số 5/8 của quân đội Ấn Độ tại Kailahun, Sierra Leone. 233 binh sĩ và một số lực lượng gìn giữ hòa bình khác bị quân nổi dậy bao vây trong hơn ba tháng mà không được bổ sung lực lượng hoặc tiếp tế.

RUF là một nhóm phiến quân nổi dậy chống lại chính phủ Sierra Leone từ năm 1991 đến năm 2002. Cuộc nội chiến do RUF gây ra đã khiến hơn 200.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Khi ấy, RUF yêu cầu tất cả lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thuộc đơn vị đồn trú Ấn Độ tại Kailahun, bao gồm một văn phòng của Anh và một văn phòng của Nga, đầu hàng.

Cần nói thêm, trong lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Kailahun, ngoài các chiến binh Gurkha (Gorkha) thuộc quân đội Ấn Độ có một nhóm Gurkha thuộc quân đội Anh.

Người Gurkha xuất thân từ Nepal, nổi tiếng với kỹ năng chiến đấu phi thường và tinh thần dũng cảm. Sau cuộc chiến tranh Anh-Nepal (1814-1816), người Anh ấn tượng với khả năng chiến đấu của người Gurkha và bắt đầu tuyển mộ họ vào quân đội. Sau khi Ấn Độ giành độc lập từ Anh vào năm 1947, một số đơn vị Gurkha đã được chuyển giao cho quân đội Ấn Độ. Được biết đến như một trong những lực lượng thiện nghệ và hung dữ nhất trên thế giới, tộc Gurkha gây ấn tượng mạnh và khiến nhiều người khiếp sợ.

Cuộc giải cứu các chiến binh Gurkha -0
Binh sĩ thuộc Tiểu đoàn bộ binh súng trường Gurkha số 5 quân đội Ấn Độ tập trận cùng lính dù Mỹ.

Thà chết còn hơn hèn nhát

Chiến dịch giải cứu những người lính có mật danh “Khukri” đã đi vào lịch sử gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tướng JJ Singh (đã nghỉ hưu), cựu Tư lệnh quân đội Ấn Độ, nói những người lính Gurkha “chọn cái chết thay vì tỏ ra hèn nhát, chọn phẩm giá thay vì hai bữa ăn và chọn danh dự thay vì tự do”. Tướng JJ Singh là người tham gia lên kế hoạch Chiến dịch Khukri vào năm 2000.

Câu chuyện bắt đầu khi quân đội Ấn Độ thực hiện một sứ mệnh ở Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhiều năm chìm trong nội chiến và đảo chính quân sự. Nhóm nổi dậy RUF đã hoạt động gần 9 năm và người dân Sierra Leone phải hứng chịu nhiều mất mát, đau thương. Năm 1999, Hiệp định Hòa bình Lomé được ký kết với RUF và quân nổi dậy nói họ sẵn sàng giao vũ khí cho một lực lượng trung lập của Liên hợp quốc.

Nhiệm vụ của binh lính Ấn Độ dưới sự bảo trợ của Chương trình gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là giải trừ vũ khí, giải ngũ và phục hồi xã hội cho phiến quân RUF. Quá trình này có nội dung hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng những người nổi dậy bằng cách đào tạo nghề cho họ. Tất cả những việc này cũng nhằm tạo tiền đề cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong tương lai.

Tuy nhiên, kế hoạch này có hai cạm bẫy: thứ nhất, không rõ thời hạn giải giáp RUF và thứ hai, quá trình giải trừ vũ khí trên nguyên tắc “tự nguyện”, theo thỏa thuận giữa chính phủ và RUF.

Theo tường thuật của EA Times, hai đại đội của quân đội Ấn Độ vừa mới ổn định chỗ ăn ở thì các thủ lĩnh phiến quân đã tìm cách gài bẫy đại đội trưởng, thiếu tá Rajpal Punia (hiện đã nghỉ hưu), với lý do đàm phán việc giao nộp vũ khí. Sau khi tách ông này ra khỏi những người còn lại, quân nổi dậy bao vây đồn và yêu cầu binh lính Ấn Độ hạ vũ khí.

Sự manh động của phe nổi dậy đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc bắt nguồn từ cái chết của một số người của RUF. Những người này có những hành động quá khích nhằm phản đối thỏa thuận hòa bình và lực lượng gìn giữ hòa bình Hàn Quốc buộc phải nổ súng.

Trong khi thiếu tá Punia bị cách ly ở một khu vực riêng, quân nổi dậy đã sử dụng một sĩ quan khác, đại úy Sunil, làm con tin để buộc các chiến binh Gurkha trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đầu hàng. Đại úy Sunil được cho là đã nói với phiến quân bằng tiếng Hindi, ngôn ngữ chính ở Ấn Độ: “Ngay cả khi bắn tôi, sẽ không có ai đầu hàng, không ai có thể làm hoen ố lá cờ ba màu của chúng tôi”. Cờ ba màu ở đây là quốc kỳ Ấn Độ có ba sọc ngang xanh lam, trắng và cam.

Tất cả các lực lượng gìn giữ hòa bình khác của Liên hợp quốc được triển khai trong khu vực đã đầu hàng phiến quân. RUF thậm chí còn bắt được một máy bay trực thăng của Liên hợp quốc. Trong 75 ngày, các kênh ngoại giao tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục RUF thả lính Ấn Độ. Động lực và sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã hạn chế binh lính lực lượng này sử dụng vũ lực.

Việc chuẩn bị cho hoạt động cứu hộ còn phức tạp hơn vì Tổng thư ký Liên hợp quốc lúc bấy giờ là Kofi Annan, người Tây Phi, quản lý hoạt động này. Người Nigeria, không hài lòng với việc quân đội Ấn Độ hoạt động trong vùng ảnh hưởng của họ ở Sierra Leone, lại vui mừng trước tình thế khó khăn của lực lượng gìn giữ hòa bình. Phía Mỹ và Anh thông cảm với Ấn Độ nhưng lại do dự trong việc hỗ trợ hành động quân sự để chấm dứt cuộc khủng hoảng con tin.

Cuộc giải cứu các chiến binh Gurkha -0
Binh sỹ người Gurkha trong quân đội Anh tập luyện với dao kukri.

Chiến dịch Khukri

Kukri hoặc khukri là một loại dao cong, có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ. Nó có thể được sử dụng như vũ khí cận chiến và cũng là một công cụ cắt thông thường trên hầu hết khu vực Nam Á. Đây là con dao tiện ích cơ bản của người Gurkha và vì lẽ đó, chiến dịch giải cứu các chiến binh Gurkha được mang tên Khukri. Cùng bị bao vây với các binh sĩ là 11 quan sát viên quân sự thuộc nhiều quốc tịch.

Khi chiến dịch giải cứu được thực hiện, thiếu tướng VK Jaitley của quân đội Ấn Độ là chỉ huy chiến trường ở Sierra Leone. Đối với ông, đã đến lúc phải lựa chọn phương án quân sự khi tình trạng bất ổn đang gia tăng ở Ấn Độ trước nỗi thống khổ kéo dài của binh lính nước nhà tại châu Phi.

Sau khi các nỗ lực ngoại giao thất bại, quân đội Ấn Độ đã điều động khoảng 120 lính đặc nhiệm từ New Delhi để thực hiện nhiệm vụ giải cứu lực lượng gìn giữ hòa bình. Đội được thành lập một cách vội vàng vì những người lính không có nhiều thời gian.

Người Anh cho mượn trực thăng vận tải hạng nặng Chinook với mục đích chuyên chở quân Gurkha rút khỏi khu đồn trú Kailahun. Vào lúc 6h15 ngày 15/7/2000, một quả bom được kích nổ làm thủng tường thành khu đồn trú. Cùng lúc đó, binh lính Gurkha phá hủy vũ khí của quân RUF trong khu nhà. Chiến binh Gurkha, như thường lệ, đã chiến đấu rất dũng cảm, gây khó khăn lớn cho phiến quân RUF và tạo điều kiện cho lực lượng giải cứu thâm nhập khu trại Kailahun.

Một đoàn xe tải và xe jeep, tất cả đều có in chữ UN (Liên hợp quốc) ở hai bên, tiến vào khu nhà. Tuy nhiên, việc đón người và dời đi không hề dễ dàng. Trận mưa đêm trước khiến mặt đất trở nên lầy lội, các xe tải bị sa lầy. Những người lính phải nhảy xuống đẩy xe trong khi quân nổi dậy truy đuổi gắt gao trên những chiếc bán tải Toyota và dần chiếm thế thượng phong.

Các chỉ huy chiến dịch quyết định sơ tán 11 quan sát viên quân sự và một số binh sĩ ốm yếu bằng trực thăng Chinook, những người lính còn lại phải cố gắng tìm đường thoát thân trên xe tải và xe jeep. Một tên lửa vác vai của phiến quân bắn trúng một cái cây, mảnh vụn bắn tung tóe khiến hai binh sỹ của lực lượng giải cứu bị thương. Các binh sĩ Ấn Độ sau đó kích hoạt bẫy bom và các thiết bị nổ họ gài lại từ sáng sớm để làm chậm bước tiến của quân nổi dậy.

Trong 45 phút, lính dù Ấn Độ giao chiến với quân nổi dậy và cố gắng thoát ra. Họ liên tục nhìn lên trời để tìm kiếm sự hỗ trợ từ trực thăng tấn công Mi-35 “Akbar” của không quân Ấn Độ. Nhưng thời tiết khắc nghiệt đã khiến trực thăng Mi-35 khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ như kế hoạch: không giống như trực thăng vận tải Chinook, trực thăng tiến công Mi-35 không có khả năng bay trong mọi thời tiết.

Các lính biệt kích Ấn Độ và quân Gurkha vừa chống trả, vừa rút lui. Giai đoạn này kéo dài ba giờ. Quân RUF tiếp tục truy đuổi. Lúc này thời tiết được cải thiện và trực thăng tiến công Mi-35 của không quân Ấn Độ cất cánh. Điểm hẹn của những người lính trốn thoát là Geihun, một địa điểm cách trại Kailahun 12 km, nơi họ hội quân với lính bộ binh của trung đoàn Grenadier nhảy dù xuống từ trước. Grenadier là một trong những trung đoàn thiện chiến nhất của Ấn Độ.

Khi trực thăng tấn công của Ấn Độ đến gần, lính dù dưới mặt đất cho nổ một quả lựu đạn phốt pho tạo khói màu cam. “Mọi thứ ở phía bắc làn khói màu cam đều là kẻ thù. Hãy tấn công chúng khi anh thấy khả thi”, trưởng nhóm đặc nhiệm dù nói qua radio với phi công. Các máy bay trực thăng bắt đầu oanh tạc phiến quân RUF bằng tên lửa và rocket, dọn sạch hai km đường ngay lập tức. Cuộc bắn phá kéo dài trong hai giờ tiếp theo.

Thiếu tá Punia trước đó đã thoát khỏi sự kiềm giữ của RUF và theo kịp đoàn quân đang cố gắng rút chạy. Ông kể lại: “Chiếc trực thăng đã bay đến vị trí của chúng tôi trong nháy mắt. Trong khi trực thăng tấn công Mi-35 bắn vào phiến quân, một trực thăng vận tải Mi-17 bay lơ lửng cách mặt đất 20 mét bắt đầu thả những tấm ván gỗ để giúp xe vận tải tiến lên trong bùn lầy”. Những người lính đã tạo ra một “cây cầu tạm thời” trong tích tắc. Cả đoàn đến được Geihun và hội quân với lính trung đoàn Grenadier. Từ đó, họ phải đến Pendembu. Tuy nhiên, phiến quân RUF, với khả năng liên lạc vô tuyến tốt, đã tìm cách trì hoãn bước rút lui của quân Liên hợp quốc bằng cách phá hủy nhiều đoạn của con đường nối Geihun và Pendembu.

Nhóm lính Gurkha bằng nhiều nỗ lực, cuối cùng cũng đã đến được Pendembu, và từ đây, họ sẽ được trực thăng vận chuyển. Nhưng quân RUF tấn công dữ dội khiến lực lượng gìn giữ hòa bình và giải cứu chưa thể kiểm soát Pendembu. Lúc đó đã 7 giờ tối, họ buộc phải ở lại đó qua đêm, hứng chịu hỏa lực dữ dội của quân nổi dậy. Trực thăng Mi-35 đã phải thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu để ngăn chặn phiến quân tập hợp lực lượng.

Chỉ đến ngày hôm sau, lực lượng gìn giữ hòa bình mới được giải cứu khi trực thăng vận tải đã có thể đáp xuống. Không ai thiệt mạng, chỉ có 7 người lính Ấn Độ bị thương, trong khi ở phía phiến quân có 34 người thiệt mạng và 150 bị thương.

Tuy không bị tổn thất về người, nhưng lực lượng gìn giữ hòa bình và đội giải cứu đã phải bỏ lại nhiều vũ khí: Một tên lửa đất đối không, 4 súng phóng lựu, 12 tiểu liên AK-47, 6 súng máy đa năng, 3 khẩu súng máy hạng nặng và một số mìn sát thương bị quân nổi dậy thu giữ.

Thiếu tá Punia được thăng cấp thiếu tướng trong Quân đội Ấn Độ và sau đó viết cuốn sách “Chiến dịch Khukri- câu chuyện có thật đằng sau sứ mệnh thành công nhất của quân đội Ấn Độ với tư cách là một phần của Liên hợp quốc”. Để tưởng nhớ chiến dịch táo bạo do binh lính Ấn Độ thực hiện cách xa nhà 10.000 km, người dân Sierra Leone đã xây dựng Đài tưởng niệm Chiến tranh Khukri trên bờ sông Moa.

Nguyễn Xuân Thủy
.
.