Cuộc sống bí mật của Đại tá tình báo Lev Gavrilov
Bây giờ thì ông có thể được gọi tên một cách đầy đủ: Lev Alekseevich Gavrilov, sinh năm 1929, quân hàm - Đại tá, học vị - Tiến sĩ. Nhưng thú vị nhất trong lý lịch khoa học của ông là mã chuyên môn nghề nghiệp quân sự - nhân viên tình báo mật. Ngày 22/3/2025, cựu giảng viên, phó trưởng khoa tiếng pháp của Đại học quân sự Liên bang Nga, Đại tá Lev Gavrilov đã từ trần, hưởng thọ 96 tuổi.
Để tưởng nhớ Lev Gavrilov, xin trân trọng giới thiệu vài nét về quãng đời bí mật của ông.
Bài học tiếng Pháp
Về giai đoạn này trong cuộc đời mình, Lev Gavrilov kể như sau: "Tôi đã thu thập thông tin cần thiết cho đất nước. Lưu ý rằng, tôi chưa bao giờ giết ai. Còn tình báo là công việc của tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia chỉ trích gay gắt hoạt động này".
Đây là quan điểm của Lev Gavrilov về một chuyên ngành không mấy phổ biến và hoàn toàn bí mật. Tuy đã cao tuổi, ông vẫn tiếp tục giảng dạy tiếng Pháp tại Đại học Quân sự của Bộ Quốc phòng, hoạt động thể thao và đi du lịch khắp thế giới. Tuy nhiên, giờ đây ông đi du lịch không phải vì nhiệm vụ đặc biệt mà chỉ để tận hưởng cuộc sống.

Lev Gavrilov gia nhập ngành tình báo năm 1953, khi thế giới bị chia thành hai khối quân sự-chính trị sở hữu vũ khí hạt nhân sau hai cuộc đại chiến. Đây là thời kỳ Chiến tranh lạnh, và vai trò của các cơ quan tình báo trong giai đoạn này vô cùng quan trọng, nghề tình báo cũng rất được ưa chuộng và có phần lãng mạn nhờ các tiểu thuyết trinh thám và điện ảnh. Chính vì thế, khi Lev Gavrilov, một cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại giao Moscow (MGIMO), được mời trở thành "chiến binh trên mặt trận vô hình", ông đồng ý ngay lập tức. Tuy nhiên, khi biết mình được chọn không chỉ làm điệp viên mà còn là điệp viên mật, ông rất ngạc nhiên. Vì ông không giống bất kỳ nhân vật nào trong các bộ phim tình báo, và cũng không có thành tích thể thao nào nổi bật.
Quá trình đào tạo điệp viên mật diễn ra tại một căn hộ bí mật trong tòa nhà đẹp và kiên cố, cách trung tâm Moscow không xa. Tại đây, học viên được dạy mọi thứ cần thiết khi ra nước ngoài: từ ngoại ngữ đến liên lạc vô tuyến và viết mật mã. Ngoại ngữ đầu tiên Gavrilov học ở trường đại học là tiếng Pháp, nhưng giờ đây thầy giáo dạy ông nói như những người Pháp thực sự giao tiếp với nhau, không chỉ chú trọng đến từ vựng, phát âm và ngữ điệu mà còn cả biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ.
Ngoài ra, cần phải hiểu biết về cuộc sống ở nước ngoài nói chung và về một thành phố lớn của Tây Âu nói riêng. Vào những năm 1950, thủ đô Moscow của Liên Xô không đáp ứng được các tiêu chuẩn phương Tây thời bấy giờ, vì vậy Lev Gavrilov, 23 tuổi, đã được cử đi công tác ở Praha một tuần - để quan sát người dân các thành phố nước ngoài sống như thế nào, cách họ ăn mặc, giao tiếp, thư giãn và vui chơi. Nhưng ngần ấy xem ra vẫn chưa đủ.

Chuyến tàu sang Phương tây
Đây là chuyến công tác đầu tiên sang bên kia "bức màn sắt" với tư cách là một điệp viên mật - lý lịch giả, hộ chiếu Pháp mang tên người khác và nhiệm vụ bí mật cần phải hoàn thành. Trên chuyến tàu sang Áo, nhân viên soát vé đề nghị Lev Gavrilov đi theo anh ta. Ông hỏi bằng tiếng Pháp có chuyện gì vậy. Đáp lại, nhân viên soát vé trả lời bằng tiếng Đức, nhưng Lev Gavrilov không hiểu anh ta nói gì. Rõ ràng là nhân viên đường sắt có ý định đưa ông đi đâu đó và đang tỏ ra rất bức xúc.
Suy nghĩ đến tình huống xấu nhất, Lev Gavrilov tự hỏi: "Liệu mình có bị bắt không?". Trong khi đó, người kiểm soát vé vẫn kiên trì yêu cầu ông đi theo. Không biết mọi chuyện sẽ kết thúc thế nào, nếu không có một hành khách ngồi gần đó giải thích bằng tiếng Pháp bồi với Gavrilov rằng vé của ông ghi hạng 2, nhưng ông lại ngồi ở hạng 1, đơn giản là họ muốn chuyển ông sang toa đúng hạng. Chỉ có thế thôi...
Thời gian đầu ở Pháp, hàng ngày Lev Gavrilov đi dạo quanh Paris, cố gắng tìm hiểu và ghi nhớ thành phố thật kỹ. Trước hết, ông quan tâm tới việc làm sao để nhanh chóng đến được các địa điểm cần thiết. Ông tìm hiểu xem nơi nào dễ dàng tránh được những kẻ theo dõi và, điều quan trọng hơn, làm sao để phát hiện ra chúng. "Nếu nhận thấy có “đuôi” bám theo, - Lev Gavrilov kể, - không nhất thiết phải ngay lập tức và bằng mọi giá tìm cách thoát khỏi nó. Quan trọng là phải nhìn thấy nó. Hãy để nó đi theo, xem xét và đảm bảo rằng bạn là công dân tốt, không có ý định làm điều gì bất hợp pháp".
Nhưng ông không biết phải hành động thế nào khi bị phát hiện và bắt giữ. Ngay trong thời kỳ huấn luyện, ông muốn đặt câu hỏi này cho các giảng viên, nhưng không dám và cứ chờ xem họ có tự nói ra không. Tuy nhiên, không ai nói gì cả, lúc bấy giờ, Lev Gavrilov hiểu rằng không có câu trả lời chung cho vấn đề này...

Sinh viên vĩnh cửu
Ban đầu, Lev Gavrilov sống ở châu Âu với hộ chiếu Pháp do lãnh sự quán Pháp cấp tại một trong các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, thời hạn của hộ chiếu sắp hết và ông cần phải xin hộ chiếu mới ở phương Tây: loại hộ chiếu này sẽ được tin cậy hơn ở bên kia "bức màn sắt". Vì mục đích này, Gavrilov tạm thời chuyển đến Ý.
Thủ tục cấp hộ chiếu tại lãnh sự quán Pháp ở Rome mất 3 tháng, và để có lý do lưu trú dài hạn như vậy ở nước này, Lev Gavrilov vào học trường đại học dành cho người nước ngoài, nơi công dân các quốc gia khác nhau học tiếng Ý.
3 tháng sau, Gavrilov xin được hộ chiếu Pháp mới và vượt qua kỳ thi tốt nghiệp tại trường đại học, đạt 27/30 điểm môn tiếng Ý. Giờ đây, để tạo ra một câu chuyện hợp lý, ông cần phải học thêm một trường đại học Pháp, nhưng trước tiên, ông cần phải có bằng cử nhân, mà bằng này chỉ được cấp sau kỳ thi ở Đại học Paris, còn để chuẩn bị thi, ông phải học ở một trường trung học hoặc trường tư. Vì Lev Gavrilov đã quá tuổi để vào trường trung học, ông quyết định vào học cái gọi là Cao đẳng Ampère, nơi đào tạo kỹ sư điện. Tuy nhiên, ông không thích trường này: cơ sở vật chất của trường khá nghèo nàn, các buổi học thực hành được tổ chức ở một tầng hầm tồi tàn, và chất lượng giảng dạy cũng không cao.

Tại Cao đẳng Ampère, Lev Gavrilov đã tạo dựng được những mối quan hệ rất có ích cho ông về sau, nhưng ông lại thích học ở một trường tư thục, nơi có các chuyên gia trình độ cao giảng dạy. Họ kết hợp giảng dạy với công việc tại cái gọi là Trung tâm Saclay - trái tim của ngành nghiên cứu hạt nhân Pháp. Ở đây, chúng ta cần hiểu rằng thông tin tình báo đôi khi được thu thập từng chút một. Ví dụ, trong một đợt nghỉ hè, Lev Gavrilov xin làm việc tại bưu điện. Công việc của ông rất đơn giản - phân loại thư từ. Nhưng điều này giúp ông tìm hiểu địa chỉ của người gửi, và một ngày nọ, Gavrilov phát hiện ra rằng thư từ của công ty AMX - nhà chế tạo xe tăng AMX-30 và "Leclerc" - đang nằm trong tay mình...
Cứ thế, bằng cách “vừa học vừa làm”, điệp viên mật Lev Gavrilov tốt nghiệp Đại học Paris. Sau khi lấy bằng cử nhân toán học, ông tiếp tục học tại Đại học Grenoble, chuyên ngành toán, vật lý và hóa học. Ngoài ra, ông còn phải sang Bỉ học thêm về liên lạc vô tuyến tại một trường trung cấp kỹ thuật. Chính tại đây, ông nghe một giảng viên thông báo rằng Liên Xô đã phóng vệ tinh vào không gian!
Hôm đó là ngày 4/10/1957. Nhưng đối với một điệp viên mật, công khai thể hiện niềm tự hào về đất nước mình là điều không được phép. Thậm chí còn nguy hiểm nữa.
Bị phản bội
Mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng chẳng bao lâu, Lev Gavrilov bắt đầu cảm thấy lo lắng vì những sự kiện bất thường liên tiếp xảy ra. Một lần, trên đường phố, một người lạ mặt tiến đến hỏi ông liệu họ có từng học với nhau ở Nancy không. Theo kịch bản, Lev Gavrilov đúng là đã học ở đó, nhưng chỉ là kịch bản… Lần khác, khi ông đến Bỉ công tác, tại cửa khẩu, người ta lấy dấu vân tay của ông, điều này chưa từng xảy ra trước đây.
Ít lâu sau, Gavrilov biết rằng có một số người họ hàng không rõ danh tính đang tìm kiếm ông. Họ đến từ một nước mà theo kịch bản, Lev Gavrilov đã sống trước khi chuyển đến Pháp. Lần khác, một người bạn cùng đi với ông trên đường về nhà, bỗng nhiên dừng xe tại một thị trấn nhỏ và bỏ đi đâu đó. Điều này rất đáng ngờ - người ta thường làm như vậy khi muốn chỉ mặt một kẻ bị tình nghi cho ai đó.

Gavrilov không còn gặp lại người bạn ấy nữa, và chẳng bao lâu sau, ông rời nước Pháp. Trước khi đi, ông báo với những người quen rằng sang Ý gặp vợ chưa cưới. Sau đó, ông đáp máy bay đến Luxembourg, nhận chỉ thị cần thiết tại đó rồi bay tiếp sang Hà Lan. Từ Hà Lan, ông đến Thụy Điển và lên tàu thủy sang Phần Lan. Lúc này, Liên Xô đã ở rất gần.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã về hưu, Lev Gavrilov vẫn không tránh khỏi những sự kiện bất ngờ. Một người bạn của ông, Giám đốc Bảo tàng - điền trang Lev Tolstoy ở Yasnaya Polyana, mời ông cùng vợ và mẹ vợ đến nghỉ tại đây. Họ được bố trí ở trong khuôn viên điền trang, tại Nhà Volkonsky, trên tầng hai. Ngày hôm sau, từ tầng một vang lên những câu đối thoại bằng tiếng Pháp vô cùng trôi chảy. Hóa ra, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Pháp tại Liên Xô cùng con gái và một cán bộ phiên dịch đến thăm Bảo tàng. Đúng lúc đó, mẹ vợ của Gavrilov - dường như đang vào vai nữ Bá tước Volkonskaya - bất ngờ yêu cầu con rể vốn nói tiếng Pháp thành thạo, giới thiệu bà với nhà ngoại giao đến từ Paris.
Đương nhiên, bà mẹ vợ không hề biết con rể mình là một điệp viên mật hoạt động tại Pháp, còn tùy viên quân sự của bất kỳ quốc gia nào thường là điệp viên chuyên nghiệp mà Lev Gavrilov tuyệt đối không thể xuất đầu lộ diện trước mặt anh ta. Đó là lý do khiến suốt cả kỳ nghỉ bà rất giận con rể, vì ông từ chối giới thiệu bà với vị Tùy viên quân sự Pháp.
Ít lâu sau, Lev Gavrilov lại phải ra nước ngoài. Nhưng chuyến công tác này kết thúc chóng vánh - cái tên Gavrilov đã nằm trong danh sách những điệp viên Liên Xô bị kẻ phản bội Penkovsky tố giác.
Ông buộc phải trở về Tổ quốc và chuyển sang công tác nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên, phần đời này của Đại tá về hưu Lev Gavrilov hoàn toàn công khai, không có gì bí mật. Còn một số tình tiết về quá khứ của ông đến nay vẫn chưa được phép tiết lộ.